Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > Rễ bèo chân sóng (kỳ 2)
Rễ bèo chân sóng (kỳ 2)
Thứ Bảy 31, Tháng Mười 2009
Ngay cuốn sách đem tặng Phong, tôi phải làm một cái phong bì thật to, nhét cuốn sách vào đó rồi dán kín. Tôi sang Phòng Y tế, khẽ bảo Phong ra ngoài hè, rồi giúi cái phong bì ngoại cỡ ấy vào tay Phong dặn với: Đọc một mình, đừng cho ai đọc đấy nhé. Phong lại hỏi nhỏ: Cái gì thế? Tôi bảo Phong: Bí mật là bí mật. Về phòng, em cứ giở ra xem khắc biết. Một mình em xem thôi.
Dù sao tập truyện ngắn Làm giời cũng là đứa con đầu lòng của tôi. Từ ngày hôm nay đứa con đầu lòng của tôi bắt đầu chập chững bước vào đời, bạn đọc vui mừng tìm đến nó hay đón nhận nó một cách hững hờ. Tôi làm sao mà đoán trước được nhưng chắc chắn thầy mẹ tôi, các chú tôi, anh chị Bảo khi cầm cuốn sách trên tay thế nào cũng nói với nhau: Cái thằng Hệ nhà ta viết được sách đây này.
Chiều hôm sau, tôi chạy vội ra hiệu sách ngó thử xem có ai đọc cái thứ văn mới tập viết của mình không thì cuốn sách mẫu bày trong giá Sách Mới không còn nữa. Tôi vào hỏi thăm cô bán sách, cô tươi cười nói: Từ hôm qua đến hôm nay, em bán vèo một cái hết bốn mươi bảy cuốn còn lại. Thảo nào từ sáng hôm nay, anh chị em gặp tôi đều chìa tay nắm lấy tay tôi thật chặt: Chúc mừng tác phẩm của anh ra đời! Bạn bè càng nhắc tôi càng ngượng. Ai lại gọi cuốn sách mỏng tang ấy là tác phẩm? Mấy ông anh bà chị lớn tuổi vừa bắt chặt tay tôi vừa nói: Chúc mừng nhà văn trẻ. Tôi phải thật thà trả lời: Em thuộc diện “lều văn” thôi, còn tốn nhiều giấy mực lắm mới thành nhà cấp bốn được. Có người còn đem sách đến tận chỗ tôi làm việc xin chữ ký. Thì ra sách của tôi bán rất nhanh là nhờ anh chị em cán bộ Đội đến mua. Nửa tháng nay, tôi cứ chường mặt trên hội trường kể chuyện Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du chính là một cách “tiếp thị” bằng “Người thật, việc thật”.
Trần Đắc bảo tôi: Droit d’autenr (bản quyền tác giả) của cậu còn tiền nhuận bút và hai mươi cuốn kính biếu nữa đấy. Trần Đắc là cháu nhà văn Trần Tiêu, tác giả cuốn tiểu thuyết Con trâu và cũng là cháu nhà văn Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn nên anh rất am hiểu luật lệ xuất bản. Tôi đâu dám lên nhà xuất bản Văn Nghệ đòi tiền nhuận bút và sách biếu. Ngượng chín cả người, tôi viết truyện để phục vụ nhân dân, chứ đâu có phải để lấy tiền nhuận bút. Cây bút là vũ khí, chẳng lẽ bắn xong băng đạn, tôi lại đi đòi tiền nhà xuất bản hay sao? Tôi chỉ là anh mới tập viết thuộc loại xe chở đấu đong, lại được nhà xuất bản giới thiệu với đông đảo bạn đọc, mình không phải nộp tiền giấy, tiền mực là phúc mình lắm rồi. Cần gửi sách đi biếu ai, tôi cứ xuất tiền túi ra mua. Mỗi cuốn Làm giời chỉ bằng ba bát phở chín thôi chứ có nhiều nhặn gì.
Mãi sau này, tôi đi họp Hội nghị Văn nghệ, mấy bậc đàn anh kéo tôi đến nhà xuất bản Văn Nghệ cùng lĩnh tiền nhuận bút. Không còn nhớ được lĩnh bao nhiêu tiền nữa nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên. Cuốn sách mỏng tang đó đủ tiền mua hai cái xe Alpha phụ tùng ngoại.
