Dư luận thế giới tiếp tục bàn về chuyến đi của ông Clinton

Chuyến thăm chớp nhoáng Bình Nhưỡng của ông Clinton quả là đã để lại dư âm lâu dài. Mấy ngày qua cả thế giới vẫn sôi nổi bàn tán về chuyến đi ấy; qua đó người ta biết thêm một số thông tin thú vị.

Thì ra Mỹ và Triều Tiên đã bí mật đàm phán với nhau từ đầu về vấn đề thả hai nữ nhà báo, ngay sau khi họ bị bắt giữ (17/3). Đàm phán thông qua đại sứ Thụy Điển tại Bình Nhưỡng và các thông tin chuyển từ đây về Washington lại do chính hai nhà báo-tù nhân thực hiện. Kim Jong-il khôn ngoan giam hai nữ nhà báo mỗi người một nơi, và tuy kết tội họ nặng thế nhưng ông lại giam họ trong ... khách sạn, cho phép họ thường xuyên gọi điện về nhà. Thế chẳng phải là để họ làm nhiệm vụ chuyển thông tin đấy ư?

Và trong thực tế, chính phủ Mỹ ngày nào cũng liên lạc với gia đình họ để nắm tin tức phản hồi từ Bình Nhưỡng. Washington muốn qua dịp tiếp xúc này để yêu cầu Triều Tiên trở lại hội đàm 6 bên. Mỹ và Triều Tiên đều suy nghĩ thận trọng từng nước đi của ván cờ. “Đây là một quá trình ngoại giao được trù tính kỹ, cả hai bên đều cân nhắc từng chi tiết” – một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói.

Đáng chú ý là phía Triều Tiên làm rùm beng vấn đề này, điều đó thể hiện sự nôn nóng muốn đối thoại với Mỹ để làm dịu tình hình. Phía Mỹ thì im lặng không công khai nói gì, chứng tỏ có quyết tâm lớn giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Giữa tháng 7, Bình Nhưỡng nói với hai nữ tù là nếu ông Clinton đến đây xin tha cho họ thì họ sẽ được tự do. Sau đấy mọi việc tiến triển nhanh. Chỉ trong vài hôm, gia đình hai nữ tù đã cùng sếp của họ là ông Al Gore trao đổi với ông Clinton vấn đề này.
Vị cựu Tổng thống đầu bạc vui lòng nhận lời. Thực ra ngay từ tháng 5, ông đã nhận được đề nghị giải thoát cho hai nữ nhà báo, khi ấy ông đang ở Seoul để gặp cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung bàn vấn đề thúc đẩy chính sách hoà giải với Triều Tiên.

“Ông Clinton là người lý tưởng để chọn đi (Bình Nhưỡng), cũng là người tin cậy, vì ngày xưa ông từng xử lý vấn đề gai góc (hạt nhân Triều Tiên) này. Ông ấy sẽ không làm điều gì khiến Quốc vụ khanh (Hillary) không hài lòng” – ông Charles Pritchard cựu đặc sứ vấn đề Triều Tiên của Tổng thống Bush nói.

Trước chuyến đi, chính quyền Mỹ đã bỏ khá nhiều thời gian để kiểm tra sự chân thành của đối phương nhằm tránh trường hợp ông Clinton tay trắng trở về. Ngày 27/7 đài phát thanh Bình Nhưỡng nói chính phủ nước họ có thể sẽ trở lại đối thoại với Mỹ. Nhận được tín hiệu rõ ràng và có uy quyền đó, chính phủ Obama đồng ý chuyến đi của ông Clinton, nhưng trước đó họ đã yêu cầu Bình Nhưỡng xác nhận đây chỉ là chuyến viếng thăm có tính nhân đạo, không liên quan gì tới vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Khoảng chục hôm trước chuyến đi của ông Clinton, Bình Nhưỡng đưa ra danh sách 10 người họ nói có thể chấp nhận sang đón hai nhà báo về.

