Làm đẹp cho đời

Tử vi ông Lãnh có sao chữ nghĩa. Thời đi làm phải luân chuyển luôn, đi đâu ông cũng dính đến giấy tờ văn bản. Chục năm cuối thì ngồi yên văn phòng bộ chuyên quán triệt rồi thảo bài nói chuyện cho sếp. Các chủ nhật ông nghĩ cách tạo ra “nguyên nhân khách quan” cho những sự cố dồn dập, vá lũ lĩ to tướng lỗ thủng gây sụt giảm sản xuất.

Rồi về hưu, vợ coi bằng cái đinh mục, đến cơ quan chả ma nào hỏi. Mà ông còn khỏe quá, ra các cụ rặt chuyện tiêu cực, nghiên cứu nhai dầu mè chữa bách bệnh với ngâm chân nước nóng phòng trừ phong tê thấp không hề ham. Khối u uất xuất hiện: lúc tại chức lắm nơi cầu cạnh hẹn hò lắm kia mà, sao giờ chả thằng chó nào héo lánh? Là tự hỏi thôi, vì biết mình đã qua thời.

Ngày đẹp trời ấy, anh trưởng phòng Tổng hợp cơ quan (cũ) lò dò sớm, vẻ mặt hết sức nể trọng. “Việc là thế này, cụ Tăng Trọng Pháo mới quy tiên, bác làm ơn thay mặt cơ quan viết cho câu tiễn biệt”.
— Điếu văn chứ gì! Tôi có viết bao giờ đâu mà sai.
— Mọi khi thì trưởng ban liên lạc hưu viết, nhưng cụ bắt đầu lẫn rồi, chúng em sinh sau soạn nhỡ thiếu sót gì sợ mang tiếng. Cụ Pháo làm bấy nhiêu năm, ưu khuyết thế nào bác nắm cả, bác cứ khảo cứu những điếu văn khác, rồi rập lại, gia đình đọc không thắc mắc gì là được.

Nói rồi vụt đi, phong bì ba trăm để lại. Ngồi một lúc, ông Lãnh lần ra đầu sợi chỉ. Hồi những năm bẩy mươi, cụ Pháo nói năng sai quan điểm thế nào đấy, phải “đi” mất mấy tháng, nhận một tạ lỗi thì về được, chuyển sang văn phòng nhong nhong công văn, gọi dạ bảo vâng như cái bóng. Giờ thời thế thay đổi, mấy anh tại chức chả biết nên nhìn nhận cái “phốt” này thế nào, đá sang cho đám lại già tự xử đây. Láu cá thật.

Bèn bần thần nhớ lại bài học ngày mới ra trường. Còn trong veo, bị đẩy ra soạn tổng kết, Lãnh bị cấp trên đánh giá “văn hay chữ xấu”. Bản ấy không dùng nhưng người viết lại chuyển lên bộ phận thư ký vụ. Ngoài xếp lịch làm việc, tiếp khách cho sếp, nghiên cứu chồng văn bản trên nóc tủ, anh phải tập viết chữ lại cho dễ đọc. Văn bản lớn đầu tiên được giao soạn là báo cáo cuối năm của tổng công ty, sếp cả ghi bên lề “Lý luận chưa đi đôi với thực tiễn”. Lãnh rất hoang mang nhưng ông chánh văn phòng lọc lõi chỉ bảo “Chả có gì đâu. Chỉ là cậu nêu lắm “khó khăn chủ quan” quá”. Sau vài lần ậm ờ, “khó khăn chủ quan” được “dịch” ra là những hạn chế yếu kém của bộ phận lãnh đạo.
— Nhưng cái đó có cơ mà…, Lãnh cãi hăng.
— Những cái có trên đời mà đưa hết có mà chúng ta còn tồn tại được ở đây à? Hay chú mày muốn đi công trường?

