Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Công nghệ > Chuyển đổi số > Chuyển Đổi Lớn

Chuyển Đổi Lớn

Thứ Hai 4, Tháng Giêng 2010, bởi Vũ Duy Mẫn

—“Chuyển Đổi Lớn: Ráp lại thế giới, từ Edison tới Google” của Nicholas Carr được tuần báo Newsweek đánh giá là một trong những cuốn sách đáng đọc nhất của năm 2009. Nội dung chính của cuốn sách là giới thiệu về tương lai của tính toán đám mây (cloud computing) hay tính toán Internet.

“—Carr là một trong những người viết rất thuyết phục về những tác động kinh tế và xã hội của những thay đổi đang diễn ra qua các trung tâm dữ liệu.” – Richard Waters, Thời báo Kinh tế (Financial Times)

Nhập đề - Một hành lang ở Boston

Đó là một ngày gió mạnh tháng Mười Một, trời lạnh nhưng quang mây, và tôi bị lạc. Bản chỉ đường in ra từ Internet đã không giúp ích gì hơn được cho tôi. Bản đồ đường phố trông thật đơn giản trên màn hình máy tính lại trở nên rắc rối và nhầm lẫn trong thế giới thực bởi những con đường nhỏ cùng những bảng hiệu chỉ đường ngoằn ngoèo tệ hại. Khi chữ số của đồng hồ trên xe nhảy quá giờ hẹn gặp ăn trưa, tôi quyết định tìm kiếm may mắn bằng cách hỏi đường. Dừng lại ở một bãi đỗ đối diện với những bức tường cao xanh của công viên Fenway, bước ra khỏi xe, tôi hỏi một khách bộ hành. Ông chỉ cho tôi một phố kề bên, rồi cuối cùng, theo những con đường và lối rẽ trên tấm bản đồ in từ MapQuest, tôi cũng tới được đúng nơi hẹn: một toà nhà màu ghi nặng nề ở cuối một phố phụ trải đầy rác.

Tối thiểu, tôi nghĩ, nơi đây là đúng chỗ. Tôi tìm công ty tên VeriCenter, nhưng chẳng có tên nào trên toà nhà, chỉ thấy độc một tấm bảng nhỏ với số nhà treo ở trụ phía trên tấm cửa thép nặng nề. Tôi kiểm tra lại địa chỉ: rõ ràng đúng. Vậy nên tôi đẩy cửa mở ra, rồi bước vào cái lối đi kém mời chào nhất thế giới: không đồ đạc, không cửa sổ, không giám đốc công ty, không có gì cả. Chỉ thấy một điện thoại đen ngòm, không phím bấm trên tường bên cạnh một tấm cửa thép nặng nề khác.

Tôi nhấc điện thoại và nghe thấy giọng một người đàn ông. Tôi cho ông biết tên tôi và tên của người mà tôi đến để gặp, và ông ta bấm nút mở cửa cho tôi đi qua, bước vào một lối đi thứ hai, cũng hoang vắng gần giống như lối đi thứ nhất. Người đàn ông, nhân viên bảo vệ, ngồi sau một chiếc bàn sắt. Ông đưa bằng lái xe của tôi vào một chiếc máy quét nhỏ, in ra bức ảnh mờ khuôn mặt của tôi trên một tấm thẻ khách đến thăm, rồi bảo tôi ngồi đợi ở chiếc ghế ngay cạnh thang máy. Một phút nữa sẽ có người xuống đón, ông ta nói. Lúc đó, tôi đã kịp ước, đáng ra tôi đã phải quyết định từ chối buổi gặp gỡ này. Một cậu thuộc bộ phận quảng bá của VeriCenter đã gửi nhiều e-mail cho tôi, và tôi đã chăm chỉ tống chúng vào thùng rác điện tử. Nhưng khi cậu ta mầy mò gọi được điện thoại cho tôi, tôi đã đầu hàng và đồng ý tới một cuộc gặp mặt. Bây giờ thì tôi đang ở đây, ngồi trên chiếc ghế chẳng mấy thoải mái ở nơi chốn trông giống như một công xưởng xác xơ vào ngày thứ Sáu trước Lễ Tạ Ơn năm 2004.

