"Rừng Người Thượng", "Miền Đất Huyền Ảo", v.v.
Nhân buổi giới thiệu và toạ đàm - tối 13-11 tại Trung tâm Văn hoá Pháp ở Hà Nội - xung quanh tác phẩm vừa xuất bản bằng tiếng Việt Rừng người Thượng của Henri Maitre, nhà văn Nguyên Ngọc hé lộ những biểu hiện về minh triết đáng ngạc nhiên của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Bên cạnh Nguyên Ngọc, trên bàn chủ toạ có TS Andrew Hardy - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Việt Nam. Theo A.Hardy, phần đáng chú ý và dễ đọc nhất vừa dịch sang tiếng Việt mới chỉ chiếm nửa số trang của Rừng người Thượng - xuất bản lần đầu năm 1912.
Cuốn sách là kết quả cuộc khảo sát lần hai kéo dài hai năm của Henri Maitre vào năm 1909. Từ những năm 1980, nhà dân tộc học Jacques Dournes đã nhấn mạnh đây là cuốn nghiên cứu xuất sắc nhất về cao nguyên miền Trung Việt Nam.
Hai năm sau khi xuất bản sách, Maitre rơi vào ổ phục kích của Nơ Trang Lơn và bị giết chết. Khi ấy, ông mới 31 tuổi.
“Những đóng góp của ông cho việc thiết lập chế độ cai trị của Pháp trên cao nguyên dẫn đến việc ông bị ám sát. Nhưng công trình nghiên cứu của ông về dân cao nguyên lại làm ông sống mãi”, bằng tiếng Việt, A.Hardy khẳng định.
Nhà văn Nguyên Ngọc nhấn mạnh đến công lao nghiên cứu Tây Nguyên của người Pháp, trong đó, Rừng người Thượng chiếm vị trí và giá trị đặc biệt, chưa có công trình nghiên cứu nào vượt qua.
“Maitre thực hiện công việc tinh tế và gian nan đó trong một thời gian ngắn gần như kỷ lục trong điều kiện bất trắc. Đối tượng nghiên cứu không chút thân thiện” - Ông Nguyên Ngọc nói.
Một đoạn ngắn trong cuốn sách được đọc tại chỗ miêu tả cuộc viếng thăm tới một làng của Maitre. Dân làng chạy lên núi trốn biệt, Maitre và người của mình rình hồi lâu. Và để tóm được một người dân, Maitre phải vật lộn và bị thương vì giáo đâm. Người bị bắt sẽ được dùng làm con tin dụ dân làng về để giao tiếp.
“Ông mô tả nhân vật, đồng thời đương đầu với chính họ” - Nguyên Ngọc nói - “Nên chúng ta lại có thêm một chân dung nữa hết sức sinh động cũng đầy mâu thuẫn đó là chân dung của chính ông - một kiểu người Pháp đến Đông Dương, đến Tây Nguyên thời bấy giờ.
Maitre chưa thoát ra những điều kiện lịch sử để nhìn được những con người Tây Nguyên và nền văn hoá văn minh của họ với sự khiêm tốn đầy hiền minh như J.Dournes để hiểu rằng họ có những cách hiểu khác về văn minh, mà những cách sống văn minh khác không thể so sánh, càng không thể mang cái khác đến áp đặt”.
J.Dournes bỏ ra 25 năm sống ở Tây Nguyên, bỏ cả đạo Thiên Chúa để theo đạo của người Tây Nguyên, và đến những năm cuối đời, vẫn bày tỏ ý nguyện quay về sống ở Tây Nguyên.
Có hàng nghìn tác phẩm của người Pháp nghiên cứu về Tây Nguyên, riêng J.Dournes có 350 tác phẩm viết về Tây Nguyên. Chưa kể những công trình, bài báo nhỏ. Hiện mới có khoảng 10 cuốn đã được dịch ra tiếng Việt.
Nguyên Ngọc cho rằng những công trình như vậy nếu được phổ biến rộng rãi có thể giúp chúng ta tránh được những điều đáng tiếc.
Nhân GS Hoàng Ngọc Hiến ở Trung tâm Nghiên cứu Minh triết Việt đề nghị cho biết vài nét về minh triết các dân tộc Tây Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc kể về phong tục Ni-nông của người Xê-đăng biến mất cách đây mươi năm.
