I’m Gore!

Tôi là Gore

Tôi là Gore. Tôi từng là Tổng thống (TT) nước Mỹ nhiệm kỳ tới. Tiếp sau câu mở đầu dí dỏm ấy, nguyên Phó TT Mỹ Al Gore bắt đầu giải thích cho mọi người biết là ông đang thực thi một công việc còn quan trọng hơn nhiều so với việc làm TT nước Mỹ – đó là việc cứu trái đất ra khỏi hiểm họa tự hủy diệt.

Nhiệm vụ hiện nay của ông Al Gore là cứu trái đất của chúng ta. Nếu đối thủ chạy đua vào Nhà Trắng của ông năm xưa là đương kim TT Bush mà không áp dụng các biện pháp nghiêm chỉnh giảm khí thải cac-bô-nic (CO2) thì Gore nhất định sẽ tiếp tục hành động tới cùng, cho đến khi ông Bush chịu thua mới thôi. Qua nhiều chuyến đi dài ngày trên khắp nước Mỹ, ông Gore đã làm cho nhân dân Mỹ hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của vấn đề khí hậu trái đất đang nóng lên. Năm 2006 này, ông đã chủ trì thực hiện một bộ phim tài liệu có tên “Sự thật khó chịu” (An Convenient Truth) với chủ đề là hiện tượng khí hậu toàn cầu ấm lên.

“Đây là nguy cơ bức xúc nhất, nghiêm trọng nhất, xưa nay chưa từng có, mà nền văn minh nhân loại đang gặp phải,” ông Gore nghiêm trang tuyên bố, “Các nhà khoa học cho biết, chúng ta chỉ còn thời gian không đến 10 năm để cứu vãn tình trạng này. Sau đây 10 năm nữa, chúng ta sẽ không còn cách nào để khôi phục sự cân bằng khí hậu thích nghi với sự phát triển của loài người !”

Al Gore là một nhân vật “nặng ký”, kể từ vóc người to cao bệ vệ cho tới xuất thân gia đình của ông. Cha ông từng là thành viên Hạ viện và Thượng viện Mỹ.

Khi hỏi ông có tin vào số phận không, Gore đáp sau một tiếng thở dài khe khẽ: “Từ số phận bao gồm quá nhiều thứ, đúng không ?” Ngừng lại giây lát, ông nói tiếp với thói quen nói nhanh của mình: “Nhưng tôi tin là công việc hiện nay tôi làm hàng ngày là một công việc đạo đức. Tôi gắng hết sức làm sao cho ngày càng có nhiều người hiểu được mối nguy hiểm chúng ta đang gặp phải và biện pháp giải quyết. Vì thế tôi đang có một cuộc sống có giá trị.”

Cho dù đã cố gắng giấu sự nuối tiếc của mình, Gore vẫn cứ tưởng tượng là nếu năm 2000 ông được vào Nhà Trắng, chứ không phải ông Bush, thì có lẽ tình hình đã khác như thế nào. “Tôi chỉ nhìn về phía trước,” Gore nói, “Ai cũng đều phải trải qua vô vàn khó khăn, nhiều người còn gặp những chuyện tồi tệ hơn tôi.”

“Sống an nhàn quả là một lối sống có sức hấp dẫn mạnh,” Gore thừa nhận, “Nhưng mỗi khi nghĩ đến việc còn có nhiều người chưa hiểu được tính chất nghiêm trọng của vấn đề khí hậu toàn cầu, tôi lại ăn không ngon ngủ không yên. Đã 40 năm qua tôi cố gắng làm công việc đó. Các buổi đối chất ở Thượng viện trước đây đều do tôi tổ chức cả. Tôi mong muốn bộ máy nhà nước có thể nhận thức đầy đủ vấn đề này và có phản ứng, thế nhưng nguyện vọng ấy hiện chưa thực hiện được. Bộ phim tài liệu này có lẽ có thể làm cho nhiều người xúc động.”

Trong bộ phim “Sự thật khó chịu”, Gore tỏ ra hăng hái nhiệt tình, dí dỏm hài hước – đó chính là phẩm chất người ta cho rằng ông còn thiếu trong đợt tranh cử TT lần trước. Tuy rằng 6 năm trước ông đã thua ông Bush, nhưng Gore năm nay 58 tuổi đang ở vào thời kỳ sung sức nhất của một nhà chính trị. Giờ đây ông đang đảm trách nhiều chức vụ: ngoài việc đứng đầu một công ty đầu tư và một công ty chế tạo dây cáp của mình ra, Gore còn là Ủy viên Hội đồng Quản trị công ty Apple danh tiếng và cố vấn cho công ty mạng Google toàn cầu đều biết, chưa kể còn là giáo sư thỉnh giảng trường đại học bang Tennessee. Song ông chủ yếu tập trung sức lực vào công việc tuyên truyền bảo vệ môi sinh – vì thế ông đã nhiều lần từ chối các cơ hội trở lại chính trường.

Khi được hỏi liệu ông có lại ra tranh cử TT nữa hay không, Gore trả lời: “Tôi chưa có dự kiến ấy, sau đây cũng chưa muốn nghĩ tới chuyện đó. Tôi đã tìm được những cách khác phục vụ nhân dân Mỹ tốt hơn, hơn nữa tôi rất thích các công việc ấy.” Thế nhưng nhiều người vẫn tin rằng ông Gore tới năm 2008 sẽ cùng bà Hillary Clinton tranh cử vị trí ứng viên TT Mỹ của đảng Dân chủ, bởi lẽ ông không thể không nghĩ tới chuyện cho dù là chỉ vì để cứu trái đất thôi, thì việc trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia lớn mạnh nhất trái đất này sẽ càng có lợi cho việc thực hiện mục tiêu ấy.

