Xuất ngoại (Phần 1)

Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi là chuyến đi trao đổi văn hoá với Hội Nhà văn Mông Cổ mùa hè 1977. Cùng đi có nhà thơ Lương An.

Chúng tôi được đi tàu hỏa từ ga Bằng Tường qua hàng trăm ga lớn nhỏ tới ga Mãn Châu Lý, xuyên qua lục địa Trung Quốc đang suốt ngày trống chiêng ầm ĩ đại cách mạng văn hoá, rồi từ đó đổi tàu, ròng rã một ngày một đêm nữa tới Ulanbato thủ đô Mông Cổ. Ràn rạt hai bên đường tàu, từ lúc vào đất Mông Cổ mỏi mắt là thảo nguyên và sa mạc phẳng lì tới tận chân trời. Hàng trăm cây số trơ trọi là đất và cỏ xám lơ thơ, bất chợt để ý mới lại thấy bóng một chú thỏ thoắt ẩn thoắt hiện và xác những con lạc đà chết khô, còn trơ bộ khung xương trắng hếu trông như những con khủng long thời tiền sử.

Tàu tốc hành, thi thoảng mới lại thấy một ga nhỏ, ở chỗ bẻ ghi, đứng như tượng gỗ một công nhân đường sắt mặc áo dài dân tộc, bụng thắt đai, đội mũ lông, mặt sạm nắng, gò má cao, mắt nhỏ, tay giơ cờ vàng báo hiệu an toàn cho tàu thông qua, tay giữ hàm thiếc con ngựa mõm còn sùi bọt trắng nhễu dáng chừng mới từ một làng bản nào vừa phi tới. Lần đầu tiên tôi thấy mặt trời đỏ lựng lặn ở chân trời khi đồng hồ chỉ 12 giờ đêm. Đến Ulanbato đúng ngày 7.7.1977, ngày hội Natan, một quốc hội của Mông Cổ, chúng tôi được tham dự lễ hội tưng bừng hoành tráng quy mô, nô nức từ thủ tướng Xêđenban tới em nhỏ, cụ già của cả đất nước mênh mông cả triệu cây số vuông này.

Cơ duyên giằng níu thế nào mà sau đó tháng 7.1981, tôi lại được trở lại đất nước Mông Cổ lần thứ hai. Lần trước là xuyên lục địa Trung Quốc bằng tàu hỏa. Lần này là xuyên Xibia nước Nga bằng máy bay nhưng cũng lại ròng rã hơn mười giờ đồng hồ liên tục; nghỉ chân ở Omsk 12 giờ đêm, giờ Mátxcơva mặt trời còn cháy sáng rực rỡ giữa đỉnh đầu.

Tháng 9 năm 1982, một lần nữa tôi tham dự Hội nghị các cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản công đoàn các nước XHCN họp ở Mátxcơva. Tháng 4 năm 1988 tôi cùng Hà Minh Đức, Tô Ngọc Hiến, Minh Huệ đi trao đổi văn hoá với Hội Nhà văn Liên Xô, với Hội Nhà văn Udơbêkixtan. Tháng 9 năm 1989, tôi đến Budapest, Hungary dự hội nghị đại diện các nhà xuất bản công đoàn các nước XHCN. Tháng 11 năm 1990, tôi đi Nhật giao lưu với bạn đọc nhân xuất bản tiểu thuyết Mưa mùa hạ dịch ra tiếng Nhật, theo lời mời của Quỹ giao lưu Quốc tế – Trung tâm văn hoá châu Á - Nhật Bản. Tháng 8 năm 1992, tôi cùng nhà lý luận phê bình, giáo sư Phan Cự Đệ, nhà văn Lê Lựu tham dự hội nghị quốc tế chuyên đề về trào lưu văn học Tự lực Văn đoàn ở Copenhagen Đan Mạch. Tháng 11 năm 1993, tôi đi thăm Đài Loan cùng các nhà văn Ngô Văn Phú, Hoàng Ngọc Hà, Nguyên Ngọc, Nguyễn Thị Ngọc Tú, nhờ sáng kiến tổ chức của anh Đặng Mạnh Hùng, bạn rất thân của tôi, trợ lý Bộ trưởng Công nghiệp, một người rất am hiểu nghệ thuật văn chương, bạn bè của nhiều nhà văn. Tháng 5 năm 1996, tôi làm trưởng đoàn nhà văn Việt Nam, gồm Đào Vũ, Giang Nam, Thanh Giang, Hoài Anh đi trao đổi văn hoá với Hội Nhà văn Trung Quốc. Tháng 10 cũng năm đó, tôi cùng nhà văn Hà Đình Cẩn, nhà thơ Mã Thế Vinh sang làm việc và thăm Lào theo lời mời của Hội Nhà văn Lào. Tháng 4 năm 1997, tôi đi Hoa Kỳ dự Hội thảo triển vọng châu Á cùng giáo sư Phong Lê, nhà thơ Phạm Tiến Duật, sau đó ở lại thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Trung tâm William Joiner. Tháng 9 năm 1998, tôi đi Băng Cốc Thái Lan nhận giải thưởng văn học ASEAN…