Nguyên Ngọc nói: “Một ngày nào đó trong mùa Ni-nông (tiếng Xê-đăng nghĩa là “không làm nông”) kéo dài 2-3 tháng, toàn bộ dân làng theo già làng bỏ lại tất cả những gì mà toàn bộ lịch sử tiến hoá của con người đã đem đến cho họ: dụng cụ, quần áo, thóc lúa…
Tất cả kéo nhau vào rừng, và sống lại hoàn toàn đời sống nguyên thủy. Lấy đá cọ với nhau làm ra lửa, săn bắt hái lượm… trong vòng 15-20 ngày. Nhu cầu trở về tắm gội trong cội nguồn nguyên thủy cho sạch con người - tôi nghĩ đó cũng là một cái minh triết”.
Một biểu hiện nữa của minh triết Tây Nguyên, theo Nguyên Ngọc là lễ Pơ Thi (bỏ mả). Nhiều dân tộc Tây Nguyên cho rằng chỉ sau lễ này - được tổ chức như một ngày hội lớn trong vùng- họ mới thực sự vĩnh biệt người chết.
N.M.Hà (TP)
Ra mắt Tủ sách Tây nguyên
14 quyển đầu tiên của Tủ sách Tây nguyên vừa được sachhay.com ra mắt vào ngày 2-7-2009, như một tủ sách thuộc chuyên mục “Tủ sách chuyên gia” của trang web này.
Đó là các quyển: Sử thi Tây nguyên; Miền đất huyền ảo; Rừng người Thượng; Câu đố Jrai; Công trình nghiên cứu cơ bản và đặc sắc về chế độ mẫu quyền Ê Đê; Les jungles Moi; Rừng, đàn bà, điên loạn; Nhà rông, hồn của làng; Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Gia Rai Đông Dương; Chúng tôi ăn rừng; Đá thần Gô; Lễ hội Tây nguyên; Nhà mồ Tây nguyên; Nhà rông Tây nguyên; Người Mnông ở Tây nguyên / Les Mnong des Hauts-Plateaux (Central Vietnam).
Bước đầu đã có 13 người tham gia vào nhóm chuyên gia của Sachhay.com để thẩm định, chọn lọc và giới thiệu những cuốn sách phong phú nhiều mặt về Tây nguyên. Việc xây dựng tủ sách ý nghĩa này sẽ là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà dân tộc học... cùng nhau ngồi lại chia sẻ kiến thức, những am hiểu và tình yêu Tây nguyên của mình, giúp công chúng hiểu và trân trọng Tây nguyên hơn.
Lam Điền (Sachhay.com)
Miền Đất Huyền Ảo
Mùa Xuân năm 1950, tạp chí Pháp Á đã ra một số đặc biệt dày dặn (số 49-50), dành riêng giới thiệu trọn công trình nghiên cứu về “Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương” của một tác giả ký tên là Dam Bo. “Các dân tộc miền núi Nam Đông Dương” là cách Dam Bo dùng để nói về những con người mà ngày nay chúng ta gọi là các dân tộc Tây Nguyên.
Về sau, người ta sẽ biết rằng Dam Bo chính là bút danh của một trong những nhà Tây Nguyên học say mê nhất và nổi tiếng nhất: Jacques Dournes. Ông sống ở Tây Nguyên gần suốt ba mươi năm, am hiểu sâu sắc hàng chục dân tộc thiểu số ở đây, nói thành thạo ngôn ngữ của họ, và đã viết hàng chục công trình có thể coi thuộc số những công trình nghiên cứu cơ bản nhất về Tây Nguyên cho đến ngày nay. Trong số đó có những công trình được coi gần như là “kinh điển” trong khoa nghiên cứu về Tây Nguyên, như các cuốn “Potao, một lý thuyết về quyền lực ở người Giarai Đông Dương”, “Men theo những lối mòn của con người trên cao nguyên Việt Nam”, “Nri, sưu tập luật tục của người Srê vùng Đồng Nai Thượng”, “Tôn giáo của người miền núi vùng Đồng Nai Thượng”..., và đặc biệt cuốn sách cuối cùng tuyệt vời của ông “Rừng, Đàn bà, Điên loạn, hành trình qua miền mơ tưởng Giarai”.
