Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Bạn đọc > Ý kiến > Harvard từ năm 1636 đã chờ đợi ngày này !

Harvard từ năm 1636 đã chờ đợi ngày này !

Chủ Nhật 29, Tháng Mười Một 2009

Ngày 11/2/2007 bà Catherine Drew Gilpin Faust được chính thức bổ nhiệm làm hiệu trưởng thứ 28 của trường đại học tổng hợp Harvard. Đây là một ngày trọng đại người Harvard không bao giờ có thể quên, vì nó đánh dấu sự chấm dứt lịch sử 370 năm cánh đàn ông độc quyền nắm giữ cương vị cao quý nói trên suốt từ ngày Harvard ra đời.

“Harvard từ năm 1636 đã chờ đợi ngày này.” – bà Patricia Albjerg Graham nguyên hiệu trưởng Harvard’s Graduate School of Education xúc động nói, và nhớ lại: năm 1972 khi đến Harvard làm nghiên cứu sau tiến sĩ, bà không được nhà trường cho vào ăn tại phòng lớn của nhà ăn, lý do chỉ vì bà là phụ nữ.

“Đây là một ngày cực kỳ quan trọng, một ngày có ý nghĩa lịch sử đối với ĐH Harvard.” – ông James R.Houghton đứng đầu Ủy ban tuyển chọn Hiệu trưởng Harvard và là thành viên lâu năm trong ban lãnh đạo Harvard Corporation tuyên bố, Faust “vừa có học vấn uyên bác lại có năng lực lãnh đạo mạnh, đồng thời có thể khích lệ mọi người cố gắng làm tốt công việc một cách xuất sắc nhất”, bà là “một nhà khoa học ưu tú, một nhà giáo chuyên tâm, một người cực tốt.”

Bà Catherine Hill Giám đốc nghiên cứu của Hội Phụ nữ các trường ĐH Mỹ [1] nói: việc bổ nhiệm Faust làm Hiệu trưởng Harvard có “ý nghĩa tượng trưng quan trọng”.

Bruce Mann giáo sư trường Luật Harvard, một đồng nghiệp lâu năm của Faust nhận xét Drew Faust rất thích hợp lãnh đạo Harvard, một “trường ĐH nổi tiếng và khó lãnh đạo”.

Việc bổ nhiệm nói trên cũng được báo đài Mỹ và thế giới đưa tin, bình luận.

Vậy Drew Faust có gì khác với các vị Hiệu trưởng Harvard trước đây?

Trước hết, bà là phụ nữ; sau đó, bà là người thứ hai chưa từng học tại Harvard. Cuối cùng, việc bổ nhiệm bà đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ suốt từ năm 1953 tới nay Hiệu trưởng Harvard chỉ là mấy vị nhân sĩ có tiếng tăm, từng là chính khách, quan chức hoặc cao thủ có tài quyên tiền thiên hạ chứ không phải là nhà khoa học thuần túy.

Gặp thời ?

Việc bổ nhiệm Faust có liên quan tới sự ra đi của người tiền nhiệm là Lawrence Summers, nhà kinh tế nổi tiếng, nguyên bộ trưởng Tài chính thời Tổng thống Clinton. Ông này có tài, có tầm nhìn nhưng hồi làm Hiệu trưởng (2001-2006) lại tỏ ra thiếu khiêm tốn, nói năng thiếu giữ gìn nên kém thu phục nhân tâm. Năm 2005, tại một hội nghị bàn về kinh tế, Summers nói: trong các môn khoa học tự nhiên, toán học và công trình, phụ nữ không có tài năng như nam giới. Phát ngôn này bị phản ứng mạnh, một nữ giáo sư lập tức bỏ họp đi ra để tỏ ý phản đối. Ủy ban Nữ giáo sư Harvard công khai tuyên bố: “Hành vi của ngài (tức Summers) đã đem lại thiệt hại nghiêm trọng cho thanh danh của ĐH Harvard.”

