Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > Khu đông thành Hà Nội thời Pháp

Khu đông thành Hà Nội thời Pháp

Thứ Bảy 6, Tháng Hai 2010

Cột Cờ hay Kỳ đài được xây dựng cùng với thành Hà Nội dưới triều Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành 1812). Tháp cao 33,4 m gồm 3 tầng (đế 12 m, cột 18,2 m, lầu 3,3 m). Nếu kể cả trụ treo cờ thì cao trên 40 m.

Ảnh trên và dưới cho thấy toàn cảnh khu đông thành Hà Nội vào cuối thế kỷ 19, với con đường nay mang tên Nguyễn Tri Phương, vị Tổng đốc đã tuẫn tiết năm 1873, sau khi bị Pháp chiếm thành.

Suốt một thời gian rất dài ngay cả phần đông người Hà Nội cũng không biết đến đường này, dù nó nằm ngay gần Cột Cờ. Đây là con đường cấm người lạ đi vào khu doanh trại bộ đội, cơ quan quân sự và nhà riêng của các tướng lĩnh. Tới những năm 2000 hai trạm gác đầu phố phía Phan Đình Phùng và Điện Biên Phủ mới được xoá bỏ để thường dân qua lại tự do.

Ảnh chụp từ Cột Cờ Hà Nội nhìn ra một lô đất còn để trống cho thấy rõ các hàng cây còn non trồng hai bên đường Nguyễn Tri Phương và Điện Biên Phủ, bên phải là vườn hoa dọc phố Trần Phú. Xa xa góc trên bên trái ảnh là Nhà thờ lớn.

Vẫn là hình ảnh góc đường Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương chụp từ đỉnh Cột Cờ, hồi đó thuộc trạm điện báo của quân Pháp. Ta thấy trên lô đất cũ đã mọc lên một toà nhà hai tầng.

Toà nhà nói trên và các nhà xây liền kề sau này là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đối diện sân vận động Cột Cờ là vườn hoa và những toà nhà lớn của Bộ Quốc Phòng.

Mảnh đất đối diện toà nhà nói trên kéo dài sang trái đến khoảng giữa đường Nguyễn Tri Phương đã từng là trại lính tập Bắc Kỳ (Camp des tirailleurs tonkinois).

Bên trong trại lính tập có những sắc lính bản xứ mà dân ta gọi là khố xanh khố đỏ, ngoài ra còn có một đội quân thiếu niên được người Pháp tuyển chọn và đào tạo từ nhỏ.

Bãi huấn luyện pháo binh Pháp (Parc d’artillerie) nằm phía sau trại lính tập, đối diện với cửa Đoan Môn và kết thúc ở cuối phố Cửa Đông.

Đằng sau bãi huấn luyện là trại lính Pháp thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9e Regiment d’Infanterie Coloniale). Đây là khu vực kĩ thuật với các kho bãi và công xưởng nằm ở phía đông-bắc thành nội.

Tấm bản đồ do trung tá De Maigs – chỉ huy pháo binh (Lieutenant Colonel Directeur d’Artillerie) trình ký ngày 07/12/1893 giúp ta hình dung rõ ràng hơn về khu vực phía đông trong thành nội. Toà thành cũ do vua Minh Mệnh cho xây theo kiểu Vauban đã bị đập bỏ hầu hết (trừ Cửa Bắc có dấu vết đạn pháo Pháp nên được giữ làm "chiến tích") để lấy vật liệu xây nhà cho Tây. Trên bản đồ còn chỉ rõ, cuối đường Nguyễn Tri Phương giáp Phan Đình Phùng là vị trí đội pháo của thủy quân (Quartier des batteries d’artillerie de marine).

Căn cứ vào tấm bản đồ trên, ngay từ cuối thế kỉ XIX, khi quy hoạch phía đông thành nội, quân đội Pháp đã dành lại một dải đất nằm giữa phố Tôn Thất Thiệp và Lý Nam Đế ngày nay để làm thao trường (terrain militaire) và nhà ở cho sĩ quan (logement d’officiers). Nơi đây hiện giờ chủ yếu là tư dinh của các tướng lĩnh Việt Nam. Khu vực phía tây thành cổ Hà Nội từng làm dư luận ồn ào về việc xây nhà Quốc hội trên nền Hoàng thành xưa, còn khu vực phía đông thì đã yên vị với những toà nhà kiên cố của Bộ Quốc Phòng.

(theo Nhan’s Blog)


Xem online : Những tấm ảnh Hà Nội thời Pháp