Thực tế văn phòng tất nhiên quan trọng hơn thực tế công trường, nên anh nhân viên mới bỏ luôn tì vết của lãnh đạo, thế vào những chỉ đạo sáng suốt quên ăn quên ngủ chả bao giờ có ngày nghỉ. Lãnh phục lăn khi ra hội nghị, sếp cả ngon lành nhận tất cả những đóng góp chân thành của cơ sở, hứa khắc phục chỗ này phát huy đoạn khác rồi chả ai còn thắc mắc gì nữa. Cuối năm sếp được chiến sĩ thi đua toàn ngành, qua năm sau đón nhận huân chương Lao động, tất nhiên báo cáo thành tích anh soạn…

Điếu văn được soạn ra trên cơ sở tham nghiên khảo lý lịch Trọng Pháo, trao đổi với cơ quan chuyên trách đã đưa ông cụ “đi” trước đây, truy sưu tầm những bản cùng thể loại khác, phết phẩy ý kiến lãnh chỉ đạo của sếp đương chức vào. Ngoài những câu “gia đình mất đi...”, “cơ quan nhớ tiếc...”, “ban liên lạc hưu trí thiếu vắng...”, nó đủ dài để người đọc - là sếp phó - bầy tỏ hết sự tri ân của người đi sau, đủ ngắn để người nghe chưa kịp chán. Còn cái điểm chính cụ ấy mắc, ông Lãnh gửi câu “sống hồn nhiên, nhạy cảm, nên không khỏi có lúc vất vả”. Thế vừa khéo lại đủ, ai biết hay không biết “phốt” ông cụ đều hiểu theo cách của mình được. Vậy nên được duyệt cái tắp.

Ngày đám, đứng trong đám đông, ông Lãnh không nghe ai ta thán gì. Về cái phong bì, ông thấy người cũ với nhau hay hớm gì mà thù lao câu khóc. Nhưng anh văn phòng bảo “thành chế độ rồi”, đã chi không ai vào lại quỹ. Bỗng dưng dôi mươi bát cháo lòng hay phở sáng, và tách cà phê sau đó, bèn thôi.

Ngày sau tang quyến lại cảm ơn cùng dăm bao thuốc, nửa cân chè Thái. Vẽ quá! Không ngờ cái sự chu đáo ra nhiêu khê đến thế... Nó làm ông bâng khuâng nhớ tiếc công việc, một ngày soạn vài bài nói cho sếp, thay câu “chào các bạn trẻ đang đầy nhiệt huyết” ở cuộc họp thanh niên thành “kính thưa các bác các cụ” khi ra hội nghị người cao tuổi, lại làm thế nhưng đảo đoạn giữa lên trên đầu ở cuộc họp phụ nữ. Phòng tổng hợp của ông cuối năm tổng kết đã tổ chức bấy nhiêu hội nghị, điều ngần nọ chuyến xe. Nhớ tiếc và hơi phát phiền, vì việc đến thế là hết.

Nhưng lực lượng hưu trí của cơ quan phát triển lên, lớn mạnh về quân số và trẻ hoá thấy rõ. Thường cứ dăm “bác” về (như ông) thì vài “cụ” nhập viện, rồi một người phải vô cùng thương tiếc. Lâu lâu chánh văn phòng lại đến, đem theo một cái trích ngang. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, cái tinh thần ấy phải được quán xuyến trong mọi cuộc vĩnh biệt, tức là chết hay sống đều phải có khuôn khổ, không thể tự dưng ra dưng. Thành thử ai ra đi đều trong veo như pha lê Tiệp. Cụ V. sinh thời miệng lưỡi độc địa, có tên tục “Dũng sĩ diệt đồng đội”, trao đi đổi lại mãi, cuối cùng lời tống tiễn được thảo theo hướng “tích cực đấu tranh phê bình”. Cụ X. trót không thanh quyết toán được một khoản tiêu một mực được đánh giá “liêm khiết, thanh bần, chả tơ hào lấy một li leo xu hào”. Sở trường viết lách xưa, ông Lãnh phong cụ này chức giáo sư tiến sĩ, tặng cụ kia cả đống huân huy chương, kể lể “quá trình kinh qua”, các cống hiến, “hô biến” những giai đoạn “đáng tiếc”.

