Trang nhà > Giáo dục > Ngoại ngữ > CHUYỆN CHỮ HÁN: BU ZHETENG
CHUYỆN CHỮ HÁN: BU ZHETENG
Nguyễn Hải Hoành
Thứ Năm 27, Tháng Tám 2009, bởi
Trong diễn văn ngày 18/12/2008 đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm Hội nghị lần thứ 3 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá XI, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có nói một câu: “Chỉ cần chúng ta không dao động, không lười nhác, không Zheteng, kiên định không đổi thúc đẩy cải cách mở cửa, kiên định không đổi đi theo con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc, thì nhất định sẽ có thể thực hiện thắng lợi kế hoạch đó và mục tiêu phấn đấu.” Ở đây Chủ tịch Hồ muốn nói về kế hoạch đến kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (2021) sẽ xây dựng xong xã hội khá giả (tiểu khang) ở mức cao hơn, đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa (2049) cơ bản thực hiện hiện đại hoá, xã hội văn minh, hài hoà.
Trong câu nói trên có từ "không Zheteng", người viết bài này không biết dịch thế nào, đành để nguyên phiên âm La-tinh.
Từ "không Zheteng", phiên âm La-tinh là Bu Zheteng, chữ Hán viết 不折腾. Ở đây 不 (Bu) là Bất, tức không, còn 折腾 (zheténg) là gì? Từ Hán-Việt là chiết đằng; đọc âm Việt: "trưa thấng". Đây là một từ “dân dã”, thoạt nghe ai cũng cho là hiểu được hàm ý, nhưng khi dịch ra tiếng Anh thì mọi người đều ngắc ngứ, không dịch nổi. Rốt cuộc trong buổi họp báo hôm 30/12, khi công bố bản dịch tiếng Anh diễn văn nói trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đành để nguyên từ phiên âm Bu Zheteng mà không dịch ra tiếng Anh. Có lẽ họ muốn đưa vào kho tàng ngôn ngữ quốc tế một từ Hán hoá, nhưng vì mới quá nên chẳng khác gì đánh đố thiên hạ (nghe nói Việt Nam cũng có từ nước mắm trong từ điển Larousse). Chính là do vướng mắc ở khâu dịch ra tiếng nước ngoài nên người ta mới vỡ lẽ: thì ra chưa ai hiểu đúng nghĩa Bu Zheteng!
Vấn đề này được tung lên mạng, cả nước nhao nhao phát biểu, ý kiến nhiều vô kể. Tất cả các sách tra cứu được lôi ra. Lạ thay, nhiều từ điển lớn như Từ Hải 2003, Từ Nguyên 1980, Từ điển Tân Hoa... đều không có mục từ này, có lẽ vì nó chỉ dùng trong ngôn ngữ nói (khẩu ngữ). Từ điển Hán ngữ hiện đại giải thích Zheteng có 3 nghĩa: - trằn trọc; - làm đi làm lại; - hành hạ. Từ điển Hán-Anh định nghĩa là: 1. Turn from side to side hoặc toss about; 2. Over and over again; 3. Get sb down... Xem ra chưa nghĩa nào sát với ý của Chủ tịch Hồ.
Ở Việt Nam, Từ điển Hán Việt của Phan Văn Các không có riêng mục từ Zheteng nhưng ở mục từ 腾 có giải thích từ Zheteng theo hai nghĩa: - quay bên nọ, lật bên kia; - trằn trọc.
Một từ đa nghĩa mà không nghĩa nào sát với văn cảnh bài nói của ông Hồ, tất nhiên dịch ra ngoại ngữ lại càng khó.
