Nhật ký Xã hội 2005 (1)

Sau tết nói chuyện quất

13-2 ( Mồng năm tết )

Đi đâu cũng thấy nói thành phố năm nay nhiều quất. Một người nước ngoài sống ở Hà Nội thú nhận: nhiều khi ngồi trên ô-tô thấy một người đèo cây quất đi qua, đẹp quá, ông ta chỉ muốn giơ tay hái một chùm làm kỷ niệm.

Nhưng khi theo mọi người đi mua quất, điều đầu tiên tôi có thể nhận xét, ấy là phổ biến loại quất to, cao đến ngực đến cổ, có hình cây thông. Chắc chắn là so với những căn phòng chật hẹp của đa số người dân thành phố thì cây nào cũng to quá không hợp. Nhưng sức chịu đựng của chúng ta bây giờ lớn lắm, nhìn những cây quất lù lù đứng giữa nhà mà chẳng ai thấy chướng, lại còn nháy mắt tự hào nữa ! Hình như ở đây có sự xuất hiện của cái tâm lý hiếu đại ( thích tỏ ra lớn ), một thứ tâm lý phổ biến hiện thời: Nhất định là ta không chịu kém hàng xóm về cái khoản quất này, nhiều người nhủ thầm trong bụng. Như khi đi đường, họ nhấn còi inh ỏi. Như khi mua được cái đầu về nhà hát karaoke với nhau, họ cố mở loa thật to, để hàng xóm phải biết là nhà họ có karaoke mới thôi.

Một cái khổ khác, là nạn quất giả. Kỹ thuật buộc thêm cả túm hoặc cắm những quả rời vào đầu cành đã có từ lâu. Gần đây còn nảy ra một thứ kỹ thuật siêu hạng hơn, tôi chưa có dịp hỏi kỹ chỉ nghe mang máng đâu như người bán hàng phun hoá chất, hoặc quết cho các quả xanh một lớp nước muối, thế là chín đều cả ( cà chua cũng có chuyện này ). Chỉ có điều mang về vài hôm thì rụng hết. Ngày ba mươi và sáng mồng một, vợ tôi có thêm mối lo là vừa nấu nướng vừa lắng nghe, hễ có tiếng bộp một cái là nhặt ngay, chỉ sợ để gốc quất đầy quả rơi thì lộ ra cái kém cỏi mua phải hàng lừa. Và lại xúi quẩy nữa.

Nghĩ thêm về nạn quất giả, tại sao cái thói kỳ cục ấy lại nẩy nòi ra và ngày một phổ biến? Tôi cho rằng trước tiên là tại người mua. Nghĩa là tuy không ai nói ra, nhưng khi đi mua cái món hoa tết này, ai cũng chỉ thích thứ gì giá rẻ mà lại thật đầy đặn thật rực rỡ, ngoài ra với số tiền ấy có đủ làm ra thứ quất như họ mong muốn hay không thì không ai cần biết. Biết thóp vậy, người sản xuất đáp ứng ngay. Kỹ thuật hiện đại đã kịp thời có mặt trợ giúp cho họ. Và rút lại thì vẫn tiền nào của ấy. ở ta, cái sự người làm hỏng người nhiều khi chỉ bắt đầu bằng những nguyên nhân thật hồn nhiên và đơn giản.

Chỉ có cái khổ là bây giờ muốn mua loại quất thứ thiệt, loại quất không cần đắp điếm mà vẫn chín đẹp, người ta chỉ có cách mò lên đến tận vườn ; và chuyện kiếm quất biến thành chuyện kết thân giữa người bán người mua, chứ không còn là hoạt động thương mại bình thường nữa. Vả chăng, cái sự làm quất giả giờ cũng đã lây từ những người nông dân ở các tỉnh xa tới một ít gia đình chuyên nghề trồng quất ở Nhật Tân cũ. Gì thì gì, chứ cái lối kiếm tiền kiểu này người ta học nhau nhanh lắm, và cái chuyện anh dốt dạy anh giỏi, anh không có nghề dạy anh có nghề … là chuyện rất thường.

– Biết thế sang năm mua quất ta phải cẩn thận –, tôi nói với vợ.

— Ngày tết ai cũng mua bán như ăn cướp, lấy đâu thời giờ mà lắc từng quả quất để xem giả hay thật. Mà nhỡ đi cả chợ không tìm ra một gốc quất có thể tin cậy được thì chẳng nhẽ quay về à? Hay là lại bảo nhau mua phiên phiến đi cho nhanh –,vợ tôi đáp lại với vẻ hào hứng như là biết chắc thả nào tôi cũng thua cuộc.

