Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Vết đứt gãy Trung Hoa
Vết đứt gãy Trung Hoa
Thứ Sáu 17, Tháng Bảy 2009, bởi
Những người phụ nữ Uighur đòi cảnh sát thả chồng con
Các vụ bạo động tại Urumqi và Lhasa phá vỡ huyền thoại về một nước Trung Quốc đơn khối và cho thấy mối đe doạ chia cắt chạy ngay dưới bề mặt ‘xã hội hài hoà’ mà chính quyền nêu ra, như nhận định của giáo sư Dru Gladney.
Người ngoại quốc và cả chính dân Trung Quốc thường theo thói quen vẽ ra một quốc dân Trung Hoa như khối người Hán thuần nhất, cộng với các nhóm dân tộc thiểu số kỳ lạ điểm xuyết vào bức tranh và sống dọc các đường biên địa.
Nhưng cách hiểu này che dấu sự đa dạng rất lớn về văn hoá, địa lý và ngôn ngữ, đặc biệt là chính sự khác biệt văn hoá ngay trong nhóm Hán.
Các sự kiện gần đây gợi ý rằng Trung Quốc có thể sẽ ngày càng không an toàn trong mối quan hệ dân tộc mà cả trong mục tiêu liên kết quốc gia.
Từ thập niên 1980, tại Trung Quốc sự trỗi dậy của tính cách và văn hoá sắc tộc, đặc biệt là trong nhóm dân Quảng Đông và Khách Gia (Hakka) miền Nam vốn chính thức được xếp hạng là Hán.
Bức tranh nhiều màu
Chính thức mà nói, Trung Quốc gồm 56 dân tộc với nhóm chiếm đa số là Hán, và 55 nhóm còn lại.
Điều tra dân số năm 2000 cho thấy số dân sắc tộc là khoảng 104 triệu, bằng 9% tổng số. Điều ngạc nhiên là ngày nay, việc công khai nguồn gốc thiểu số, ngay tại Bắc Kinh, lại trở nên phổ biến, ví dụ như với người Mãn.
Theo thống kê, tính từ 1982 đến 1990, số dân Hán chỉ tăng 10%, nhưng các nhóm thiểu số ‘bỗng tăng nhanh’ từ 67 đến 91 triệu. Ví dụ người Mãn tăng từ 4,3 lên 9,8 triệu, còn người Gelao ở Quý Châu tăng 714% chỉ trong tám năm.
Lý do không phải là sinh suất mà là sự chỉnh sửa trong hồ sơ: nhiều người nay tự nhận mình thuộc nhóm thiểu số nào đó chứ không phải là Hán nữa.
Còn trong hôn nhân giữa hai nhóm sắc tộc cha mẹ có quyền chọn cho con hoặc người đến tuổi 18 tự nhận mình thuộc nhóm gì.
Về mặt chính thức, nhận là người thiểu số cũng có lợi về mặt ưu tiên giáo dục, và không phải tuân thủ chính sách một con. Người thiểu số cũng trả thuế ít hơn và được quyền học tiếng của mình. Họ cũng có quyền thờ cúng ma vốn bị cấm trong nhóm Hán.
Nhóm người bị xếp hạng là Hán chiếm 91%, gồm dân từ Bắc Kinh ở phía Bắc cho đến Quảng Đông ở phía Nam, và gồm cả Khách Gia, Phúc Kiến, và các nhóm khác.
Các nhóm Hán này được cho là có cùng lịch sử, văn hoá và văn tự; sự khác biệt bị coi là nhỏ thôi, chỉ có trong phương ngữ, trang phục, ẩm thực và phong tục. Tôn Trung Sơn, nhà lãnh đạo của phong trào cộng hoà lật đổ nhà Thanh năm 1911 cổ vũ cho ý tưởng Năm Dân Tộc Trung Hoa: Hán, chiếm đa số, Mãn, Mông, Tạng và Hồi. Hồi là chữ chỉ người theo đạo Islam, gồm cả Uighur, Kazakh và người Hồi hột v.v.
Bản thân Tôn Dật Tiên là người Quảng Đông, được học hành ở Hawaii, Hoa Kỳ nhưng muốn thống nhất tất cả người Hán cùng các nhóm không phải Mãn châu như Mông Cổ, Tây Tạng và Hồi để chống lại nhà Thanh của tộc Mãn và đuổi ngoại bang.
Mục tiêu của Tôn Trung Sơn nhằm xây dựng một nước Trung Hoa đa dân tộc, đa văn hoá cũng được những người Cộng sản ủng hộ với mục tiêu thống nhất bờ cõi.
Qua nhiều thế kỷ, TQ chỉ thống nhất nhờ nền chính trị tập quyền vào tay trung ương dù có những giai đoạn bị tan rã xen kẽ với thời tập trung và khác biệt văn hoá và ngôn ngữ có thể tệ hại hơn một khi TQ bị suy yếu vì chia rẽ nội bộ.
Chính sách công nhận quyền ưu tiên của thiểu số không chỉ giúp đảng Cộng sản thực hiện mục tiêu lâu dài là tạo là một dân tộc Trung Hoa trên nền tảng củng cố sự công nhận Hán là nhóm đa số thống nhất. Nhấn mạnh sự khác biệt giữa Hán và các dân tộc khác còn nhằm giảm bới sự khác biệt trong nội bộ dân Hán.