Cao Chí Khải, nguyên phiên dịch viên tiếng Anh cho Đặng Tiểu Bình, dịch Bu Zheteng là Don’t do much ado about nothing (không làm nhiều việc vô ích) và dẫn câu Much Ado About Nothing trong vở kịch “Cố tình gây sự” của Shakespeare làm căn cứ đối chiếu. Quốc học Đại sư Quý Tiễn Lâm (97 tuổi, biết 9 ngoại ngữ) dịch là no trouble-making (không gây rắc rối); Nhiệm Tiểu Bình đại sứ Trung Quốc tại Namibia: avoid self-inflicted setbacks (tránh trục trặc tự làm khổ mình); một số kiến nghị khác: don’t flip flop (không đột ngột thay đổi); don’t get sidetracked (chớ đi lối rẽ); don’t sway back and forth (chớ làm đi làm lại); no dithering (không do dự); no major changes (không biến đổi lớn); avoid futile actions (tránh làm những việc vô bổ); stop making trouble and wasting time (đừng gây rắc rối và lãng phí thời gian), no self-consuming political movements (không phát động các phong trào chính trị tự tiêu hao lực lượng). Có người nói: not mess around (không quậy phá) là cách dịch sát nghĩa nhất, nhưng lại không phải là từ chính thức (informal).
Tóm lại, có thể đại khái hiểu vắn tắt Bu Zheteng là không tự gây sự, tự làm khổ mình bằng cách bới những việc vô bổ để làm.
Sau bài nói của Chủ tịch Hồ, người Trung Quốc giải thích Bu Zheteng theo nghĩa chính trị-lịch sử. Giám đốc Phòng Thông tin Chính phủ Trung Quốc Vương Thần phát biểu: Bu Zheteng là nói kiên định không đổi đi con đường XHCN màu sắc Trung Quốc, không đi con đường nào khác, nghĩa là tiếp tục cải cách mở cửa không mảy may lừng khừng lưỡng lự.
Từ điển mạng Bách Độ (Baidu) giải thích: Zheteng là không có chuyện thì kiếm chuyện, sớm nắng chiều mưa, lúc tả lúc hữu; là lăn đi lăn lại, sửa đi sửa lại; là trùng lặp làm những việc vô nghĩa, không liên quan, không cần thiết, hiệu suất thấp; bản chất là gây mâu thuẫn, luôn không ngừng phát động phong trào này nọ, gây lục đục nội bộ, phức tạp hoá mọi chuyện. Người xưa có một danh ngôn về Bu Zheteng: Thiên hạ bản vô sự, dung nhân tự nhiễu chi, tức Thiên hạ vốn vô sự, nhưng kẻ ngu muội lại tự chuốc vạ vào thân. Sở dĩ có người Zheteng là do mơ hồ phương hướng, phức tạp hoá vấn đề, không tôn trọng thiên nhiên và tính người, và do có mục đích đen tối.
Trung Quốc ngày xưa liên tục Zheteng, rất hiếm có được một thời hoà bình yên ổn lâu dài. Mấy nghìn năm thời phong kiến, các tiểu quốc chưa bao giờ ngừng đánh nhau. Sau cách mạng Tân Hợi vẫn hỗn chiến nội bộ. Sau giải phóng năm 1949 lại liên tục phát động đủ thứ phong trào chính trị: chống phái hữu, “Cách mạng văn hoá”, “phê Lâm phê Khổng” ... cả nước lúc nào cũng Zheteng, chỉ tốn sức dân, thời gian và kinh phí, làm cho kinh tế phát triển ì ạch, thậm chí tiến gần tới sụp đổ, dân kiệt sức. Riêng ba phong trào đại nhảy vọt, toàn dân luyện thép, công xã nhân dân cuối thập niên 50 làm mấy chục triệu dân chết đói dù chẳng có thiên tai địch hoạ gì cả. Sau khi Chủ tịch Mao qua đời, Đặng Tiểu Bình nêu khẩu hiệu Không tranh luận, Trung Quốc mới được yên ổn tập trung làm kinh tế. Gần đây Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra phương châm Hài hoà (和谐 hexie), nhằm thực hiện ổn định xã hội, giảm phân hoá giàu nghèo, cũng nhằm mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế. Nhờ đó 30 năm qua GDP Trung Quốc tăng hơn 100 lần, trở thành cường quốc kinh tế thứ ba thế giới. Bu Zheteng là một bài học thành công lớn của Trung Quốc.
Vì các lý do nói trên, Bu Zheteng trở thành từ được người Trung Quốc nói tới nhiều nhất trong năm 2008.
Và cuối cùng: người viết bài này mong sao biển Đông cũng Bu Zheteng !
Nguyễn Hải Hoành
Xem online : "Bu zheteng" - almost impossible to translate