Vĩnh biệt Phùng Há cây đại thụ sân khấu tuồng - cải lương

Nghệ sĩ Phùng Há thời trẻ.

Ngày 5.7, vào lúc 0h30 phút, NSND Phùng Há đã qua đời tại TPHCM, hưởng thọ 99 tuổi. Khán giả không thể nào quên những nhân vật mà NSND Phùng Há đã để lại dấu ấn suốt hơn 3/4 thế kỷ qua: Lữ Bố, An Lộc Sơn, Mạnh Lệ Quân, cô Lựu...

"Khi lên sân khấu, mình phải là chính nhân vật đó"- NS Phùng Há từng dặn dò nhiều thế hệ nghệ sĩ lớp sau như vậy. Cả cuộc đời bà, ngoài việc cống hiến hết sức mình cho nghệ thuật tuồng và cải lương, bà còn là người sáng lập ra chùa Nghệ sĩ (TPHCM) để cưu mang những nghệ sĩ sân khấu cuối đời già nua, cô đơn và đau ốm.

Ngay cả mỗi dịp người ta tổ chức sinh nhật hằng năm, bà cũng kêu gọi những người hâm mộ thay vì mua hoa, quà tặng, hãy đóng góp vào quỹ từ thiện giúp người khốn khó. Cách đây 3 tháng, bà vẫn đón sinh nhật sớm bằng chuyến đi đến xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, Bình Phước cùng đoàn y, bác sĩ tình nguyện phát thuốc và khám miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Nghệ sĩ Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30.4.1911 tại làng Điều Hoà, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Từ khi 13 tuổi, bà đã phải mưu sinh bằng việc đóng gạch. Khi giọng hát của bà lọt tai các ông bầu gánh hát, cuộc đời của bà đã hoàn toàn thay đổi.

Thời gian đầu, bà đi hát cho gánh hát Tái Đồng Ban (Mỹ Tho). Vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của bà là vai Giả Thị trong vở tuồng "Hoàng Phi Hổ quy châu" của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Sau đó là các vở tuồng: "Thôi Tử thí Tề Quân", "Mổ tim Tỷ Can", "Anh hùng náo Tam Môn nhai" của soạn giả Nguyễn Châu Thành; vở tuồng khúc "Oan vô lượng", "Tôi của ai" của soạn giả Tư Chơi. Lúc đó, bà đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu được công chúng rất yêu thích.

Năm 1932, bà cùng nữ nghệ sĩ Năm Phỉ lập gánh Phi Long. Năm 1935, bà tự lập gánh Phụng Hảo; tiếp theo là Vân Hảo và sau cùng là Hảo Cúc Lan. Nghệ sĩ Phùng Há là diễn viên đa năng, có nhiều vai tuồng hát để đời, mà ấn tượng sâu đậm nhất là điệu hát của vai Lữ Bố trong vở "Phụng Nghi Đình". Bà còn có công đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ, trong đó có NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bạch Tuyết.

Với những đóng góp cho nghệ thuật, năm 1984 bà được phong tặng danh hiệu NSND. Ngoài ra, bà rất năng nổ trong hoạt động xã hội và có uy tín lớn trong giới nghệ sĩ cải lương. Sau ngày đất nước thống nhất, bà là cố vấn cho Ban Ái hữu Nghệ sĩ TP.Hồ Chí Minh, khu dưỡng lão nghệ sĩ và chùa Nghệ sĩ ở Gò Vấp (TPHCM). Bà đã từng là giảng viên của Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (trước năm 1975), Trường Nghệ thuật sân khấu II TP.Hồ Chí Minh (sau năm 1975).

Theo Nhật Lệ (LĐ)