Quả thế, không ít nữ giáo sư sau đó đã tức giận từ chức; nữ giới cả nước lên án Summers. Để dẹp yên dư luận, ông này bèn lập nhóm công tác nữ giáo sư nhằm cải tiến việc tuyển dụng và đề bạt họ. Hồi ấy bà Faust đang là Giám đốc Viện nghiên cứu cấp cao Radcliffe [2]. Summers nhờ Faust giúp phụ trách hai tiểu ban học thuật ông mới lập nhằm tăng cơ hội tuyển dụng, đề bạt nữ giáo sư trong các lĩnh vực toán học, công trình và khoa học tự nhiên.

Tuy đã cố gắng cứu vãn tình hình, nhưng sức ép dư luận vẫn ngày một tăng, cuối cùng tháng 2/2006 Summers phải từ chức Hiệu trưởng Harvard. Có người nói, nếu không xảy ra sự việc này thì chưa chắc Harvard đã chọn một phụ nữ vào chức vụ đó.

Ai dám làm Hiệu trưởng Harvard ?

Trong tình hình đó, Harvard Corporation tạm thời mời cựu Hiệu trưởng thời gian 1971-1991 là Derek Bok làm quyền Hiệu trưởng, đồng thời gấp rút tìm chọn Hiệu trưởng mới.

Sau mấy tháng sơ tuyển, cuối 2006, Ủy ban tuyển chọn Hiệu trưởng Harvard gồm 7 thành viên công bố danh sách người được chọn mặt gửi vàng. Từ Harvard có bà Elena Kagan, Hiệu trưởng trường Luật; bà Drew Faust nhà sử học; Steven Haiman Hiệu phó phụ trách giáo vụ (provost) … Từ các nơi khác có Steven Chu chủ nhân giải Nobel vật lý 1997 và một số nhà khoa học. Dĩ nhiên, thành phần nữ được chú trọng nhằm để cứu vãn thanh danh Harvard sau khi phát biểu coi thường nữ giới của cựu Hiệu trưởng Summers gây sóng gió dư luận.

Trên thực tế không ít người được đưa vào danh sách trên đã từ chối sự đề cử.

Ai cũng biết, Hiệu trưởng ĐH Harvard là một chức vụ có vinh dự rất cao nhưng lại vô cùng khó gánh vác. Harvard từng gửi lời mời vào chức vụ này đến nhiều vị lãnh đạo các trường ĐH nổi tiếng hoặc các nhà khoa học lừng danh trên thế giới, song phần lớn họ đều rút ra khỏi cuộc cạnh tranh nhắm tới chiếc ghế đó. Ông Alison Richard phó Hiệu trưởng ĐH Cambridge (Anh Quốc) khi được “lọt vào tầm ngắm” đã tỏ ý sẽ ở lại Cambridge mà không có ý định trở thành ứng viên của Harvard. Gay go nhất là ngay cả các nhân vật hàng đầu một số ĐH ở Mỹ cũng không quan tâm tới chức vụ này. John Etchemendy Hiệu phó phụ trách giáo vụ ĐH Stanford viết trong thư gửi Ủy ban nói trên: ông chẳng những “không coi mình là một ứng viên, hơn nữa cũng tin rằng mình sẽ không phải là ứng viên trong con mắt quý Ủy ban”. Bà Amy Gutmann Hiệu trưởng ĐH Pennsylvania thì nói thẳng: “Tôi khẳng định sẽ đảm nhiệm chức Hiệu trưởng ĐH Pennsylvania mà không quan tâm tới địa vị Hiệu trưởng các trường ĐH khác.”

ĐH Pennsylvania là một trường lớn thuộc Ivy League [3] nên dư luận cho rằng Gutmann rất hiểu lãnh đạo Harvard là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Tài sản lạc quyên được [4] của ĐH Harvard hàng năm lên tới cỡ 20-30 tỷ USD, tương đương ngân sách một quốc gia trung bình, tuy rất đáng ngưỡng mộ nhưng cũng có nghĩa là Hiệu trưởng Harvard phải vất vả bôn ba và có uy tín như thế nào mới bảo đảm “chạy” được nguồn tài sản tương đương như vậy.

Ngoài ra thế lực của Harvard Corporation rất mạnh, các đơn vị độc lập trong trường cạnh tranh với nhau rất quyết liệt, lãnh đạo một nhà trường như vậy thật khó khăn.