Thấm đượm trong các nghiên cứu của Dam Bo-Jacques Dournes là một tinh thần khoa học nghiêm túc, trên cơ sở những quan sát chăm chú, tỉ mỉ, cẩn trọng, những so sánh và luận giải chặt chẽ, thấu đáo, những phân tích luôn cố gắng hết sức khách quan, đi đôi và hoà quyện với một tình yêu sâu sắc và một sự kính trọng chân thành đối với đối tượng nghiên cứu của mình: những con người Tây Nguyên, cái thế giới vừa vô cùng sâu xa, thăm thẳm trong Truyền thống minh triết lâu đời của họ, vừa lại rất mong manh, rất dễ bị đổ vỡ, bị xéo nát trước những thách thức hung bạo của sự phát triển hôm nay.
Trong khi đọc công trình nghiên cứu vừa nghiêm túc vừa say mê như một bút ký dân tộc học, một kiểu tác phẩm văn học độc đáo này, chúng ta luôn nhớ rằng nó đã được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ. Từ đó đến nay, trên vùng đất này đã diễn ra biết bao nhiêu biến động dữ dội, tác động mạnh mẽ đến toàn bộ cuộc sống và con người ở đây. Nhiều sự kiện đã được soi sáng dưới những góc nhìn mới, do đó có thể đợc nhìn nhận và giải thích theo những cách mới, sáng rõ và chân xác hơn. Một số nhận định, ước thuyết của tác giả đã bị vượt qua, hoặc được đính chính lại, một số hiểu biết mới được bổ sung, do những nghiên cứu mới trong suốt thời gian từ đó đến nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhận ra ở tác phẩm của Dam Bo không chỉ những tư liệu vô giá ngày nay hầu như không còn có khả năng tìm thấy được nữa, mà hơn thế rất nhiều, một số vấn đề cơ bản tác giả đặt ra về sự phát triển của xã hội và về số phận con người ở đây có thể nói vẫn còn nóng hổi tính cập nhật. Về một phương diện nào đó, công trình nghiên cứu công phu và đầy nhiệt tâm này đã vượt qua ược sự thử thách của thời gian, và không hề lạc hậu.
Dam Bo viết: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu”. Bài toán về sự phát triển của các dân tộc Tây Nguyên trong thời đại và trong thế giới ngày nay, như chúng ta đều biết, không hề là một bài toán đơn giản, dễ dàng. Chắc hẳn chúng ta cần cả hai vế trong mệnh đề trên của Dam Bo, nếu chúng ta thật sự tha thiết muốn góp phần giải quyết bài toán khó ấy của Tây Nguyên hôm nay. Cần phải yêu, một tình yêu đầy kính trọng và cả ưu tư như Dam Bo đã yêu đối với đất nước và con người Tây Nguyên để có thể hiểu nó một cách thấu đáo, đặng có thể xử lý những câu hỏi không hễ dễ dàng đặt ra vừa bức bách vừa lâu dài, cơ bản ở đây. Và để có được một tình yêu như vậy, thì lại phải chăm chú, tận tụy chăm chú hiểu nó, mảnh đất và con người ở nơi này, trong tất cả các chiều sâu tinh tế của nó, như tác giả của cuốn sách này, một con người không phải là người Việt Nam mà đã bỏ gần cả ba mươi năm, và là những năm dồi dào sức lực, trí tuệ nhất, những năm quý giá nhất của đời mình để cố tìm hiểu và yêu nó. (Trích lời nói đầu trong sách)
Sách có thể download miễn phí ở đây:
http://thuvienonline.sachhay.com/book/200907012998/mien-dat-huyen-ao.aspx
http://thuvienonline.sachhay.com/book/200907012999/nguoi-e-de-mot-xa-hoi-mau-quyen.aspx
http://thuvienonline.sachhay.com/book/200907043024/rung-trong-van-hoa-tay-nguyen.aspx
http://thuvienonline.sachhay.com/book/200907012987/rung-dan-ba-dien-loan.aspx