30 năm truyện cực ngắn Trung Quốc

Truyện cực ngắn (tiểu tiểu thuyết) Trung Quốc 30 năm lại đây từ “hiện tượng sáng tác” phát triển thành “hiện tượng văn thể”, rồi lại diễn biến thành một “hiện tượng văn hoá”, tạo thành một phong cảnh sáng đẹp trong lịch sử văn học đương đại Trung Quốc. 30 năm trước, trong dịp Trung Quốc bắt đầu sự nghiệp cải cách mở cửa, sức sáng tạo, sức sản xuất của văn học nhanh chóng khôi phục trở lại, báo “Bắc Kinh buổi chiều” của Thủ đô, Tạp chí “Giới tiểu thuyết” của Thượng Hải, và một số báo, tạp chí của một số tỉnh, thành phố, đã tiếp nối “Làn sóng truyện cực ngắn” đã từng có tại Trung Quốc từ thập niên 50 thế kỷ trước, khôi phục hoặc tôn tạo Chuyên mục Truyện cực ngắn, tổ chức một số “cuộc thi viết truyện cực ngắn”. Sự quật khởi của Truyện cực ngắn và Truyện vừa thời điểm này đã trở thành “hiện tượng sáng tác” bắt đầu gây sự chú ý của một bộ phận học giả và nhà bình luận trong lịch sử văn học đương đại Trung Quốc.

Những truyện cực ngắn kinh điển khi ấy được đề cập đến là những tác phẩm xuất sắc (giai tác) đứng hàng đầu trong những cuộc thi viết ấy: Như “Báo cáo về xin mua thêm một cái ấm pha trà” của Hứa Sĩ Kiệt, “Nòng súng” của Từ Quang Quang, v.v…

Truyện cực ngắn là “nghệ thuật từ nhỏ nhìn ra cái lớn, lấy ít thắng nhiều” (Giang Tăng Bồi); “Châm biếm và hài hước là nét đặc sắc quan trọng nhất của truyện cực ngắn” (Lưu Tích Thành). Những quan điểm chủ yếu ấy của các chuyên gia, học giả tổng kết về truyện cực ngắn, là những cảm thụ thân thiết đến tác dụng can dự của truyện vừa và phồn vinh của truyện cực ngắn đương đại đối với cuộc sống hiện thực.

Truyện cực ngắn “Vụ nổ trong phòng khách” của Bạch Tiểu Dị thời kỳ này thuộc về một tiền lệ đặc biệt. Tác phẩm được giải nhất của “Trung Quốc thanh niên báo” năm 1985 ấy với tính găy gắt sắc nhọn và những băn khoăn trực diện với nhân tính của nó đã được các tờ báo thi nhau chuyển tải, đăng lại. Mọi người dần dần phát hiện ra: Ngoài công năng “thẩm sửu của truyện cực ngắn” mang tính châm biếm, hài hước chủ yếu gần gũi với hiện thực, can dự trực tiếp với xã hội, truyện cực ngắn còn có công năng “thẩm trí của truyện cực ngắn” và công năng “thẩm mỹ của truyện cực ngắn” là khái quát nhân tính, gợi mở tư tưởng.

Thời kỳ giữa và cuối của thập kỷ 80 đến tròn thập niên 90 của thế kỷ trước, truyện cực ngắn Trung Quốc phát triển tiến vào một chặng đường mới. Sau khi tạp chí “Truyện cực ngắn chọn lọc” (Tiểu tiểu thuyết tuyển san) của Trịnh Châu, và tạp chí “Truyện mini chọn lọc” (Vi hình tiểu thuyết tuyển san) của Nam Xương sáng lập, hàng năm liên tục mở rộng tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường của truyện cực ngắn.

Cuộc hội thảo về sáng tác truyện cực ngắn toàn quốc do toà soạn tạp chí “Bách Hoa Viên” tổ chức (lịch sử gọi là Hội nghị Đầm nước suối canh truyện cực ngắn) đã xuất hiện loạt hộ chuyên nghiệp viết truyện cực ngắn đầu tiên (có lúc gọi là thế hệ đầu tiên). Bút hội sáng tác truyện cực ngắn đến đây được tổ chức thường niên. Những “Hội khoa học truyện cực ngắn” chuyên môn nghiên cứu truyện cực ngắn cấp tỉnh, tính toàn quốc cho đến tính quốc tế liên tục thành lập. Những giáo trình đại học, trung học lấy truyện cực ngắn làm đối tượng nghiên cứu và luận văn học vị cử nhân, thạc sĩ lấy truyện cực ngắn làm luận đề nghiên cứu đã dần dần nhiều lên.

