Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > Chuông cổ 1300 năm
Chuông cổ 1300 năm
Thứ Bảy 5, Tháng Mười Hai 2009
Phiên bản quả chuông Thanh Mai được trưng bầy tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Trong hai năm 1986 và 1987, hai quả chuông cổ có niên đại hơn 13 thế kỷ đã được phát hiện tại làng cổ ven sông Đáy và thôn Nhật Tảo, khu vực ngoại thành Hà Nội. Đây là những căn cứ quan trọng và quý giá để tìm hiểu lịch sử của đất nước cách ngày nay hơn 1300 năm.
Chuông cổ làng ven sông Đáy, thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai do người dân địa phương tình cờ phát hiện, đúc năm 798 thời thuộc Đường. Lúc được phát hiện, chuông còn nguyên vẹn và nằm trong tư thế nghiêng ở độ sâu 3,5 m. Theo các nhà nghiên cứu, quả chuông này được đúc bằng khuôn hai mang, cao 60 cm. Chuông nặng 36 kg, thân dài 52 cm, quai 8 cm, đường kính miệng 39 cm, đường kính đỉnh 28 cm. Trong đó, quai chuông được cách điệu bằng một đôi rồng đấu lưng vào nhau, thân rồng trơn nhẵn không có vẩy. Đầu rồng tạo dáng công phu hơn, bờm tóc gồm bốn lớp, miệng rồng ngậm, tỳ xuống đỉnh chuông. Đỉnh chuông trang trí nhiều hoa văn. Ngoài cùng là một đường gờ chỉ nổi chạy mép đỉnh chuông. Tiếp đến là một hàng cánh sen gồm 15 cánh nối tiếp nhau. Trên bề mặt đỉnh chuông trang trí hoa văn mây xoắn, xen kẽ hoa văn hình đồng tiền (12 đồng).
Ngoài ra, thân chuông có các đường gờ chỉ đúc nổi và hai núm gõ hình tròn, được trang trí nhiều cánh sen nhỏ ở xung quanh, được đúc nổi trên thân chuông, chính giữa nơi những gờ chỉ nổi dọc và ngang giao nhau. Trên thân chuông có khắc một bài minh bằng chữ Hán. Mở đầu là dòng ghi niên đại quả chuông, tiếp theo ghi tên 53 người góp tiền và họ tên những người tham gia đúc chuông. Bài minh có nhiều địa danh và chức tước phổ biến thời thuộc Đường.
Đến thời điểm đó, văn bản chuông Thanh Mai là một trong những văn bản sớm nhất được biết trên đất nước ta, phản ánh tương đối rõ xã hội, con người thời Bắc thuộc.
Tiếp đó, năm 1987, ông Phạm Văn Thắm, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tìm thấy 1 quả chuông khác tại Văn chỉ thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm. Chuông cao 32 cm, đường kính miệng chuông 19 cm, quai uốn cong làm thành hai đầu thú có sừng như ly thủ. Mặt quanh chuông chia thành 4 ô hình thang, nằm giữa 4 nhóm gồm 5 đường thẳng song song đúc nổi. Dưới các nhóm đường thẳng này là các núm để đánh chuông, giống hình hoa, giữa có vòng tròn nổi, đường kính khoảng 2,5 cm, xung quanh có 12 cánh. Các núm này nằm giữa các đường chỉ nổi song song chạy ngang, cũng có 5 đường. Dưới những đường ngang này có 4 ô chữ nhật, nằm giữa những đường chạy song song. Chuông có trọng lượng 5,4 kg.
Ở phần trên của mặt ngoài chuông là có khắc chữ chìm theo thể chữ chân khá đẹp và còn rõ. Giáo sư Hà Văn Tấn đã phiên âm và dịch nghĩa những chữ này là: “Thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ, vào ngày 29 tháng 4 năm Mậu Thân (9/6/948) các đệ tử Vô pháp môn (…) thuộc hai phái Đạo giáo và Nho giáo, từ trong năm Giáp Thìn (944) đã chung nhau góp tiền vẽ một bức tranh Thái Thượng tam tôn. Chưa đến năm, lại làm 6 phướn báu thứ quan, xong làm cỗ chay hoàn tất. Nay lại cùng đưa việc mua một quả chuông báu, nặng 15 cân để cúng dàng mãi mãi”.
Bài minh viết năm Càn Hoà thứ 6 (948, Càn Hoà là niên hiệu của Lưu Thạnh, vua nước Nam Hán, đóng đô ở Quảng Châu), có thể coi là sử liệu chữ viết sớm nhất của thời kỳ tự chủ từ thế kỷ 10 của Việt Nam. Trong bài minh có nhắc đến năm Giáp Thìn (944) - đó cũng là năm Ngô Quyền mất. Sau đó Dương Tam Kha chiếm ngôi vua, xưng là Bình Vương. Năm 948 là năm Dương Tam Kha đã ở ngôi được bốn năm. Như vậy ta có thể biết, tuy Ngô Quyền đã giành lại nền độc lập và xưng vương nhưng vẫn chưa có niên hiệu.
Ngoài ra, bài minh còn nhắc đến địa danh Giao Chỉ, tên huyện Từ Liêm và cho biết một tên thôn là Hạ Từ Liêm. Tên huyện Từ Liêm xuất hiện năm 621 thời Tuỳ Đường. Giáo sư Hà Văn Tấn nêu giả thiết, phải chăng Nhật Tảo, Đông Ngạc là thôn Hạ Từ Liêm có từ đời Ngô? Bài minh còn có nhiều tư liệu nói về Phật giáo và Đạo giáo với những bước phát triển rực rỡ vào thế kỷ 10.
Việc phát hiện hai quả chuông có niên đại cách nhau 146 năm cổ nhất của Việt Nam trên vùng đất Đại La xưa cùng với tư liệu từ hai bài minh khắc trên những quả chuông này là vô cùng quan trọng và quý giá giúp chúng ta tìm hiểu nhiều vấn đề lịch sử của đất nước cách ngày nay hơn 1300 năm. Phiên bản quả chuông Thanh Mai được trưng bầy tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, còn quả chuông Nhật Tảo được chính quyền và nhân dân Đông Ngạc bảo quản hết sức chu đáo, coi đó là vật báu của quê hương.
Trần Văn Mỹ (GN)