Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Làm thế nào để chặn "rác kiến thức"?
Làm thế nào để chặn "rác kiến thức"?
Thứ Sáu 27, Tháng Mười Một 2009
Với giáo dục, sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu chúng ta "nhập khẩu" những chương trình giáo dục bằng cách liên kết thiếu kiểm soát. SVVN đã có cuộc trò chuyện với GS. Drummond Bone, Chủ tịch Ban Cố vấn - Giám sát Các chương trình Liên kết đào tạo giáo dục đại học (Vương quốc Anh) về vấn đề này.
TÌM MỘT TRIẾT LÝ ĐÚNG
— Theo GS, nền tảng và "cơ sở hạ tầng mềm" nào để một trường đại học có thể bắt đầu tính tới chuyện lập chiến lược "quốc tế hoá" của mình?
Hãy xuất phát từ những gì đã có. Ý tôi là Việt Nam đã và đang có những mối quan hệ tốt với bạn bè quốc tế, vậy thì hãy khai thác nó một cách tốt nhất. Và Việt Nam nên luôn luôn có một sự cam kết để theo đuổi nó, thay vì khi tôi đã có mối quan hệ nhất định (như hợp tác về nghiên cứu chẳng hạn) thì tôi lại chạy đi tìm một cái mới. Tại sao lại không củng cố những mối quan hệ cũ, để từ đó có những mối quan hệ mới.
Bản thân tôi cũng phải thú thật rằng chính các trường ở Anh, không phải trường nào cũng làm được tốt việc củng cố mối quan hệ đã có. Nhiều hiệu trưởng đi công tác nước ngoài có mối quan hệ, nhưng về không chia sẻ thì mối quan hệ đó không phát huy tác dụng.
Chúng tôi cũng vừa có một nghiên cứu ở các trường đại học Anh là các trường có bao nhiêu chương trình liên kết với nước ngoài. Nhưng kết quả cũng thật đáng buồn là người ta đều không biết rõ con số đó. Chúng tôi đang học hỏi để tìm cách khắc phục những điểm yếu đó, và hy vọng các bạn không đi vào các "vết xe đổ" của chúng tôi. (Cười)
— Có nghĩa là trong quá trình phát triển thì không có một chuẩn chung nào cho bất cứ nước nào, thưa GS?
Đúng vậy. Tôi nghĩ không có một chuẩn chung nào cả. Năm ngoái, Chính phủ Anh có giao cho tôi trọng trách nghiên cứu về thực trạng các trường đại học ở Anh.
Mục tiêu của nghiên cứu này là chia sẻ những gì đang vận hành tốt và những vướng mắc của các đại học ở Anh. Kết luận được rút ra là: Luôn có cách để thu được lợi ích từ tiến trình toàn cầu hoá, tuy nhiên, không có cách nào giống cách nào.
— Giả sử tôi là hiệu trưởng của một trường ĐH ở Việt Nam. Giáo sư sẽ khuyên tôi điều gì, khi tôi muốn liên kết với một trường nước ngoài?
Trước đây, khi tôi là hiệu trưởng một trường đại học, tôi thường xuyên tham gia vào những cuộc gặp gỡ để cùng nhau chia sẻ những khó khăn đang xảy ra và hướng đi sắp tới trong việc quốc tế hoá giáo dục đại học. Tôi nghĩ rằng, nếu anh là hiệu trưởng một trường đại học, anh cũng nên làm như vậy.
Ở Anh, khi một hiệu trưởng mới được bổ nhiệm, anh ta sẽ ngay lập tức đến gặp hiệu trưởng cũ để xem có thể học hỏi gì từ người tiền nhiệm. Ở Anh, như tôi đã nói, có những tổ chức đào tạo cho các hiệu trưởng. Tuy nhiên, đào tạo là một chuyện, học hỏi lẫn nhau lại là một chuyện khác.
