Trang nhà > Gia đình > Lưu ý > Tác dụng thực sự của Nano và Ozone
Tác dụng thực sự của Nano và Ozone
Thứ Sáu 29, Tháng Giêng 2010
Ảnh bên: Máy ozone khử độc thực phẩm
Nano và Ozone có lẽ là hai từ "hot" nhất trong thời buổi ô nhiễm. Tất cả những sản phẩm có gắn nhãn nano hay ozone đồng nghĩa với những khái niệm: sạch, vô khuẩn và an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi khoa học về tác dụng thực sự của nano và ozone. Và người tiêu dùng vẫn đang bán tín bán nghi khi đứng trước những lời quảng cáo có cánh về các sản phẩm này.
Khả năng thực
Công nghệ nano (nanotechnology) là ngành công nghệ liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng, kích thước trên quy mô nanômét (nm, 1nm = 10-9 m). Công nghệ nano có rất nhiều nội dung. Tuy nhiên, cái người ta quan tâm và nhắc đến nhiều nhất chính là hiệu quả và những ứng dụng của vật liệu nano trong đời sống. Ứng dụng đầu tiên của công nghệ này là liên quan đến công nghệ chế tạo linh kiện nhiều hơn là... diệt khuẩn.
Công nghệ nano cho phép giảm kích thước của linh kiện trên cùng một diện tích để tăng tính chính xác của máy móc, sản phẩm. Chính vì vậy, ứng dụng đầu tiên của công nghệ nano là trong các ngành cần độ chính xác cao: khoa học vũ trụ, y học, công nghệ sinh học... Tuy nhiên, ứng dụng được biết đến nhiều nhất trong đời sống của công nghệ nano là khả năng diệt khuẩn, làm sạch không khí và các vật dụng gia dụng...
Nano siler có lẽ là cụm từ được biết đến nhiều nhất vì được "tráng" lên mọi vật dụng: từ bình sữa trẻ em cho đến máy điều hoà nhiệt độ, từ bàn chải đánh răng cho đến máy giặt quần áo... Công nghệ nano cho phép các vật liệu có hiệu ứng hoạt động bề mặt rất tốt. Vật liệu nano bạc (nano silver) kết hợp hiệu ứng này với khả năng diệt khuẩn cao của bạc tạo nên những ứng dụng tuyệt vời trong đời sống.
Tất nhiên, công nghệ nano không chỉ tạo ra nano bạc nhưng công nghệ ozone thì đúng là chỉ nhằm để tạo ra một "vật liệu" duy nhất: Ozone (O3). Thực ra khí ozone là một khí có tồn tại tự nhiên trong khí quyển nhưng rất ít. Chúng được tạo ra chủ yếu khi có các tia lửa điện xuất hiện trong không khí (ví dụ như khi có sấm sét). Ozone là phân tử bao gồm 3 nguyên tử oxy (O3). Ozone gần như không tồn tại trong điều kiện bình thường do cấu trúc không bền vững. Chúng dễ dàng bị tách thành một phân tử oxy (O2) và một nguyên tử oxy (O). Quá trính phân tách này tạo cho ozone đặc tính là chất oxide hoá mạnh nên có khả năng tiêu diệt để vi khuẩn và virus. Ở tầm "vĩ mô", ozone trên tầng lưu có tác dụng ngăn chặn các tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời, bảo vệ các sinh vật địa cầu. Còn ở tầm "vi mô", ozone tồn tại trong bản thân cơ thể con người thông qua sự hoạt động của hệ thống bạch cầu. Ozone chính là một trong những "vũ khí" được bạch cầu sản sinh ra để tiêu diệt các "vật thể lạ" xâm nhập vào cơ thể con người.
Rất nhiều quốc gia đã phải đề ra tiêu chuẩn về nồng độ ozone trong môi trường làm việc của con người, thí dụ ở Nhật hay Mỹ là 0,2mg/m3.
Hiệu quả đến đâu?
Hiệu quả trong lĩnh vực diệt khuẩn, làm sạch của nano bạc và ozone rõ ràng đã được kiểm chứng. Hiện nay, công nghệ nano được ứng dụng trong mọi lĩnh vực đời sống. Trong việc sản xuất các sản phẩm gia dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày, công nghệ nano rõ ràng là một loại vũ khí hữu hiệu để nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp con người đối phó với nhiều nguy cơ trong môi trường ngày càng ô nhiễm. Lớp màng lọc nano bạc trong máy điều hoà nhiệt độ giúp không khí được lọc sạch hơn, loại trừ bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn, virus... Tủ lạnh ứng dụng công nghệ nano có thể khử được mùi hôi, giữ cho thực phẩm tươi, sạch lâu hơn. "nổi tiếng" nhất trong là các ứng dụng diệt khuẩn của nano bạc có lẽ là trong các sản phẩm dành cho trẻ em: bình sữa, núm vú, bình uống nước, chén, đĩa... thậm chí là cả tã lót, khăn giấy ướt...