Tôi nghĩ đến một vài bạn nước ngoài lần đầu ghé thăm Hà Nội cũng mua quất về đón xuân, không hiểu họ nghĩ gì khi nhặt những quả quất rơi, và lần sau còn muốn đến Hà Nội trong những dịp tết nữa hay không? Và tôi định bụng phải viết một bài báo nói về chuyện này để mọi người, nhất là những người nông dân trồng quất biết. Nhưng một con người khác trong tôi lên tiếng bác ngay: Ơ hay, chính là một ông ở Tổng cục du lịch gần đây còn lên Tivi tuyên bố rằng du lịch Việt Nam là du lịch khám phá, nói nôm na tức là “chỉ cần khách đến một lần chứ lần sau họ có đến nữa hay không thì không cần biết “. Cán bộ du lịch nghĩ thế và dân trồng quất làm thế, phối hợp ăn ý quá, còn phải ý kiến ý cỏ gì nữa cho thêm rách việc.

Chen chúc…hưởng thụ

20-2

Chưa khai hội đã tắc đường, đó là tin đưa trong ngày mồng 5 tết, trên một tờ báo điện tử. Đường đây nói là đường lên động Hương Tích.

Hội chùa Hương năm nay ngay ngày đầu mồng 4 tết đã có 1,7 vạn khách.

Trong chương trình các cơ quan bàn nhau nhân ngày gặp mặt đầu xuân, thường có việc từ giờ đến cuối tháng giêng đi chơi đâu. Tiếng chuyên môn gọi là du xuân. Cán bộ công đoàn thi nhau vào việc.

Có cảm tưởng kiểu tết ở ta là vậy. Ta đến với nó sớm.Ta lại rút ra khỏi nó một cách khó khăn. Mãi mà những ngày năm mới không trở lại được như những ngày thường. Và đó chẳng phải là do làm việc nhà nước rồi đủng đỉnh “ cơm nhà chúa múa tối ngày “ đâu, chính các công việc tư nhân cũng vậy. Ngôi nhà xây dở bên cạnh nhà tôi, đến hôm nay thợ về quê ăn tết vẫn chưa chịu lên cho.

Một tờ báo sử dụng đến một danh từ mỹ miều: đó là dư âm của tết.

Tôi muốn bổ sung thêm: đó là dư âm toát ra từ cách sống của một xã hội tiểu nông rề rà uể oải.

Một chi tiết khác liên quan đến việc đi hội chùa Hương. Người đi hội đua nhau tìm ăn thịt thú rừng và rau sắng. Câu chuyện thú rừng khá đơn giản, cứ cái gì cấm thì người ta lại thích săn tìm bằng được. Còn thích rau sắng là bởi truyền tụng câu ca: “ Muốn cho da trắng tóc dài — tìm ăn rau sắng củ mài chùa Hương “, mặc dù theo người làm nghề chèo đò là dân địa phương, tháng chín mới có rau sắng, mùa này toàn rau sắng rởm.
Khi đã thành vần vèo rồi thì câu chuyện giả thật không thành vấn đề nữa.

Chẳng những Hội chùa Hương mà phiên chợ Viềng ngày đầu năm cũng vậy, hàng giả đến bảy tám mươi phần trăm. Và cũng tắc đường. Đi về ai cũng tìm ra cớ để than phiền.
Vậy mà ai cũng thích đi. Có cảm tưởng nhiều người chỉ đi hội theo thói quen. Có phần gần gụi hơn — mà không ai muốn nói ra –, hội hè du lịch cũng là dịp để người ta tìm một ít niềm vui đùa bỡn, dông dài, bấu chí nhau, trêu chọc nhau. Đây là một bài vè tôi mới ghi được: “ Đám cưới đám ma – Ta đi với địch – Tham quan du lịch – Ta đi với ta — Đêm nằm với địch – Ta nhớ về ta “.

Nghĩ về những trò chơi ngày tết: miền xuôi chỗ nào cũng thấy loanh quanh mấy trò kéo co, còn miền núi thì đánh quay thổi kèn. Hoặc như một trò chơi được giới thiệu trên TV là trò đập niêu. Đơn giản quá chỉ treo mấy cái niêu trên dây, rồi tả một người bịt mắt ra bảo họ đập. Dựa vào may rủi nhiều, chứ không phải là một dịp rèn luyện kỹ năng cùng trí thông minh, như trò chơi đòi hỏi.

Chú ý là trong tiếng Việt, chữ chơi thường có nghĩa xấu ( tục ngữ có câu: làm chơi ăn thật ). Khi ta chưa biết chơi, thì cũng tức là ta chưa biết làm việc.

Nhiều lần ngồi trên xe chờ vượt qua những đấm đường đông, ùn tắc, trong tôi trở đi trở lại một ý nghĩ: cuộc sống như con sông tràn bờ. Nghĩa là nó không chưa nổi chính nó nữa.

