Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Người Do Thái ở Mỹ: Chóng quên thân phận!
Người Do Thái ở Mỹ: Chóng quên thân phận!
Thứ Sáu 5, Tháng Ba 2010
Thời gian gần đây, cộng đồng Do Thái ở Mỹ có thái độ khắt khe hơn trước rất nhiều đối với những người nhập cư bất hợp pháp. Trong khi đó, theo báo cáo tháng Hai của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) thì động cơ kéo sang Mỹ của dân Do Thái ở thế kỷ 20 chẳng khác gì mấy so với dòng người nhập cư ngày nay. Dưới đây là ý kiến về vấn đề này của nhà báo Jeffrey Kaye đăng trên tờ Huffington Post:
Hàng năm, Cục Thống kê nhập cư thuộc DHS đều công bố số liệu về lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả các nhà xã hội học làm việc cho chính phủ cũng phải thừa nhận tính chất hạn chế của những số liệu mà họ có trong tay, vì chẳng thể tính chính xác số người nhập cư, nhất là dân sống bất hợp pháp, chỉ bằng các biện pháp khoa học thuần túy. Các chuyên gia cho rằng, sai số của họ vào khoảng 10%. Theo thống kê thì từ năm 2007 đến 2009, số người nhập cư vào Mỹ giảm 8,5%, từ 11,8 triệu xuống còn 10,8 triệu.
Nguyên nhân của tình trạng này rất dễ nhận ra. Năm 2007, “quả bóng” mua nhà trả chậm vỡ tan tành và ngành xây dựng sụp đổ, khiến thị trường lao động Mỹ co lại. Cuộc suy thoái và triển vọng tìm được việc làm mờ mịt gây nản lòng những người có ý định vượt biên sang Mỹ. Điều này làm đảo lộn xu hướng trước đó: Từ năm 2000 đến 2007, số người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ tăng gần 39%. Trên thực tế, tỷ lệ ấy tương đương với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, bất chấp những biện pháp kiểm soát nhập cư nghiêm ngặt mà chính phủ đưa ra.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Mỹ từng đón làn sóng dân Do Thái ồ ạt đổ bộ từ Đông Âu sang. Đa phần cộng đồng Do Thái ở Mỹ hiện nay là hậu duệ của những người vượt biên từ năm 1881 đến 1914, trước khi bùng nổ Thế chiến I. Tại nước Nga Sa hoàng, người Do Thái bị buộc phải sống trong các khu định cư dành riêng cho họ ở những vùng lãnh thổ thuộc Ba Lan, Litva, Belarus và Ukraina ngày nay. Thêm vào đó, ngay trong các vùng định cư, họ cũng không được sống tại một loạt thành phố và bị cấm làm một số nghề. Khi ấy, tại hàng trăm thành phố của Nga đã xảy ra các vụ bạo loạn do những đám đông điên cuồng sát hại người Do Thái (hơn 2.000 người thiệt mạng) và đốt phá nhà cửa của họ. Trong ba thập niên nhiễu nhương, dân Do Thái ồ ạt rời bỏ nước Nga. Hai triệu người đã vượt biên, trong đó có 1,5 triệu sang Mỹ.
Trong cộng đồng Do Thái ở Mỹ đã ăn sâu bám rễ nhận thức rằng, tổ tiên họ từ Đông Âu chạy sang đây chỉ vì bị truy đuổi và phân biệt đối xử chứ không phải để ty nạn kinh tế. Thực tế không hẳn như vậy. Tác giả Arthur Hertzberg trong cuốn Người Do Thái ở Mỹ khẳng định rằng, sự truy đuổi chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc dân Do Thái ồ ạt rời Đông Âu. Ông viết: “Thật dễ chịu khi cho rằng tổ tiên của mình ngay tại Nga đã thuộc giai tầng sang giàu, rằng nước Mỹ chẳng qua chỉ là nơi để trốn chạy chủ nghĩa bài Do Thái. Song thực tế phũ phàng hơn nhiều. Người Do Thái từ Nga chạy sang Mỹ là do đói và thất học”.
