3373 Aikido
Môn võ Aikido
Martial artAikido (tiếng Nhật 合気道 あいきどう, Hiệp khí đạo) là một môn võ thuật hiện đại được sáng lập bởi võ sư Nhật Bản Ueshiba Morihei (1883-1969) 植芝 盛平, cũng được các võ sinh coi là Ōsensei ("Người thày vĩ đại").
Ueshiba phát triển Aikido chủ yếu vào cuối những năm 1920 cho tới những năm 1930 qua sự tổng hợp các môn võ cổ mà ông đã học, trong đó đặc biệt là môn Daitō-ryū aiki-jūjutsu, dạy trực tiếp bởi võ sư Takeda Sokaku 武田 惣角 (1859–1943).
Trước đó, hồi trẻ Ueshiba cũng đã học Tenjin Shin’yō-ryū với võ sư Tozawa Tokusaburō (戸沢 徳三郎, 1848–1912) ở Tokyo vào năm 1901, Gotōha Yagyū Shingan-ryū với võ sư Nakai Masakatsu (中井正勝, ?–1908) ở Sakai từ 1903 đến 1908, và judo với Kiyoichi Takagi (高木喜代子 Takagi Kiyoichi, 1894–1972) ở Tanabe vào năm 1911.
Aikido, đúng như sự hình dung của người sáng lập ra nó, không chỉ là sự tổng hợp của nhiều môn võ thuật, mà còn bộc lộ triết lý riêng của ông về hoả bình và hoả hợp vũ trụ. Ngày nay, Aikido tiếp tục sự phát triển của nó từ koryū (võ thuật cổ) thành những thể hiện cực kì đa dạng của các võ sư khác nhau trên toàn thế giới.
Môn võ hoà hiếu nhất này có lẽ lần đầu tiên được truyền dạy tại Sài Gòn do võ sư Hồ Cẩm Ngạc từ Nhật mang về năm 1951. Tuy nhiên Aikido chính thức ra mắt tại Sài Gòn vào năm 1958 sau khi võ sư Đặng Thông Trị từ Pháp về với đệ nhị đẳng huyền đai và lập nên đạo đường Tenshinkai - tức là Thiên Tâm (nay là CLB Aikido Đa Kao, số 94 đường Điện Biên Phủ, Q1).
Aikido được xem là môn võ thầm lặng nhất và đang từng bước lan truyền tại nhiều tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam. Do tính đặc thù không thi đấu đối kháng nên Aikido chưa thể hoàn toàn phát triển mạnh mà chỉ thu hút những người thật sự yêu thích, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Vì không am tường, thấm nhuần tư tưởng Aikido mà một số môn đồ không nhỏ đã khư khư lấy cái thuật của Aiki (hiệp khí) và lái qua con đường đấu tranh tương đối, không những đã vô tình coi thường công trình tạo dựng của tổ sư mà còn hạ thấp bổn môn từ đạo (do) xuống thuật (jitsu). Do đó, để Aikido được chính thống, để hiểu rõ ý chỉ của tổ sư và để trở thành một môn đồ chân chính, các học viên đều phải tìm hiểu học hỏi và thấu triệt triết lý bổn môn hầu thể hiện kỹ thuật đúng với tinh thần thuần khiết, cao cả của nó, bao gồm những nguyên lý chính sau đây :
1.TÌNH THƯƠNG
Là yếu tố nòng cốt của vạn vật, khởi phát một sức mạnh thiêng liêng, hấp lực để kết hợp, tạo thành vũ trụ. Đó là ái lực sản sinh ra mọi cuộc sống. Đó là đức lớn của trời đất : đức hiếu sinh (thiên địa chi đại đức viết sinh - hệ từ thương truyện, Khổng Tử) do đó nó là căn bản cho mọi tư tưởng và hành động dưỡng sinh. Tình thương cũng là sức mạnh quy tụ muôn loài và tạo dựng xã hội loài người - đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Tình thương hay tình yêu chân chính, là một tình cảm vô cùng tốt đẹp đưa đến những hành động vị tha (dương hoá) : trong phạm vi gia đình, thể hiện qua sự kết hợp đằm thắm lứa đôi, sự ràng buộc giữa những thế hệ (quan hệ phụ mẫu, huynh đệ chi tình), rộng lớn hơn là tình yêu quê hương đất nước, nòi giống, và cao cả hơn nữa là lòng nhân đạo, tình yêu thiên nhiên mong muốn tìm về với vũ trụ bao la.
