"Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế!"

Vấn đề quan trọng bậc nhất không phải là tranh cãi xem ông GS Koblitz và bản Báo cáo Harvard cái nào đúng cái nào sai. Vấn đề quan trọng nhất là cái tai của người lắng nghe những lời phê phán.

Để hỏng nền đại học, xin đừng tính chuyện đổi mới

Nếu không nhờ báo VietNamNet có nhã ý tung lên mạng một bài viết của giáo sư Neal Koblitz phản biện lại bản báo cáo được gọi là của Đại học Harvard về thực trạng giáo dục ĐH Việt Nam, thì có lẽ tôi đã quên nó mất rồi.

Quên nó đi, là vì đại học không thuộc lĩnh vực hoạt động của mình. Ấy thế rồi có tác phẩm của GS Koblitz, và tôi đã đọc kỹ bài viết tới ba lần. Đọc xong lần thứ ba thì tôi mỉm cười một mình vì chợt nhớ tới câu đùa của người Pháp "Nhà vua chết rồi, Hoàng đế vạn tuế". Sự thể như sau, năm 1422, khi vua nước Pháp Charles VI băng hà, và vua Charles VII lên kế vị, người dân Pháp truyền nhau tin tức đó, nhưng qua cách báo tin cho nhau, bao nhiêu thế kỷ sau ta vẫn không thể quên nụ cười mỉm của cái dân tộc rất thích tiếu lâm đó.

Để phân tích bài viết của GS Koblitz, thiết tưởng nên nhắc lại đôi chút về bản báo cáo vẫn được gọi tắt là "Báo cáo Harvard" về sự khủng hoảng của nền ĐH Việt Nam hiện thời.

Người Mỹ có "sứ mạng" gì mà phải "báo cáo" cho người Việt Nam biết chuyện xảy ra ở nước Việt Nam? Họ chẳng có nghĩa vụ gì hết. Báo cáo đó chỉ cung cấp tình hình cùng những phân tích về sự khủng hoảng của hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam cho phía Hoa Kỳ trong Ủy ban đặc nhiệm song phương về giáo dục ĐH (Higher Education Task Force). Một bên trong hai bên đó muốn bàn với bên kia điều gì, muốn "OK" hay khước từ những đề nghị vòi vĩnh của phía bên kia, thì phải nắm chắc tình hình bên ấy.

Họ đã "nắm bắt tình hình" những gì với nhau trước khi hai bên nhóm họp?

Nhìn tổng quát tình hình ĐH Việt Nam, bản báo cáo cho rằng "khó có thể phóng đại hơn nữa về mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng ĐH Việt Nam đương thời". Và theo họ, thì "chúng tôi tin rằng, nếu không có những cải cách nhanh chóng và tận gốc dành cho giáo dục ĐH, Việt Nam sẽ thất bại trong mục tiêu đạt tới các tiềm năng to lớn của mình". Diễn nôm điều này là như sau: Hễ bạn để hỏng nền ĐH của mình, thì xin bạn đừng tính chuyện đổi mới nữa!

Đi vào chi tiết, bản báo cáo đó còn có gì nữa?

Có nhiều vấn đề. Có thể gộp chung các vấn đề lại để có một bản tóm tắt. Nhưng nghĩ rằng cách thức tốt hơn khi đọc một báo cáo là dùng sự cảm nhận đầy tinh thần trách nhiệm của mình mà vừa đọc vừa tự phán xét. Trên tinh thần đó, nghĩ rằng có thể nên dừng lại để cảm nhận về những "chuyện" sau đây.

Một là, hãy nhìn trước nhìn sau, trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu (như Tố Hữu dặn), xem ta đang đứng ở vị trí nào trong cuộc hội nhập? Những bản thống kê đã cho thấy rõ vị trí đó, và hãy nhớ đến lời cảnh báo trong báo cáo: "Các trường ĐH Việt Nam tụt lại khá xa đằng sau ngay cả những láng giềng kém mở mang của mình."