Tôi đến Bách hoá Tổng hợp Tràng Tiền mua biếu mẹ một chiếc khăn len tập kết, mua biếu bố chiếc phula tập kết. Bắt chước Alexandre Đại Đế “phân phát hết cả của cải, chỉ giữ cho mình cái hy vọng”, tôi mua đồ chơi cho các cháu, còn bao nhiêu “bạc vụn” tôi giắt theo người, gặp bạn bè là kéo nhau vào hiệu. Tôi nghĩ rằng không thể làm giàu bằng thứ “trời cho” này được. Ngay đến bây giờ, mỗi khi in được cuốn sách, tôi đề nghị nhà xuất bản cho lĩnh tiền nhuận bút bằng… sách để đem đi biếu bạn bè và những người đã cưu mang tôi trong những ngày sóng gió. Viết một cuốn sách, tôi đã không đem được đồng nào về nhà lại mất một tháng “min oong, min đơ” đạp xe thồ sách đi biếu cho bằng hết. Tuy chẳng có gì mang về nhà nhưng tôi lại được một niềm vui khi đem “cây nhà là vườn” đến với ân nhân của mình, bạn bè của mình.
Lần đầu tiên trong đời, tôi được lĩnh tiền nhuận bút - một khoản tiền lớn đến mức trong các giấc mơ cũng chưa bao giờ tôi được cầm trong tay. Xấu hổ vô cùng, nghĩa là tôi không còn là một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá lấy cây bút làm vũ khí nữa. Tôi đã trở thành một thằng bán chữ lấy tiền. Cũng như sáu năm trước đó, tôi được điều động công tác lên Khu đoàn Thanh niên Liên khu III, đến cuối tháng, một nhân viên văn phòng gọi tôi lên nhận lương. Tôi cũng xấu hổ giống như thế. Không ai trêu ghẹo cả mà mặt tôi nóng ran như mình vừa làm điều gì bất chính, bị người khác trông thấy. Hồi tôi còn ở Quân báo, cậu thư ký văn phòng ở đơn vị đưa cho tôi 180 đồng rồi bảo: Đúng “bách bát” tiền sinh hoạt phí. Ký vào đây. Chưa bao giờ tôi lĩnh lương cả. Tôi là người chiến sĩ đi đấu tranh để giải phóng loài người thoát khỏi cảnh bị áp bức, bị bóc lột. Tôi là người chiến sĩ đấu tranh cho một thế giới đại đồng, phần thưởng cao quý nhất là trong cuộc giao tranh sinh tử này, tôi được chết vắt xác trên hàng rào dây thép gai của bè lũ đế quốc. Chỉ có công chức của đế quốc mới lĩnh lương - làm công ăn lương.