Thôi thì cũng gọi là được thấy tí chút bằng mắt mình đôi ba đất nước, xứ sở ngoài biên giới.

* * *

Những chuyện đi nước ngoài mở rộng tầm mắt thật tình là đã để lại không ít kỷ niệm. Chẳng hạn, chuyến đi Nhật tháng 11 năm 1990. Dạo đó, việc đi thăm một nước tư bản của một nhà văn không hề đơn giản và dễ dàng như bây giờ, “Thế giới xẻ làm đôi. Vết nứt xuyên qua trái tim thi sĩ” (H. Hainơ). Lãnh đạo đảng và nhà nước có lẽ lo ngại nhất là nhà văn sang đó nói bậy bạ về đất nước, rồi ở lại xin cư trú chính trị.

Tổ chức mời tôi đi thăm Nhật là Quỹ giao lưu Quốc tế, Trung tâm văn hoá châu Á - Nhật Bản. Giấy mời của họ được gửi tới đại sứ quán Nhật Bản, đại sứ quán Nhật Bản đã chuyển tới tôi cùng với vé máy bay khứ hồi từ đầu tháng và sắp tới ngày đi rồi, mà Bộ Công an vẫn còn chưa dứt khoát việc có cho tôi đi hay không? Nghe nói, việc này phải do bộ trưởng Mai Chí Thọ quyết định và lúc này ông đang ở Sài Gòn, ông rất đắn đo. Thành ra, đã có lúc đại sứ quán Nhật Bản gọi điện sẵng với tôi, rằng nếu không đi thì phải bồi hoàn ngay tiền vé cho họ. Cuối cùng việc đi của tôi được quyết định chậm mất bốn ngày. Rắc rối quá chừng vì như thế là phải thương lượng với cả hệ thống nhà ga máy bay, kể từ Nội Bài là ga xuất phát tới Băng Kốc, là nhà ga transit. Khốn khổ nhất là thời gian chờ đợi ở sân bay Băng Kốc. Tới đây lúc 10 giờ sáng. Trong tay chỉ có mỗi chiếc vé đi Nhật nhưng ngày giờ sai lệch cả và chỉ có thể được căn chỉnh lại khi hãng máy bay Nhật mở cửa bán vé lúc 10 giờ đêm. Cảm giác về sự có mặt của mình ở sân bay Băng Kốc là bất hợp pháp ám ảnh tôi quá nặng nề. Thành ra suốt 12 tiếng đồng hồ ở sân bay này, tôi luôn luôn ở trạng thái thấp thỏm lo âu; làm ra vẻ tự nhiên, hết đi ngó các shop bán hàng lưu niệm lại ngồi xem máy bay lên xuống ngoài đường băng, nhưng con mắt luôn phải dè chừng, hễ thấy bóng cảnh sát Thái đâu là lập tức lủi ra xa. Vì rất có thể, họ kiểm tra thấy giấy tờ mình không hợp lệ là họ phạt tiền và “tống” mình về nước luôn!