Thành thật mà nói, tôi thấy hơi lạ là dân VeriCenter lại hăm hở để gặp gỡ với tôi. Tôi chẳng biết gì mấy về VeriCenter – ra đời vào giai đoạn cuối thời kỳ bùng nổ của trào lưu các công ty mạng dotcom, có trụ sở ở Houston – ngoài việc nó hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), và hầu hết dân IT đều giữ khoảng cách với tôi. Tôi được coi là người “IT-Không-Mấy-Có-Ý-Nghĩa.” Đó là tiêu đề một bài báo tôi viết một năm rưỡi trước đây – tháng Năm 2003 – cho tạp chí Harvard Business Review. Tôi đã lý giải rằng, mặc dù có nhiều ý kiến về sức mạnh của các hệ thống máy tính doanh nghiệp, thực chất chúng chẳng hề quan trọng mấy đối với sự thành công của công ty. Chúng là cần thiết – doanh nghiệp không thể hoạt động mà thiếu chúng – nhưng hầu hết các hệ thống đó đã trở thành rất phổ thông, không còn khả năng làm cho công ty có lợi thế hơn so với các đối thủ. Mỗi khi một nơi nào đó làm một điều gì mới mẻ với máy tính, thì lập tức mọi nơi khác cũng làm được theo ngay. Một cách chiến lược mà nói, công nghệ thông tin đã trở thành trì trệ. Nó đúng chỉ là một thứ chi phí thêm nữa để doanh nghiệp hoạt động.

Một phóng viên đã gọi bài báo của tôi là “sự tương đương cường điệu của một trái bom thông minh 50 triệu tấn.” Hàng tháng sau đó, những cao lão trong làng công nghệ đã lên tiếng tấn công ý tưởng dị giáo của tôi. Steve Ballmer, giám đốc điều hành của Microsoft, tuyên bố đó là thứ “nước vo gạo rửa bát.” Carly Fiorina, lúc đó là giám đốc Hewlett-Parkard, nói tôi đã “sai lầm chết người.” Phát biểu trong một hội nghị công nghệ lớn, giám đốc điều hành của Intel, Craig Barrett, đã nói oang oang với cử toạ “IT vô cùng có ý nghĩa!” Cuộc luận chiến thậm chí đã bước cả vào làng báo đại chúng. Tuần báo Newsweek gán cho tôi cái tên “Kẻ thù chung số 1 của thế giới công nghệ.” Khi báo Harvard Business School xuất bản phiên bản mở rộng của bài báo thành sách, giới công nghiệp lại tiến hành một đợt công kích mới.

Vậy nên, bạn có thể hình dung, tôi đã không thường được các công ty máy tính mời đi ăn trưa.

Cửa thang máy mở và Jennifer Lozier, giám đốc tiếp thị trang phục rất hợp mắt, bước ra. Cô đưa tôi lên phòng họp và giới thiệu tôi với các đồng nghiệp, trong đó có một trong số những người sáng lập VeriCenter, Mike Sullivan. Là một nhà doanh nghiệp bẩm sinh, Sullivan khó có thể kiềm chế được nhiệt tình của mình. Anh cầm cuốn sách của tôi với vài chục mẩu giấy đánh dấu thòi ra ngoài. “Khi đọc nó,” anh nói, “tôi biết tôi sẽ phải gặp ông. Chúng tôi đang làm đúng những gì mà ông viết.” Anh gõ ngón tay lên bìa sách. “Đó là công việc của chúng tôi.”

Quả là một bài toán đố. Tại sao một công ty IT lại hồ hởi với ý tưởng rằng IT là không mấy có ý nghĩa?

Sullivan giải thích anh đã làm quản lý trưởng cho Microsoft, nhưng năm 1999 anh bỏ Microsoft để giúp lập ra VeriCenter, bởi muốn đi tiên phong trên con đường hoàn toàn mới mẻ trong việc cung cấp công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp. Anh được thuyết phục rằng, thay vì phải mua và vận hành các máy tính và phần mềm của riêng mình, trong tương lai, các doanh nghiệp chỉ cần nối vào Internet và sẽ nhận được tất cả các xử lý dữ liệu cần thiết, cung cấp bởi các dịch vụ bên ngoài với khoản tiền phí hàng tháng. Trong cuốn sách của mình, tôi đã so sánh công nghệ thông tin với điện. VeriCenter, Sullivan nói, đã thực hiện bước logic kế tiếp, để thực sự cung cấp công nghệ thông tin giống như điện, thông qua một ổ cắm trên tường.

