Trang nhà > Giáo dục > Viết > Lược sử chữ Quốc Ngữ
Short History of Modern Vietnam Writing System
Lược sử chữ Quốc Ngữ
Đông Tỉnh
Thứ Ba 16, Tháng Giêng 2007, bởi
Ảnh: Một trang trong từ điển Việt-Bồ-Latin in năm 1651
Ngày nay, người Việt ai ai cũng có thể dễ dàng học được chữ Quốc Ngữ, trong khi chỉ còn rất ít người biết chữ Nôm. Chữ Quốc Ngữ giúp cho hầu hết dân ta nhanh chóng tiếp cận tri thức sách vở, vậy nó ra đời rồi được chấp nhận và phát triển như thế nào?
Chữ Quốc Ngữ là một công trình tập thể khởi đầu từ gần 4 thế kỷ trước, trong đó nổi lên vai trò của nhiều linh mục người Âu như Francesco de Pina (1585-1625), Gaspar de Amaral (1594-1646), Antonio Barbosa (1594-1647), Alexandre de Rhodes (1591-1660), với sự hợp tác của các trợ giảng và nho sinh tín hữu ở cả hai miền Bắc Nam, đáng tiếc chỉ được ghi lại tên thánh chứ không đầy đủ tên họ Việt (vì sợ khủng bố ngày đó?).
Ảnh: Trích thơ ca Đông Kinh Nghĩa Thục
Trước khi đến Việt Nam vào 1615, Hội truyền giáo dòng Tên vốn có kinh nghiệm từ nhiều năm trước về ngữ âm tiếng Nhật và đã xuất bản các từ điển liên quan [1]. Alexandre de Rhodes trở về Roma khi các linh mục nói trên không còn nữa. Dựa trên kết quả của cả nhóm, ông đã biên tập, bổ sung phần Latin và cho in "Từ điển Việt-Bồ-Latin" [2] năm 1651. Nếu phần diễn giảng vắn tắt về tiếng An Nam (Đàng Ngoài) trong từ điển này có thể coi như tài liệu khảo cứu ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên, thì cuốn sách cũng in ở Roma "Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội mà vào Ðạo Thánh Ðức Chúa Trời" [3] là giáo trình thứ nhất viết bằng chữ Quốc Ngữ, phản ánh tiếng Việt của giữa thế kỷ XVII dưới dạng còn khó đọc.
Vì nhiều nguyên nhân khác nữa, chữ Nôm và chữ Hán cho đến đầu thế kỷ XIX vẫn là phương tiện truyền giáo chủ yếu ở Việt Nam. Kể từ bản thảo "Từ điển Việt-Latin" viết xong năm 1772 với những lựa chọn và cải tiến của giám mục Pigneau de Béhaine - mà sau được giám mục Taberd [4] biên tập và đem in ở Ấn Độ năm 1838 - ta mới thấy chữ Quốc Ngữ định hình và dễ học gần như hiện nay.
Quá trình phổ biến
Năm 1862, thực dân Pháp chính thức chiếm được ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường và Côn Đảo, rồi tiếp tục xâm lăng và khai thác nước ta. Dĩ nhiên, họ thấy chữ Quốc Ngữ trở nên cần thiết cho việc thay nền hành chính nhà Nguyễn dựa trên chữ Hán và đã dần dần quy định bằng nhiều văn bản để đặt nó vào vị trí thứ 2 sau tiếng Pháp [5].
Ảnh: Lớp Nữ tiểu học Nam Định 1908
- Ngày 14/11/1874, Đô đốc Hải quân - Thống soái Nam kỳ François Krantz ký nghị định mở trường Chasseloup-Laubat (tên bộ trưởng Hải quân Pháp) ở Sài Gòn để dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ cho con em của quan chức người Pháp và người Việt đang cai trị Nam kỳ.
- Ngày 6/4/1878, Đô đốc Hải quân - Thống soái Nam kỳ Louis Lafont ra nghị định số 82 bắt buộc các công văn, thư từ hành chính phải viết bằng chữ Quốc ngữ thay vì chữ Hán hay chữ Nôm.