Nó quá tải. Các cơ quan thừa người mà việc vẫn không chạy. Học sinh Hà Nội mỗi lớp chen chúc bốn năm chục em. Hội thảo khoa học nào cũng dăm bảy chục báo cáo, nhiều người nhăn nhó vì nỗi không ai nghe ai. Trong một hội thơ, các thi sĩ cướp mi – cơ – rô của nhau để đăng đàn diễn thuyết.

Không sao tìm ra một nơi am thanh cảnh vắng.Vào chùa, hết sắp hàng thắp hương lại sắp hàng “công đức “.

Nhưng trước tiên vẫn là những con đường. Muốn qua đường cho an toàn thì chờ không biết đến bao giờ. Vỉa hè bị lấn chiếm đến nỗi mất hết hứng thú đi bộ. Muốn đến một nơi nào đó, hồi trước tôi còn thử nghĩ đi lối nào cho đường vắng đỡ xe. Nay thì đường nào cũng vậy, và trên một con đường thì giờ nào cũng vậy, chứ không phân biệt được đâu là giờ hành chính với đâu là giờ tan tầm nữa.

Laị nhớ nhà văn Hồ Anh Thái từng có một bài phiếm luận trong đó anh giả định đến lúc nào đó xe máy sẽ ken chặt đường phố, không xe nào nhúc nhích nổi nữa, người ta chờ đợi hàng ngày không về được nhà, thậm chí thành phố phải huy động trực thăng ném cơm nắm xuống cho những người mắc kẹt giữa đường. Trong câu đùa vui, không khỏi có cái gì đó rất thật: năm ngoái từ nhà tôi đến cơ quan chỉ mất mười lăm phút thì năm nay thường là hai mươi, hăm lăm phút. Một hai năm tới sẽ là bao nhiêu?

Sự đỏng đảnh của mùa xuân

21-2

Trước 1975, ở cơ quan tạp chí Văn nghệ quân đội chúng tôi, Nguyễn Minh Châu nổi tiếng là … hay xổ ra những câu ngược đời. Chẳng hạn trong khi ai cũng nói là mùa xuân đẹp mùa xuân mơn mởn sức sống, thì có lần ông cho mọi người thất vọng bằng một câu xanh rờn:

– Chính ra ở mình, mùa xuân lại là mùa bẩn nhất. Đấy các ông các bà thử nhìn xem đường xá lầy lội có kinh không? Làng nào còn ít bụi tre, thì xuân này lá tre rụng đầy đường, mà chính các thân tre lại xơ xác trông chán chết đi được !

Lúc nghe, vì quá sốc nên thường chúng tôi không nói gì. Chỉ khổ một nỗi về sau nghĩ kỹ lại, thấy đúng. Đôi khi ngại xuân thật ! Mưa phùn gió bấc, hơi một tí thì lạnh, hơi một tí lại nóng. Vừa trở gió, cửa nhà đã nhoe nhoét vì nồm. Muỗi ở đâu ra mà dầy như trấu. Nỗi sợ viêm họng với sợ sưng phổi làm người ta quên cả ngắm cảnh đẹp. May lắm thì chúng tôi chỉ còn tự an ủi, thực ra mùa xuân quá nhiều vẻ. Nó mang trong mình quá nhiều tiềm năng. Cũng giống như việc đời, nó đỏng đảnh, nó bất trắc. Tức là luôn luôn có thể thế này và có thể thế khác, đẹp đấy mà cũng nhếch nhác ngay đấy.

23-2

Hôm nay là rằm tháng giêng. Lễ tết quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng. Từ nhỏ tôi đã được nghe nói như vậy, và bây giờ mới thấy nó đã ăn sâu vào tâm lý mọi người đến như thế nào. Người đi lễ nườm nượp từ sáng đến tối. Nhớ có năm lúc đã muộn, khoảng mười giờ đêm, tôi mới đi bộ ra đền Q. ( vì Văn nghệ quân đội gần đấy ). Trở về chỉ nhớ hai chi tiết. Một là nhiều người đến chậm, không chen được vào cắm hương, quay ra cắm cả vào các ngách tường gốc cây ngoài sân ; hai là sau khi khách đến lễ ra về, các vị hành nghề ở đền ( chữ gọi là thủ từ ) để đỡ mệt mỏi, quay ra xả hơi bằng cách … mở
băng Sơn ca 7 của Trịnh Công Sơn. Hôm sau kể với Nguyễn Khải, ông cười sặc sụa, song bảo là bịa, nhất định không tin. Tôi thì tôi nghĩ, chẳng qua nó chỉ cho thấy một tình trạng hỗn độn mà lớp người cũ như chúng tôi không quen. Hỗn độn, nham nhở, pha tạp, không thuần khiết, những cái chả ăn nhập gì với nhau lại đặt cạnh nhau …, đó là tình trạng có thể gặp ở bất cứ đâu.