Còn với ozone, "nổi tiếng" nhất có lẽ là các máy khử độc hoa quả và tiệt trùng nước uống. Thời gian gần đây thị trường mới có thể các máy thanh lọc không khí hay đèn khử mùi ứng dụng ozone. Trước khi được ứng dụng trong quy mô gia đình, ozone đã được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp (sản xuất nước tinh khiết, diệt khuẩn trong quá trình sản xuất các sản phẩm thực phẩm công nghiệp...) và các lợi ích công cộng khác (khử khuẩn các khu vực chung, đặc biệt là ở các bệnh viện). Ngoài khả năng khử khuẩn, ozone cũng có thể phân hủy được những hợp chất độc hại trong nguồn nước, thực phẩm như hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu, tiêu diệt nhanh vi khuẩn lên men giúp cho thời gian bảo quản thực phẩm tươi sống kéo dài gấp nhiều lần so với các cách bảo quản thông thường.
An toàn tâm lý?
Khách hàng, nhất là các bà nội trợ, thường cho rằng việc sử dụng các sản phẩm nano và ozone chẳng qua chỉ là một biện pháp tâm lý khi môi trường quá ô nhiễm chứ cũng chẳng thể biết tác dụng thực sự của các sản phẩm này ra sao. Đành rằng, về mặt cảm quan mà nói thì nước ozone không có cặn và không có mùi lạ nhưng ai biết được vi trùng, vi khuẩn trong đấy đã chết hay chưa (?!).
Sử dụng các sản phẩm có "dán nhãn" nano và ozone hiện đang là một thứ "mốt" đối với các gia đình ở thành phố dù không mấy người thực sự hiểu lắm về công dụng cũng như những ứng dụng của các công nghệ này. Nano và ozone đơn giản là đồng nghĩa với sạch, với an toàn. Mỗi sản phẩm được "dán nhãn" nano sẽ có giá cao hơn, có thể là rất nhiều lần, so với sản phẩm thông thường, cùng loại. Tuy nhiên, mọi thứ đều có mặt trái của nó và cả nano lẫn ozone đều không là ngoại lệ.
Đã có những cảnh báo rằng các hạt nano với kích thước rất nhỏ có thể phá vỡ và xâm nhập vào màng tế bào gây nên những biến đổi sinh lý khó lường. Các hạt bụi nano dùng để tráng có thể gây những con dị ứng cấp hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ người sử dụng. Ozone cũng không hoàn toàn là một chất khí vô hại. Ở nồng độ cao, ozone còn bị coi là chất gây ô nhiễm. Thậm chí, ozone còn bị coi là thủ phạm trong một số trường hợp gây tai biến mạch máu não. Hơn thế, trong quá trình hoạt động, các máy ozone có thể loại bỏ được chất độc này nhưng lại tạo ra các chất độc khác thông qua các phản ứng hoá học. Đặc biệt là các máy ozone không đủ tiêu chuẩn có thể tạo ra khí NO2 - một loại khí có thể tác động lên hệ thống hô hấp gây nhiễm độc theo mức độ khác nhau.
Hiệu quả làm sạch không khí, nước hay thực phẩm của nano và ozone là có thật, tuy nhiên lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ví dụ với ozone, phải ở một nồng độ đủ lớn, loại khí này mới có khả năng diệt khuẩn và các hợp chất, kim loại nặng trong nước. Vì vậy, chúng được ứng dụng rất hiệu quả trong công nghiệp sản xuất nước tinh khiết đóng chai.
Tuy nhiên, ứng dụng trong các máy tạo ozone nhỏ trong gia đình thì hiệu quả lại rất hạn chế do công suất không đủ lớn, tạo ra nồng độ không đảm bảo (nồng độ tối thiểu để khử khuẩn nước của ozone là 0,5ppm/l). Rất khó kiểm chứng được hiệu quả của các thiết bị có nhãn nano và ozone. Vấn đề là người tiêu dùng cần phải tìm hiểu rõ ràng sản phẩm mình định mua: Vật liệu gì? Công nghệ sản xuất ra sao? công suất có đảm bảo? Nhà sản xuất có đủ uy tín?... Hơn là bỏ ra cả đống tiền chi để giải quyết một vấn đề về tâm lý của thời đại ô nhiễm.
(Theo An Sơn, tintuconline)