Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Khảo cổ học > Tư liệu: đồ vật và di hài vua Lê Dụ Tông

Tư liệu: đồ vật và di hài vua Lê Dụ Tông

Cập nhật: Đông Tỉnh

Thứ Ba 2, Tháng Hai 2010

Mở nắp quan tài Lê Dụ Tông năm 1964

Khác với những thời trước, quý tộc Lê - Trịnh được chôn nguyên xác chứ không hoả táng. Với kiểu chôn trong quan, ngoài quách lại được sử dụng nhiều vật liệu chống ẩm như than củi, chè búp khô, bỏng nếp rang, người chết được mặc nhiều lớp quần áo sạch đã được lưu giữ trong môi trường yếm khí khiến không phát triển vi sinh phá hoại. Nhờ cách đó, thân thể cũng như quần áo và đồ tuỳ táng còn lại gần như nguyên vẹn, điển hình là ở mộ vua Lê Dụ Tông.

Tháng 2/1958, một nông dân thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, khi đào trong vườn nhà, đã phát hiện một cái quách, phá vỡ ra một mảng thấy lộ một phần chiếc quan tài sơn son. Người phát hiện đi trình báo với chính quyền. Việc được trình lên tới cơ quan trung ương. Thi hành mệnh lệnh của Phủ Thủ tướng, các cán bộ bảo tồn, bảo tàng đã dùng xi măng hàn kín lại những chỗ đã phá vỡ, giao ngôi mộ cổ này lại cho địa phương chịu trách nhiệm bảo quản.

Những năm sau đó, do yêu cầu sản xuất của địa phương, vấn đề an toàn của ngôi mộ bị đe dọa. Được phép của trên, đội khảo cổ thuộc Bộ Văn hóa đã khai quật và mang nguyên vẹn chiếc quan tài trong mộ về Viện Bảo tàng lịch sử vào năm 1964. Đặc điểm của chiếc quách là làm bằng một hỗn hợp gồm vôi sò, cát, mật và gạch non giã nhỏ trộn rồi nén chặt chung quanh 6 mặt quan tài tạo thành một khối chắc nịch như bê tông.

Thi hài vua Lê Dụ Tông còn nguyên vẹn

Ngày 2/4/1964, Viện Bảo tàng lịch sử đã tổ chức mở nắp quan tài với sự chứng kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Quan tài được làm bằng gỗ Ngọc Am (loại gỗ pơ mu). Những vách trong đều ghép thêm một lớp ván mỏng cũng bằng gỗ Ngọc Am, chắc có tác dụng làm tăng độ kín. Quan tài có 2 đáy, giữa là một lớp gạo rang dày 10cm, đáy trên lớp gạo rang là một tấm ván mỏng chiều dày 2cm có trổ 7 lỗ tròn bố trí theo hình 7 sao trong chòm Bắc Đẩu. Lớp gạo rang có tác dụng hút nước và hơi ẩm.

Thi hài vua Lê Dụ Tông được bọc bởi rất nhiều lớp áo quần và vải còn nguyên vẹn: Ngoài cùng là một chăn bông vỏ gấm, sau đó lần lượt từ ngoài vào trong gồm: 8 tấm đại liệm bằng gấm thêu hoa bạc rộng 1,5m, dài 5m, buộc bằng năm đai ngang lụa; Tấm tiểu liệm bằng gấm may kép 2 lần vải; áo hoàng bào kim tuyến, thêu một rồng lớn phía trước và một phía sau cùng nhiều rộng nhỏ và vân mây ở thân và tay áo; 2 áo long bào thêu rồng kim tuyến; 3 bộ áo vóc vàng may kép đính vào nhau thành bộ (tổng cộng 9 cái); 3 lớp áo lụa kép (cộng 6 cái); Quần 3 chiếc bằng lụa mỏng, khố bằng vải mỏng.

Như vậy, riêng áo mặc cho thi hài đã có tới 18 chiếc, cộng thêm 10 lớp vải đại và tiểu liệm. Đây là những sắc phục đời Lê đầu tiên mà Bảo tàng Lịch sử có được. Tay, chân thi hài đều đi tất lụa, chân có đôi giày gấm thêu, lót một lớp da thuộc mỏng, đầu gối gối gấm cốt bông, hai tai nút hai viên bông bọc lụa, mặt đắp một tấm vải gấm thêu rồng, có một chữ thọ ở giữa và 4 chữ vạn của nhà Phật ở 4 góc (hiện vật này cùng với mái tóc cắt ngắn khẳng định việc Lê Dụ Tông cuối đời có đi tu).

Túi gấm các loại

Trong quan tài còn có túi đựng móng chân, móng tay và răng rụng của người quá cố, một chiếc quạt giấy còn tốt, 1 cái bút lông, 1 quyển sách bìa gấm giấy trắng không có chữ, một chiếc túi trong đựng trầu cau, 1 hộp gỗ hình quả cau, trong đựng một thứ bột màu trắng. Tất cả các chỗ hở trong quan tài đều được nhét chật cứng bằng hàng trăm thước vải.