24-2

Nhân chuyện lễ bái ngày tết, còn nhớ một câu tục ngữ nữa ăn trộm ăn cướp thành Phật thành tiên — Đi chùa đi chiền bán thân bất toại. Trong nghĩa ban đầu, câu nói chỉ muốn cảnh cáo rằng moị chuyện không phải bao giờ cũng công bằng, động cơ không phải bao giờ cũng tương ứng với hậu quả, rõ thật sự đời là đỏng đảnh, là đa đoan rắc rối. Thế nhưng nghĩ vân vi thì thấy: hình như ngày xưa có sự phân chia rành mạch. Đã ăn cắp thì không dám tính chuyện đi đền đi chùa. Ngược lại lễ bái là cả một việc thiêng liêng mà chỉ những người tin chắc ở sự lương thiện của mình mới thành tâm theo đuổi. Hai loại người hai cách sống, rành mạch đâu ra đấy. Còn ngày nay, nếu tôi không nhầm, càng những người “ có chuyện “, bao gồm từ buôn bán bất chính giả dối lừa lọc cho tới các loại lấy của công làm của tư, nhận hối lộ, tham ô ăn cắp ( nói nôm na thì tham nhũng cũng chỉ là một loại ăn cắp ) lại càng kỹ càng trong việc cúng bái. Bởi nay là lúc người ta thừa hiểu mình đang làm việc xấu song vẫn cứ làm. Mà cũng bởi người ta tin rằng thần thánh cũng như người, giá năng đến năng xin, và quà bánh lót tay cho thật hậu hĩnh, thì tội lớn thế nào cũng tha bằng hết. Thành thử mới sinh ra tình trạng đen trắng lẫn lộn, bắt cá hai tay. Càng giỏi kiếm chác càng hăng hái đi đền đi chùa. Và cầu cúng xong rồi thì về thêm yên tâm làm bậy.

26-2

Trong một bài báo tường thuật hội nghị các nhà văn các tỉnh phía bắc, người viết mấy lần nhắc đi nhắc lại mấy chữ sĩ phu Bắc Hà, ra vẻ tự hào lắm. Mở từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên ra tra, thấy ghi rõ sĩ phu: người trí thức có danh tiếng trong xã hội phong kiến. Nếu đúng hai chữ sĩ phu cao quý vậy thì liệu những người cầm bút khiêm tốn hiện thời có nên có nên dùng nó để tự nói về mình? Hay chính vì trong thâm tâm thừa biết rằng mình viết lách cũng chỉ làng nhàng nên phải nấp bóng người xưa để sống? Và đây lại là một sự nhập nhèm lẫn lộn, hơn thế nữa một sự cố ý vơ vào, cố ý làm sang?

“ Ta “ và “người”

28-2

Hồi gần tết, trên một tờ báo điện tử có bài Công chức VN nên ghi lại nhật ký công việc. Sở dĩ phải đặt vấn đề như vậy là vì, như người ta viết trong bài, “ Tình trạng chung hiện nay là thậm chí lãnh đạo trực tiếp cũng không biết chắc chắn công chức dưới quyền mình làm gì trong giờ hành chính “. Lãnh đạo trực tiếp nói ở đây, tức là người phụ trách những cơ quan nhỏ, cơ quan cấp hai ; chứ không phải các đầu mối lớn, gọi là cơ quan cấp một, ở đó, nói tới sự sâu sát càng khó.

Thế nhưng ngay lập tức một câu hỏi được đặt ra: Liệu có làm được thực sự? Hay là chỉ ghi cho có chuyện, ghi dối ghi dá, cốt để đối phó với nhau và chỉ ba bảy hăm mốt ngày là đâu đóng đấy, không ai biết việc của ai cả?!

Có vẻ như ngay khi đặt cho bài viết cái tên nên ghi lại nhật ký, thì người ta cũng đã tự tố cáo là biết việc đáng làm đấy, nhưng có nhất định làm được không thì không dám chắc. Lại nhớ hồi chiến tranh, mọi chuyện phải bí mật, nhiều khi cơ quan ở đâu, không được nói, được chi bao nhiêu, không được biết, ai đang làm gì, không được hỏi. Hình như cái tình trạng ấy hôm nay vẫn chưa dứt hẳn.

2-3

Năm 1984, đến một nông trường trồng chè ở Tuyên Quang tôi mới được biết là chè mình xuất sang Nga,Ân Độ chỉ là phụ gia, cho người ta trộn thêm vào, chứ thực ra chè ta không tồn tại độc lập. Nó như người không có mặt.

Giờ đây nghe tin: Mới chỉ có 25% hàng hoá Việt Nam đạt tiêu chuẩn hàng hoá quốc tế và khu vực (VietNam Net 18-2).

