Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Xã hội > Kinh tế > Có thật quảng cáo thoái vị và PR lên ngôi?

Có thật quảng cáo thoái vị và PR lên ngôi?

Thứ Hai 26, Tháng Ba 2007

Quảng cáo và người đại lý bán xe ô tô

Ries dẫn thông tin: Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây của viện Gallup về tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp đối với 32 ngành chuyên môn khác nhau, thì nhân viên quảng cáo được xếp gần cuối bảng nằm giữa người đại lý bảo hiểm và người đại lý bán xe ô tô! Nếu bạn không thể tin vào lời nói của các đại lý bảo hiểm hay đại lý ô tô thì làm sao bạn có thể tin vào điều bạn đọc trong quảng cáo?

Không chỉ có thế, Ries dẫn các thăm dò nội bộ trong doanh nghiệp nói về việc các nhân viên được hỏi bộ phận nào quan trọng nhất giúp cho sự thành công của công ty, quảng cáo đứng gần chót bảng sau Phát triển sản phẩm, Lập kế hoạch chiến lược, Quan hệ công chúng, Nghiên cứu phát triển và Chiến lược tài chính.

Chưa hết, từ sau thế chiến 2, khối lượng quảng cáo của các doanh nghiệp liên tục tăng lên, nhưng hiệu quả thì lại giảm đi. Một spot quảng cáo trong Giải SuperBowl của Mỹ năm 1972 giá 86.000 USD và đến được 56 triệu khán giả, còn năm 2001 thì giá 1 spot là 2,1 triệu USD và đến được có 88 triệu khán giả (thời điểm Ries viết cuốn Quảng cáo thoái vị; số liệu của người viết cập nhật đến 2006 thì SuperBowl 2005 có 90 triệu khán giả và giá quảng cáo 1 spot là 2,5 triệu USD). Chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhìn chung ngày càng đắt đỏ. Ries tính mỗi ngày người xem phải xem 237 quảng cáo trên truyền hình, làm sao mà nhớ nổi. Do đó người dùng mục tiêu chỉ nhớ được các quảng cáo khác biệt, dị thường.

Điều cuối cùng là người tiêu dùng không tin vào những thông điệp gửi gắm trong các mẫu quảng cáo, cũng tương tự như họ không tin vào đại lý bán xe ô tô vậy!

Tất cả những luận điểm trên của Ries đều đúng. Tuy nhiên đã 5 năm từ khi cuốn sách của Ries gây chấn động ngành Marketing và PR, quảng cáo đã không thoái vị như Ries nghĩ. Tại Mỹ, chi phí quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn tăng 4-5% mỗi năm, cao hơn cả tốc độ tăng GDP và đạt đến mức 300 tỉ USD/năm. Tại các thị trường mới nổi khác, quảng cáo còn tăng kinh khủng hơn, như ở Trung Quốc và ngay ở Việt Nam ta chẳng hạn. Năm ngoái, chi phí quảng cáo ở Việt Nam đạt tới trên 300 triệu USD trên các phương tiện TV, báo chí và radio, chưa tính Internet, và năm nay đến tháng 7 đã đạt mức tăng trưởng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và có khả năng vượt ngưỡng 400 triệu USD lần đầu tiên trong năm nay.

