Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Làng Trung Tự (Đông Tác)

Làng Trung Tự (Đông Tác)

Đông Tỉnh

Thứ Ba 2, Tháng Giêng 2007

Làng Trung Tự xưa phía đông giáp làng Kim Liên, phía tây giáp làng Nam Đồng và Khương Thượng, phía nam giáp làng Phương Liệt, phía bắc giáp làng Trung Phụng. Trong nửa cuối thế kỷ 20, đồng làng đã trở thành hai khu tập thể Trung Tự và Kim Liên, phần thổ cư còn lại của dân sở tại gồm hai phần: làng trên thuộc về phường Phương Liên, xóm dưới thuộc về phường Kim Liên, quận Đống Đa, tp Hà Nội.

Làng Trung Tự vốn thuộc phường Đông Tác, một trong 36 phường của Kinh đô Thăng Long thời Lê. Từ năm 1831 triều Nguyễn bỏ phường này, lập tổng Tả Nghiêm, thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Dân Trung Tự sống chủ yếu dọc đoạn đê La Thành phía nam (nay giáp đoạn giữa phố Xã Đàn) và ở xóm trại Cam Đường (giáp phố Đông Tác).

Cổng cũ của đình Trung Tự nay giáp ngã phố Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch. Photo ©NCCong 2013

Dân làng Trung Tự xưa kia sống bằng nghề làm ruộng và trồng rau. Vào thời Lê có một số hộ dân đã lên khu phố Cầu Gỗ và đầu phố Hàng Bạc bây giờ để mở cửa hàng, nhận quần áo về nhuộm hoặc thuê dân làng Kim Hoa nhuộm. Phần đông các hộ này về sau ở lại phố, lập ra 3 xóm Đông Tác Nhiễm Thượng, Đông Tác Nhiễm Trung và Đông Tác Nhiễm Hạ (nhiễm nghĩa là nhuộm).

Cổng mới của đình Trung Tự giáp ngõ 198 Xã Đàn. Photo ©NCCong 2013

Các tư liệu Hán Nôm còn lưu cho biết: vào cuối thế kỷ 16, đầu TK 17, một số kẻ quyền thế ở làng Kim Hoa bên cạnh đã chiếm khá nhiều đất đai của làng Đông Tác, khiến nhiều gia đình trong làng phải bỏ đi nơi khác. Cuộc tranh kiện kéo dài mấy chục năm. Năm Quý Sửu 1673, triều đình đã xử thắng cho làng Đông Tác. Văn bản pháp lý về vụ kiện này được ghi lại trên tấm bia hộp “Đông Tác phường Trung Tự thôn địa giới kiệt” (Mốc địa giới thôn Trung Tự, phường Đông Tác) lập ngày 2-6 âm lịch năm Quý Sửu, niên hiệu Long Đức (1733), hiện còn lưu ở đình làng.

Tấm bia hộp đặt ở đầu đình Trung Tự. Photo ©NCCong 2013

Thành hoàng làng là Đại Vương Hy Quang, người họ Nguyễn Đông Tác. Đình làng có từ khoảng cuối TK 17, trước đó vốn là một ngôi đền nhỏ thờ thần Cao Sơn và Huệ Minh công chúa, về sau đình còn được mở rộng vào khoảng năm 1825. Đình xây theo kiểu chuôi vồ, tiền đường rộng 5 gian, hậu cung có 3 gian và 1 gian nối mái.

Sân đình Trung Tự. Panorama ©NCCong 4-2014

Cửa đình xưa quay về hướng tây-nam, bên cạnh có văn chỉ, trước sân đình có nhà thờ hai Đức Ông Văn Võ. Hiện nay chỉ còn ngôi đình chính và nhà thờ, đều mới được xây lại. Nhà thờ từng bị phá và thu hẹp, không còn hiện vật gì quý. Bên trái sân đình là cây thị ba trăm tuổi, cạnh gốc cây có tấm bia đá hình hộp, hai mặt chữ úp vào nhau. Đình đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1992.

Chùa Trung Tự. Photo ©NCCong 2013

Tấm bia bằng gỗ khắc năm 1741 ghi rõ việc dựng đền thờ thần Cao Sơn và ngôi chùa làng. Chùa làng Trung Tự, tên chữ là Phúc Long tự, chỉ cách đền hơn trăm bước, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17 đầu TK 18 trên một khuôn viên khá rộng, cũng nhìn ra ngoài đê La Thành. Hiện còn một tấm bia cổ, một chuông đồng và một số bia hậu. Chùa có kết cấu kiểu chữ “đinh”, đã được sửa chữa nhiều lần và đang còn mở rộng nữa.