Cụ T., đùa nhả và dai nhất, nằm cả chục năm ba lần con cháu khóc inh cả lên. Bản đầu tiên hội hưu chê dài, cái thứ hai sau đó năm năm, anh con cả bảo tóm tắt quá. Coi như vốn chất xám bị “đọng”, lại tự trách mình lưu hồ sơ không tốt, thế mà bản thảo cuối cùng, ông Lãnh vẫn phải viết “tạo điều kiện cho con cháu tỏ chí hiếu”. Đáng yêu nhất là những cụ đi nhanh, ông thưởng câu “không muốn để thân nhân phải khó nhọc”. Đấy là “những thách thức” của thời kỳ mới, nó khiến ông phấn khích hơn, nghĩ ra câu giải quyết rất hài lòng. Có ai ngờ những cụ chân chỉ hạt bột cả đời chả ưu khuyết mạnh yếu nào trầm trọng lại khó viết nhất, chả biết thêm gì bớt gì vào các trích ngang.

“Mình được ăn lộc âm, giống anh tẩm liệm hoá trang mặc com lê com táo cho người chết ở nhà xác, nhưng sang trọng hơn nhiều”, mỗi lần nghĩ vậy ông Lãnh không khỏi thú vị. Ngoài khoản tiền chấp bút cơ quan chi, ông hay được tang quyến hậu tạ, chè thuốc đem ra hàng nước cuối phố. Chi tiêu thế là phải chứ, đám tang cùng trăm thứ bà giằn theo sau là để cho anh sống, chứ thằng chết còn lý gì được.

Dần dần ông Lãnh nổi tiếng, được hàng xóm nhờ vả. Trong phường có bà cụ vô gia cư chết hai ngày hàng xóm mới biết, ủy ban cậy ông, điếu văn vài lời thôi mà bao người dưng phải nhỏ lệ. Cái cảm giác mình làm ơn cho người thật thú vị. Nhưng sướng âm ỉ nhất là người ta lại cần mình, cái năng lực viết lách ngày nào chẳng bị để hoen gỉ, mình không rầu rĩ như sếp này sếp nọ về vườn chỉ một mực hậm hực cấp dưới không đến thăm. Đi hội cao tuổi, nghe giới thiệu “Bác Lãnh đây viết điếu văn hay lắm, bác nên chu đáo với bác ấy để bao giờ đến lượt bác…”, cái người kia đã nhìn ông hết sức nể trọng. Nên vào ngày trời lại đẹp, những câu thơ bật ra:
Người đi mát mẻ
Ở lại thản thanh
Làm đẹp cho đời
Trào bao ý thơ

Chuyên gia khóc cấp phường, đôi khi là cấp quận, thấy mình phải xứng đáng với sự nghiệp mới. Nhà nào có người ốm nặng, ông mang sổ đến ghi chép sẵn, hỏi han (không thể trực tiếp được) ai đầu ban lễ tang để đăng ký sẵn, kẻo anh khác vuột mất. Mục “Tin buồn” trên báo được theo dõi kỹ, nhỡ đâu người ta cần mình. Cậu T. ở cơ quan đang tại chức chuyển sang từ trần, vợ cậy người viết câu khóc, khi mang đến thì ban tổ chức gãi đầu “bác Lãnh đã lo hộ rồi, rất chi mạch lạc”, đành xếp lại. Anh văn phòng phải ưu tiên ông chứ, chỗ dựa cậy lâu dài kia mà.

Nhưng lắm khi lại mang vạ. Có kỳ tăm tia người ốm, ông phải thằng con nó mắng “Cú dòm giường bệnh. Cút mẹ mày đi!” Đến cơ quan, bọn trẻ hỏi “Sao bảo bác đi cấp cứu…” rồi kháo sau lưng “Chim lợn cao quý đấy”. Một kỳ họp hưu trí, ông K. đốp vào mặt: “Lão Quýnh lái xe đi đâu vợ đấy mà ông vu là “người chồng chung thủy”, quá là oan”. Xung quanh được thể: “Thợ khóc bậc bẩy, ai chả là người cha nhân từ người con chí hiếu người bạn tri âm, phấn đấu thế nào cũng không được là người tình sắt son thằng con mất nết sất…”