Hai là: "ĐH Việt Nam không sản xuất được một lực lượng lao động có đủ trình độ đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội Việt Nam". Bản báo cáo nêu ra một thí dụ về vụ tìm người làm của hãng Intel. Trong mấy chục năm qua, và cho đến tận hôm nay, hình như các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mỏi cổ ngóng trông một lực lượng lao động đáp ứng đòi hỏi của họ. Điều này ai ai cũng thừa biết, không cần đến ĐH Harvard mới bắt đầu sáng ra.

Ba là, những nguyên nhân của tình hình mà theo bản báo cáo, ít nhất có ba nét sau đây đáng chú ý cho ta xem xét giải quyết: Sự thiếu quyền tự chủ của ĐH; sự quản lý theo thói quen quan liêu kéo dài; sự thiếu trình độ của tầng lớp giảng sư vốn chủ yếu xuất thân từ lò đạo tạo Xô Viết.

Kết thúc bản báo cáo, gây hoảng hồn hơn cả là cái kết luận mang tính khuyến nghị quá ư đúng đắn của nó: "Cải tổ toàn bộ cung cách điều hành của chính quyền là chìa khoá để cải tiến nền giáo dục ĐH tại Việt Nam. Tuy nhiên, cải tổ các học viện giáo dục đào tạo ở bất cứ nơi đâu cũng là một tiến trình lâu dài. Đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng Việt Nam phải xây dựng một học viện đào tạo ĐH mới, mà ngay từ đầu đã có cơ chế điều hành tốt nằm trong DNA (mã di truyền- BT) của nó".

Điều rất thú vị, ấy là bạn đọc Việt Nam ở trong và ngoài nước hình như đều chấp nhận bản báo cáo Harvard, các thảo luận đều như thể cùng quy tụ vào những nguy cơ được nêu ra từ đó.

Có ở trong chăn (giáo dục) mới biết chăn có rận

Và điều cũng rất thú vị, ấy là người duy nhất lên tiếng phản đối bản báo cáo Harvard lại là một người nước ngoài - hơn thế nữa, một người Mỹ, hơn thế nữa, một người Mỹ có tiếng tăm.

Bài phân tích của GS Koblitz thì dài, tốt nhất là nên đọc từ đầu chí cuối, còn ở đây ta chỉ nên phân tích những vấn đề chính yếu.

Vấn đề thứ nhất, ta thấy một Koblitz gần gụi, thân thiện vô cùng với Việt Nam: Ông sang Việt Nam từ năm 1978 khi đất nước ta vẫn còn bị Mỹ cấm vận. Là người Mỹ am hiểu đất nước, ông lưu ý cảnh báo giúp ta rằng "Vào những năm sáu mươi, hàng triệu người Mỹ đã nhiệt tình ủng hộ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong số đó không chỉ là bao gồm những người không có học thức mà đáng tiếc là còn có cả một số GS của Harvard và các trường ĐH khác, họ đã đến Washington để nắm giữ các chức vụ quan trọng trong nội các của Kennedy và Johnson."

Ông khuyên chúng ta chớ có tin vào các báo cáo loại đó, nhất hạng là khi tác giả lại từng là thủy quân lục chiến đánh nhau ở chiến trường Việt Nam. Dĩ nhiên, ông không rơi vào "chủ nghĩa lý lịch" thô thiển. Ông còn cung cấp cho chúng ta về quá trình học hành bậc ĐH và trên ĐH của các tác giả bản báo cáo Harvard tiếng tăm và tai tiếng kia! Hoá ra, họ không đáng tin vì chưa có học vị Ph.D., và theo Koblitz, học vị của họ còn "thua cả bậc candidate Liên Xô" - tức bậc Phó tiến sĩ (nay đều gọi là Tiến sĩ).

Về vấn đề thứ nhất, ông Koblitz nêu ra, tôi chỉ dám rụt rè hỏi lại như sau: Ngộ nhỡ những nội dung báo cáo của những cựu thủy quân lục chiến kia, của những con người ít học kia, mà lại gần với sự thật, mà những gì họ vạch ra lại đáng cho người Việt Nam chúng tôi suy nghĩ, thì có vì cái quá khứ của mấy người viết báo cáo đó mà gạt bản báo cáo đi không? Giữa chân lý và lý lịch, ta chọn cái gì? Hay là GS Koblitz chỉ cho phép các cựu binh Mỹ được phép kéo đàn và lau nước mắt bên các tượng đài?

