Điểm sách

"Vu khống" - chuyện của một người điên

Ảnh bên: Nhà văn Linda Lê

Trái với suy nghĩ thường thấy, "điên" là một chủ đề khá phổ biến trong văn học và nghệ thuật. Từ Sophocle đến Shakespeare, rồi Charles Dickens, N.V. Gogol, Tchekhov, W. Faulkner, Stefan Zweig, Lỗ Tấn... câu chuyện về những người hành động không bình thường này luôn mang đến nguồn cảm hứng cho những nhà văn lớn. Danh sách những người nổi tiếng bị biết đến như những người "điên" cũng không ngắn: Van Gogh, Guy de Maupassant, Nietzsche, Blaise Pascal... Tiểu thuyết "Vu khống" của nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê đã thêm vào danh sách ấy một câu chuyện hấp dẫn.

Hấp dẫn nhưng không dễ đọc bởi tác giả đã chọn một văn phong súc tích, chặt chẽ và không thừa lấy một chữ. Tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện của một kẻ xưng tôi. Là một người nhập cư (có lẽ là từ Việt Nam và không biết tiếng Pháp), anh ta bị gia đình gửi vào một trại thương điên ở Pháp suốt mười năm với hi vọng cách ly hoàn toàn anh ta với mọi quan hệ với gia đình, xã hội. Được một bác sĩ tốt bụng giúp đỡ, anh tự cứu chính mình bằng việc học tiếng Pháp, đọc những tác phẩm trong thư viện.

Nhưng một lá thư của người cháu gái gửi đến cho anh đã phá vỡ sự yên bình mà anh đã thiết lập được cho mình trong trại thương điên: "Thoát, tôi tưởng tôi thoát chứ. Vậy mà lại bị mấy cái gien túm lại. Vậy mà một cái thư lại nhắc tôi phải nhớ tới cái gia đình đã cán bẹp bộ não tôi, huỷ diệt tuổi trẻ tôi, phá hư đời tôi". Cô cháu gái hỏi một người "điên" chỉ đường cho mình trong cuộc sống và nói rằng anh là người duy nhất trong gia đình cô muốn giữ quan hệ. Anh trở lại với cuộc sống "bình thường" và làm việc trong một thư viện.

Ngày trở về cũng chẳng êm đềm khi người anh yêu - em gái ruột hoặc một người họ hàng gần - đã treo cổ tự vẫn. Anh sống vật vờ bên gia đình, xã hội và tiêu tiền theo một cách cũng "điên": trả tiền cho lão hàng xóm để cô bé con lão mà lão bắt phải tiếp khách được ngủ yên vài đêm còn anh thì trốn lại thư viện mình làm những đêm ấy. Câu chuyện của anh xoắn vào câu chuyện của cô cháu gái, của tay tham vấn người đặt hàng để cô gái viết, của anh trai cô và của một người thợ giày nhập cư.

Mỗi người xuất hiện với cách hành xử, suy nghĩ hoặc sở thích "kỳ quặc" của mình. Cô gái - Nhà văn. Chưng cất thuốc dịu đau. Chế biến thuốc an thần. Làm bà chủ chứa chữ nghĩa - tự cho mình là con rối thèm ước danh vọng, mảnh giẻ rách lại muốn thành con chim sặc sỡ rỉa lông trước đám công chúng đông đảo; Ricin anh của cô là một người viết văn già đời, khổ hạnh không tha thứ mọi hèn yếu, mọi thoả hiệp và không bao giờ thoả mãn.

Cái nhìn của anh sắc bén và xuyên thấu đến tận bản chất của vấn đề: Các nước lớn có thực sự "yêu thương" các nước khó khăn, hay họ giúp các nước khó khăn để bảo vệ quyền lợi của chính họ; bản chất của các hoạt động đánh bóng hình ảnh bằng từ thiện diễn ra trên khắp thế giới, sự vô trách nhiệm trong giới báo chí truyền thông, cách hành xử của các nước lớn với các nước thuộc địa cũ...

Viên tham vấn hiện lên với vai trò người đặt hàng cho cô gái viết. Lão muốn cô phải viết theo cái cách mà công chúng trong một nước lớn muốn nghe, muốn nhìn thấy ở một nhà văn đến từ một nước cựu thuộc địa. Lão có sở thích kỳ lạ là sưu tầm các tác phẩm mang hình tay người và yêu cô thư ký ăn mặc như tấm quảng cáo treo trên đầu lão. Cuối truyện, lão lấy súng bắn vào gáy cô thư ký rồi tự giết mình.

Các nhân vật "được quyền nói" trong câu chuyện này đều có cách hành xử khác thường mà người đời thường gọi những gì không bình thường là điên. Nhà văn Pháp Anatole France viết: "Rốt cục, điên là gì nếu không phải là một loại hình tâm lý đặc thù? Điên chứ không phải là mất trí. Mất trí là việc mất đi các khả năng trí tuệ. Điên chỉ là cách sử dụng kỳ quặc và khác người của các khả năng này".

Vậy ai là người điên trong truyện? Chắc chắn không phải nhân vật chính khi anh chẳng hề mất đi sự nhạy cảm trong cuộc sống và lúc nào cũng ý thức mình đang làm gì? Có phải gia đình anh mới là điên khi xích chân cụ cố vào giường cho đến chết, giam em gái vào phòng, đẩy em trai vào trại tâm thần và tin chắc rằng đời nào dòng họ này cũng có một người điên và anh chính là người ấy? Hay mẹ cô bé là người điên khi có chồng rồi nhưng vẫn ngủ với một người nước ngoài trở về sau mỗi cuộc hành quân tàn sát vô số đồng bào mình? Và còn bao nhiêu, bao nhiêu người mà cách hành xử và suy nghĩ có thể bị coi là điên?

"Vu khống" cũng mang đến một cái nhìn từ bên trong xã hội Pháp đối với vấn đề nhập cư. Câu chuyện ấy hết sức sinh động và sâu sắc có lẽ đâu đó nó cũng chính là chuyện đời của tác giả. Linda Lê sinh năm 1963 ở Việt Nam sau đó sang Pháp sinh sống và viết văn. Khi chị đi khỏi đất nước, cuộc chiến vẫn chưa ngưng tiếng súng.

Văn học có thể là một cách hay để, như chị nói, "giữ khoảng cách với chính mình" "để ra khơi" "để đứng xa và nhìn vào những yếu tố của đời mình". Linda Lê viết tiểu thuyết đầu tay của mình năm 23 tuổi và cho đến nay đã có tác phẩm thứ mười.

Nguyễn Đình Thành (LĐCT)