Một lần, tôi đi theo một du kích vượt đường 5. Lưng đồng chí du kích đeo hai trái lựu đạn na, tay đồng chí cầm thanh mã tấu - cán ốp bằng sừng trâu. Hai chúng tôi phục sau một bờ tre, mắt theo dõi tình hình vận chuyển của các đoàn xe vận tải quân sự của Pháp, chờ đến khi nhọ mặt người chúng tôi mới băng qua đường. Có lúc đồng chí du kích trỏ tay về phía đoàn xe đang lăn bánh khuất dần theo khúc đường quanh: Đánh câu dầm thế này lâu quá, bao giờ cho đến tổng phản công thắng lợi, thằng này về đi cày. Một ý rất hay vụt hiện trong đầu, sáng hôm sau, tôi làm một câu lục bát: Bao giờ chinh chiến hết mùa/ Phá dao tôi đúc răng bừa theo trâu. Lẩm nhẩm hai câu thơ, thấy cũng hay hay, tôi làm tiếp hai câu thơ bên trên, rồi lại làm tiếp hai câu thơ bên trên nữa, đến hai câu cuối cùng cũng là hai câu đầu của bài thơ: Chuôi dao một mẩu sừng trâu/ Lưỡi dao một mảnh đường tàu số 5. Tôi làm thơ giống như người thợ nề xây nhà: đổ móng xong rồi lên tường. Mấy hôm sau tôi chép lại bài thơ Dao tôi rồi gửi cho báo Cứu quốc Chiến khu III. Rồi quên ngay, ở báo Cứu quốc này, làm gì đến lượt cái thứ thơ… thẩn của mình. Đời lính mỗi ngày từ biệt quê hương, bố mẹ, anh em mình chẳng còn thì giờ mà nhớ nữa là một bài thơ viết vội. Bỗng dưng một hôm về sở chỉ huy báo cáo tình hình, tay văn phòng bảo tôi: Hệ ơi, mày là Phạm Thế Hệ phải không? Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Có thư gia đình? Cậu ta lắc đầu: Còn hơn cả thư gia đình ấy chứ. Tôi sốt ruột hỏi lại: Thế là cái gì? Cậu ta thú chí phá lên cười: Tao đọc báo Cứu Quốc thấy bài thơ của mày, dài lắm, tao chỉ nhớ hai câu kết. Tôi sốt ruột giục nó: Nhớ thì mày đọc đi xem nào. Cậu ta đọc luôn: Bao giờ chinh chiến hết mùa/ Phá dao tôi đúc răng bừa theo trâu. Phạm Thế Hệ (bộ đội). Đúng không? Tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ: Sao mày không xin tờ báo ấy về? Cậu ta lắc đầu: Cái thằng mả mẹ ở bàn bên sang mượn lại để đọc mục Tìm người thân. Mày nghĩ được hai câu “ác chiến” đấy chứ. Thế là tôi có bài được đăng nhưng toà soạn chẳng biết tôi ở đâu mà gửi báo biếu. Hồi đó, trong các cuộc càn quét ở đồng bằng Bắc Bộ, bọn Pháp bắt được cánh lính tráng của ta thường hỏi có phải mày là người của đơn vị X không nên chúng tôi không bao giờ được để lộ tên đơn vị - kể cả khi viết thư về gia đình.
Từ đó, gặp chuyện gì thú vị trên đường công tác, tôi lại viết cho báo. Sau này chuyển sang làm cán bộ thanh niên, đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn yêu cầu tôi làm bài thơ Mười yêu, Trần Thanh vẽ đúng mười cái tranh kèm theo hai mươi câu thơ khuyên các em thiếu nhi giữ gìn vệ sinh, chăm chỉ học tập giúp đỡ thương binh, ủng hộ bộ đội… Thấy chúng tôi làm việc vất vả, đồng chí Bí thư Tỉnh đoàn bảo cô thủ quỹ chi cho hai anh em chúng tôi hai mươi đồng gọi là “trợ cấp đột xuất”. Tôi mất liên lạc với gia đình đã lâu, chỉ thèm có đôi dép da nên rủ Trần Thanh ra hiệu giày ở Vân Đình đo chân, đóng mỗi đứa một đôi dép da, đế crếp theo đúng mốt thời thượng bấy giờ. Đúng hôm đi lấy dép, giặc Pháp nhảy dù xuống Vân Đình. Nhìn những cánh dù bung ra trong gió, tôi tiếc đứt ruột, không được hưởng thành quả lao động của mình.
Hồi đó, các toà soạn chưa có chế độ nhuận bút như bây giờ. Thỉnh thoảng mới gửi tặng những người viết nhiều bài quyển sổ công tác hay một chiếc bút máy “vặn cổ, đổ mực”. Nhưng có ai dùng đến ba quyển sổ tay và hai tay viết hai chiếc bút máy, nên “lộc” nhặt được, tôi lần lượt chia cho bạn bè.
Lần đầu tiên đi lĩnh nhuận bút, tôi có xấu hổ nhưng ở đời xấu hổ đến mấy cũng thành không xấu hổ. Thấy toà soạn nào in bài của mình thì lâu lâu tôi phải viết một bài khác rồi lấy cớ đem bài đến toà soạn, thế nào người của toà soạn cũng nhắc mình lĩnh tiền nhuận bút.