Tại sao người ta không tin vào quảng cáo mà các doanh nghiệp vẫn đổ xô đi quảng cáo? Phải chăng là các doanh nghiệp này dốt? Xin thưa là không. Trong số 100 nhãn hiệu quảng cáo nhiều nhất tại Mỹ, chúng ta gặp những doanh nghiệp danh tiếng lẫy lừng. Theo thống kê 10 doanh nghiệp quảng cáo nhiều nhất tại Mỹ năm 2005 là: GM, P&G, TimeWarner, Pfizer, SBC, DaimlerChrysler, Ford, Walt Disney, Verizon và Johnson & Johnson. Ngoại trừ GM đang lỗ lã triền miên, Daimler mới vừa qua suy thoái, Ford đang loay hoay với khoản lỗ hàng tỉ USD mỗi năm và bổ nhiệm CEO mới, 7 doanh nghiệp còn lại đều là những bậc thầy về kinh doanh hiệu quả, trong đó có P&G, một trong những doanh nghiệp tài giỏi nhất về marketing. Họ có đầy đủ các công cụ nghiên cứu và đo lường hiệu quả ROI của quảng cáo và tiếp thị, cho nên những đồng tiền họ chi ra phần lớn sẽ phải đúng chỗ. Ba doanh nghiệp còn lại kinh doanh tệ hại không phải vì chi tiêu quá nhiều quảng cáo thay vì dùng PR, mà là do những vấn đề về chiến lược.

Vậy là quảng cáo chưa thoái vị, và không biết bao giờ sẽ thoái vị. Còn PR thì cũng có lên ngôi chút ít sau cuốn sách của Ries, nhưng chưa truất ngôi quảng cáo được: PR hiện giờ chỉ chiếm 1-5% trong ngân sách marketing của các tập đoàn lớn.

Chúng ta hãy xem các luận điểm nêu trên của Ries về lý thuyết và thực tiễn có tính thuyết phục đến đâu.

Thứ nhất, quảng cáo tệ hại như những đại lý bán xe hơi!

Không phải vì quảng cáo ít tin cậy như người bán xe ô tô mà quảng cáo không hiệu quả, và các doanh nghiệp chi tiền quảng cáo nhiều không phải vì họ tin rằng người tiêu dùng nghĩ quảng cáo là đáng tin cậy. Về phía doanh nghiệp, quảng cáo và PR là những công cụ giúp họ thực thi các chiến lược và chiến thuật marketing xoay quanh các cấu thành marketing mix (tuỳ vào đặc điểm riêng của mỗi ngành kinh doanh và doanh nghiệp, marketing mix ngày nay đã tiến hoá ra ngoài 4Ps truyền thống lên 5Ps, 6Ps... rồi 10Ps). Quảng cáo có lợi thế riêng và hạn chế riêng, PR cũng vậy. Quảng cáo thì không đáng tin bằng PR, nhưng PR đâu thể nhanh bằng quảng cáo, đâu thể diễn giải các thông điệp marketing, giá trị cốt lõi của thương hiệu, lời hứa thương hiệu, định vị thương hiệu, tính cách thương hiệu, bản sắc thương hiệu, dấu ấn thương hiệu, tài sản thương hiệu, USP v.v.. và v... một cách giàu hình ảnh và cảm xúc như 1 quảng cáo xuất sắc. Vấn đề tính tin cậy, do đó, chỉ là một yếu tố góp phần đưa đến quyết định của người lãnh đạo hoạt động marketing trong doanh nghiệp trước khi tính toán phân bổ bao nhiêu tiền cho quảng cáo và bao nhiều tiền cho PR.

Thứ hai, phần lớn các nhân viên cho rằng quảng cáo chẳng đóng góp gì cho sự thành bại của doanh nghiệp họ làm.

Các nhân viên trong công ty không tin vào hiệu quả của quảng cáo, không có nghĩa là các nhân viên này luôn luôn đúng. Khi Jack Welch với biệt danh Neutron Jack nắm quyền lãnh đạo tối cao GE và thực thi một chính sách quản trị và lãnh đạo kỷ luật hà khắc, sa thải hàng loạt nhân viên, thực thi chính sách “sa thải 10% nhân viên kém hiệu quả nhất hàng năm”, kiểm soát chặt chẽ chi phí và phúc lợi cho các nhân viên, nghiêm khắc và cứng rắn đối với các direct reports, ông này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của toàn bộ nhân viên. Hai mươi năm sau, lịch sử đã chứng minh hiệu quả của những gì Jack làm: GE trở thành công ty số 1 thế giới về giá trị thị trường (khi Jack nghỉ hưu), đứng vị trí số 1 hoặc 2 trong các ngành kinh doanh tương ứng, trở thành cái nôi nhân tài số 1 thế giới và các nhà quản trị cấp cao của GE được toàn bộ thế giới săn đón vào vị trí CEO. Đôi khi, quan điểm của boardroom và nhân viên cũng có sự khác biệt đáng kể - và chỉ có thực tiễn mói phán xét được ai đúng hơn ai.

