Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Chi tiết về lễ tang cựu Tổng thống Hàn quốc Kim Dae-jung
Chi tiết về lễ tang cựu Tổng thống Hàn quốc Kim Dae-jung
Thứ Sáu 21, Tháng Tám 2009, bởi
Lễ khâm liệm và đóng nắp quan tài cho cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (qua đời hôm 18/8/2009) đã được cử hành vào ngày hôm qua 20/8 tại nơi tạm thời đặt bàn thờ ông ở bệnh viện Severance (Seoul) thuộc trường đại học Yonsei. Nghi thức này diễn ra từ 1h30 đến 2h chiều, do giáo chủ địa phận chủ trì, theo nghi thức của đạo Thiên Chúa. Có mặt phu nhân người quá cố là bà Lee Hee-ho và các người thân trong gia đình, đại biểu Đảng Dân chủ và một số nhân vật khác. Sau đó linh cữu ông Kim được chở đến trước cổng nhà Quốc hội (nơi sẽ cử hành lễ tang) để công chúng viếng.
Sau 6 ngày để tang trong cả nước, lễ tang ông Kim Dae-jung sẽ được tiến hành theo nghi thức quốc tang vào 14 giờ Chủ nhật 23/8. Trưởng ban Lễ tang là Thủ tướng Han Seung-soo. Thi hài ông Kim sẽ được mai táng tại Nghĩa trang Nhà nước ở Dongjak-dong, phía Nam Seoul. Bộ trưởng Lee Dal-gon nói: “(Chính phủ) chấp nhận thời gian 6 ngày để tang là căn cứ theo tình hình kinh tế khó khăn của đất nước.”
Áp dụng nghi thức quốc tang và chọn nơi mai táng nói trên cho ông Kim đều là trường hợp ngoại lệ [1]. Từ ngày lập quốc tới nay, Hàn Quốc mới chỉ một lần dùng nghi thức quốc tang cho đương kim Tổng thống Park Chung-hee [2]. Bởi vậy lễ tang ông Kim Dae-jung sẽ là lễ quốc tang đầu tiên dành cho cho một cựu Tổng thống. Cuộc họp bất thường của chính phủ đêm 19/8 quyết định như vậy.
Chính phủ từng làm lễ tang công cộng (public funeral) cho hai cựu Tổng thống Choi Kyu-ha và Roh Moo-hyun [3], nhưng gia đình ông Kim Dae-jung và Đảng Dân chủ tức phe đối lập chính hiện nay, yêu cầu quốc tang. Do đó cho tới chiều 19/8 chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định về vấn đề này.
Việc mai táng Kim Dae-jung tại Nghĩa trang quốc gia cũng có khó khăn, vì nơi này không còn đủ diện tích, do mộ của hai cựu Tổng thống Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) và Park Chung-hee đã chiếm mất nhiều chỗ (mỗi mộ 16,5x16 m). Tháng 11/2004 chính phủ đã quyết định chọn một khu vực mới trong Nghĩa trang quốc gia Daejeon (không ở Seoul) làm nơi mai táng các vị đứng đầu nhà nước, kể cả Kim Dae-jung và các cựu Tổng thống khác đang còn sống.
Gia quyến ông Kim kiên trì yêu cầu mai táng tại Nghĩa trang quốc gia ở Seoul với lý do đây là địa điểm có ý nghĩa tiêu biểu ở thủ đô và tiện cho công chúng thăm viếng. Vì thế Chính phủ buộc phải cân nhắc hai vấn đề: thiếu diện tích mai táng và cân đối với các cựu Tổng thống khác đang còn sống.
Tổng thống Lee Myung-bak nói nên tôn trọng ý nguyện của gia quyến người quá cố và do đó Chính phủ đã chấp nhận các yêu cầu nói trên. Bà Lee Hee-ho đã cảm ơn chính phủ.
Đêm 19 có khoảng 10 nghìn người đã đến bệnh viện Yonsei Severance viếng Kim Dae-jung, hơn 10 nghìn người đến viếng bàn thờ ông đặt tại toà Thị chính Seoul. Hàng chục nghìn dân đã tưởng niệm ông tại 115 bàn thờ lập trong cả nước.
Một ngày sau hôm Kim Dae-jung tạ thế, Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-il đã gửi tới Seoul điện chia buồn trong đó có viết: Tôi cảm thấy đau buồn sâu sắc khi biết tin ông Kim Dae-jung từ trần; sự ra đi của ông khiến mọi người thương tiếc, song sự nghiệp vĩ đại ông từng làm vì sự hoà giải dân tộc và thống nhất Nam Bắc sẽ lưu truyền đời đời. Giới báo chí nhấn mạnh: khi cựu Tổng thống Ro Moo Hyun qua đời, hai ngày sau Chủ tịch Kim Jong-il mới gửi điện chia buồn.
Bắc Triều Tiên cũng thông báo sẽ cử một phái đoàn cấp cao đến Seoul dự lễ tang cựu Tổng thống Kim Dae-jung. Đoàn gồm 6 người, do Kim Ki-nam, Bí thư trung ương Đảng Lao động Triều Tiên dẫn đầu, sẽ đến Seoul chiều 21/8 và ở lại hai ngày. Đây là lần đầu tiên một đoàn cấp cao như vậy của Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc; dư luận hy vọng sẽ là một dịp cải thiện quan hệ hai miền Nam Bắc.
Nguyễn Hải Hoành tổng thuật và ghi chú
Nguồn: Bản điện tử của báo Hàn Quốc CHOSUN ILBO ngày 20/8/1009
Chú thích
[1] Kim Dae-jung là kiến trúc sư của "chính sách Ánh dương" thúc đẩy hoà giải, hoà hợp giữa hai miền Triều Tiên. Ngày sinh chính xác của cựu Tổng thống Kim vẫn chưa được xác định, nhiều tài liệu lấy đó là ngày 6/1/1924. Sự nghiệp chính trị đầy sóng gió của ông bắt đầu từ năm 1961 với mục tiêu chống lại các chế độ độc tài, quân sự. Kim từng bị bắt giam và bị kết án tử hình 1979 song đã được giải thoát sau sự kiện nổi dậy Gwangju. Ông được bầu vào giữ cương vị Tổng thống Hàn Quốc trong giai đoạn từ 1998-2003. Năm 2000 Kim được nhận giải thưởng Nobel Hoà bình vì những đóng góp không ngừng nghỉ trong việc đấu tranh cho nền dân chủ và thúc đẩy tiến trình hoà giải trên bán đảo Triều Tiên.
[2] Ngày 26/10/1979 nhà độc tài Park Chung-hee đang tại nhiệm thì bị ám sát chết.
[3] Ro Moo Hyun tự tử tháng 5 vừa rồi; theo di chúc của ông, thi hài được hoả táng; tro xương an táng tại quê nhà.