Nhờ tình thương mới có hy sinh, mới biết nhẫn nhịn, kiên trì, tiến tới sự thông cảm và tha thứ để xoá bỏ hận thù, ganh ghét... Tình yêu đã là một nguồn cảm hứng vô tận của mọi ngành văn nghệ như thi, văn, nhạc, hoạ... Vì thế Aikido lấy tình thương làm nguồn cội. Trong kỹ thuật Aikido, tình thương đã ảnh hưởng tới lối kết thúc đòn (hoá giải và kiềm chế), loại bỏ những độc chiêu, sát thủ, phản ánh lên gương mặt an nhiên tự tại và tạo ra một phong thái đặc thù thoải mái, nhẹ nhàng với những đường nét nghệ thuật.
2.HÒA HIỆP
Nhờ ái lực của tình thương mới có tiếp cận. Khi tiếp cận muốn có một tương quan cân đối, ổn định thì phải biết hoà hiệp. Thế nên hoà hiệp là một định lý chuyển hoá, một nguyên lý của vũ trụ. Aikido đã lấy nó làm phương châm hành động. Trong bản thể, sự hoà hiệp đã giúp ta phát triển hệ thống khí lực, thống nhất thần tâm, duy trì ổn định nội tại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, đem lại hiệu năng tối đa cho mọi hành động. Trong tiếp xúc, hoà hiệp hoá giải mọi hình thức công kích, mọi áp lực, đem lại trật tự, cân đối, ổn định và đoàn kết trong tập thể. Trong môi trường nhờ biết ổn định được nội tại, quân bình trong tương quan xã hội mà tiến tới khả năng tự thích ứng với mọi đổi thay, biến chuyển của thiên nhiên để sống khoẻ, lâu và có ích cho xã hội. Sự hoà hiệp trọn vẹn còn có thể đưa ta tới đỉnh nghệ thuật:
- Trong văn học, một áng văn hay, một vần thơ tuyệt hảo nếu không được một nghệ sĩ bình lên. ngâm nga với rung động của tâm hồn mình hoà điệu với tâm ý của tác giả thì làm sao gây được sự xúc động sâu xa ở người nghe ?
- Chỉ với bảy nốt nhạc cơ bản, người nhạc sĩ giỏi đã gia giảm cung bậc tiết điệu để hoà hiệp thành những bản nhạc bất hủ. Nếu những bản nhạc đó lại được danh cầm vận dụng khéo léo cường độ âm thanh mà tấu lên ắt sẽ reo vào lòng người những âm hưởng không bao giờ quên được.
- Trong hội hoạ, một nghệ sĩ tài ba có thể mặc sức phối hợp những đường nét đậm nhạt, những màu sắc phong phú, khi hài hoà lúc tương phản để tạo ra những tần số ánh sáng đi sâu vào lòng người thưởng lãm. Hoà hiệp mà đạt tới mức nghệ thuật cao là tới đươc chân - thiện - mỹ. Aikido đã dùng nguyên lý này để đạt chân lý vậy. Trong kỹ thuật Aikido, cũng giống như tình thương, nguyên lý hoà hiệp thể hiện qua tinh thần đến mọi tư thế và động tác :
- Giữ tương quan với đối nhân trong khoảng gian hợp (maai).
- Thuận theo hướng công kích mà cộng (hiệp) thêm lực của mình để mà mượn sức đánh người (tá lực đả lực).
- Trong mỗi chiêu thức ta đều phải khéo léo khai thác đúng thời điểm (daei) tiếp xúc để hoả hiệp hai lực; tuy hoà hiệp hai lực nhưng không để lẫn vào với lực của đối phương vì ta luôn chủ động để dẫn lực kia tới một chung cuộc quân bình và tốt đẹp (không gây thương tổn cho đối phương).
3.KHÍ LỰC
Là năng lực xuyên suốt và chuyển hoá vạn vật trong vũ trụ, là cái thể thống nhất của vạn vật. Vì tương đồng nên dễ hoả hiệp. Thế nên Aikido lấy nó làm cơ sở để kết hợp mà hoá giải mọi xáo trộn. Trong con người, khí là sinh lực của cha mẹ phối hợp truyền sang phôi để phát triển nối tiếp thế hệ sau (tiên thiên khí). Sau khi sinh ra, khí lực này được tiếp dương bằng sinh lực của vũ trụ qua hô hấp khí trời và tinh hoa vạn chất của các thức uống qua tiêu hoá. Khí lực này là nguồn năng lượng cho mọi sinh hoạt từ vật chất đến tinh thần, cho những chức năng điều đạt cơ thể từ tự động đến chủ động. Khí thường tản mạn trong cơ thể do ảnh hưởng của ngoại giới tác động lên giác quan : khi nổi giận lên thì “nộ khí xung thiên”, khi phấn khởi thì “hào khí ngất trời”, thấy sống động ta bảo là “có sinh khí”, lúc ốm đau thì “chân khí” suy giảm nên “khí sắc” trở nên xấu... Do đó nếu ta không biết qui nó (khí) về một mối để tâm ý điều động mạch lạc, đúng phương pháp, thì không thể khai thác tiềm năng khí lực của mình. Khí là yếu tố căn bản trong mọi động tác kỹ thuật Aikido. Luyên tập mà không có biết đến khí lực thì không còn là kỹ thuật Aikido nữa (No Ki, No Aikido - Koichi Tohei, mười đẳng Aikido). Do đó luyện khí là một điều không thể thiếu sót trong luyện tập Aikido.