Hôm qua đọc VNExpress lại nghe nói rằng làm ăn theo kiểu hiện nay tức là mình toàn đi xuất khẩu hộ người. Ví dụ một ngành ăn nên làm ra của mình là ngành dệt may. Nhưng do gần như toàn bộ nguyên liệu là đi nhập nên sau khi cặm cụi cắt may là ủi đóng hộp …, tính kỹ ra trung bình xuất được 5 đô la, thì thu về thật ra có vài cent ( tương tự như 5 đồng thì thu về vài hào ).

3-3

Hơn bao giờ hết, người nước ngoài có mặt trên đất này ngày càng nhiều. Tây có mặt trên mọi quãng phố. Tây tràn cả về nông thôn. Tây có mặt ở các đám hội lễ. Tây có mặt trong các cuộc hội thảo hội nghị, ở đó họ cùng chúng ta bàn bạc mọi chuyện.

Có những chuyện tôi cứ muốn quên đi mà không sao quên nổi.

Một là có lần viện Gớt ở Hà Nội mở cuộc trao đổi về phương án cải tạo phố cổ ở Hà Nội. Họ mời được cả các chuyên gia từ Pháp, Singapore sang. Chỉ riêng có cán bộ quản lý của thành phố và khu phố sở tại được mời thì không thấy đến.

Câu chuyện thứ hai liên quan đến ngôi nhà của cơ quan văn hoá X. được xây dựng từ hồi Pháp thuộc và nay đã quá cũ. Một đoàn khách Pháp đến tham quan, họ ngỏ ý sẽ về Pháp vận động để gây quỹ xây lại ngôi nhà đó. Bên ta đồng ý. Nhưng đến khi họ đề ra kế hoạch cụ thể là sẽ cử thợ bên ấy sang xây dựng từ đầu chí cuối cho đến khi hoàn thành, chìa khoá trao tay thì phía ta, cơ quan chủ quản nhất định không nhận. Họ không sao hiểu nổi. Chị D. là người phiên dịch cho những cuộc trao đổi giữa hai bên khi kể với tôi chuyện này chỉ nhẹ nhàng giải thích:

– Có gì đâu, chờ ít năm, thả nào trên bộ cũng có chỉ tiêu cho cơ quan ít ra là vài trăm triệu để xây dựng. Mà ta làm với ta thì thả nào bên B chả lại mặt cho bên A ít nhiều. Chứ để người ta xây cho thì còn cấu véo được chút gì? Từ chối thế lại được cái tiếng !

5-3

Đang trong những ngày đầu xuân, nhiều người đã nghĩ tới việc hè này đi nghỉ ở đâu. Trước chỉ lo nghỉ ở trong nước. Mấy năm nay, số người đi Âu châu đã đông hơn hẳn. Bà K. chị họ tôi cũng ở trong số đó. Bà đi từ năm ngoái kia. Nhưng đáng ngạc nhiên là câu chuyện bà kể sau chuyến đi:

– Nói ra thì không ai tin, nhưng quả thật vừa sang đã chỉ muốn về. Con cái nó toàn mải đi làm, chứ có phải lúc nào nó cũng dẫn mình đi chơi được đâu. Mà có đi chơi cũng chán, cái gì cũng lạ. Tiếng tăm không biết, chả còn thấy cái gì là hay. Giá kể ở nhà xem Ti – vi có khi còn kỹ càng hơn. Chú không biết chứ, nghe tin tôi được về trước mấy tuần, bà M. cùng đi khóc thút thít: Bao giờ tôi mới được về?

Nghe nói nhiều cô cậu con nhà giàu được cha mẹ cho đi du học sang ít lâu lại trốn về. Thì ra ở đấy phải học cẩn thận chứ không dùng tiền mua bằng kiếm điểm được. Lại không được tự do chơi bời. Thế thì về có phải sướng hơn không? Với các cô cậu ấy, nước mình mới thực là thiên đường !

Mình rút ruột mình

7-3

Mấy ngày nay dân tình xôn xao lên vì cái tin ở công trường xây dựng nhà tái định cư Kim Giang – Hạ Đình, cơ quan chức năng bắt quả tang nhiều cột thép bị rút ruột, số lượng thép ở phía dưới của cọc bị ăn bớt lên tới 50%.

Ai đó hạ một câu xanh rờn: kiểu ăn cắp này thì ai chẳng biết, bây giờ mới bắt được tức là quá muộn !

Tuy nhiên có điều cần nói là những người ăn cắp này đã chuẩn bị rất cẩn thận. Tức là họ mua cả nhân viên kiểm tra. Chính lúc bị bắt quả tang thì nhân viên kiểm tra cũng ở đấy. Thứ nữa, họ tính toán rất chu đáo, chống đỡ trước thế nào đó, đến mức, nếu thi công trót lọt thì sau này dùng siêu âm kiểm tra cũng không phát hiện ra.