Sau gần một năm sàng lọc, cuối cùng Ủy ban tuyển chọn nói trên đưa ra quyết định bổ nhiệm sử gia nổi tiếng Catherine Drew Gilpin Faust 59 tuổi làm Hiệu trưởng thứ 28 của ĐH Harvard.

Giàu tinh thần phản nghịch

Trong một lần trả lời nhà báo mới đây, bà Faust nói bố mẹ bà muốn bà “trở thành vợ của một người chồng giàu có.” Nguyện vọng ấy ngày nay rõ ràng là lỗi thời, nhưng với hoàn cảnh gia đình Faust thì đúng như thế. Bà xuất thân từ một gia đình khá giả và lớn lên trong trang trại chăn nuôi của ông bố tại một thị trấn nhỏ ở huyện Clarke bang Virginia cách Washington chừng 100 km. Mẹ bà là một điển hình phụ nữ suốt đời chỉ lo nội trợ và luôn dạy con gái biết sống an phận nữ nhi và phải hiểu được thế giới này là của đàn ông. Faust luôn được nhắc nhở đi đứng ăn nói phải đúng phép tắc, thí dụ ăn xong phải xếp thìa nĩa thế nào, khi đi cùng gia đình ra ngoài phải chú ý thứ tự trước sau, phải biết cách ăn nói khác nhau với người da trắng, người da đen… Một lần thay thầy giáo giảng Kinh Thánh cho lớp của con gái, ông bố Faust nói: “Chớ bao giờ tin đàn bà.” Trong các cuộc bàn cãi gia đình, ông thường kết luận: “Các con yêu quý, hãy nhớ rằng đây là thế giới của đàn ông, hiểu được điều đó càng sớm càng tốt.”

Bầu không khí ngột ngạt ấy đã thức tỉnh tinh thần “phản nghịch” ở cô bé. Sau này Faust nhớ lại: “Mẹ tôi luôn bảo tôi thế giới này là của đàn ông, con phải tiếp nhận sự thật đó. May mắn hơn mẹ, tôi sống trong một thời đại có thể chứng minh kết luận ấy của mẹ là sai.” “Tôi là kẻ phản nghịch, chẳng những ra đường biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam mà còn luôn tranh cãi với mẹ, không tiếp nhận quan điểm của bà cho rằng đây là thế giới của đàn ông …”

Từ nhỏ Faust đã từ chối làm các công việc khâu vá mà chạy đi cho bò ngựa ăn như con trai. Năm 9 tuổi, nghe đài nói ở Virginia đang có tranh cãi về vấn đề phân biệt màu da, Faust giấu bố mẹ viết thư đề nghị Tổng thống Eisenhower giải quyết vụ này: “Thưa Tổng thống kính mến, cháu người da trắng, năm nay 9 tuổi và có nhiều suy nghĩ về chuyện phân biệt chủng tộc … Cho tới bây giờ cháu mới để ý thấy học sinh trường tiểu học của cháu toàn là người da trắng, và cháu hiểu ra điều này hoàn toàn không ngẫu nhiên … Nếu cháu bôi đen mặt mình thì sẽ chẳng một trường công nào cho cháu vào học, tuy rằng cháu chẳng có thay đổi gì ngoài màu da mà thôi …” Không chỉ kêu gọi thanh toán nạn phân biệt chủng tộc, Faust còn tham gia cuộc biểu tình của phong trào nhân quyền.

Sau khi trở thành nhà sử học, Faust thấy cần đi tìm tung tích bức thư nói trên và bà đã thấy nó tại Thư viện Tổng thống Eisenhower ở bang Kansas. Bức thư viết ngày 2/12/1957 tại một trường tiểu học nông thôn ấy được Faust nhiều lần nhắc tới, coi nó là mầm mống đầu tiên của bản năng chống đối các tập tục. Bản năng ấy khiến Faust đứng vào hàng ngũ những người Mỹ đầu tiên phản đối chiến tranh Iraq.

Trưởng thành và cống hiến

Faust bắt đầu sống xa gia đình từ hồi đi học một trường trung học ký túc ở New England. Tiếp đó bà học tại Học viện dự bị Concord Academy ở Massachusetts, rồi tốt nghiệp ngành lịch sử tại Học viện nữ Bryn Mawr (Bryn Mawr College).