Trong bài báo “Dân Do Thái là người ty nạn chính trị hay di cư kinh tế?”, giáo sư kinh tế Leah Platt Boustan ở Trường Đại học California đã đánh tan ý kiến cho rằng, việc người Do Thái rời bỏ nước Nga chỉ là sự kiện đặc thù của lịch sử Do Thái, không gắn với mô hình di cư chung của nhân loại. Boustan so sánh làn sóng di cư khỏi Nga, Italia, Áo - Hung cùng thời điểm từ năm 1881 đến 1914 và chỉ rõ: “Sự di cư của người Do Thái cũng như các làn sóng vượt biên khác là sự phản xạ đối với điều kiện kinh tế”. Boustan không phủ nhận những yếu tố bài Do Thái và khó khăn về chính trị trong làn sóng di cư này nhưng cho rằng, các vấn đề kinh tế và sự kỳ vọng vào cuộc sống mới tại Mỹ là nguyên nhân chính khiến nhiều người tìm đến “miền đất hứa”.
Quan điểm trên đối nghịch với ý kiến của Stephen Steinlight, nhà phân tích ở Trung tâm Nghiên cứu di cư tại Washington và là người biện hộ cho chính sách nhập cư ngặt nghèo. Ông này viết: “Trong thời kỳ nhập cư ồ ạt vào Mỹ thì người Do Thái trốn chạy sự truy đuổi, đàn áp và kỳ thị. Giữa người ty nạn Do Thái thời trước với dân nhập cư vì kinh tế hiện nay chẳng có điểm gì chung. Ngày càng có nhiều người Do Thái ở đây chống lại dân nhập cư bất hợp pháp vì họ nhận thức được những giá trị Mỹ bền vững”.
Đây là luận điểm mạnh mẽ kêu gọi người Do Thái ở Mỹ quên đi quá khứ của mình và hình thành sự phân biệt giữa họ với dân nhập cư mới. Trước kia, người Do Thái ở Mỹ từng có thái độ tương đối khoan dung đối với dân nhập cư trái phép. Nhưng giờ đây mọi việc đã bắt đầu thay đổi. Theo cuộc thăm dò do Ủy ban Do Thái Mỹ tiến hành năm 2007, có tới 67% người Do Thái ủng hộ các chương trình hợp pháp hoá dân nhập cư bất hợp pháp. Nhưng đến tháng 12/2009, theo cuộc điều tra của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), số người Do Thái ủng hộ các biện pháp hợp thức hoá dân nhập cư đã giảm xuống còn 60%.
Công bằng mà nói, sự thay đổi thái độ này phù hợp với cách nhìn nhận chung về người nhập cư đã hình thành trong lịch sử. Sự suy thoái kinh tế thường đi kèm với tinh thần bài xích người nhập cư. Song người Do Thái ở Mỹ cũng nên xem lại bài học lịch sử của chính mình, không sa đà vào chuyện xét nét lỗi lầm và gây khó cho những người khác chỉ vì họ vượt qua biên giới chính trị để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Người nhập cư vào Mỹ từ Đông Âu và Nam Âu từng bị phân biệt đối xử và gán cho mọi tội lỗi xấu xa, bị coi là không thể thích nghi với xã hội mới. Kinh nghiệm rút ra từ cộng đồng Do Thái nếu có chút lợi ích thì nó chỉ ra rằng, thay vì xem người nhập cư là những kẻ “xâm chiếm”, nên tìm hiểu nguyên nhân của sự di cư. Ai cảm thấy bài học của quá khứ chưa đủ thì cần nhớ là trong vấn đề của người nhập cư cũng phải tuân theo nguyên tắc “Thứ gì mình không muốn thì cũng đừng làm với người khác!”.
Trần Quang Vinh (TT&VH)
Xem online : Tình hình Trung Đông đầu năm Kỷ Sửu