Nay một ít, mai một ít, dần dần nhuận bút đã trở thành khoản thu nhập thường xuyên trong gia đình. Đi học trường quản lý kinh tế, dựa vào những bài đã học được, tôi tự phác ra một khái niệm sặc mùi kinh tế xã hội chủ nghĩa: nhuận bút là khoản thu nhập bằng tiền - bây giờ không còn toà soạn nào trả nhuận bút bằng sổ công tác và bút máy nữa - do toà soạn trả cho người viết căn cứ vào yêu cầu của toà soạn cũng như số chữ và chất lượng bài viết nhằm bù đắp phần nào hao phí lao động của người viết.
Tôi phải nhấn mạnh câu “yêu cầu của toà soạn” vì những bài “chữa cháy” do toà soạn đặt bao giờ cũng được trả nhuận bút cao hơn những bài người viết gửi đến và toà soạn giàu bao giờ cũng trả nhuận bút cao hơn những toà soạn “thường thường bậc trung”. Cũng có khi toà soạn nghèo quá, tôi vẫn vui lòng đến lĩnh cái “nhuận bút còm” ấy để trả ơn bạn đồng nghiệp đã từng cứu mình thoát khỏi một bàn thua trông thấy.
Bây giờ so với ngày xưa, tôi đã tiến bộ trông thấy. Tôi không xấu hổ khi đi lĩnh nhuận bút nữa, tôi đã biết đến toà soạn lĩnh nhuận bút không phải đem theo bài “mồi” lấy cớ để “tăm” tiền nhuận bút. Và tôi đã lĩnh tiền trước rồi mới trả bài sau thay vì cái thời tôi viết không có nhuận bút. Có ông đạo cao đức trọng gửi một bài thơ đến toà soạn, bài mới đăng được dăm hôm, ông đã đánh xe ô tô đi đòi. Một lần chưa có, ông lại kiên trì đến lần sau. Tôi đã ngồi tính số xăng chạy xe cho ông đi đòi tiền nhuận bút còn cao hơn nhuận
bút bài thơ của ông nhưng suy cho cùng xăng chạy xe là của nhà nước, còn nhuận bút là của ông, mất gì của bọ.
Nhuận bút không còn là thứ hương hoa nữa. Sau bốn mươi hai năm làm việc cho chính quyền nhân dân, tôi ra khỏi Bộ Văn hoá với hai bàn tay trắng: không một mét vuông nhà ở, không một tấc đất. Đêm đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ: họ cũng là người, mình cũng là người, họ là cộng sản, mình cũng là cộng sản, tại sao thằng người viết văn lại đi lạy lục thằng người ở Bộ Văn hoá để xin một căn buồng, tại sao người cộng sản này lại đi van xin người cộng sản có chức quyền kia “bố thí” cho mình dăm mét đất. Thế thì tình hữu ái giai cấp nằm ở đâu? Thế thì khí tiết người cộng sản “uy vũ bất năng khuất, bần tiện bất năng di” có còn nữa không? Sẵn tay nghề, tôi vào phía Nam thành làm báo, hai năm sau tôi mang tiền về xây nhà, không phải quỵ lụy bất cứ người có chức có quyền nào và bây giờ ngồi trước bàn viết cứ việc nghĩ sao viết vậy, như cái hồi mới ra Hải Phòng viết thư về Cửa Ông “con đi xa con nhớ bố mẹ lắm nhưng ở đây vui con lại quên ngay”.
Khoảng cách giữa các bức thư ban đầu đến cuốn sách mỏng tang đầu tay là hai mươi năm nhưng vẫn là những trang “nghĩ sao viết vậy” hồn nhiên của một thanh niên mới bước vào nghề. Mỗi lần đọc bản thảo của các em trong Câu lạc bộ Văn học Trẻ Hà Nội tôi thường tâm sự với các cô, các cậu ấy rằng: Những chuyện ngắn đầu tay của các em hơn hẳn tập truyện ngắn đầu tay của mình hồi trước. Như thế là ngay từ khi bứt khỏi vạch xuất phát, các em đã sải nhịp chân dài hơn nhịp chân của mình. Đời văn lại là một cuộc chạy đường dài, đích lúc nào cũng ở trước mặt. Vất vả đến mấy các em cũng đừng bỏ cuộc.