“Từ khi học dự bị, em gái tôi bắt đầu đi con đường riêng của mình,” người anh của Faust sau này kể lại, “Tôi cảm thấy em tôi rất hiểu con đường mình sẽ đi, cô ấy luôn bừng bừng khí thế muốn làm được một cái gì đó.”

Mới đầu Faust rất muốn vào ĐH Princeton, nơi ông bố, hai ông chú và nhiều họ hàng từng theo học, nhưng bà thất vọng chỉ vì hồi giữa thập niên 60 Princeton không nhận nữ sinh.

Tại Bryn Mawr College, Faust chủ yếu học lịch sử. Năm 1968, Faust 21 tuổi tốt nghiệp Học viện này với thành tích xuất sắc. Sau đó bà làm nghiên cứu sinh tại ĐH Pennsylvania và năm 1975 lấy bằng tiến sĩ sử học chuyên ngành văn minh châu Mỹ [5]. Bà ở lại trường này giảng dạy 25 năm với cương vị giáo sư, trong đó 5 năm làm Chủ nhiệm Khoa Văn minh châu Mỹ; ngoài ra còn làm Chủ nhiệm “Dự án nghiên cứu phụ nữ” trong 4 năm.

Năm 2000, giáo sư sử học Faust về làm việc tại Viện Nghiên cứu
cấp cao Radcliffe Institute for Advanced Study. Năm sau bà được cử làm Giám đốc (Dean) Viện này. Tiền thân của nó là Radcliffe College, một học viện nữ độc lập trước ngày Harvard nhận cả nam lẫn nữ sinh (nhưng nữ sinh của họ có thể nghe giảng tại Harvard). Năm 1999, Radcliffe College nhập vào ĐH Harvard, đổi thành Viện Nghiên cứu; vì thế Faust trở thành người của Harvard. Trên cương vị mới, bà mạnh dạn tiến hành chỉnh đốn và cải cách, giảm chi tiêu hành chính, giảm 1/4 biên chế, mời nhiều học giả có uy tín trong phong trào nữ quyền làm cán bộ nghiên cứu, đem lại sức sống mới cho Viện, biến nó thành một cơ quan nghiên cứu quốc tế có tiếng. Từ đó tên tuổi Faust bắt đầu nổi lên tại Harvard.

Thế hệ sử gia mới của nước Mỹ

Faust là chuyên gia lừng danh về nghiên cứu lịch sử miền nam nước Mỹ và lịch sử cuộc nội chiến Mỹ, là chiến sĩ hăng hái bảo vệ nữ quyền. Bà đã xuất bản 6 trước tác, trong đó cuốn Mothers of Invention: Women of the Slaveholding South in the American Civil War (Những bà mẹ của sáng tạo: phụ nữ tại miền nam duy trì chế độ nô lệ trong Nội chiến Mỹ, xuất bản 1996) được Hội Sử học Mỹ tặng giải thưởng sách hay nhất thuộc thể loại phi tiểu thuyết (nonfiction). Cuốn This Republic of Suffering: Death and the American Civil War (Nền cộng hoà đau khổ: sự chết chóc và cuộc Nội chiến Mỹ, xuất bản 2008) nói về 620 nghìn binh sĩ Mỹ ngã xuống trong 4 năm Nội chiến chỉ để dẫn đến kết cục đem lại nền cộng hoà, được báo New York Times chọn là 1 trong 10 sách hay nhất năm 2008 và được ĐH Columbia tặng giải Bancroft 2009. Con số 620 nghìn người chết ấy tương đương với toàn bộ binh sĩ Mỹ đã chết trong tất cả các cuộc chiến tranh khác nước Mỹ từng tham gia từ Chiến tranh Cách mạng cho tới chiến tranh Triều Tiên. Thật là một sự lãng phí tàn nhẫn.