Thứ ba, hiệu quả quảng cáo ngày càng giảm.

Hiệu quả quảng cáo ngày càng giảm không có nghĩa là hiệu quả của PR ngày càng tăng. Thực tế cho thấy từ khi cuốn sách của Ries ra đời, cho đến nay những người hành nghề PR vẫn còn vật lộn với nhau để đo lường giá trị cụ thể của PR. Quảng cáo thì từ lâu đã có các công cụ đo lường truyền thống: Reach, GRP, Readership, Target Audience v.v... và nay còn có thêm nhiều chỉ số đo lường tác động của quảng cáo đến việc gia tăng tài sản thương hiệu (nhân tiện cũng cần nói Coca Cola đã không thể trở thành nhãn hiệu có giá trị lớn nhất toàn cầu với gần 70 tỉ USD nếu không quảng cáo liên tục, quảng cáo mãnh liệt từ khi nó ra đời). Còn PR, làm thế nào để đo mỗi đồng chi vào PR đem lại hiệu quả gì, tới bao nhiêu người, và đóng góp ra sao vào tài sản thương hiệu.

Thứ tư, người tiêu dùng không tin vào các thông điệp quảng cáo.

Người tiêu dùng không tin vào các thông điệp quảng cáo và có xu hướng tin cậy hơn vào PR không có nghĩa là giới quản trị doanh nghiệp nên đổ xô vào chi tiên cho PR thay vì chi tiền cho quảng cáo. Trong chiến lược và chiến thuật marketing, quảng cáo và PR là hai công cụ bổ sung, hỗ trợ cho nhau chứ không phải thay thế, loại trừ, bởi mỗi công cụ có điểm mạnh và điểm hạn chế riêng. Khi vào Việt Nam, chẳng ai mua ngay Royal Coke vì hãng này làm PR hàng loạt trên báo chí rằng chất lượng tốt, giá thành rẻ và từ bỏ Pepsi vì không tin vào những quảng cáo của hãng này. Thực tế đã xảy ra là giới trẻ thích thú coi quảng cáo của Pepsi còn hơn coi phim Hàn Quốc bởi họ gặp trong đó Britney Spears, Beyonce, các thành viên nhóm nhạc F4, và cả ca sĩ Mỹ Tâm lẫn Đan Trường. Quảng cáo có sức mạnh đặc biệt trong việc xây dựng giá trị thương hiệu lâu bền ở góc độ cảm xúc, hình ảnh, âm thanh mà PR khó lòng đạt được.

Nói tóm lại, các luận điểm đầu tiên của Ries là đúng và sắc sảo, nhưng cần phải bàn thêm cho thấu đáo. Chi tiêu tiền nhiều hay ít cho quảng cáo và marketing không phải là trò xúc xắc của lãnh đạo doanh nghiệp hay là hành động dựa vào các kết luận dừng lại ở hiện tượng. Marketing một phần là khoa học, là nghệ thuật, là khám phá bản chất của hiện tượng để ra các quyết định chính xác, thông minh và tối ưu. Các luận điểm của Ries hấp dẫn bởi nó nêu lên hiện tượng mà ai cũng nhìn thấy, song nếu soi chiếu dưới nhiều góc độ, các luận điểm này có lẽ cần phải bổ sung thêm bằng lý thuyết và thực tiễn.

(nguồn www.nhaquantri.com.vn)