Khi nhấc tấm vải phủ mặt, da mặt vua có màu xám nhạt, sau vài phút thì ngả màu xám đều như toàn thân. Nhìn chung thi hài giống như một người ốm lâu gầy, có teo bớt nhưng chưa khô đét, tay chân, thân thể vẫn mềm mại các khớp, các đốt ngón tay đều có thể gập duỗi được (!). Môi teo, để lộ một hàm răng đen đã rụng một vài chiếc. Cằm râu đen, có điểm vài sợi đã bạc (vua viên tịch năm 52 tuổi).

Sau đó, thi hài Lê Dụ Tông được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử. Giáo sư Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp đã xét nghiệm nghiên cứu sinh hóa, nhưng chúng tôi không nắm được nội dung công trình này. Sau một thời gian trưng bày khoảng 4 năm, Bảo tàng Lịch sử đã đưa thi hài vua vào nhà bảo quản trong điều kiện đặc biệt.

Năm 1996, con cháu dòng họ Lê đã làm tờ trình đề nghị được rước thi hài vua về an táng trở lại tại Thái Miếu nhà Lê ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Nhiều cơ quan chức năng và tỉnh Thanh Hoá đã đồng ý. Kế hoạch thực hiện khá chi tiết cũng được vạch ra. Tuy nhiên, việc không thành do một nhà khoa học có uy tín không đồng ý.
Ngày 10/10/2006, Ban liên lạc họ Lê Việt Nam và Ban liên lạc họ Lê Duy lại có Tờ trình gửi Giám đốc Sở VH-TT Thanh Hoá đề nghị xem xét việc đưa di hài vua về an táng tại quê hương. Đồng thời tờ trình cũng được gửi tới Bộ VH-TT.

Những tưởng câu chuyện kéo dài 45 năm với thi hài vua Lê Dụ Tông sẽ có đoạn kết khi lễ hoàn táng thi hài ông dự kiến vào ngày 10/10 âm lịch, bắt đầu bằng lễ khởi công xây dựng khu lăng mộ ông vào ngày 9/9 âm lịch (tức 26/10/2009). Thế nhưng người dân làng Bái Trạch, xã Xuân Giang đã gửi kiến nghị phản đối ý định chính thức của tỉnh Thanh Hoá đưa thi hài Vua Lê Dụ Tông về an táng tại làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, bởi đó KHÔNG PHẢI nơi đặt mộ ngày trước.

Hạ quan tài vào chiếc quách ngày xưa. Ảnh: Hà Đồng (TT)

Ngày 19/12/2009, tại làng Bái Trạch, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa, huyện Thọ Xuân và Hội đồng họ Lê Việt Nam đã tiến hành khai quật chiếc quách đã từng đặt quan tài của vua. Từ năm 1964, chiếc quách này bị lộ thiên một phần nhưng khi khai quật lên vẫn còn khá nguyên vẹn.

Sáng 25/1/2010, từ 1g đến 11g, dưới làn mưa phùn đầu tiết xuân, đông đảo nhân dân đã tới dự lễ hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông tại làng Bái Trạch. Lễ hoàn táng do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa và dòng họ Lê tổ chức, với sự tham dự của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Các đồ tùy táng đều làm theo đúng mẫu nguyên gốc được ghi lại khi khai quật mộ trước đây.


Vua Lê Dụ Tông sinh năm 1679 mất năm 1731. Ông tên là Duy Đường làm vua 24 năm (1705 – 1729). Ông là con trai cả của vua Lê Hy Tông. Lê Dụ Tông được vua cha truyền ngôi vào tháng 4 năm Ất Dậu (1705) và lấy niên hiệu là Vĩnh Thịnh. Đến năm 1720, nhà vua đổi niên hiệu thành Bảo Thái.

Năm Kỷ Dậu (1729), Lê Dụ Tông bị An Đô Vương Trịnh Cương ép nhường ngôi cho Thái tử Lê Duy Phường rồi ra ở cung Kiền Thọ, xưng là Thuận Thiên thừa vận Hoàng thượng (Có tư liệu nói ông tu ở đây trong 2-3 năm cuối đời). Trong Khâm định Việt sử cương mục (tập 2) của Quốc sử quán Triều Nguyễn có ghi: “Từ khi lui ra ở điện Kiền Thọ, Hoàng thượng thương uất ức không vui”.

Thi hài vua Lê Dụ Tông được bảo quản tốt

Về triều đại của ông, có nguồn sử liệu viết: “Bấy giờ nối nghiệp thái bình, không biết việc binh đao, trong nước vô sự. Triều đình đặt nhiều việc pháp độ, kỷ cương rất hẳn hoi, đầy đủ; các phương xa đến cống hiến và Trung Quốc trả lại đất đai. Thực là đời rất thịnh”. Một điều đáng chú ý nữa, Lê Dụ Tông chính là cha của Lê Duy Mật - lãnh tụ cuộc khởi nghĩa lớn chống Chúa Trịnh ở Thanh Hoá vào giữa thế kỷ 18.