Quan điểm của bà về chiến tranh rất đáng chú ý. Trong một bài viết năm 2004, khi phân tích vấn đề tại sao chiến tranh là đề tài có sức cuốn hút nhất trong lịch sử, bà viết: chiến tranh đem lại cho người ta sự trải nghiệm chân thực và mãnh liệt, khi đến thời điểm sống chết ai nấy đều tự hỏi: rốt cuộc điều gì quan trọng nhất? Cần hành động thế nào? ... Các sử gia đã nhiều lần phân tích nguyên nhân và hậu quả của chiến tranh, nhưng sự phân tích trừu tượng đó không quan trọng đối với những người bình thường; chiến tranh đầy rẫy sự kích thích và sợ hãi, sự chết chóc và bi kịch của những người bị hại, nó tác động to lớn tới mọi người... Các trước tác của bà đã thể hiện quan điểm tư duy nặng tính nhân văn, phù hợp thời đại ngày nay của thế hệ sử gia mới trong việc phân tích các sự kiện lịch sử.

Phong cách lãnh đạo độc đáo

Faust chan hoà với mọi người, khéo léo tranh thủ được sự hợp tác của họ, có lẽ đây là một nguyên nhân quan trọng bà được chọn làm Hiệu trưởng Harvard. Bà Judith Rodin [6] Chủ tịch Quỹ Rockefeller nhận xét: “Bà ấy kết hợp vô cùng khéo léo trình độ học thuật lỗi lạc với năng lực quản lý siêu phàm.” Ông Francis Sheldon Hackney, Hiệu trưởng ĐH Pennsylvania thời kỳ 1981-1993 [7], một sử gia chuyên về lịch sử miền nam nước Mỹ và từng cộng tác chặt chẽ với Faust nhận xét: các đồng nghiệp của Faust thường vui lòng nhờ bà giúp vì họ thấy quan điểm sử học của bà có độ tin cậy cao; Faust làm việc rất chắc chắn và có nề nếp, kiên nghị nhưng lại hay hài hước, được mọi người tín nhiệm.

Không ít người cho rằng Faust được cử làm lãnh đạo Harvard chủ yếu vì bà là nữ, nhưng Ủy ban tuyển chọn Hiệu trưởng Harvard kiên trì tuyên bố: giới tính không phải là nhân tố chủ yếu nhất khiến họ chọn Faust, điều quan trọng là tính cách và phong cách quản lý của bà. Faust hoà nhã điềm đạm, có tài cân bằng ý kiến các bên, khác hẳn người tiền nhiệm. Chính bà từng nói: “Tôi mong rằng việc bổ nhiệm tôi có thể tượng trưng cho sự mở đầu những cơ hội thậm chí thế hệ trước không thể tưởng tượng nổi.” [8], và nhấn mạnh “Tôi không phải là Nữ Hiệu trưởng của Harvard, tôi là Hiệu trưởng của Harvard.” [9]

“Theo tôi, đây là một mô hình mới của người lãnh đạo, có lẽ cũng liên quan tới giới tính song không nên hoàn toàn quy kết cho giới tính.” – giáo sư Richard Chait chuyên nghiên cứu công tác quản lý ngành ĐH nói và cho biết: các công ty lớn của Mỹ gần đây có những thay đổi về mặt quản lý, một trong số đó là các nhà lãnh đạo cứng rắn đang được thay bằng những người điềm đạm hoà nhã, có khả năng giành được sự nhất trí của mọi người. Faust giỏi gợi ý cho người khác và tìm được sự đồng thuận của họ, điều ấy quan trọng hơn các chi tiết quản lý.

Đứng trước thách thức

Giờ đây không chỉ Harvard mà ĐH Pennsylvania, ĐH Princeton, ĐH Brown đều có nữ Hiệu trưởng, chiếm một nửa số ĐH thuộc Ivy League. Trong tương lai, tỷ lệ nữ Hiệu trưởng sẽ còn tăng nhiều, vì năm 2006 nữ chỉ mới chiếm 23% số Hiệu trưởng trường cao đẳng và ĐH; ngoài ra hơn một nửa các vị này đã ngoài 60 tuổi, cần có sự thay thế. Khi có nhiều nữ Hiệu trưởng thì dĩ nhiên sẽ xuất hiện sự cạnh tranh giữa họ với nhau.