Lại nhớ hôm nọ đọc một cuốn sách mới, trong đó Hà Minh Đức ghi lại một buổi trò chuyện với Tô Hoài, tác giả Dế mèn phiêu lưu ký có nhận xét là ngày xưa với ngày nay con người đều đến là lắm thói xấu, chỉ có chỗ khác: Con người ngày nay giỏi che giấu hơn.

8-3

Thử nghĩ tiếp về các thói xấu. Ví dụ ngày xưa, bọn tôi đi học, cũng có cóp bài song đó là do bí quá. “ đói ăn vụng túng làm càn “, làm liều một lần xong xấu hổ mãi. Còn như ngày nay, nhiều học sinh chủ trương thi là cóp,là giở sách, nên có sự chuẩn bị kỹ càng, có những đợt thi xong, phao vứt lại trắng cả sân trường.

Rồi những thày giáo “ mớm “ bài cho học trò ngay trong phòng thi ; rồi người kiểm lâm vốn sinh ra để bảo vệ rừng lại tiếp tay cho bọn ăn cắp ăn cướp làm thịt rừng — những kỳ tích lạ lùng như thế thì ngày xưa không ai hình dung ra nổi.

Bất ngờ đọc lại sách Luận ngữ thấy một câu rất hay trong thiên Dương hoá: “Có ba tật, xưa nay vẫn thấy nhưng mỗi thời mỗi khác. Xưa ngông nghênh là để chỉ không câu nệ, nay ngông nghênh là phóng đãng hư hỏng. Xưa trang nghiêm đồng nghĩa với liêm chính, nay chỉ thấy người trang nghiêm bộc lộ qua sự giận dữ. Người thất học ngày xưa thường thẳng thắn, thất học đời nay lại xoay ra dối trá. “

(Nguyên văn tiếng Hán tôi mạo muội diễn nôm lại cho dễ đọc, sau khi tham khảo các bản dịch Luận ngữ đang có, cả bản Nguyễn Hiến Lê lẫn bản Nguyễn Đức Lân. )

11-3

Tháng trước nghe tin có dịch muỗi ở quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh. Nhiều nhà ăn cơm cũng phải mắc màn, hàng quán buổi tối vắng tanh vì không ai muốn ngồi cho muỗi ăn thịt. Nguyên nhân đâu như chỉ vì người ta cho xây một con đê để ngăn triều cường. Nước biển không vào nhưng nước bẩn trong sông cũng không trôi ra được.
Trước đó ít lâu, VTV1 đưa tin: một làng ở Sơn Tây ven sông Hồng sụt lở. Lý do: làng trên họ khai thác cát. Nhưng nhắc nhở thì họ bảo có làm gì đâu, chỉ làm công việc như xưa nay vẫn làm.

Đây là những ví dụ sinh động cho cái câu mà các cụ vẫn bảo, đó là “ rút dây động rừng “, tức là việc người này làm, người khác chịu hậu quả.

Chuyện rút ruột ở Khu Hạ Đình Kiên Giang lúc này cũng gây ra hiệu quả “ đô mi nô “ như sau: dân nhiều người sợ khi nghĩ đến các nhà chung cư mới xây dựng. Giao dịch nhà đất đóng băng, nhà mới không ai hỏi mua. Thậm chí có người mới mua được nhà tìm cách bán lại.

Một cán bộ có trách nhiệm còn tỏ ý lo lắng xa hơn: Loại nhà bị phát hiện rút ruột là loại xây dựng dành cho dân ở những khu vực giải phóng mặt bằng “tái định cư”. Người ta đã đang ngại đi, nay chỗ tái định cư được chuẩn bị như thế,
lại càng có cớ tạ sự thêm ra để không phải rời chỗ cũ.

12-3

Tiếp tục câu chuyên về những cột thép bị rút ruột. Thử vân vi nghĩ rộng ra một chút. Trong khu vực đào tạo nhân tài,lâu nay không thiếu luận án tiến sĩ hình thành theo lối xào xáo lắp ghép. Mặc dù không có chuyện ăn cắp, song tiêu chuẩn tiến sĩ bị rút ruột ; thành thử có thi cứ bảo vệ đàng hoàng theo ngạch chính quy, nhưng đám người có danh đó vẫn là những nhân tài rởm. Hoặc hàng năm bao nhiêu sinh viên ra trường không đủ trình độ tối thiểu nên không cơ quan nào dám nhận. Một người bạn tôi kể chuyện là con anh ta học đại học ngoại ngữ ra, đã đi thực tập ở nước ngoài hẳn hoi, mà đọc không nổi một cuốn sách viết bằng thứ tiếng đã học. Một bên là những những ngôi nhà có cột thép bị rút ruột sẽ không bảo đảm tuổi thọ và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bên kia là những con người do tiêu chuẩn đào tạo bị hạ thấp, trở nên non kém ọp ẹp về mặt chuyên môn nghề nghiệp. Nào có khác nhau bao nhiêu?

