Hà Nội có bao nhiêu cửa ô ?

...Hà Nội từng có 24 cửa ô và có thời kỳ thu lại còn 16 cửa ô, cho đến nay ta còn đếm được trong ký ức thao thức đến gần hai chục cái tên thân thương đã sống cùng bao thế hệ người Hà Nội.

Cổng làng Yên Phụ

Nếu là một cuộc đi chơi dã ngoại một vòng khoảng vài chục cây số, từ điểm đầu tiên là vùng Nghi Tàm Quảng Bá qua làng Yên Phụ, men theo triền đê, thì trước tiên ta phải vượt cửa ô Yên Hoa mà nay là Yên Phụ. Đây là nẻo đường trên một cửa ô lãng mạn, thanh lịch, phong lưu của người Hà Nội với nghề trồng hoa đào trên trăm năm (theo cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng), mỗi mùa xuân, cửa ô thành con sông cho hoa đào thành thác lũ xuôi vào Hà Nội. Cùng với hoa đào còn có cây quất, cá vàng, những thú chơi tao nhã của người Hà Nội. Ngay đến cả những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đoàn quân vệ quốc chiến đấu sinh tử với quân thù, người cửa ô ấy đã gánh cả hoa đào vào trận địa lấy hoa làm vũ khí chung vai chiến đấu trong Liên khu I sáu mươi ngày đêm oanh liệt.

Ngày nay mỗi khi xuân về, con đường cửa ô này lại biến thành phiên chợ hoa thay cho chợ hoa Hàng Lược nhỏ bé chật chội. Làng Yên Phụ có một kỷ niệm đậm sâu với Hà Nội, đó là nơi nhà văn Thạch Lam, năm 32 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng, trong lúc còn quá trẻ, ông mang theo bao nhiêu tác phẩm về Hà Nội chưa kịp viết. Tiếc sao!

Đi men theo mặt đê Yên Phụ, ta gặp cửa ô Thạch Khối, nơi xưa kia, thời nhà Trần, người tỳ tướng trung thành Yết Kiêu đã cắm sào trên sông, sương đêm ướt đẫm vai áo để đợi chủ soái của mình là Trần Hưng Đạo tạm rút khỏi Thăng Long... Thời sau nơi đây thành bến đá lò vôi nên cửa ô này gọi là Thạch Tân, nay là dốc Hàng Than, mà ta đi cuối tới con dốc gần ngôi chùa Hoè Nhai có nhà số 11 phố Hàng Than, nơi bà cụ Tuất, người đầu tiên có sáng kiến làm ra món bánh cốm ngon nổi tiếng từ hơn trăm năm. Bánh cốm Nguyên Ninh là một đặc sản đặc trưng cho Hà Nội.

Cầu Chương Dương (phải)

Vẫn xuôi theo con đường này, ngày nay ta có cầu vượt bến Chương Dương, xe cộ như mắc cửi. Trước kia, đây là bến đò qua sông, chở được cả ô tô khách xuống bến, trên đường phố có trồng cây cột mắc chiếc đồng hồ công cộng. Người Hà Nội quen gọi phố này là phố Cột đồng hồ. Tên nó chính là cửa ô Trừng Thanh.

Cạnh kia, may sao chúng ta còn nguyên vẹn một cửa ô bề thế, ô Quan Chưởng. Với vòm cổng tò vò, có điếm canh, có bia đá của quan Tổng đốc Hoàng Diệu nhắc nhở quân sĩ không được nhũng nhiễu dân lành. Không ai biết tên ông quan nhỏ ấy đã hy sinh thế nào, chỉ biết ông là Chưởng Cơ hay Chưởng Vệ, một chức quan võ bậc rất thấp, cùng ăn ở với quân sĩ tại nơi này (chứ không phải như ai đó nói là chức Chưởng ấn, vì Chưởng ấn là quan giữ ấn, một chức quan văn khá lớn, ngồi trong công đường).

Ngày nay, chân cổng ô Quan Chưởng có hàng bún ốc truyền thống khá ngon của Hà Nội, món bún ốc nguội, một món quà bình dân nhưng đã là người Hà Nội thì không ai có thể bỏ qua.

Đi thêm một đoạn nữa, ta còn gặp một số cửa ô khác như đầu Hàng Mắm có cửa ô Ưu Nghĩa, cửa ô Hàng Muối.

Nếu xuôi thêm ta sẽ gặp cửa ô Tây Luông (Tây Long), nơi có thể đoàn thuyền của vua Lý Thái Tổ đã ghé bến này và con Rồng vàng cũng từ đây mà bay lên cho đến ngày nay. Một thời khu vực này gọi là khu vực Đồn Thuỷ vì triều đình đã nhượng đất cho thực dân Pháp. Nay là khu vực rộng lớn sau Nhà hát lớn, bệnh viện quân y 108, bệnh viện Hữu Nghị, nhà khách Bộ Quốc phòng. Gần đấy từng có một quán bia hơi nổi tiếng thời bao cấp, với tên gọi là Cổ Tân (bến cũ) mà nhà văn Nguyễn Tuân từng nhiều lần đến nhâm nhi cốc bia hơi trong khi máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời Hà Nội.