Cũng như lần đầu tiên tôi biết thế nào là đồng cỏ thảo nguyên và sa mạc khi rong ruổi trên xe ô tô ở vùng nông thôn Mông Cổ, tôi đã bắt gặp mùa thu Nhật Bản lặng lẽ và huy hoàng ở đúng cái thời điểm sinh hoá của nó. Trong vòng chưa đầy tuần lễ sống ở Tôkyô, tôi đã thấy lá cây Mônichi, xinh xinh như một bàn tay nhỏ đang từ xanh thắm bỗng như có phép lạ, chuyển sang màu vàng ửng, rồi cháy đỏ lên vang lộng cả không gian. Mùa thu ở Nhật Bản, bài thơ tứ tuyệt, tặng phẩm tuyệt vời của thiên nhiên!

* * *

Những chuyến đi nước ngoài và những ấn tượng đẹp đẽ đáng nhớ. Nhưng, còn những cảm giác và những nỗi buồn phiền?

Vâng, còn nhiều buồn phiền, khắc khoải ngại ngùng và chán nản lắm. Bởi vì, so với cuộc sống giờ đây đã tiến những bước dài, con người đã xích lại gần nhau, các hệ tư tưởng ít nhiều đã nhoè mờ đường ranh, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, về căn bản con người ta đều bị chi phối bởi một sự phân tuyến, đối lập với nhau bên này với bên kia như mâu thuẫn của các cặp phạm trù. Và thế đấy, dẫu chỉ là một cá thể bình thường, nhưng khi đã có mặt ở nước ngoài thì tức là anh cũng là đại diện cho một phía, anh phải đối diện với phía bên kia và đó là mặc cảm nặng nề tôi luôn có do tôi vốn là kẻ nhạy cảm. Con người còn nhiều xích xiềng tư tưởng lắm!

Có người nói: sau hai mươi năm chiến tranh, quan hệ giữa người Việt với người Mỹ, người Pháp, người Nhật hình như đã bình thường hoá, hận thù ân oán đã cởi bỏ, đã chẳng còn gì cấn cá nữa, nhưng còn quan hệ giữa người Việt ở trong nước và người Việt đã bỏ đất nước ra đi từ 1975, thì dường như vẫn hết sức căng thẳng, cái hố ngăn cách vẫn chưa thể san bằng.

Tôi đã gặp phải sự đối đầu căng thẳng khi đến Nhật và đăng đàn diễn thuyết mấy buổi ở đây. Ở Tôkyô buổi chiều một ngày tháng 11 năm 1990 ấy, thì chỉ có dăm ba ý kiến “thóc mách”, phản bác bài nói của tôi, khi tôi nói về tự do dân chủ đã được mở rộng trong lĩnh vực sáng tác và tôi đã giải đáp được. Nhưng, hai ngày sau, ở Osaka trong một cuộc nói chuyện với chừng hai trăm cử toạ ở đây, tôi đã phải đối mặt với cả một làn sóng phản đối của người Việt. Buổi chiều, sắp vào buổi nói chuyện, được thông báo là tối nay có một số đông người Việt đã đáp máy bay từ Hốccaiđô phía Bắc Nhật Bản xuống dự, tôi nghĩ buổi trò chuyện diễn ra chắc là sẽ gay go, nhưng không ngờ anh em lại quyết liệt đến như thế. Tôi vừa dứt bài nói dài nửa giờ thì đã bật lên tua tủa những cánh tay xin hỏi. Tất cả đều là người Việt. Tất cả đều nói tiếng Nhật hết sức lưu loát và gay gắt. Tất cả đều lên tiếng phản đối tôi, họ cho rằng tôi đã không nói sự thật, rằng ở Việt Nam không hề có tự do dân chủ! Và họ nêu ra cả loạt dẫn chứng, kể từ vụ án Nhân văn Giai phẩm tới cuốn tiểu thuyết Ly thân của nhà thơ Trần Mạnh Hảo vừa xuất bản đã bị cấm(?) Việc này về sau báo chí người Việt hải ngoại có phản ánh, với những hàng tít dài, như: Nhà văn Ma Văn Kháng bị cử toạ phản đối ở Osaka…