Nhìn vào giao thông để thấy xã hội

15-3

Sau vụ đổ tàu E1 ở Trị Thiên Huế, nhà văn Võ Thị Hảo có bài viết khá hay trên VietnamNet. Sau khi nói rằng thắp ít nén nhang cho người bị nạn, ít nén nhang cầu bình an cho những người ngày ngày hối hả đi lại trên đường, chị nói rằng dành một nén cho con đường sắt cổ lỗ cũ kỹ. Đó là những con đường được làm thuở dân ta mới có hai mươi triệu. Ngày nay, nó chẳng khác gì những đôi chân suy dinh dưỡng buộc phải cõng trên mình bao nhiêu dục vọng ghê gớm của thời kinh tế thị trường. Tai nạn trước sau sẽ tới trên những con đường như vậy.

Võ Thị Hảo kể là có những đoạn như ở Ga Vinh, bèo tấm lăn tăn giữa những vũng nước đọng ngay trong lòng đường sắt. Giá kể lấy những tiêu chuẩn hiện đại ra mà xét, chắc còn tìm được nhiều cảnh “tang thương ngẫu lục “ tương tự. Mà giao thông công cộng ở ta là vậy, đường xá hư hỏng, phương tiện cũ kỹ, tất cả trong tình trạng quá tải. Hàng ngày phải theo đê lên cầu Chương Dương đi làm, tôi rất sợ mấy quãng rẽ, quãng nào đường cũng mấp ma mấp mô ; muốn tránh những chỗ mấp mô lượn sóng ổ gà ổ voi đó, người ta dễ làm phiền người khác và cũng gây ra tai vạ như chơi. Xa hơn là chuyện những chiếc tàu biển.Từ năm 2002, tôi đã nghe bên truyền hình đưa cái tin là nhiều cảng trên thế giới, người ta cấm tàu mình cập bến. Vì cái gọi là tàu mình đó toàn loại “ bé bé xinh xinh “, thiết bị kỹ thuật cổ lỗ, riêng chuyện giữ vệ sinh trên mặt nước đã không bảo đảm.

Lại nhớ khi được hỏi rằng tại sao đến Việt Nam, một người nước ngoài bảo đến để tìm lại những cái mà trên thế giới nay không đâu còn ( bài của Đặng Huy Giang, Văn nghệ trẻ số ra 27-2-05 ).

16-3

Nguyên nhân lật tàu E1 không có gì lạ, tốc độ lúc đó đâu đến 69 km/h, trong khi quy định chỉ được chạy 30-40 km.

Thế nhưng sau những căm giận đối với hành vi vượt quá quy định của người lái tàu, dân tình có ngay sự thông cảm: chẳng phải là lúc nào chúng ta cũng lo phấn đấu để rút giờ chạy tàu xuống thấp hơn? Đường xấu ; người đi đường cứ lao vào đường sắt như thiêu thân ; các ga điều hành kém gây mất thời gian chờ đợi ; trong khi đó thì cả xã hội đòi hỏi giảm giờ chạy tàu và cơ quan chỉ thưởng cho những con tàu về kịp thời gian mới được rút ngắn.

Hoá ra cuối cùng phải nhìn thấy nguyên nhân sâu xa của các tai nạn loại này chính là cái sự vênh váo so le giữa một bên là khả năng quá non yếu, với một bên là mong mỏi quá cao ( dù là chính đáng, song vẫn là quá cao ) của con người thời nay.

Nhớ lại văn học tiền chiến. Đọc Hai đứa trẻ của Thạch Lam, thấy cuộc sống ngày xưa sao mà chậm rải, đúng giờ đó thì có việc đó, mọi người yên tâm chấp nhận cái sự an bài như một định mệnh. Còn ngày nay, nét mặt người nào lộ rõ những tham vọng ghê gớm. Mắm môi mắm lợi mà “ guồng “. Lao về phía trước bằng tất cả sức lực sẵn có. Đã cố lại phải cố nữa. Từng người là thế mà cả xã hội cũng thế.

18-3

Năm 1998, đi du lịch bụi trên đất Trung quốc, tôi nhớ là tàu của họ lúc đó đã đạt mức trung bình 110km/h. Ngành đường sắt có lẽ là hình ảnh của sự phát triển của đất nước tỉ rưỡi dân đó: tất cả xã hội có sự kết hợp nhịp nhàng thành một guồng máy thống nhất, tốc độ cao mà vẫn cực kỳ trật tự.