Bộ trưởng ngoại giao Hillary lúc đầu định đề nghị ông Al Gore đi Bình Nhưỡng, nhưng cuối cùng Tổng thống Obama qua tin tức từ gia đình hai nhà báo nữ, đã quyết định chọn ông Clinton. Tổng thống chỉ tiếp xúc với Clinton qua cố vấn an ninh của mình là James Jones. Ê kíp Obama đoán Bình Nhưỡng đang tìm cách trở lại tiếp xúc với Washington sao cho vẫn giữ được thể diện sau nhiều lần họ tự làm mất thể diện vì nói lời mà không giữ lấy lời.

Rõ ràng, Kim Jong-il tuy đồng ý thả hai nhà báo song lại quyết không bỏ lỡ dịp sử dụng cái đòn bẩy ngoại giao quan trọng này: ông cần một nghi thức có tác động ngoại giao để lấy lại thể diện cho ông, đồng thời ấn nút khởi động đợt đàm phán trực tiếp mà ông đang nóng lòng muốn có. Ông ngửa bài: vai chính của nghi thức đón hai nhà báo được thả này phải là cựu Tổng thống Clinton, người năm 1994 từng cử ông Carter sang Bình Nhưỡng giải quyết thành công cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đúng vào lúc Mỹ định đánh bom cơ sở hạt nhân của nước này, và năm 2000 lại cử bộ trưởng ngoại giao Albright - quan chức Mỹ cao nhất đến thăm Triều Tiên trong lịch sử cận đại. Sau đó chính Tổng thống Clinton lại có ý định đến thăm Bình Nhưỡng nhằm lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nhưng chuyến đi ấy không thực hiện vì ông thất cử năm 2000. Dĩ nhiên Kim Jong-il nhắm vào điều quan trọng nhất: Clinton cùng đảng Dân chủ với Tổng thống Obama và có vợ là đương kim bộ trưởng ngoại giao; nghĩa là có thể thay mặt cho chính phủ Mỹ một cách không chính thức.

Thành công lớn nhất của ông Clinton là đã được lãnh tụ bí ẩn Kim Jong-il tiếp kiến tới 3 giờ đồng hồ, trong đó bữa ăn tối mời khách chiếm khoảng một nửa thời gian. Phía Triều Tiên cũng coi đây là thắng lợi lớn của họ. Đi cùng Clinton có bác sĩ riêng của ông và đây là dịp Triều Tiên chứng tỏ cho cả thế giới biết là lãnh tụ của họ vẫn khỏe mạnh (đủ sức tiếp khách 3 giờ liền), tỉnh táo và đãi đằng khách rất đàng hoàng với tư thế kẻ thắng.

Thực ra chuyến đi của ông Clinton là thắng lợi của cả hai bên. Tổng thống Obama được lòng dân Mỹ vì đã giải thoát công dân nước mình mà không gây ra căng thẳng với Triều Tiên. Song, ý nghĩa quan trọng của chuyến đi ấy là đã tạo ra cho Triều Tiên một sân chơi quốc tế có thể giữ được thể diện cho Kim Jong-il.

Giờ đây, ông Obama đang đứng trước thách thức: sẽ đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng như thế nào. Ông sẽ phải vượt qua ba cửa ải:
— tìm kiếm được sự đồng thuận của Nhật và Hàn Quốc (bảo đảm an nình cho hai nước này đồng thời giải quyết vấn đề con tin Nhật, Hàn bị Triều Tiên bắt giữ);
— phải được sự đồng thuận của thế lực cứng rắn ở Mỹ, như lực lượng Tân bảo thủ và dư luận một số cộng đồng phản đối “nói chuyện với kẻ khủng bố”;
— phải được Trung Quốc và Nga đồng ý, vì không có hai nước này làm trung gian thì khó làm tan băng mối quan hệ với Triều Tiên.

Điều dư luận đang mong chờ là báo cáo đánh giá kết quả chuyến đi Bình Nhưỡng do chính ông Clinton trình lên Tổng thống Obama một ngày sắp tới.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp từ nhiều nguồn tin nước ngoài