Ô Đống Mác (trái)

Cũng tại cửa ô Tây Luông này, cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sau khi ở Nghệ Tĩnh ra chữa bệnh cho Trịnh Cán, con Chúa Trịnh Sâm, được phép nhà Chúa cho về Hưng Yên thăm quê, đã xuống đò tại đây vượt sông Hồng.

Tiếc sao, bến Tây Luông có sự kiện quan trọng là con Rồng bay lên như thế này mà nay nó im lặng chìm trong tịch mịch, nhiều lớp người đi qua cũng thờ ơ vì không có gì ghi dấu.

Xuôi theo hướng Nam, cuối phố Lò Đúc, ta gặp một cửa ô nữa là ô Đống Mác (có thuyết gọi là ô Ông Mạc, là theo cứ liệu trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi từng có thời gian ở đây). Nay nơi cửa ô này là một ngã tư mới mở, to rộng, thoáng đãng, có bốn ngả: Lò Đúc, Kim Ngưu, Thanh Lương, Trần Khát Chân.

Ô Cầu Dền (phải)

Ngoặt sang phía Tây chút ít, ta gặp cửa ô Trung Hiền. Theo cụ Nguyễn Văn Uẩn, nơi đây, từng có miếu thờ một người tên là Trung Hiền, đến năm 1950 mới phá đi hoàn toàn. Nay là cửa chợ Mơ, có các đường khác giao nhau: Bạch Mai, Trương Định, Đại La, Minh Khai. Đây là một ngã tư đông đúc, tấp nập suốt ngày đêm. Từng có thời có đường tàu điện đến đây, mỗi sớm có bao nhiêu gánh rau tươi lên tàu vào nội thành. Và có một món đặc biệt là bánh cuốn Thanh Trì còn nóng, đậy vỉ buồm, từ làng Thanh Trì, tìm một lối đi duy nhất là con đường này vào cung cấp cho cái lưỡi tinh sành của người kinh thành.

Đi ngược phố Bạch Mai, chỗ giáp với phố Huế ta gặp cửa ô Cầu Dền, nơi đây từng có dãy 24 gian xây giống nhau, có nhà hát cô đầu, nay là khu vực bán phụ tùng xe máy và chợ Giời ồn ã. Men theo sang phía Tây, đi hết đường Đại Cồ Việt, có một bên là trường Đại học Bách khoa, bên kia là công viên Thống Nhất ta gặp con đường xe lửa, đó là cửa ô Đồng Lầm, nơi từng có làng Đồng Lầm nhuộm nâu đẹp, mà các bộ áo dài mớ ba mớ bảy đều được nhuộm từ đây. Nay ngã tư này đang có phương án mở rộng với phố Kim Hoa bắt sang ô Chợ Dừa.

Ô Chợ Dừa

Ô Chợ Dừa còn ngôi chợ ẩn mình dưới chân đê, mấy năm trước còn thấp thoáng vài cây dừa chải tóc vào trời xanh. Con đường từng là vành đai của nội thành, nó vượt đê La Thành sang Cầu Giấy mà ngày nay ô Cầu Giấy, tên mới của ô Tây Dương, đã thành một ngã tư mở rộng, khá đẹp và thông thoáng, bên cạnh trường Đại học Giao thông vận tải. Đây là cửa ngõ của con đường lên phía Tây cũ, cũng từng là chiến trường oanh liệt của Hà Nội và Việt Nam thời chống thực dân Pháp, tiêu diệt hai tên thực dân Henri Rivière và Francis Garnier thế kỷ XIX. Bóng dáng cây cầu vòm xây gạch bắc qua sông Tô Lịch đã không còn. Nay là đô thị sầm uất mà đôi khi ta bâng khuâng với mùa thu, cốm Vòng phải đi qua đây mang mùa thu vào Hà Nội cho xao xác gió heo may và lòng ta xao xuyến. Cửa ô Tây Dương, cửa ô Cầu Giấy cũng là cửa ô cho con đường cốm cứ thoang thoảng hương đất nước.

Ô Cầu Giấy (phải)

Cũng hơi lạ một chút, một vòng ngoài có cửa ô, nhưng qua cửa ô đi sâu vào nội thành rồi, theo đường Kim Mã, đến chỗ gần chùa Kim Sơn nơi thờ nghĩa quân Tây Sơn trong trận Kỷ Dậu 1789, là cửa ô Thanh Bảo, cũng đã mờ ảo khói hương và hình ảnh thời gian

Ngoài những cửa ô còn ghi lại được trong sách vở với những dòng tên đáng ghi nhớ cùng thân thương, thì còn nhiều cửa ô khác đã mờ mịt trong lòng người, nhất là lớp trẻ sinh ra từ cuối thế kỷ XX...

(Theo Băng Sơn)