Thế thì cái thể thống nó ra thế nào nhỉ. Ta làm đẹp cho đời cơ mà. Ra là cùng mục đích tốt nhưng sự đưa tiễn không đơn giản, có đặc thù của thể loại, còn khó hơn ngày xưa viết tổng kết nhiều. Càng nghĩ càng thấy đố đứa nào “đi” toàn thây được. Lão Quýnh đã chả hì hì bảo “Tôi tòm tem được chục cái bướm, ông cố kể vào đoạn thành tích nhá”, nhưng hội hưu kêu tởm quá. Có những nỗi niềm vợ con muốn đưa vào lắm nhưng ông trưởng họ hoặc trưởng cơ quan hoặc trưởng hội thọ phường xã nhất định bỏ ra. Ơ, ra sống còn không phải chặt chẽ bằng chết, có thể này này nọ nọ nhưng nằm quan tài là chỉ được vuông vắn ngay thẳng mà thôi.

Bèn chong đèn rút kinh nghiệm, đưa những sự phức tạp trên vào tham luận “Mấy vấn đề thực tiễn khi viết điếu văn”. Cách đặt vấn đề mới, giải quyết độc đáo, dẫn chứng ngồn ngộn. Nhưng ở Hội nghị Người cao tuổi quận, ban tổ chức trù úm thế nào đấy, nhất định không cho trình bày. Ông bèn sửa cái “tít” khiêm tốn hơn: “Thử bàn về công tác đưa tiễn”, gửi kỷ yếu ra dịp cơ quan tròn 50 tuổi. Thì “chúng nó” cũng không sắp vào.

Vào một năm hết Tết đến, ông Lãnh tính sổ, thấy lượng điếu văn sụt giảm bốn mươi ba phần trăm so cùng kỳ năm ngoái. Có những kỳ đưa tiễn, ông thấy câu khóc chả phải thứ của mình đã nộp. Hỏi cho ra nhẽ thì thằng văn phòng mới cứ “bận”, lên hẳn sếp phó nó cứ vòng vo. Dĩ nhiên phần quà sáng giảm hẳn, kéo theo khoản tang quyến cảm ơn.

*

Tức thị đã có kẻ khác thế chân, chiếm cái lộc khóc sang trọng. “Chim lợn cao quý” đời mới có máy tính lưu dĩ vãng chúng mình, hẳn công khóc không mất nhiều bằng. Thời của mình đã hết. Thôi, không đấu tranh giành lại nữa, âu cũng là luật “bất tận hưởng”, chả gì ông cũng bắt đầu chuyển từ “bác” sang “cụ”, thường xuyên bay lượn giữa các phòng khám. Điều này có vẻ tiêu cực, nhưng nó bắt ông chuyển sang một “tứ” khác rùng rợn hơn: Rồi cũng sẽ đến lượt mình. Kẻ kia, con chim lợn mới ấy, sẽ quàng vào mình những cục chữ mòn nhẵn, mớ mỹ từ lố bịch mà ông hằng áp cho người đi trước. Ô mà nhỡ nó thù dai, tố đểu những chuyện này nọ ra… Ông đã nặn lại người chết theo hình hài người sống thích, có lý gì “thằng mới” nó sẽ không “tái nặn lại” ông theo cái cách ông không thể ưa được.

Không thế được. Mình phải tự đưa tiễn lấy. Trong đêm, ông Lãnh toát mồ hôi với ý nghĩ mới và bắt đầu cuộc kiểm điểm. Ngày làm sếp xấu mặt khi viết phải một từ sai, bị lên lương chậm một năm, đưa vào thế nào được. Đận ăn vụng vợ thằng Z. bị nó quả tang, chạy thầy thợ mãi mới khỏi đi cơ sở, cũng không thể. Và đoạn còn trẻ lang bạt kỳ hồ, làm sao mà ông không sa chân được vào hầm nọ hố kia. Bản tự khóc của ông không thể sáng choang như anh hùng vĩ nhân, nhưng nó cũng phải được là nhẵn nhụi. Không tỳ vết, cho con cháu soi vào khỏi xấu hổ, thậm chí có chỗ tự hào noi theo. Và cũng để con chim lợn cao quý mới chưng hửng một phen.

Ngày xấu trời ông Lãnh ra đi. Gia đình đưa bài khóc soạn sẵn đến cơ quan. Nhưng chánh văn phòng mới quan điểm mới đã mượn người làm bản khác, chả biết có thể gọi là điếu văn...