Còn ở ta, cả xã hội lao ra đường mỗi người một xe, chen chúc xô đẩy, mạnh ai nấy chạy. Có điều, đầu tư vào đường sắt thì quá tốn kém, mà sự chỉ huy ( trước tiên là chỉ huy tài chính ) quy về một mối, chỉ có một ngành đứng ra quản lý chứ không phải mỗi địa phương cấu véo một tí. Một lối làm ăn manh mún không biết bao giờ mới kịp thay đổi.

19-3

Bốn ngày sau vụ đổ tàu,một phóng viên đi theo một chuyến tàu E1 kể lại đủ chuyện gian khổ trên đường để rồi bỏ nhỏ thêm một chi tiết: mỗi chuyến cả đi lẫn về, một lái tàu chỉ có thu nhập 360.000đ, và để bảo đảm sinh kế gia đình, họ thường chỉ có hy vọng kiếm thêm vào khoản thưởng tàu về đúng giờ. Thế nghĩa là gì? Là rút cục mọi chuyện lại liên quan đến đồng lương. Lương thấp nên nhiều lái xế phải tiếp tay cho bọn buôn lậu ; lương thấp nên phải gồng mình lên mà chạy, dù biết rằng nguy hiểm lúc nào cũng cận kề. Tôi nhớ đã nghe nói lâu nay nhiều lái xe tải đã rơi vào cảnh liều đó. Nay lại đến chuyện những người lái tàu hoả.

Thay đổi ư? Khó đấy !?
22-3

Truyện vừa Cha và con và… kể về một cha đạo rõ ràng là có thiện chí, nhưng làm việc gì cũng hỏng. Chủ đề của truyện là sự bất lực.

Thiên truyện ấy của Nguyễn Khải thường trở lại trong đầu óc tôi khi phải đối mặt với nhiều chuyện xảy ra hàng ngày. Chẳng hạn, từ đầu tháng 3 có tin Hà Nội chủ trương phạt thật nặng những xe chở vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường, gây ô nhiễm bẩn thỉu. Nhưng kiểm tra 43 xe thì đã có hơn ba chục xe có sai phạm. Sau không thấy nhắc lại việc này nữa. Định phân luồng xe chạy trên đường Kim Mã, nhưng chỉ là được vài ngày rồi cũng phải bỏ: không lấy đâu ra người để lúc nào cũng đứng đấy uốn nắn mọi người. Mà làm thì chậm, vừa làm đã tắc đường.

Hàng ngày có biết bao nhiêu chuyện như thế. Cẩu thả, tuỳ tiện, bát nháo, luộm thuộm đã trở thành không thể kiểm soát. Nhưng do không uốn nắn từ đầu, nay không thay đổi nổi nữa.

23-3

Hồi đầu những năm 90, xe máy còn ít, có lúc những chiếc Honda Suzuki đã trở thành dấu hiệu của sự khá giả, nhiều bạn trẻ bảo rằng muốn đi liên hệ công tác với ai, mà cứ thũng thĩnh cái xe đạp xe không xong, nên phải sắm bằng được xe máy. Nhưng một vài năm gần đây, nhiều người đã bắt đầu cảm thấy cái xe là cả một sự phiền. Mà thành phố gồm toàn những xe máy là một thành phố lộn xộn, ô nhiễm, mà lại hung dữ,dễ gây tai nạn. Nhiều người trong đó có tôi bắt đầu có cái mơ ước “ dở hơi “ là bao giờ trút bỏ được xe máy. Nhưng rồi thấy ngay đó là một ý nghĩ không tưởng: Bao giờ mới làm lại được thành phố? Bao giờ mới có đường xá mới? Bao giờ cho các tuyến xe công cộng đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại. Bao giờ ư? Lâu lắm !

25-3

Câu chuyện dịch muỗi ở mấy quận huyện thuộc TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục dai dẳng:
tin đưa là đến nay, muỗi chỉ bớt được độ 50% mặc dù đã sử dụng đến đủ các biện pháp mạnh là dùng hoá chất để xịt. Nhưng xịt xong chỉ đỡ độ 5 ngày, tới ngày thứ sáu muỗi lại sinh sôi nẩy nở. Mọi người đang lo mùa này đã vậy, mùa mưa sắp tới, rồi muỗi còn sinh sản đến đâu.

26-3

Khi giải thích việc phải dùng hoá chất để xịt muỗi, một quan chức y tế của TP Hồ Chí Minh giải thích “ môi trường bây giờ còn ô nhiễm hơn hoá chất “. Tôi hiểu ông muốn nói sử dụng hoá chất đúng là có hại thật,nhưng môi trường bây giờ đã hỏng nặng, cái hại của hoá chất cũng chẳng thấm thía gì.

Thế thì nghĩa là vô kế khả thi? Và “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, cái câu Kiều ấy lại thấy ứng nghiệm.