“Truyện cực ngắn thẩm sửu” kiểu “Nhà Thư pháp” tiếp tục phát triển; Những tác phẩm “Truyện cực ngắn thẩm mỹ” kiểu “Giầy thêu đỏ” (Vương Khuê Sơn), “Cửa vĩnh viễn” (Thiệu Bảo Kiện), v.v… có số lượng cực nhiều; Mà những “Truyện cực ngắn thẩm trí” kiểu “Đứng nghiêm” (Hứa Hành), “Ra khỏi sa mạc” (Thẩm Hoằng),v.v… càng chiếm thế thượng phong của hoạt động sáng tác truyện cực ngắn.

Lý luận về truyện cực ngắn bắt đầu đã có phản ứng lý luận sơ bộ đối với thể loại văn học truyện cực ngắn. “Truyện cực ngắn là nghệ thuật của lập ý” (Hình Khả) và truyện cực ngắn do nó đem lại là “Nghệ thuật không lời” (không bạch đích nghệ thuật), là “nghệ thuật khoá đuôi đắc địa”, và “chiến thắng bất ngờ là phép tắc vĩnh hằng”, “tạp giao là ưu thế văn thể của truyện cực ngắn”, v.v… và biết bao cách nói kéo theo, đã đại biểu cho sự lý giải của mọi người về truyện cực ngắn đã từ bên ngoài “hiện tượng sáng tác”, đã thâm nhập vào bên trong “hiện tượng thể loại văn học”.

Những tạp chí chuyên môn đăng tải truyện cực ngắn, những cây bút chuyên nghiệp viết truyện cực ngắn nỗ lực cần mẫn phấn đấu, những nhà nghiên cứu muốn cấu tạo xây dựng hệ thống thể loại văn học truyện cực ngắn, và hàng loạt những tác phẩm xuất sắc (tinh phẩm) truyện cực ngắn “thẩm mỹ, thẩm sửu, thẩm trí” cùng kết hợp trở thành “hiện tượng thể loại văn học”. Và truyện cực ngắn Trung Quốc xuất sắc xuất hiện hàng loạt vào thời kỳ này.

“Hiện tượng thể loại văn học truyện cực ngắn” Trung Quốc lại kéo dài và mở rộng, chuyển biến thành “hiện tượng văn hoá truyện cực ngắn” phải dùng đến thời gian trên 10 năm. Gần 10 năm lại đây, chuỗi các doanh nghiệp truyện cực ngắn do toà soạn tạp chí Bách Hoa viên là trung tâm đang vận chuyển. Họ dùng quan niệm lý luận mới sáng tạo thể loại văn học truyện cực ngắn đã bồi dưỡng giáo dục thành công đội ngũ nhà văn viết truyện cực ngắn với hàng triệu người và cộng đồng độc giả truyện cực ngắn với hàng chục, hàng trăm triệu người. Bút hội truyện cực ngắn chuyên ngành trước đây chuyển đổi mô hình thành Festival truyện cực ngắn và Diễn đàn truyện cực ngắn thượng đỉnh ngày nay. Xuất bản những tuyển tập, chuyên tập cá nhân chuyên môn cho truyện cực ngắn trước đây, nay đã chuyển đổi thành tình hình xuất bản thịnh hành gần 100 bản sêri như hôm nay, như “Những tác phẩm kinh điển đáng tàng trữ của truyện cực ngắn Trung Quốc” (Trung Quốc tiểu tiểu thuyết điển tàng phẩm) và “Tuyển tập truyện cực ngắn đương đại Trung Quốc” (Trung Quốc đương đại tiểu tiểu thuyết đại hệ).

Trường hàm thụ truyện cực ngắn và Giáo trình hàm thụ truyện cực ngắn do toà soạn tạp chí Bách Hoa Viên tổ chức vào thập niên 80 của thế kỷ trước, thì tại các trường đại học, trung học ngày nay đã biến thành “Giáo trình nghiên cứu truyện cực ngắn” của trường đại học và “Giáo trình thưởng thức truyện cực ngắn” của các trường trung học.