Nếu như trong đợt tranh cử năm 2000 công chúng Mỹ đã có thể nhìn thấy mặt hoạt bát sôi nổi của Gore – chứ không phải là dáng vẻ thành kính nghiêm túc, trầm mặc ít nói của một tín đồ đạo Tin Lành ngày ấy, trái ngược với dáng diệu thân mật, tự nhiên thoải mái kiểu chàng cowboy bang Texas của ông Bush – thì có lẽ tất cả đã khác hẳn. Thế nhưng Gore vẫn nói: “Những người giúp tôi vận động tranh cử năm ấy làm việc rất cừ. Chúng ta từng nhiều lần nghe những câu như ‘Nếu làm lại lần nữa, nhất định tôi sẽ làm tốt hơn’, nhưng nếu nói về lần tranh cử ấy, tôi cho rằng mọi người không thể làm tốt hơn được đâu. Bản thân tôi cũng đã gắng hết sức mình rồi.”

Từ ngày đó trở đi, ông Gore lặng lẽ nhìn ông Bush dẫn dắt người Mỹ đi theo một đường hướng khác. Nhiều nhà lãnh đạo đảng Dân chủ ủng hộ chính sách của ông Bush đối với vấn đề Iraq và chiến tranh Iraq, nhưng riêng ông Gore thì ngay từ đầu đã công khai chống lại. Trước khi nổ ra chiến tranh Iraq, ông đã nhiều lần diễn thuyết nói rõ phát động chiến tranh là một quyết định hoàn toàn sai lầm.

Bộ phim “Sự thật khó chịu” đem lại hiệu quả tuyên truyền rất lớn. Nó đan xen lý lịch cuộc đời của ông Gore với các công việc nhiều năm qua ông tiến hành nhằm thức tỉnh mọi người và cải thiện hiện tượng khí hậu toàn cầu ấm lên, qua đó có sức thuyết phục và kêu gọi mạnh mẽ. Qua bộ phim này, khán giả được biết chị ruột của Gore chết vì bệnh ung thư – đây là một sự châm biếm tàn khốc đối với gia tộc Gore từng kinh doanh nông trại trồng thuốc lá. Họ còn được biết con trai ông hồi bé bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, cũng như biết ông đã duy trì thành công cuộc hôn nhân lâu 36 năm với bà Tipper. Những sự thật ấy phô bày cho mọi người thấy cuộc đời của một người đàn ông bình thường chứ không phải cuộc đời của một chính khách, nhờ thế những thông tin về việc khí hậu thay đổi có ảnh hưởng thế nào đối với chúng ta càng trở nên dễ tiếp nhận hơn. Bà Tipper vợ ông có tác động lớn nhất đối với Gore, chính bà đã đưa ông ra khỏi nỗi buồn chán vì thất bại trong cuộc tranh cử năm 2000. Gore nói: “Bà ấy là thạc sĩ tâm lý học, mà đối tượng điều trị tâm lý duy nhất của bà ấy trong suốt 36 năm qua chính là tôi. Tôi xin tặng cuốn phim này cho Tipper.”

Trong phim “Sự thật khó chịu”, Gore giải thích một cách dễ hiểu cho mọi người biết nguyên nhân khí hậu toàn cầu ấm lên – đó là do con người đang thải vào bầu khí quyển quá nhiều khí CO2 và các chất khí tương tự có khả năng cực dễ dàng hấp thu nhiệt lượng, chúng hấp thu nhiệt lượng của mặt trời, có thể ví chúng như đắp một tấm chăn lên trái đất và ủ cho trái đất ấm lên. Tuy tình hình rất nghiêm trọng, song ông Gore vẫn đầy tự tin nói: “Tôi tin là càng ngày sẽ càng có nhiều người nhận thức được nguy cơ khí hậu, đủ để hai đảng lớn ở Mỹ tranh nhau đưa ra các biện pháp giải quyết nguy cơ ấy.”

Ngoài việc yêu cầu nhà nước phải thay đổi chính sách, Gore tin rằng bộ phim tài liệu này sẽ thuyết phục mọi người thay đổi một số phương thức sinh hoạt – như sử dụng nhiều hơn các phương tiện đi lại công cộng, bóng đèn tiết kiệm điện và nguồn năng lượng có thể tái sinh, trồng cây trồng rừng v.v… “Điều rất quan trọng là nói cho mọi người biết họ cần làm những việc cụ thể gì. Khi mọi người đều làm như thế cả thì sẽ có hiệu quả vô cùng lớn.” Gore nói.

Khi đi các nơi tuyên truyền về vấn đề bảo vệ môi sinh, ông Gore không thể không sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Mỗi lần đáp máy bay, ông đều bỏ tiền ra trồng một cây – vì một cây trong đời nó có thể hấp thu 1 tấn CO2 – nếu tính toán như vậy thì cho tới nay Gore đã trồng được cả một cánh rừng rồi. Ngoài rừng Gore, hiện nay ông còn có một đội công tác được người ta gọi là “quân đoàn Gore” – ông đã lập đội quân 1000 người đem bộ phim nói trên đi chiếu khắp thế giới và tiến hành các hoạt động tuyên truyền liên quan. Al Gore nói: “Các hoạt động ấy hoàn toàn không có dính dáng gì đến chính trị cả, chỉ liên quan tới đạo đức và lương tri mà thôi.”

Nguyễn Hải Hoành