Tất nhiên tôi đã vượt qua được cơn thác lũ đối nghịch nọ. Một phần cũng là vì anh em người Việt mình hôm đó biết kiềm chế. Phần nữa cũng vì lập luận, chứng cớ phản đề đưa ra có nhiều sơ hở, do anh em ra nước ngoài đã lâu, không nắm được thông tin chính xác. Chẳng hạn, nói cuốn Ly thân bị cấm. Tôi đáp trả ngay bằng sự thật rằng tôi biết đích xác là cuốn sách chỉ bị phê phán chứ không bị cấm. Bị phê phán, vì quan niệm: có tự do sáng tác thì có tự do phê bình. Cử toạ Nhật Bản nghe vậy có vẻ xuôi. Họ vỗ tay và bảo tôi: ông tránh đạn khéo đấy!

Gay go là sau buổi nói chuyện. Anh em người Việt mình từ dưới hội trường ùa lên vây quanh tôi. Máy ảnh bấm nhoá nhoà. Anh em quây lại cùng chụp ảnh với tôi. Một anh choàng qua vai tôi lá cờ vàng ba vạch đỏ. Tôi gỡ ra. Một ông lớn tuổi tỏ vẻ hiểu biết bảo người nọ: “Thôi, để anh ấy về nước còn làm việc”. Rồi dúi vào tay tôi một đống tài liệu, trong đó có tuyên ngôn của một mặt trận kháng chiến chống cộng gì đó mới thành lập ở Nhật Bản.

Cuộc hội thảo do NIAS, tổ chức Quốc tế Đại học Đan Mạch tổ chức tháng 8 năm 1992 bàn chuyên đề về Tự lực Văn Đoàn là một ví dụ. Các nhà Việt Nam học ở Pháp, Mỹ… ở hội nghị này gần như chung một chủ trương: nhân bàn về Tự lực Văn Đoàn, một trào lưu văn học chống lại tư tưởng Nho giáo phong kiến, đề cao quyền sống cá nhân con người xuất hiện trong những năm 30-40 của thế kỷ trước, họ lái chủ đề theo hướng: ca ngợi Tự lực Văn Đoàn mới thực sự là đổi mới. Và phê phán văn học Việt Nam hiện thời chỉ đổi mới được đoạn đầu, còn bây giờ chững lại rồi. Rồi lại nhằng sang những vấn đề khác nữa. Chẳng hạn, nhân một đại biểu Lào đọc
tham luận nói về việc giảng dạy văn học Việt Nam ở Đại học Lào, một giáo sư ở Paris VII liền nêu vấn đề ai là tác giả của Nhật ký trong tù? Và hăng hái trong chuyện này nhất là các nhà văn hoá Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có cả một giáo sư Mỹ nói tiếng Việt quá sõi, lên tiếng thách thức đoàn Việt Nam đưa cho họ bản gốc Nhật ký trong tù để họ đem về Mỹ nhờ máy kiểm tra ký tự(?)