- Ngày 17/3/1879, Louis Lafont thiết lập Sở Học chánh Nam kỳ và đặt chương trình giáo dục hệ Pháp-Việt đầu tiên ở Nam kỳ.
- Ngày 18/11/1896, Toàn quyền Đông Dương Paul Armand Rousseau ký nghị định mở trường Quốc Học Huế ở Trung kỳ.
- Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký sắc luật đưa chữ Quốc Ngữ vào các kỳ thi, nhưng mãi 11 năm sau (1909) mới được áp dụng.
- Ngày 27/4/1904, Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ra nghị định thiết lập chương trình giáo dục hệ Pháp-Việt ở Bắc kỳ.
- Tháng 5/1906, dụ của vua Thành Thái về tổ chức giáo dục hệ 3 cấp cho bản xứ được một nghị định của Paul Beau phê chuẩn [6] : ở cấp I, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp II chỉ còn học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc; đến cấp III thì cả 3 thứ chữ đều bắt buộc học như nhau.
- Năm 1917, triều đình Huế ra chỉ dụ bãi bỏ hoàn toàn lối giáo dục bằng chữ Hán và thay bằng một nền giáo dục dựa vào tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ.
Ngoài những hoạt động nêu trên, chữ Quốc ngữ lúc đầu đã được phổ biến chủ yếu trong giới trí thức, thị dân qua sách, báo của nhiều tác giả và dịch giả, thí dụ Petrus Ký [7], Paulus Của [8] v.v. ở Nam Kỳ. Các phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ (1906) và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) ở Bắc Kỳ đều dùng chữ Quốc Ngữ để tuyên truyền lòng yêu nước và cải cách xã hội [9].
Ba mươi năm sau, chữ Quốc Ngữ thông qua trào lưu Thơ Mới (1932-1945) lại khuấy động văn đàn và dân Việt. Nhưng chữ Quốc Ngữ chỉ thật sự lan rộng đến mọi nơi [10] nhờ rất đông các lớp học miễn phí ngắn ngày và dễ hiểu với đa số người dân do Hội Truyền bá Quốc Ngữ (1938-1945) rồi Nha Bình Dân Học Vụ (từ 1945) bền bỉ thực hiện.
Tình trạng ngày nay
Chữ Quốc Ngữ ký âm sáu thanh tiếng Việt bằng 5 dấu thanh: ngang (không dấu: a), huyền (dấu sổ trái: à), sắc (dấu sổ phải: á), hỏi (dấu móc: ả), ngã (dấu sóng: ã), và nặng (dấu chấm: ạ). Tất cả các dấu thanh đều được đặt trên trọng âm của các vần, riêng dấu nặng được đặt ở dưới. Câu tiếng Việt nghe như một chuỗi những đơn âm, nhưng phần lớn các từ được cấu tạo bằng nhiều đơn âm và lại không có độ dư thừa như tiếng Ấn-Âu, do đó những vần nào bị phát âm sai sẽ rất khó hiểu nếu không có văn cảnh.
Tiếng Việt gồm nhiều giọng địa phương, trong đó ba trung tâm văn hoá: Hà Nội, Huế, Sài Gòn đại diện cho sự khác nhau về giọng nói và từ vựng của ba miền Bắc, Trung, Nam. Cách đọc tiêu chuẩn cả nước được dựa vào giọng Hà Nội. Nói chung, giọng miền Bắc phát âm chính xác các vần hơn hết. Giọng miền Trung phân biệt tốt một số phụ âm như tr-ch, s-x, gi-r-d, v-d, nhưng có khó khăn với các vần, đặc biệt là thanh hỏi và thanh ngã ... Mặt khác chữ Quốc Ngữ còn phải du nhập nhiều chữ từ quốc tế với cách viết và phát âm khác nhau. Chủ yếu vì những lý do như trên mà hiện nay vẫn tồn đọng vấn đề chính tả, tương tự như ở hầu hết các thứ chữ khác.