Khác biệt rõ nét
Đảng Cộng sản còn đem khái niệm đoàn kết, thống nhất Hán vào ý thức hệ Marxist về sự tiến bộ, với Hán đi tiên phong về phát triển và văn minh.
Các nhóm thiểu số càng “lạc hậu”, “sơ khai”, thì người Hán, được coi là càng “tiến bộ”, “văn minh”, và như thế nhu cầu tạo ra một bản sắc chung, thống nhất càng lớn. Những thiểu số không ủng hộ cho chính sách phát triển bị coi là “lạc hậu” và phản lại “hiện đại”, vừa tự dậm chân tại chỗ vừa kéo cả nước tụt lại.
Nhưng ngay trong nhóm Hán cứ tưởng là thuần nhất thì cũng có tám phương ngữ: Bắc Kinh, Ngô, Việt, Tương (Hồ Nam), Khách Gia, Cống (Giang Tây), Mân Bắc và Mân Nam (chừng 40 triệu người dùng ở Triết Giang, Phúc Kiến, Đài Loan, Hải Nam). Họ nói không hiểu nhau, và ngay trong các nhóm nhỏ đó sự khác biệt văn hoá và ngôn ngữ là rất rõ nét. Ví dụ trong nhóm Quảng (Việt) thì người ở Quảng Châu không thể hiểu được dân Thái Sơn, hay người nói phương ngữ Mân Nam nói thì dân Quan Châu, Thường Châu và Hạ Môn không hiểu.
Chuyên gia ngôn ngữ Trung Quốc Y. R. Chao chỉ ra rằng sự khác biệt giữa tiếng Phổ thông (Bắc Kinh -Mandarin) với Quảng Đông tương đương với khoảng cách giữa tiếng Hà Lan với tiếng Anh, hay giữa tiếng Ý và tiếng Pháp.
Tiếng Bắc Kinh được dùng làm ngôn ngữ quốc gia, được dạy trong trường nhưng ít dùng ở ngoài trong cuộc sống hàng ngày.
Chính sách thiểu số của TQ gồm sự công nhận chính thức, tự trị hạn chế và các nỗ lực không công bố nhằm kiểm soát họ. Vì dù chỉ chiếm 9% dân số, các nhóm thiểu số sống ở vùng giàu tài nguyên bao khắp 60% đất đai cả nước. Họ cũng chiếm 90% số dân nông thôn hoặc thành phố, thị trấn biên giới từ Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông đến Vân Nam.
Thật vậy, có thể nói là người dân tộc hoá ra lại là mốt ở TQ ngày nay. Nào là lẩu cay Mông Cổ, mì Hồi giáo, quán thịt nướng Triều Tiên v,v, có ở mọi đô thị, trong lúc đồ trang sức, motif nghệ thuật và sắc thái văn hoá của thiểu số trang trí từ hình thể đến nhà riêng của người TQ.
Sự gia tăng của “văn hoá sắc tộc” ngày nay phản ánh chiều ngược lại của các phong trào đoàn kết cưỡng bức như chống phái Hữu cuối thập niên 1950, Cách mạng Văn Hoá ở thập niên 1960 và chính sách “thanh tẩy tinh thần” cuối thậpniên 1980, và tương phản với chính các vụ bạo động sắc tộc phía Tây TQ hiện nay.
Trong khi sự tách ra của một nhóm thiểu số tự nó sẽ không là một đe doạ nghiêm trọng cho một nước Trung Quốc mạnh, thì một khi nước này yếu đi vì chia rẽ nội bộ, kinh tế xuống dốc, lạm phát cao, tăng trưởng không đều hoặc tranh giành quyền lực kế vị thì quốc gia lại sẽ dễ bị chia cắt theo các tuyến văn hoá và ngôn ngữ.
Nhưng cũng vì thế, mối đe doạ với TQ có nhiều khả năng đến từ bạo loạn dân sự hoặc mang tính sắc tộc ngay trong nội bộ nhóm Hán. Chúng ta nên nhớ rằng chính những người Nam Trung Quốc có học và hướng ngoại đã đóng vai trò làm sụp đổ các triều đại Trung Hoa.
Các sắc dân miền Nam từ trước tới nay luôn duy trì ý thức họ là người Đường, lấy tinh thần là con cháu hoặc thần dân của triều Đường, chứ không phải triều Hán ở phía Bắc. (Đài truyền hình lớn chống Bắc Kinh ở hải ngoại có tên là Tân Đường Nhân-người dịch)
Cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên quốc suýt nữa lật đổ nhà Thanh cũng có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Tây (nay là khu tự trị người Choang) với sự ủng hộ ban đầu trong số sắc dân Dao và Khách Gia.
Trong thập niên tới có thể chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Đường nhân ở Nam TQ, đối nghịch với chủ nghĩa dân tộc Hán ở phía Bắc, nhất là khi sự giàu có của phía Nam làm lu mờ phía Bắc.
GS Dru Gladney* (BBC)
* chuyên gia về Trung Quốc và chủ tịch viện Pacific Basin Institute tại trường Pomona College, California
Xem online : Bạo lực ở Tây Tạng