Sau bữa ăn trưa nhanh và phần giới thiệu thông lệ bằng PowerPoint về công ty, Sullivan nói anh muốn đưa tôi đi thăm “trung tâm dữ liệu.” Anh dẫn tôi ngược xuống thang máy, dọc hành lang, tới một cửa khác – cánh cửa này làm bằng lưới thép. Nhân viên bảo vệ kiên nhẫn kiểm tra thẻ của chúng tôi trước khi mở cửa với một tấm thẻ từ, móc ở thắt lưng. Anh ta dẫn chúng tôi vào bên trong.

Qua cánh cửa này cũng giống như bước vào một thế giới mới. Bên ngoài, toà nhà có thể trông như một nhà máy cũ, nhưng bên trong ẩn nấp những thứ hoàn toàn khác – những thứ không phải của thời đại công nghiệp quá khứ mà là của kỷ nguyên số tương lai. Trải ra trước mắt tôi là một phòng rộng chứa đầy máy tính, có kích thước bằng vài dãy phố, được thắp sáng rất tinh khiết với hàng ngàn bóng đèn huỳnh quang. Máy tính xếp thành những hàng dài bên trong các buồng khoá kín, mang nhãn hiệu quen thuộc của các công ty như IBM, Sun Microsystems, Dell, và HP. Hầu như chẳng có ai khác trong phòng, chỉ có máy, những chiếc quạt của chúng chạy vo vo và những diot phát quang màu đỏ và xanh nhấp nháy bền bỉ trong khi hàng tỉ bit dữ liệu được chuyển qua các bộ vi xử lý. Phía trên đầu, những chiếc quạt lớn hút hơi nóng từ các vi mạch ra, trong khi những chiếc quạt khác bơm khí lạnh được lọc từ bên ngoài vào.

Sullivan dẫn tôi đi qua những chiếc máy tính để tới hai phòng phụ, mỗi phòng có một máy phát điện chạy diesel khổng lồ của hãng Caterpillar với công xuất hai triệu oát. Với dầu trữ ngay cạnh, anh giải thích, các máy phát có thể giữ cho trung tâm hoạt động được hơn ba ngày khi có sự cố mất điện. Anh chỉ cho tôi xem một phòng khác với những chiếc ác qui kích thước công nghiệp chất từ sàn lên đến trần, đó là nguồn dự trữ thứ hai cho những lúc mất điện ngắn. Rồi chúng tôi bước đến một góc phòng, nơi có một ống lớn xuyên qua tường. Đó là đường Internet, gồm nhiều cáp quang, nối những chiếc máy tính trong phòng với hàng chục doanh nghiệp có sử dụng trung tâm dữ liệu để chạy các ứng dụng và lưu trữ dữ liệu của họ. Những công ty này không còn phải chứa và bảo hành máy tính hoặc cài đặt và gỡ lỗi các phần mềm của riêng họ nữa. Họ chỉ cần nối văn phòng của họ, qua Internet, với các máy tính trong căn phòng này, và VeriCenter sẽ làm nốt những phần còn lại.

Khi đứng đây quan sát trung tâm dữ liệu, tôi có thể trông giống như một nhân vật hoạt hình với một chiếc bóng đèn khổng lồ nhấp nháy ở trên đầu. Tôi nhận ra, nơi tôi đang đứng là một nguyên mẫu của một kiểu nhà máy phát năng lượng mới – một nhà máy tính toán sẽ cung cấp năng lượng trong thời đại thông tin của chúng ta theo cách thức mà những nhà máy điện vĩ đại đã cung cấp năng lượng trong thời đại công nghiệp. Kết nối với Mạng, chiếc máy phát hiện đại này sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp và các ngôi nhà của chúng ta những lượng lớn thông tin số hoá và năng lực xử lý dữ liệu. Nó sẽ chạy tất cả các chương trình phần mềm phức tạp mà trước đây vẫn phải cài đặt trên những chiếc máy tính nhỏ riêng của chúng ta. Và cũng giống như các máy phát điện trước đây, nó sẽ hoạt động với một hiệu quả chưa từng thấy. Nó sẽ biến tính toán thành một tiện nghi rẻ tiền và phổ dụng.

“Đó quả thật là một tiện ích,” tôi nói với Sullivan.

Anh gật đầu, cười lớn. “Đó là tương lai.”

Dịch từ nguyên bản tiếng Anh “The Big Switch – Rewiring the World, from Edison to Google” – Nicholas Carr, W. W. Norton & Company, New York – London, 2009

(Dịch giả: Vũ Duy Mẫn)


Xem online : Máy tính đã đi tới đâu ?