Một ngày ở Thanh Hoá, đất sinh vua tạo chúa

Nhà Trần suy tàn, Hồ Quý Ly lên ngôi với những ý tưởng kinh tế mới mẻ. Nhưng cũng như bao ông vua mới của Việt nam khác, đầu tiên là phải lo giữ “nón” (ông bạn lớn ở phía Bắc chúng ta rất thích những dịp thay vua đổi chúa thế này để nhảy vào). Thăng Long tuy là đất rồng bay nhưng chưa bao giờ là nơi an toàn cho việc phòng thủ, Hoàng đế Chăm đi Thăng Long như đi chợ, quân Nguyên thì lần nào sang cũng ra vào như chỗ không người. Sau này nghe nói Pháp chiếm cũng chỉ dùng có 1 đại đội lính. Chắc vì lẽ đó, nhà Hồ đã cho xây kinh đô mới (nay ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) gọi là Tây Đô. Khu di tích chỉ còn lại những bức tường thành mỗi chiều hơn 1km, tuy đã sụp đổ nhưng vẫn giữ nguyên vẻ hùng vĩ.

Khu di tích Quốc miếu nhà Nguyễn ở Gia Miêu, Hà Trung, Thanh Hoá

Nhờ có sự giới thiệu và động viên nhiệt tình của cô hàng nước xinh đẹp dưới cổng thành, lại thêm được cái thang tre ọp ẹp chúng tôi leo lên tận mái thành. Trên cao, thoáng mát, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào thế dựa núi, trông sông của nơi đã từng là trung tâm quyền lực của Việt nam trong gần 7 năm, cố hình dung ra bóng dáng những cung tần, mỹ nữ dưới những nếp nhà tranh ọp ẹp trên vài cái gò cao hiện có trong thành. Những cải cách của nhà Hồ chưa kịp chiếm được lòng dân vẫn còn theo tư tưởng “trung quân” với Trần, đã bị nhà Minh đè bẹp trong cuộc xâm lược, và nước ta lại trở thành một quận của ngoại bang cho đến khi Lê Lợi bừng giấc mộng.

Rời thành nhà Hồ, chúng tôi men theo đường tỉnh lộ, bám hướng tây nam tìm đến Lam Sơn, đất tổ của nhà Lê. Sau khi hỏi đường độ vài chục lần và chạy ngoằn ngoèo trong những quả đồi đầy ngô và mía của vùng trung du Thanh Hoá, chúng tôi cũng thoát ra được một chỗ có vẻ sáng sủa, hoá ra là nông trường Lam Sơn (ở Thanh Hoá chắc phải hàng trăm địa danh có tên là Lam Sơn). Từ đây đến Lam Kinh còn phải 15km nữa. Con đường HCM qua đây, năm trước chúng tôi đi còn bụi mù bây giờ đã phẳng phiu chờ đón dân 2 bên đường xông ra làm quán. Lam Kinh, kinh đô thứ hai của nhà Lê, (kiểu trang trại của các ông chủ mới bây giờ) là nơi để các vua lui về lúc nghỉ ngơi, cũng là nơi an táng ngọc thể, được dựng ngay tại Lam Sơn, vốn là một quả đồi nhỏ vì có chim hay bay lượn nên tổ nhà Lê đã dời về. Đến nơi mới thấy băn khoăn về lý do Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa. Ông bắt đầu từ năm 32 tuổi, nên quyết không thể do bồng bột bị xui khiến. Nhà ông giàu có, nuôi hàng ngàn thực khách nên quyết không thể vì nghèo đói bị áp bức. Gia đình yên ấm nên quyết không phải trả thù riêng. Phải chăng là chí lớn cần có thời gian mới phát lộ (như Thánh Gióng thì lại quá sớm).

Đáng ngạc nhiên là mộ Lê Lợi còn hầu như nguyên vẹn, giản dị và khiêm tốn, được xếp gạch xung quanh, ở giữa không xây để người trong mộ vẫn có thể giao hoà với trời đất (thật là một ý tưởng tuyệt vời). Độc đáo là bia Vĩnh Lăng do đích thân Nguyễn Trãi thảo, miêu tả một sự nghiệp lẫy lừng bằng những lời lẽ ngắn gọn, minh triết, kết thúc bởi 19 chữ Hán: “Vua lên ngôi được 6 năm, thức khuya dậy sớm, đất nước thịnh trị, đến nay băng”. Kiệm lời nhưng vĩ đại. Đội bia Vĩnh Lăng là một con rùa đá lớn, tương truyền chính là thần Kim Quy. Bằng chứng là rùa có 6 móng, móng thứ 6 bị khuyết, trong khi đó tiêu bản rùa tại đền Ngọc Sơn chỉ có 5 móng. Chiếc móng thứ 6 đó chính là chiếc đã cho An Dương Vương mượn rồi sơ ý để Trọng Thuỷ ăn cắp mất, làm cho dòng giống Kim Quy trở thành invalid. Cung điện cũ nguy nga chỉ còn lại thềm rồng và những chân cột đá, chắc có thể phục hồi được. Khi chúng tôi hỏi gặng thành bị phá lúc nào, anh hướng dẫn ý nhị dẫn sách trong dân gian ghi rằng: “Giặc Tây Sơn đốt, 2-3 tháng sau cung điện vẫn còn bốc cháy”

