Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Châu Á quan tâm chính sách ngoại giao của chính phủ Hatoyama

Châu Á quan tâm chính sách ngoại giao của chính phủ Hatoyama

Thứ Ba 15, Tháng Chín 2009, bởi Hoanh_Hai_Nguyen

Thủ tướng mới của chính phủ Nhật Yukio Hatoyama

Báo Nhật Yomiuri Shimbun ngày 3-9 có bài “Các nước quan tâm tới chính sách ngoại giao của Hatoyama”. Bài báo viết: ngày 16-9 tới, ông Yukio Hatoyama chủ tịch Đảng Dân chủ (DPJ) sẽ được Quốc hội Nhật bầu làm Thủ tướng chính phủ nước này.

Vừa qua ông Hatoyama từng phát biểu về quan điểm sẽ coi trọng châu Á, sẽ xây dựng Khối Cộng đồng Đông Á – những ý tưởng được gọi là “Thoát Mỹ nhập Á” này (thay cho chính sách “Thoát Á nhập Âu” do chính quyền của đảng Tự do Dân chủ LDP tiến hành bao năm qua) đang được các nước trong khối ASEAN rất quan tâm; liệu chính phủ mới của nước Nhật có thể phát huy được tác dụng dẫn đầu khu vực hay không là một câu hỏi đặt ra trước các nước châu Á.

Báo chí Thái Lan cho biết các nước châu Á nói chung đều hoan nghênh việc Nhật Bản – một nước từng bị coi là trung thành theo Mỹ – nay tỏ ý muốn phát huy tác dụng lãnh đạo tích cực ở châu Á.

Trước tình hình giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN mấy năm nay có tranh chấp liên miên về vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa, giới truyền thông Thái Lan cho biết: “Các nước ASEAN mong muốn Nhật có thể đứng giữa Mỹ và Trung Quốc đang trỗi dậy, phát huy tác dụng cân bằng giữa hai nước này.” Nhưng các nước Đông Nam Á đều e ngại sẽ bị cuốn vào trò chơi quyền lực của các nước lớn.

Ông Anvar chuyên gia vấn đề quốc tế của Viện Khoa học Indonesia nói: “So với việc xây dựng Khối cộng đồng Đông Á, có một vấn đề nên được giải quyết trước tiên là Nhật và Trung Quốc cần đạt được thoả thuận về các vấn đề lịch sử và cạnh tranh kinh tế, xây dựng được mối quan hệ như kiểu quan hệ Pháp-Đức trong Liên minh châu Âu EU. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng Khối cộng đồng Đông Á.” Ý kiến này phản ánh tâm trạng phổ biến của các nước ASEAN, tức là nếu mối quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc chưa được căn bản cải thiện thì các nước Đông Nam Á chưa thể hết nỗi lo bị kẹp giữa hai nước Nhật và Trung Quốc.

Các nhân vật thạo tin ở Nam Á phổ biến cho rằng chính sách cơ bản trở lại Nam Á do chính phủ của Đảng Dân chủ Tự do Nhật (LDP) đề xuất trước đây sẽ không có biến động gì lớn do việc chuyển đổi chính quyền ở Nhật.

Trước tình hình Trung Quốc không ngừng tăng cường viện trợ cho Sri Lanka và Nepal nhằm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á, tháng 10 năm ngoái Nhật và Ấn Độ có ra “Tuyên ngôn chung về hợp tác bảo đảm an ninh”.

Một giáo sư ở trường đại học Nehru (Ấn Độ) cho rằng Ấn Độ hoàn toàn không lo ngại gì về mối quan hệ Ấn Độ-Nhật, bởi lẽ “kiềm chế Trung Quốc là việc phù hợp lợi ích chung của Ấn Độ và Nhật, vì thế dù đảng nào lên cầm quyền ở Nhật cũng không thể không duy trì mối quan hệ hợp tác với Ấn Độ.”

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Nguồn: http://ckxx.org.cn/other/other20090...