Tất nhiên là đoàn Việt Nam gồm giáo sư Phan Cự Đệ, nhà văn Lê Lựu và tôi đã ra sức bảo vệ lẽ phải. Tôi phân tích cái hay cái dở, cái được cái chưa được của văn xuôi Tự lực Văn Đoàn so với những cây bút văn xuôi lực lưỡng của dòng văn học hiện thực những năm 1930-1945 như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài. Lê Lựu ứng tác một đoạn văn tả cảnh theo lối văn chương dễ dãi sáo mòn của Tự lực Văn Đoàn để chứng minh giá trị vừa phải của Văn đoàn này. Còn giáo sư Phan Cự Đệ thì tỏ ra là một bản lĩnh chính trị và nghệ thuật rất vững vàng. Ở cương vị đồng chủ tịch hội nghị, anh chủ động phản bác các ý kiến cố tình xuyên tạc sự thật bằng lý lẽ và những cứ liệu hết sức xác đáng. Tranh luận, nói đi nói lại thật gay go. Phía bên kia có anh mặt đỏ tía tai, tưởng có thể đấm đá nhau được. Và tôi thì thật sự không chịu được thái độ cao ngạo của một anh người Mỹ dạy ở Đại học Hawai cao lểu đểu, anh ta ngật ngưỡng đi lại, viết bảng, thi thoảng lại phát một câu tiếng Việt có hàm ý xỏ xiên. Hội nghị để lại một ám ảnh nặng nề. Lê Lựu rất bực, anh gặp một “tay” Việt Nam học người Mỹ gốc Việt có thái độ rất bắng nhắng, đe. Về sau được biết, anh này người Thái Bình, gia đình bị quy địa chủ, sang Mỹ năm 1954.

Chuyến đi Mỹ vài ba ngày năm 1997 cũng vậy. Khai mạc hội nghị xong, thấy bước ra diễn đàn là một mục sư, người chủ chi, chủ trì cuộc hội thảo; điệu bộ rất tự thị, cao lớn sừng sững như cái cột đình đưa mắt lừ lừ lướt qua sáu bảy trăm cử toạ, rồi đột nhiên hất hàm rất kẻ cả: Ở đây ai đã thấy tôi một lần, giơ tay lên! Chỉ thế thôi đã thấy ngán lắm rồi! Thật tình là không quen với va chạm! Tôi có dị ứng với những chuyến đi nước ngoài. Về sau, năm 2004 được mời đi dự lớp nghiên cứu bản quyền văn học ở Thụy Sĩ một tháng và tháng 10 năm 2006, với tư cách là tác giả có tác phẩm in ở Thụy Điển, được mời đi dự hội chợ sách ở đây, tôi cũng đã từ chối, không nhận lời.

* * *

Tháng 5 năm 1989, tôi được theo học một khoá học nâng cao trình độ cán bộ công đoàn hai tháng ở Liên Xô. Đây là một thỏa thuận giúp đỡ trong tình hữu ái giai cấp thường thấy của Công đoàn Liên Xô với công đoàn Việt Nam. Lúc này đang là phó giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản Lao Động của Tổng liên đoàn LĐVN, nên tôi thuộc diện được cử đi. Cũng là đến lượt thì đi chứ không phải ưu tiên tuyển chọn gì.

Liên Xô, vào những năm này, đối với chúng tôi là miền đất hứa, là vùng đất thiêng, nơi chúng tôi gửi gắm ở đó tất cả tình yêu, lòng ngưỡng mộ và niềm tin cậy. Liên Xô, đó là Lênin, là Gorki, là Paven Coócsaghin, là nhân dân Nga vĩ đại.

Với tôi, Liên Xô còn là nguồn âm nhạc, thơ ca, tiểu thuyết Nga và Xô Viết đã tạo lập nên và hun đúc tinh thần tôi, đem lại cho tôi sự rung động, mê đắm và tôi đã tìm thấy ở đó sự đồng điệu tâm hồn. Chủ nghĩa nhân văn cao quý, chất thơ trữ tình hào sảng, âm hưởng bi hùng tráng lệ của tiểu thuyết, thơ ca, âm nhạc Nga, Xô Viết là những giá trị tôi được thừa hưởng trong quá trình làm giàu nội lực và trong các sáng tác văn xuôi của mình.

(NĐBND)