Website văn học “Nhà văn truyện cực ngắn” (www.xxszj.com.cn) đã trở thành ngôi nhà tinh thần vui vẻ xuyên thời gian và không gian của hàng trăm vạn người ưa chuộng, tác giả sáng tác, nhà nghiên cứu truyện cực ngắn.

Hàng trăm bản chuyên tập cá nhân viết truyện cực ngắn, những “ấn phẩm giáo dục tố chất” ấy, đã trở thành xuất bản phẩm văn học ngoại khoá của các thế hệ học sinh tiểu học, trung học, sinh viên đại học thay nhau đọc.

Trong Lời tựa cho xuất bản cuốn “50 truyện ngắn xuất sắc nhất Trung Quốc”, nhà văn Trần Kiến Công (Phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc- ND) viết: “Tác phẩm của không ít nhà văn đã ảnh hưởng sâu sắc đến đọc giả thanh thiếu niên Trung Quốc gần 30 năm qua, khá nhiều tác phẩm đã được chọn vào giáo trình ngữ văn tiểu học, trung học, đại học, cho đến giáo trình Trung văn ở nước ngoài. Còn có những tác phẩm đã trở thành đề thi trung học, cao đẳng, đại học, nghiên cứu sinh.”

Nhận thức của mọi người về thể loại văn học truyện cực ngắn ở giai đoạn này, có thể coi quan điểm “Truyện cực ngắn là nghệ thuật bình dân” của Dương Hiểu Mẫn (Tổng biên tập Bán nguyệt san “Truyện cực ngắn chon lọc” – ND) có tính đại biểu và tính kinh điển nhất.

Nếu như nói, quan điểm truyện cực ngắn là “nghệ thuật lập ý” của Hình Khả trong giai đoạn thứ hai (“hiện tượng thể loại văn học”) của quá trình phát triển của truyện cực ngắn đương đại, là định nghĩa quan trọng về “thể loại văn học học”, thì có thể nói, quan điểm “truyện cực ngắn là nghệ thuật bình dân” của Dương Hiểu Mẫn là định nghĩa về “văn hoá học” (hoặc lại dồn nén thành “nhân loại văn hoá học”).

“Văn hoá học” đã bao trùm, đã thăng cấp các loại nhận thức của con người về thể loại văn học truyện cực ngắn, đồng thời là sự khái quát nội hàm rõ ràng, ngoại diên chu toàn về truyện cực ngắn Trung Quốc từ “hiện tượng thể loại văn học” diễn biến thành “hiện tượng văn hoá”. Bởi vì, “truyện cực ngắn đối với đại đa số người đều có thể đọc, có thể tham gia sáng tác,có thể trực tiếp nhận được những bổ ích từ trong đó”, trong này đã đề cập đến công năng “răn dạy mà vui” (ngụ giáo ư lạc), một công năng cơ bản của văn hoá đại chúng, bao hàm cả “ý thức chủ đạo” của văn học tinh anh, cũng đề cập đến “tinh thần sáng tạo chủ thể của con người phát triển toàn diện trong xã hội hiện đại, bao quát cả bình dân trăm họ trong đó”. Bởi vì, “là một sáng tạo mới về thể loại văn học, truyện cực ngắn tự nó có những giới định về quy luật nghệ thuật, như hạn định số chữ theo quy phạm tương đối của nó (trên dưới 500 chữ Hán), thái độ thẩm mỹ (độ tinh chất lượng) và đặc trưng kết cấu (yếu tố tiểu thuyết), v.v… theo quy phạm tương đối của nó” (Dương Hiểu Mẫn). Quan niệm thể loại văn học này đã quy nạp truyện cực ngắn là một loại thể loại văn học tiểu thuyết đặc thù có yêu cầu sáng tác đặc thù về số chữ trên dưới 1.500 chữ Hán, về lập ý và kết cấu.

Ở đây đã rút ra được kết luận thuận lý thành chương: Truyện cực ngắn là một loại hình văn hoá đại chúng phẩm vị cao, cũng là một loại hình “văn hoá thẩm mỹ chủ đạo” mà con người tiến lên theo phương hướng phát triển tinh thần toàn diện và hài hoà toàn diện.

Vũ Phong Tạo dịch từ www.chinawriter.com.cn, 05-06-2009