Cũng như bao triều đình phong kiến khác, sau sự phát triển rực rỡ của những thời kỳ đầu, (ví như thời Lê Nhân Tông với bộ luật Hồng Đức) nhà Lê nhanh chóng rơi vào ăn chơi sa đoạ, để mất nước vào tay nhà Mạc, kết thúc thời Lê Sơ, tạo sân khấu cho hai nhân vật mới xác định dòng lịch sử cho cả hàng trăm năm tiếp theo của đất nước: cha con Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm (con rể). Nguyễn Kim đã có công tìm được hậu duệ nhà Lê (chính là chúa Chổm trong cổ tích), dựng nghiệp ở Thanh-Nghệ hình thành thế Nam-Bắc triều, Trịnh Tùng, con Trịnh Kiểm là tướng đánh trận cuối cùng làm cho nhà Mạc phải bỏ chạy lên Cao Bằng khởi đầu thời Lê Trung Hưng, một thời đại Vua chỉ là hình thức, quyền lực nằm trong tay Chúa và cuộc chiến Trịnh-Nguyễn lại chia cắt đất nước.

Chúng tôi quay lại phủ Trịnh, 17 km từ quốc lộ 1, đoạn qua Hà Trung. 12 đời chúa Trịnh oai hùng từng thực sự cai trị đất nước, tuy không có nhiều thành tích vẻ vang nhưng cũng chẳng thể là một giai đoạn đen tối. Vậy mà đến năm ngoái nhà nước mới công nhận Phủ Trịnh là di tích lịch sử, và họ mạc mới có chút tiền để bắt đầu xây nhà thờ cũng như đặt tượng chân dung của 12 vị. Một khu vườn còn hoang tàn, một tấm bia to mốc meo nhưng chưa kịp có chữ, tuy nhiên cũng đã thấy nụ cười của những hậu duệ được công nhận (một cụ rỉ tai tôi: có khối lãnh đạo thực ra là họ Trịnh nhưng đi hoạt động nên đổi họ đấy).

Nhưng nhà Trịnh còn may mắn, ít ra là hỏi 108 hoặc các công ty du lịch thì ai cũng biết phủ Trịnh ở đâu. Còn khi chúng tôi hỏi đến nhà thờ Nguyễn Kim thì chịu cả. May được một ông khách lang thang cùng ở Lam Kinh, quê ngay tại Hà Trung, chỉ cho mới rõ. Đó chính là thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung. Biết địa chỉ thế mà dân quanh vùng cũng chẳng biết, cứ phải vừa đi vừa hỏi. Đến đúng một nhà đang ăn cơm thì cụ ông mừng rối rít khi thấy chúng tôi: “con cháu Nguyễn Kim hả, Bảo Đại hả, vào đây, chính nhà thờ tổ đây rồi”. Thôn Gia Miêu có 3 chi Nguyễn: Nguyễn Văn, Nguyễn Đình và Nguyễn Hữu. Nguyễn Kim thuộc chi Nguyễn Hữu. Tình trạng còn thảm thương hơn phủ Trịnh. Chắc mang tiếng bán nước, nên không ai dám công nhận quê tổ của những ông vua cuối cùng của dân tộc. Cụ ông trưởng tộc vội vàng mang sổ ra để chúng tôi viết vài chữ lưu niệm cùng với những hậu duệ Nguyễn Phúc ... và Tôn Thất.. từ những Sài Gòn, Paris, New York. Nhà thờ là 3 gian nhà ọp ẹp do cụ trưởng tộc tên là Mịch chăm nom. Trong nhà thờ tổ còn một câu đối do đích thân Bảo Đại gửi tặng. Cụ nhiệt tình kể rằng hằng năm giỗ họ có đến hàng nghìn người về, xe đỗ chật lăng. Chắc chắn đấy cũng là mơ ước của chúng tôi. Còn hiện giờ, miếng sân toen hoẻn này quá 30 người chắc chắn là không có chỗ chen chân, còn lăng vẫn đang là bãi cỏ dại trâu bò đang ngày đêm phóng uế. Tuyệt không tương xứng với một dòng họ đã có công đặt tên nước và mở mang bờ cõi như Việt Nam ngày nay.

Vậy đấy, không hiểu chúng ta đã “bắn súng lục” vào lịch sử chưa?

Nguyễn Thành Nam, FPT