Vấn đề thứ hai, đó là lập luận của Koblitz về việc phải hiểu rõ lịch sử Việt Nam thì hãy giơ tay phát biểu. Suốt mấy trang dài, tác giả Koblitz kể từ năm 1978 khi Việt Nam còn bị cấm vận ông đã tới thăm và kính phục giới trí thức Việt Nam; ông biết rành rọt lịch sử như được gửi ở những tấm bia trong Văn Miếu Quốc Tử Giám; ông hiểu rõ tội lỗi của người Pháp đối với nền ĐH Việt Nam; ông nhắc nhở các nhà viết báo cáo Harvard không nhớ kể ra tội ác diệt chủng của người Mỹ khi ném bom Việt Nam. Và bảng lảng trong bài viết của Koblitz là lòng luyến tiếc Liên Xô hùng mạnh một thời về mọi mặt (dĩ nhiên là hùng mạnh cả trong việc đào tạo chuyên gia cho Việt Nam).

Về việc này, tôi chỉ xin nói nhỏ như sau: GS Koblitz biết quá nhiều, duy chỉ có một điều ông chưa biết, đó là câu tục ngữ: "Có ở trong chăn mới biết chăn có rận".

Sao ông không nêu câu hỏi: Chuyên gia đào tạo từ Liên Xô giỏi vậy, sao họ không chịu phát huy tác dụng, để nền ĐH Việt Nam ốm yếu đến thế? Sao ông không hỏi để biết tâm tư người Việt Nam đương thời, để thấy họ cũng xì xụp vái lạy ở Văn Miếu, nhưng họ cũng đang mong muốn thế hệ trẻ của dân tộc họ thoát khỏi cảnh đi học chỉ để có mũ cao áo dài và tên tuổi không nằm ở thành tích trong công việc mà chỉ còn là hàng chữ li ti trên tấm bia đá nặng trịch.

Vấn đề thứ ba, GS Koblitz nói về những cái xấu của ĐH Mỹ, trong đó có hai điều rất hấp dẫn: Trình độ toán của sinh viên Mỹ quá dấm dớ (có dẫn chứng đầy đủ), và nhiều trường cao đẳng (và có thể ĐH) Mỹ có thể (và đã) qua Việt Nam chỉ cốt kiếm lợi nhuận chứ không mong họ có ích gì cho việc xây dựng nền ĐH nước này. Ông cũng cảnh báo mọi người về việc nước Mỹ thu hút chất xám của loài người, nên Mỹ mới giỏi và tiếp tục giỏi như ngày nay.

Về chuyện này, thiết nghĩ chỉ cần nhắc nhở GS khả kính về bài báo ông viết năm 1981 là đủ, bài Toán học với tư cách công cụ tuyên truyền (Mathematics as Propaganda), trong đó ông cảnh báo cách dùng sai lệch công cụ toán học vào khoa học xã hội. Thì ở đây ta thấy lặp lại chính điều ông cảnh báo: Chuyện sinh viên Mỹ học dốt toán chẳng ăn nhập gì với chuyện nền ĐH Việt Nam rệu rã hết!

Và nếu muốn lập luận theo phép tương đương, ta có thể vào trang web của Trường ĐH Washington và dùng ngay các ý kiến của sinh viên đánh giá GS Koblitz trong các tháng 9 và 10 năm 2009 này; ta sẽ thấy ở đó những kết quả trái ngược nhau chan chát!

Vấn đề quan trọng bậc nhất không phải là tranh cãi xem ông GS Koblitz và bản Báo cáo Harvard cái nào đúng cái nào sai. Vấn đề quan trọng nhất là cái tai của người lắng nghe những lời phê phán.

Chúng tôi ở trong chăn đã lâu, xin có một lời khuyên giản dị với GS như sau: Nước chúng tôi có quá nhiều người tốt bụng rồi, xin ông GS không cần giúp đỡ thêm về mặt này nữa.

Phạm Toàn