Sau khi chữ Quốc Ngữ được phổ biến trong công chúng, đã có nhiều ý kiến khác nhau đòi xét lại hệ thống chính tả. Ngay năm 1902, một Hội nghị Khảo cứu Viễn Đông đã tổ chức tại đây và vấn đề này đã được Uỷ ban Cải cách chữ Quốc Ngữ đề nghị lên Toàn quyền Đông Dương. Từ đó tới nay, đã có rất nhiều thảo luận nhằm giúp cho quy tắc chính tả tiếng Việt dần được chuẩn hoá tốt hơn, mặc dù rất ít được công chúng chấp nhận. Ngược lại, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự ra đời của các tiêu chuẩn Việt Nam liên quan và công cụ tin học đã mang tính chất quyết định trong việc hệ thống hoá chính tả và xử lý tiếng Việt hiện đại [11].
Đông Tỉnh
[1] "Dictionnarium Latino- Lusitanum ac Japonicum ex Ambrosii Calepini volumine depromptum", Amacusa, 1595; và " Vocabulario da Lingoa de Japam com a declaraçã em Portuguez", Nangasaqui, 1603.
[2] A. Rhodes: "Dictionnarium annamiticum, lusitanum et latinum", Roma, S.C. de Propaganda Fide, 1651.
[3] A. Rhodes: "Catechismus pro ijs, qui volunt suscipere Baptismum, in octo dies divisus", Roma, S.C. de Propaganda Fide, 1651.
[4] Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị, "Dictionarium anamitico-latinum" primitus inceptum ab P. J. Pigneaux, episcopo adranensi, vicario apostolico Cocincinae &c ; dein absolutum et editum a I. L. Taberd, episcopo isauropolitano, vicario apostolico Cocincinae. Serampore, Ex Typis J. C. Marshman, 1838.
[5] Correspondance entre le gouverneur de la Cochinchine, puis le gouverneur général de l’Indochine, et les correspondants autres que le ministre. 1861/1911. Ref. FR CAOM GGI B 220.
[6] Nên nhớ Triều đình Huế chẳng có thực quyền, chính Paul Beau năm sau đã truất phế vua Thành Thái.
[7] Một số thơ Nôm vốn đã nổi tiếng, khi được Trương Vĩnh Ký dịch ra chữ Quốc Ngữ và in thành sách thì dân chúng rất thích: Lục súc tranh công, Kim Vân Kiều (1885), Lục Vân Tiên...
[8] Ngoài Đại Nam quấc âm tự vị (1895, 1896), Huình Tịnh Của còn viết bằng chữ Quốc Ngữ nhiều tác phẩm như: Chuyện giải buồn (1880, 1885); Gia lễ (1886); Sách quan chế (1888); Văn Doãn diễn ca (1906); Câu hát góp (1904); Ca trù thể cách (1907); Thơ mẹ dạy con (1907). Ông còn phiên âm những tác phẩm thơ nôm xưa và xuất bản để phổ biến: Quan âm diễn ca, Bạch Viên Tôn Các (1906), Thoại Khanh Châu Tuấn (1906)...
[9] Vũ Văn Sạch, Vũ thị Minh Hương, Philippe Papin: "Văn thơ Đông kinh nghĩa thục", Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Nhà xuất bản Văn hoá, 1997.
[10] Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam: 50 Năm Chiến Thắng Điện Biên Phủ (Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 2004, tr. 329): "... Có thể nói, trong lịch sử, chưa bao giờ dân tộc ta lại ham học và đi học đông như thế. Hàng triệu người tham gia học tập, kết quả là chỉ sau một năm phát động phong trào xóa nạn mù chữ, tính đến ngày 8/9/1946 cả nước đã có 74.950 lớp học bình dân học vụ, 95.660 giáo viên và 2.520.000 học viên biết đọc biết viết. Đó cũng là thắng lợi bước đầu khá quan trọng của văn hóa giáo dục Việt Nam.” Ghi chú: lúc đó cả nước có khoảng 25 triệu dân và đang chiến đấu ác liệt ở Nam bộ từ ngày 23/11/1945.
[11] Các tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 5712:1993, TCVN 6909:2001 (dựa trên bộ mã đa ngữ Unicode 3.1 và tiêu chuẩn quốc tế ISO 10646-1:2000).