Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > CÁC CÂU HỎI VỀ CÚM AH1N1 (kỳ 2)
CÁC CÂU HỎI VỀ CÚM AH1N1 (kỳ 2)
Thứ Năm 10, Tháng Mười Hai 2009
12/ Có cần phải mang một mặt nạ hay không ?
Nếu chúng ta bị bệnh, tốt hơn, để bảo vệ những người chung quanh, mang một mặt nạ chống phóng thải (masque antiprojections) dùng một lần duy nhất (loại ngoại khoa), che phủ mũi và miệng. Cũng y hệt khi ta chăm sóc một người bị bệnh. Một cách tổng quát, cần dùng những mặt nạ này một cách đúng đắn, vứt bỏ chúng sau mỗi lần sử dụng và rửa tay ngay sau khi đã lấy chúng đi, bằng không nguy cơ lan truyền sẽ gia tăng hơn là được thu giảm. Nếu ta sử dụng những loại tấm chắn khác (mặt nạ bằng vải, khăn quàng…), chỉ nên sử dụng một lần, hoặc rửa chúng cẩn thận sau mỗi lần sử dụng.
13/ Phải rửa tay bao nhiêu lần ? Trong thời gian bao lâu và với xà phòng nào ?
Càng thường xuyên và cẩn thận chừng nào càng tốt chừng ấy, đặc biệt là trước các bữa ăn, trước khi ăn, trước khi đặt hay lấy đi các thấu kính tiếp xúc (lentille de contact). Phương pháp rửa là quan trọng : đó là sự phối hợp xoa xà phòng, cọ xát, giũ xả và làm khô (với một khăn lau dùng chỉ một lần), cho phép khử bỏ thật sự các mầm bệnh. Tốt hơn sử dụng xà phòng nước, vì những bánh xà phòng có thể bảo tồn virus.
Khi ra khỏi nhà, mang theo một dung dịch nước-cồn (solution hydro-alcoolique), được bán ở hiệu thuốc và các siêu thị và cọ xát các bàn tay với dung dịch này từ 20 đến 30 giây.
14/ Cần sử dụng loại khăn tay nào ?
Khăn tay giấy, ném ngay vào thùng rác sau khi sử dụng. Trái lại, lợi ích của khăn tay giấy “ chống virus ” dường như rất tương đối : lớp trung tâm được phết bởi một chất diệt virus có tác dụng trong 15 phút, nhưng chỉ một bộ phận của các virus là thật sự bị hủy diệt trong trường hợp các dịch tiết quan trọng.
15/ Những loại dung dịch nước-cồn (solution hydro-alcool) nào cần phải mua ?
Những dung dịch sát trùng ngoài da này, được sử dụng để vệ sinh các bàn tay khi chăm sóc bệnh nhân, tác động bằng tiếp xúc trực tiếp và cơ học. Trên nguyên tắc, tất cả chúng đều có hiệu quả trên các vi khuẩn và nấm, nhưng hoạt tính của chúng trên virus là bất nhất. Để đảm bảo một hoạt tính như thế chống lại virus cúm, Afssaps (Agence française de sécurité sanitaire des produits de santé) khuyến nghị mua những dụng dịch hay gel nước-cồn được trắc nghiệm theo đúng tiêu chuẩn, mà nồng độ tối ưu cồn nằm giữa 60% và 70% hay 520 và 630 mg/g. Nồng độ cồn phải được ghi rõ trên nhãn.
16/ Khi nào ta có khả năng làm lây nhiễm ?
Thời gian tiềm phục (durée d’incubation) của bệnh cúm (thời kỳ ngăn cách sự làm lây nhiễm bởi virus và sự xuất hiện của các triệu chứng) thường khoảng giữa 24 và 48 giờ trước khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên và khoảng 1 tuần sau.
17/ Bệnh kéo dài bao lâu ?
Nơi những người không ốm yếu, sự bình phục hoàn toàn sau một đến ba tuần. Những khó khăn hô hấp cấp tính kéo dài từ 5 đến 7 ngày ; những cơn ho nghiêm trọng và sự mệt mỏi cực kỳ có thể kéo dài lâu hơn. Nếu được cho ngay khi có những triệu chứng đầu tiên, các điều trị chống virus có thể làm giảm một nửa mức độ nghiêm trọng và thời gian của bệnh.
18/ Có nên giặt rửa quần áo thường xuyên hơn không ?
Không. Hơn nữa, nếu ai đó là những người thân cận của anh bị đau, không cần phải giặt rửa riêng quần áo lót. Có thể giặt rửa bằng máy hay bằng tay, cùng chung với quần áo lót của những người khác trong gia đình, với bột giặt thông thường. Để tránh sự lây nhiễm, mỗi thành viên của gia đình phải có quần áo lót riêng của mình, có khăn lau mặt riêng và bót đánh răng riêng.
19/ Những động tác có nguy cơ là gì ?
Không hôn hít, không bắt tay ; cùng lắm chỉ vỗ vào lưng, tóm lại phải chào hỏi từ xa. Nhưng không cấm cười ! Vậy ta tránh đụng chạm nhau, nhưng cũng tránh cho nhau mượn một chiếc bút, một cái ly hay một khăn lau ; tránh đặt tay nơi những kẻ khác đã đặt (nắm cửa, tay vịn cầu thang..) và tránh đặt những bàn tay này gần miệng.
20/ Những động tác hàng ngày nào để hạn chế những nguy cơ ?
Trường hợp anh chưa biết, phải rửa tay đều đặn bằng nước và xà phòng trong 30 giây, không quên cọ xát giữa các ngón tay, hoặc với một gel nước-cồn. Phản xạ này phải trở nên tự động lúc ra khỏi nhà cầu, trước khi vào bàn và khi trở về nhà. Hãy nghĩ đến tránh xa nếu người nào hắt xì hay ho gần anh, đồng thời đừng quên che miệng và mũi. Và rồi thì, dầu trời mưa hay gió, hãy nghĩ đến thông khí căn hộ mỗi ngày và khử trùng đều đặn vài đồ vật (các nắm cửa, vòi nước, điện thoại, bàn phím máy vi tính...)
BS NGUYỄN VĂN THỊNH (còn tiếp)
theo LE MONDE 5/11/2009
Xem online : Đôi điều cần biết về bệnh "Cúm mới lạ" A/H1N1