Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Xã hội > Đông Á > Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh và vấn đề Khối Cộng đồng Đông Á

Hội nghị thượng đỉnh Bắc Kinh và vấn đề Khối Cộng đồng Đông Á

Thứ Năm 8, Tháng Mười 2009, bởi Hoanh_Hai_Nguyen

Ngày 10 tháng 10 tới, ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ họp hội nghị thượng đỉnh tại Bắc Kinh. Đây là một sự kiện rất quan trọng, có liên quan tới châu Á và Mỹ; bởi vậy dư luận đang chú ý theo dõi cuộc họp này. Đây cũng là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của tân Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama. Hiện nay bộ Ngoại giao ba nước đang khẩn trương liên hệ chuẩn bị cho cuộc họp nói trên.

Ý tưởng thành lập “Khối Cộng đồng Đông Á” có thể sẽ là một nội dung quan trọng ông Hatoyama đưa ra với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong cuộc họp Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc ở Thượng Hải hôm 28-9 vừa qua, phía Nhật một lần nữa đề xuất ý tưởng nói trên. Thông cáo báo chí của cuộc họp này có nói ba nước nhất trí tăng cường hợp tác trên một số vấn đề. Hiện nay dư luận quan tâm tới việc liệu ý tưởng Khối Cộng đồng Đông Á sẽ có thể đạt được tiến triển gì không trong cuộc họp thượng đỉnh Bắc Kinh sắp tới. Chính phủ của đảng Dân chủ Nhật DPJ đang cố gắng đưa sáng kiến này vào chương trình nghị sự.

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Hatoyama tại New York vừa rồi, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chưa tỏ thái độ gì về ý tưởng Khối Cộng đồng Đông Á. Tại cuộc họp ngoại trưởng ba nước ở Thượng Hải, phía Trung Quốc và Hàn Quốc cũng cho rằng có thể thông qua cơ chế Asean + 3 sẵn có để đạt mục đích thúc đẩy sự hợp tác cụ thể giữa ba nước.

Trước khi nhậm chức Thủ tướng, ông Hatoyama từng nói trọng điểm chính sách ngoại giao của Nhật sẽ chuyển từ Mỹ sang châu Á. Nhưng ý tưởng Khối Cộng đồng Đông Á dễ khiến dư luận nhớ lại ý đồ xâm lược của Nhật trong thời gian Thế chiến II khi nước này đưa ra thuyết Vành đai Đại Đông Á phồn vinh. Ngoài ra, các vấn đề chưa giải quyết như Trung Quốc và Nhật hợp tác khai thác dầu khí tại Đông hải, vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng khiến dư luận nghi ngờ liệu đã có đủ điều kiện để xây dựng Khối Cộng đồng Đông Á hay chưa.

Ngay tại Nhật Bản cũng có nhiều người không tán thành đề xuất lập Khối Cộng đồng Đông Á theo kiểu EU. Họ cho rằng Liên minh châu Âu EU được xây dựng trên cơ sở các nước thành viên có cùng một tín ngưỡng tôn giáo, còn châu Á, nhất là Đông Á thì thiếu cơ sở đó.

Đài BBC (tiếng Trung Quốc) cho rằng dù sao ba nước có thể hợp tác trên các vấn đề cụ thể như năng lượng, cứu nạn, môi trường; nhưng việc ký hiệp định tự do thương mại hoặc hợp tác về tài chính, tiền tệ (thí dụ lập đồng tiền chung của châu Á) có lẽ còn là các mục tiêu xa vời.

Từ thời Thủ tướng Koizumi, Nhật Bản đã đề xuất ý tưởng xây dựng Khối Cộng đồng Đông Á, nhưng sau đó đề xuất này bị lờ đi vì quan hệ với Trung Quốc căng thẳng do Koizumi viếng đến Yasukuni.

Khi phân tích ý tưởng nói trên, ông Minxin Pei Giáo sư Khoa chính trị trường Đại học Claremont McKenna (Mỹ) cho rằng điều quan trọng là Khối Cộng đồng Đông Á gồm những thành viên nào, ngoài Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc ra, còn có Đài Loan và nhạy cảm nhất là có Mỹ hay không.

Mỹ luôn nói họ là một nước châu Á, ít nhất là nước thuộc Thái Bình Dương; cho nên bất cứ cơ chế nhiều bên nào ở châu Á đều nên mời Mỹ tham gia. Nếu Khối Cộng đồng Đông Á của Hatoyama không có Mỹ thì giữa Nhật với Mỹ sẽ nảy sinh sự cọ sát.

Giáo sư Pei cho rằng nếu Trung Quốc dứt khoát cùng Nhật xây dựng Khối Cộng đồng Đông Á thì Khối này sẽ được thành lập. Nhưng hiện nay Trung Quốc chưa tỏ thái độ rõ ràng, có lẽ vì họ thấy khó xử: họ không muốn Mỹ kiếm được cớ để nói Trung Quốc muốn gạt Mỹ ra khỏi châu Á. Nếu Khối Cộng đồng Đông Á không có Mỹ thì Mỹ sẽ cho rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc là mối đe doạ với Mỹ. Bởi vậy ông Pei nói cuộc họp thượng đỉnh ba nước Trung Quốc-Nhật-Hàn Quốc tại Thượng Hải sẽ có ý nghĩa rất quan trọng./.

Nguyễn Hải Hoành

(Theo các mạng nước ngoài)