— Giáo sư khuyến cáo điều gì để một trường đại học hiện đại phải đặc biệt lưu ý khi xây dựng chiến lược quốc tế hoá của mình?
Khi đưa ra chiến lược quốc tế hoá một trường đại học, điều đầu tiên cần xác định là đưa ra chiến lược đó để làm gì, nhà trường muốn có lợi ích gì từ chiến lược đó?
Thứ hai, tâm lý chung là ông hiệu trưởng nào cũng muốn nhìn thấy kết quả ngay, nhưng thực tế thì không bao giờ có kết quả ngay với một chiến lược quốc tế hoá, mà đây là một chiến lược lâu dài.
Thứ ba, chiến lược đó luôn cần có sự đóng góp của sinh viên và đội ngũ giáo viên giảng dạy, chứ đó không chỉ là chuyện ý muốn của Ban lãnh đạo.
— Nhưng (quay lại giả dụ tôi là hiệu trưởng) khi tôi xác định động lực khiến tôi triển khai chiến lược quốc tế hoá trường mình là vì tôi nhìn thấy sẽ kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ kinh doanh giáo dục..., Giáo sư sẽ bình luận gì?
(Cười lớn) Tôi sẽ trả lời với anh rằng là: Đấy không phải là một chiến lược hoàn hảo của việc quốc tế hoá, mà chỉ là một mẹo vặt để kiếm chác về mặt tài chính thôi, chứ đó hoàn toàn không phải là cái mà chúng ta gọi là "quốc tế hoá".
Vậy triết lý đúng ở đây phải là gì?
Một chiến lược đúng đắn phải mang lại được lợi ích cuối cùng là tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục cho sinh viên, tăng cường khả năng nghiên cứu cho trường đại học. Bởi trường đại học vừa đóng vai trò là tạo ra kiến thức, vừa đóng vai trò chuyển giao kiến thức.
Cái quan trọng nhất là tạo và chuyển giao được kiến thức đó từ nhà trường đến với sinh viên. Tiền chỉ là một phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng, chứ không phải là mục đích cuối cùng.
Ngay việc quốc tế hoá cũng là việc tạo dựng nên một hình ảnh mới, thương hiệu mới tốt hơn nữa cho nhà trường. Khi anh xây dựng được một thương hiệu tốt, ắt hẳn anh sẽ thu hút được sự đầu tư để có những khoa tốt, từ đó sẽ thu hút được sinh viên tốt.
— Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm trường đại học mới ở Việt Nam được thành lập. Mới đây báo chí nóng lên về chuyện một trường ĐH được thành lập mà chẳng có cơ sở vật chất theo đúng nghĩa, giảng viên cũng không có... Ở Anh có tình trạng này không? Và cách để kiểm soát tình trạng này?
(Rất ngạc nhiên) Ở Anh không có những chuyện thế này. Chúng tôi có một tổ chức Quản lý chất lượng giáo dục, có trách nhiệm kiểm tra các trường đại học.
Mỗi cơ sở giáo dục mới thành lập (thường là rất ít được thành lập) muốn xin phép để giảng dạy chương trình đại học thì phải mất rất nhiều thời gian, và bắt buộc phải liên kết với một trường đã có lâu đời ở Anh để tổ chức giảng dạy, chứ không được tổ chức dạy riêng.
THIẾT KẾ LINH HOẠT
— Đã có một học giả nhận xét rất thú vị rằng: Ở những nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, người ta xem giáo dục theo hình thức liên kết với bên ngoài như là một liều thuốc chữa bách bệnh cho tất cả bệnh tật của họ. Giáo sư chia sẻ gì về điều này? Và làm sao để có những chuẩn bắt buộc để các trường từ nước ngoài đến liên kết đào tạo phải cung cấp được tri thức thực sự, chứ không phải cung cấp rác kiến thức - chỉ với mục đích moi tiền của những người ham học ở khu vực này?