Drew Faust đứng trước không ít khó khăn. ĐH Harvard có uy tín quá cao, nơi đây từng là “lò ấp” của 7 Tổng thống Mỹ, trong số giáo sư có hơn 40 người là chủ nhân giải Nobel, nguồn tài sản có thể chi phối của nhà trường lên tới hàng chục tỷ USD … Bởi thế Hiệu trưởng Harvard là nhân vật “trên đe dưới búa”, mọi hành động và lời nói phải hết sức thận trọng.

Phái phản đối bổ nhiệm Faust thường nhấn mạnh Faust thiếu hiểu biết về Harvard, vì quá khứ của bà hầu hết không liên quan tới Harvard, lại thiếu kinh nghiệm công tác hành chính, chưa từng lãnh đạo một trường lớn. ĐH Harvard có tới 25 nghìn cán bộ nhân viên, ngân sách hàng năm 3 tỷ USD, còn Radcliffe Institute for Advanced Study bà từng lãnh đạo lại là đơn vị nhỏ nhất trong Harvard, chỉ có hơn 90 cán bộ, ngân sách 16 triệu USD, chưa bằng 1% của Harvard. Ngoài thiếu kinh nghiệm quản lý kinh phí, Faust còn thiếu kinh nghiệm quản lý một cơ quan học thuật có tính tổng hợp như Harvard. Các Viện và Học viện trong Harvard đều độc lập về hành chính, năm xưa Summers từng lực bất tòng tâm trong việc điều động Học viện Văn có lực lượng mạnh nhất Harvard. Cho nên người ta lo ngại liệu Faust có thể tồn tại được trong một môi trường lợi ích phức tạp, lắm phe phái này hay không.

Faust phải giải quyết nhiều công việc như lãnh đạo cuộc cải cách giáo trình lớn nhất trong 30 năm nay, chủ trì dự án mở rộng trường sở với kinh phí mấy tỷ USD; xây dựng cơ ngơi mới tại Boston để tiến hành việc nghiên cứu tế bào gốc… Bà còn phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng các nữ giáo sư Mỹ đang phải gánh chịu: từ thập niên 70 tới nay, lương của họ vẫn thấp 19% so với đồng nghiệp nam giới.

Faust vừa nhậm chức được hơn một năm thì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, đem lại nhiều khó khăn lớn và bất ngờ, thí dụ làm cho tài sản của Harvard năm nay bị giảm 11 tỷ USD khiến việc chi tiêu phải thắt chặt, dự án Boston phải hoãn lại... Mới đây Faust nói: “Tôi phải lãnh đạo nhà trường trong bối cảnh đầy lo lắng và bất an …”

Nhưng người đàn bà kiên cường ấy tràn đầy niềm tin vào tương lai. “Tại Mỹ cũng như trên thế giới chưa một trường ĐH nào có lịch sử xuất sắc như Harvard; giờ đây chúng ta hướng tới mục tiêu làm cho tương lai của Harvard càng xuất sắc hơn.” – Drew Faust khẳng định.

Nguyễn Hải Hoành

Ghi chú:

[1]- American Association of University Women;

[2]- Radcliffe Institute for Advanced Study, thuộc ĐH Harvard

[3]- Ivy League, tên gọi một nhóm ĐH lâu đời, có trình độ học thuật cao, uy tín xã hội lớn ở miền Đông Bắc nước Mỹ. Theo The Oxford English Reference Dictionary gồm 4 trường: Harvard, Yale, Princeton, Columbia; nhưng theo Wikipedia thì gồm 8 trường, tức thêm Brown Univ., Cornell Univ., Dartmouth College và Univ. of Pennsylvania);

[4]- Theo The World Almanac and Book of Facts 2004 endowment assets năm 2002 của ĐH Harvard là 17,169 tỷ USD; theo Tia Sáng số 13, tài sản của ĐH Harvard là 26-36 tỷ USD;

[5]- Nguyên Hiệu trưởng ĐH Pennsylvania, phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một trường ĐH thuộc nhóm Ivy League; [6]- American Civilization;

[7]- Hồi ấy Faust giảng dạy ở đây;

[8]- I hope that my own appointment can be one symbol of an opening of opportunities that would have been inconceivable even a generation ago;

[9]- I’m not the woman president of Harvard, I’m the president of Harvard.