4.BẤT TƯƠNG TRANH
Đây là một nguyên lý đặc thù của Aikido, không có trong bất cứ môn võ thuật nào khác. Môn phái nào cũng cố công nghiên cứu, luyện tập những tuyệt chiêu để chiến thắng đối phương. Nhưng Aikido lại có quan niệm khác : không nỗ lực tìm những chiến thắng tương đối. Ngay cả những nhà vô địch cũng không giữ chức vô địch được lâu vì “cao nhân tất hữu cao nhân trị” hoặc do sự bào mòn của thời gian họ cũng sẽ thất bại thôi. Trong thế giới ham tranh thắng lợi này luôn luôn có kẻ vươn mình lên lấn lướt tới, làn sóng sau phủ lên làn sóng trước ví như tre già măng mọc, mà tre không thể không già được. Aikido gọi cái thắng này (cái thắng ngày hôm nay sẽ được nối tiếp bằng cái bại ngày mai) là cái thắng tương đối và do đó không hướng hết thì giờ và công sức để chỉ đạt cái tương đối phù du của cuộc sống. Con đường Aikido phải là con đường đưa tới chân lý vĩnh cửu. Ai cũng đã thấy mặt phải của cái thắng, nay tìm hiểu mặt trái của nó :
- Những người say mê chiến thắng thường mắc phải rất nhiều tính xấu như chủ quan, kiêu căng, tự mãn... và tệ nhất là lấy làm sung sướng trong lỗi lầm đau khổ của kẻ chiến bại.
- Vì muốn thắng - dù mong muốn mang vinh quang về cho màu cờ sắc áo - nên nhiều đấu thủ đã dùng đủ mọi thủ đoạn bất chính, khai thác mọi kẽ hở của luật lệ, mọi sơ sót của trọng tài. Trong nhiều trận thi đấu bóng đá quốc tế, ta đã thường thấy nhiều cầu thủ đốn chân, níu áo hoặc làm ngã đối phương để đến nỗi bị lãnh thẻ phạt, bị treo giò. Nhiều nhà vô địch điền kinh đã bị tước bỏ danh dự khi tìm thấy bằng chứng đã dùng chất kích thích. Trong nhiều trận tranh tài khác, vì ham thắng mà ta đã thấy xảy ra nhiều cuộc xô xác, mất hết cả phong cách thể thao, tinh thần thượng võ. Chính khán giả bên ngoài cũng đôi khi bị lôi cuốn vào sự tranh chấp trên sân bãi đưa đến những hậu quả vô cùng tai hại.
Với mục tiêu hoàn thiện con người, kiến tạo một xã hội tiến bộ, đặt nền tảng trên những nguyên lý cao cả, thuận theo qui luật của vũ trụ, Aikido chấp nhận con đường cam go hơn để tìm một chiến thắng tuyệt đối: làm
chủ chính mình để chống lại những yếu hèn, thói hư, tật xấu như lười biếng, tiêu cực, íck kỷ, kiêu mãn, chủ quan, tham lam, ganh ghét, dối trá... Thật xứng đáng cho dù có mất cả cuộc đời để đấu tranh, chiến thắng và kiểm soát được kẻ địch mạnh mẽ và dai dẳng này.
Aikido tin tưởng rằng “võ đạo thể hiện tình thương” nên đã đề ra nguyên tắc bất tương tranh. Thế nên trong Aikido không có thi đấu, vì có thi đấu phải có qui luật. Chính những luật này hạn chế khả năng phát huy và sáng tạo. Kỹ thuật Aikido đi từ hữu chiêu sang vô chiêu nên sự phong phú, đa năng, đa diện của nó không thể bị giới hạn trên con đường tiến tới nghệ thuật được.
Nền văn minh chân chính của nhân loại phải được xây dựng bằng tình thương, sự hoả hiệp và tinh thần bất tương tranh. Chính vì con người tham vọng, muốn lấn lướt, khống chế kẻ khác mà trái đất này có thể bị đẩy dần tới chỗ hủy diệt. Người ta đã lợi dụng những tiến bộ của khoa học thực nghiệm học hỏi từ những định luật của thiên nhiên để thoả mãn vật chất tầm thường và mộng bá chủ thay vì phục vụ nhân sinh. Với suy nghĩ và hành động của mình, Aikido hy vọng tham gia đóng góp một cách cụ thể vào nền hoả bình và thịnh vuợng của xã hội loài người.
(ST)