Theo L.X.S. (TP)


Chiếc áo hoàng bào dùng để khoác ngoài cùng của vua thực sự là một tác phẩm được dệt may tinh xảo nhất mà chúng ta hiện có. Chiếc áo được may trên nền sợi tơ tằm, các nghệ nhân đã khéo léo sử dụng nhưng co sợi khác nhau phối trộn với sợi kim tuyến để tạo ra những thân vải riêng biệt có hình rồng vờn mây, rồng ôm mặt trời và nền sóng nước các cỡ. Điều kỳ thú ở chỗ sau khi khâu những tấm vải riêng biệt đó thành một chiếc áo thì các phần đơn lẻ đó hoà nhập tạo thành một nền cảnh sinh động thể hiện thế giới mây nước với 6 con rồng ở các tư thế và kích cỡ khác nhau. Hai con rồng lớn nhất được trang trí theo trục thẳng đứng ở chính giữa phần ngực và lưng vua được thể hiện phần đầu rồng nhìn nghiêng miệng hướng về phía hình tròn có ba vòng thể hiển mặt trời. Đây là loại rồng có hai sừng, mắt lồi, bờm gáy và trán, râu cằm hai chòm rậm, râu mép dài kiểu râu lươn, chân chim năm móng. Hai con rồng này được coi như nền trang trí chính của hoàng bào. Rồng là biểu trưng cho đặc quyền của hoàng tộc, tức là chỉ dành cho vua và họ hàng thân thiết dòng trai của vua. Riêng tổ hợp trang trí rồng vờn mặt trời thì chỉ có vua mới được sử dụng. Mặt trời được thể hiện bằng một hình tròn có viền màu đỏ tía nằm ở vị trí chính trước miệng rồng xen lẫn các đồ án rồng mâytất cả đều bằng những gam màu vàng đậm nhạt với độ bóng khác nhau. Bên cạnh hai con rồng lớn ở chính diện trước và sau, các nghệ nhân còn thể hiện ở phần vai mỗi bên một con rồng cùng kiểu nhưng kích thước nhỏ hơn, bay xen giữa vân và mây ngũ sắc. Bốn hình rồng đứng này châu đầu xung quanh cổ vua, mỗi con rồng vờn đón một mặt trời viền tía.

Khăn che mặt

Khi nhìn chiếc hoàng bào từ phía trước, ta còn thấy hai vạt áo thụng hình hai con rồng bay thể hiện theo cách nhìn ngang. Hai con rồng này được dệt rất sinh động, xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.Chặn dưới phần chân áo cũng như cuối đoạn vạt hai cánh tay là hoa văn hình sóng nước rất cầu kỳ và lạ mắt. Trải qua hàng mấy trăm năm được trôn dưới đất nhưng sắc màu vàng óng của tơ lụa và kim tuyến vẫn gần như nguyên vẹn. Chỉ bị phôi phai chút ít là những mảng tơ nhuộm chàm, tía hiện chỉ còn lại màu thẫm ánh đen hoặc tím mà thôi.

Theo tục lệ táng thức dành riêng cho vua, phải có chín con rồng đảm nhiệm việc đưa thi thể nhà vua về cõi vĩnh hằng. Vì vậy, con rồng thứ bảy được dệt bằng kim tuyến trên nền tơ tằm trong tư thế đứng mặt nhìn chính diện, phía trên là chữ thọ được đỡ hai bên bởi chữ phật. Hai bên tả hữu có hai hình rồng với chữ thọ và chữ phật cùng kiểu. Đây chính là tấm khăn dùng để phủ lên mặt vua.

Đôi hài của vua đi cũng có thể xem như một tác phẩm mỹ thuật rất cao siêu. Những hoạ tiết vân mây, sóng nước được thêu ôm lấy những mảng hoa văn kỷ hà và được khâu táp rất tinh tế. Kim tuyến dùng cho hai chiếc hài vua đi cũng là loại kim tuyến dày, vì thế nó vẫn còn nguyên vẻ rực rỡ của đôi giày.

Các nhà khảo cổ đã mời các nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc đến chiêm ngưỡng. Khi các nghệ nhân được phép lật bên trong tấm lót của áo hoàng bào và tấm vải liệm mặt của vua, họ đã không nén nổi sự trầm trồ, kinh ngạc về trình độ dệt vân với những hoạ tiết hình chữ thọ tròn, chữ triện vuông vô cùng tinh xảo. Nhưng các nghệ nhân của làng lụa Vạn Phúc đã khẳng định, nếu có 2 tỷ đồng và với thời gian là 2 năm, họ sẽ có thể phục chế lại nguyên vẹn những phục trang đó, bởi chính tổ tiên của họ đã dệt những tấm áo quý giá như vậy để dâng vua.

(Theo HNM)


Xem online : Những xác ướp kỳ lạ nhất thế giới