(Cười lớn) Đó là một nét tâm lý thú vị, nhưng một nghiên cứu ở Anh đã không củng cố lắm luận điểm đó. Chúng tôi có một nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem giáo dục có thể mang lại điều gì cho chính trị - xã hội của một nước.
Điều rút ra là, giáo dục không chỉ đơn thuần mang lại lợi nhuận, mà nó mang lại rất nhiều thứ: Giáo dục có thể nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, nó có thể mang đến sự phát triển đồng đều trong xã hội... Tuy nhiên, nó không phải là giải pháp để giải quyết tất cả các bệnh trong xã hội. Tôi tin tưởng hoàn toàn tuyệt đối vào lợi ích của việc mở rộng đại học.
Để các trường nước ngoài đưa những chương trình giảng dạy có chất lượng vào Việt Nam thì các trường đó phải đảm bảo các tiêu chuẩn pháp lý của Việt Nam. Có nhiều trường, cũng như nhiều nước, cứ nghĩ rằng chương trình giảng dạy đó chỉ cần đáp ứng được tiêu chuẩn ở nước sở tại là có thể áp dụng tại nước mình. Điều đó là một sai lầm.
Một chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn ở Mỹ, nhưng cũng không có nghĩa là sẽ phù hợp với đòi hỏi của Việt Nam. Chính các bạn mới biết được các bạn đang cần gì, và cần một chất lượng đến như thế nào!
Các bạn phải có những chế tài pháp lý nghiêm ngặt để kiểm soát chất lượng các chương trình. Rác công nghệ có thể xoá bỏ được, nhưng rác kiến thức sẽ là một gánh nặng cho quốc gia.
Nếu các bạn lập nên một tổ chức kiểm soát chất lượng giáo dục như nước Anh đang làm, thì tổ chức đó phải chịu trách nhiệm về chất lượng các chương trình này. Một điều thành công của mô hình tổ chức này ở Anh, là vì tổ chức quản lý chất lượng được quản lý vừa là của Chính phủ vừa là của các trường Đại học, chứ nó không phải của riêng khối nào thành lập ra.
— Theo kinh nghiệm của GS, làm thế nào để kiểm soát, giám sát được tốt các chương trình liên kết đào tạo?
Quan trọng nhất là các bạn lên một chuẩn về chất lượng phù hợp với tình hình của nước bạn, cho dù trường đó có thành công thế nào ở nước họ đi chăng nữa.
Tôi thấy một số nước muốn liên kết với các trường đại học của chúng tôi, nhưng thật buồn cười là các nước ấy không hề đề cập đến việc quản lý chất lượng. Nhưng vì uy tín của mình, chúng tôi vẫn đặt ra yêu cầu về chất lượng.
— Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, theo Giáo sư làm thế nào để hệ thống giáo dục có thể bắt kịp và phát triển tiên phong nhằm cung cấp nhân lực có chất lượng và dẫn dắt nền kinh tế?
Nền kinh tế luôn luôn phát triển, nên theo tôi, trong quá trình phát triển, hệ thống giáo dục phải được thiết kế một cách linh hoạt.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: cách đây 20 năm, 80% ngành học đang được giảng dạy hiện nay hoàn toàn không có, vì tốc độ phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ... rất nhanh chóng. Do đó, cơ cấu của nền giáo dục Việt Nam cần linh hoạt.
— Nếu Giáo sư là người có quyền được cố vấn cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT của VN. Điều đầu tiên mà Giáo sư sẽ tham vấn cho ông ấy khi bàn đến chiến lược quốc tế hoá và liên kết đào tạo là...?
Đó là: Phải có đối tác lâu dài. Tức là, khi mà đã hợp tác với ai thì phải có tầm nhìn dài, chứ không phải chỉ nghĩ đến cái trước mắt.
Xin cảm ơn GS!
Lê Ngọc Sơn, SVVN ( Thực hiện)
Xem online : Báo cáo của J. Vallely v