Sân chùa Phúc Long. Panorama ©NCCong 4-2014

Ngày 11 và 12/8/2010, Đại lễ “Uống nước nhớ nguồn” đã được tổ chức tại chùa Trung Tự với sự tham dự của nhiều đại diện các cơ quan cùng hàng ngàn phật tử, người dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức trướng tri ân thành kính: “Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ”. Bức trướng của thượng tướng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ghi: “Tưởng nhớ đến hương linh các anh hùng liệt sỹ và những người có công với dân với nước là nghĩa cử cao đẹp và thiêng liêng nhất trong mỗi người chúng ta”.

Làng Đông Tác - Trung Tự có họ Nguyễn gốc từ Gia Miêu ngoại trang, Thanh Hóa, là gia tộc lớn, sinh ra nhiều danh nhân. Người đầu tiên là Nguyễn Hy Quang (1634-1692) khi còn đang đi học cũng đã bày cách cho dân làng tranh kiện đòi lại đất đai với các chức dịch làng Kim Hoa. Về sau, Nguyễn Hy Quang đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương khoa Đinh Dậu (1657), vào thi Hội trúng Tam trường, lại đỗ khoa Sĩ vọng năm Canh Tuất (1670), được bổ chức Giáo thụ phủ Thường Tín. Chúa Trịnh biết tiếng ông, bèn triệu vào Phủ Chúa, cho làm tân khách của Vương thế tử Lương Mục Công, rồi lại dạy cả con của Lương Mục Công là Tấn Quốc Công Trịnh Bính. Sau khi mất, Nguyễn Hy Quang được Chúa Trịnh truy tặng hàm Thị lang, lại gia phong Thượng thư, tước Hiển Quận Công, phong Phúc thần, cho dân hai phường Đông Tác và Kim Hoa là dân tạo lệ (được miễn phu dịch, để trông nom đền miếu, hàng năm Xuân-Thu hai kỳ tế lễ).

Điện Phật ở chùa Trung Tự. Photo ©NCCong 4-2014

Một người thành danh khác cũng của họ Nguyễn Đông Tác, được ghi trong sử sách là Nguyễn Trù (阮 儔 1668-1738), tự là Loại Phủ, đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa, đời Vua Lê Hy Tông (1697), làm quan trải các chức Đốc trấn Cao Bằng, Hữu Thị lang bộ Hình kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Ông là bậc “Học hỏi rộng rãi, thường san định, chú giải các sách “Sách học đề cương” và “Quần hiền phú” được lưu hành ở đời”. Sau khi mất, được tặng Công bộ Tả Thị lang, tước Xương Phái hầu.

Đầu thế kỷ 19, lại có Nguyễn Văn Lý (1795-1868), tục gọi ông Nghè Đông Tác, tự Tuần Phủ, hiệu Đông Khê, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1832), đời Minh Mạng. Ông từng làm Án sát tỉnh Phú Yên và Đốc học tỉnh Hưng Yên, Hàn lâm viện Trước tác, là một nhà giáo và nhà văn hóa của Hà Nội, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có “Đông Khê thi văn tập” và “Đông Tác Nguyễn thị gia huấn”.

Cuối thời Nguyễn, làng Trung Tự còn có 3 người đỗ Cử nhân là : Cao Văn Dao (khoa thi Kỷ Mão 1879 đời Tự Đức); Nguyễn Hữu Quý (khoa Bính Tuất 1886 đời Đồng Khánh), Nguyễn Hữu Cầu (khoa Bính Ngọ 1906 đời Thành Thái), hai người sau cũng thuộc họ Nguyễn Đông Tác. TS Bùi Xuân Đính cho biết Cao Văn Dao thuộc hàng cháu nội của Cao Bá Quát, đã bỏ quê từ Gia Lâm chạy sang đây trốn tránh khi có án tru di tam tộc họ Cao năm 1855. Hai họ quen nhau từ trước vì Nguyễn Văn Lý vốn là bạn vong niên của Cao Bá Quát.

Giữa TK 20 làng lại có thêm 2 danh nhân: nhà giáo Nguyễn Hữu Tảocư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha - tác giả của gần trăm cuốn sách, nổi tiếng nhất là bộ Hán-Việt Tự điển. Hai người là anh em ruột, con của ông Cử Nguyễn Hữu Cầu.

Đầu TK 21, làng Trung Tự đã biến mất do đô thị hoá, chỉ còn vài dấu tích lưu giữ ở đình, chùa làng và một số gia đình lâu đời. Các mồ mả và lăng Thành hoàng cũng di chuyển hết về nghĩa trang Thanh Tước và Yên Kỳ. Hiện có hai địa danh cổ xưa được dùng tiếp trong hành chính là phố Đông Tácphường Trung Tự. Trên bản đồ ta thấy rất nhiều tuyến xe bus đi qua địa phận Trung Tự cũ nhưng không đường phố nào mang tên các danh nhân của làng này.

Cập nhật bài và ảnh: Đông Tỉnh
Tham khảo: TS Bùi Xuân Đính, báo ANTĐ


Xem online : Phố Đông Tác