Cuốn sách mỏng tang ấy thu hút sự quan tâm của biên tập viên nhà xuất bản có lẽ do cái nhìn hóm hỉnh của người viết về nhân tình, thế thái. Tiếng cười lúc ấy đang là của hiếm trên văn đàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho cuốn sách nhỏ ấy vào đời, nhà xuất bản đã giúp tôi đẩy nhẹ mép cổng cho cánh cổng hé mở mà thò đầu vào ngó nghiêng làng văn xa lạ rồi lẳng lặng bước trên đoạn đường mình tự mở lối. Chỉ một năm sau, cuốn tiểu thuyết đầu tay Sắp cưới đã ra mắt bạn đọc. Lần này tôi được cầm trên tay cuốn sách dày dặn có gáy hẳn hoi như tôi hằng mong ước. Bạn đọc dần dần làm quen với cái tên lạ hoắc trên văn đàn và tìm được lời tâm sự trong từng trang viết, chấp nhận cuộc đồng hành với tôi trên chặng đường gập ghềnh, khúc khuỷu.
Một năm sau khi cuốn truyện đầu tay được cấp giấy thông hành bước vào đời, tôi đến nhà in Tương Lai ở phố Huế (Hà Nội) in thiếp cưới. Đến lúc làm hoá đơn, ông Tương Lai bỗng ngẩng phắt lên: Ông (ồ, ông chủ nhà in lại gọi thằng nhóc hai mươi sáu tuổi này là ông), tôi không ngờ Vũ Bão lại là ông, chúng tôi rất hân hạnh gặp lại ông. Không ngờ ông lại quá bộ đến thăm nhà in chúng tôi. Năm ngoái nhà in chúng tôi hân hạnh in tập truyện ngắn Làm giời của ông. Ông vui lòng cho phép nhà in chúng tôi góp phần nhỏ bé của mình vào ngày vui của ông bằng những tấm thiếp này.
Tôi nhất định đòi được trả tiền. Ông Tương Lai cứ nhất định không nhận. Đến ngày nhận thiếp, tôi đem bọc thiếp mời còn thơm mùi mực về nhà, tháo dây tết nơ, gỡ tờ giấy bọc hàng ra xem. Ông Tương Lai đã in cho tôi 100 thiếp hồng theo đúng đơn đặt hàng và còn in thêm 100 thiếp hồng hình chữ nhật theo đúng mốt Hà Nội hồi mới được giải phóng.
Hồi ấy ông chủ nhà in đúng “phom” thành phần tư sản lại quý mến người viết văn đến thế. Còn bây giờ, các nhà thơ “ba triệu” (bỏ ra ba triệu để in tập thơ biếu không của mình) có đến gặp ông giám đốc nhà in thành phần công nhân chắc chắn sẽ được ông ấy tính theo giá làm thêm giờ.
Tám năm sau, các cơ quan ở Hà Nội khẩn trương sơ tán khỏi nội thành đề phòng máy bay Mỹ bắn phá. Trong lúc dọn dẹp thư viện cơ quan, tiến sĩ Nguyễn Đức Hân nhặt được một cuốn Làm giời. Anh gửi lại cho tôi và căn dặn: Nó mỏng như thế nhưng là đứa con đầu lòng. Không có nó mở đường, anh cũng khó có Sắp cưới, Phá đám.
Tôi cất cuốn sách mỏng tang ấy vào tủ. Sau này tôi phải lấy cuốn sách ấy cho Đài Truyền hình quay phim nhưng tìm mãi không thấy. Gần đây, nhân tiện sắp xếp lại tủ sách, trong lúc quét dọn, tôi thấy cuốn sách mỏng tang nằm kín đáo áp mặt xuống ngăn đựng sách. Các cuốn sách đàn anh đã giẫm lên đầu, lên cổ nó, không biết rằng nó sinh trước các cuốn sách có gáy dày dặn với cái tên nhăm nhăm “doạ” thiên hạ: Làm giời.
Vũ Bão
Xem online : Kỳ đầu