Trang nhà > Hà Nội > Ngày nay > Hà Nội, ngôi làng náo nhiệt*
Hà Nội, ngôi làng náo nhiệt*
*kèm ảnh panorama
Thứ Bảy 20, Tháng Ba 2010
Tôi đến Hà Nội khi đã quá nửa đêm. Khách sạn tôi trú ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, là một điển hình của kiến trúc gầy guộc ở thành phố này; mỗi tầng chỉ một phòng có cửa sổ, nhưng không phải phòng tôi.
Khi khởi hành vào buổi sáng hôm sau, tôi còn chưa ngờ đến sự chào đón từ những ồn ào chói tai. Dòng xe máy, đa số lơ là tín hiệu giao thông, ùa chảy để lại một vài ô tô và xe đạp bối rối trong đám đông. Âm thanh ồn ã như thể mọi tài xế đều bấm còi liên hồi. Lấy hết can đảm để qua đường – một chiến công không nhỏ – tôi dấn thân vào khu phố cổ và ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp hỗn loạn của nó. Đình làng ở giữa sân nhỏ, được các bức tường gạch cao tạm bợ che chắn, chen chúc giữa đám nhà ống và đám kiến trúc kiểu thuộc địa với ban công sắt trang trí kiểu Paris. Đóng góp vào thứ kiến trúc hổ lốn là vô số đền chùa Phật giáo và một nhà thờ Công giáo.
Chùa Một cột (One-pillar Pagoda)
Thủ đô Việt Nam, Hà Nội, là một thành phố của màu nâu đỏ. Các công trình tổng quan hay được sơn màu vàng mù-tạt gợi nhớ đến miền Nam Tây Ban Nha. Mọi thứ khác nhạt nhòa trong sắc nâu. Những vết nước ố bẩn làm hoen những bức tường màu be, giống như những cành liễu rã rời trong các bức vẽ mực Nhật Bản. Lớp vữa tróc vỏ phơi bày dấu vết thời gian, khiến mỗi mặt tiền mang một bố cục đặc sệt như các khung tranh chủ nghĩa biểu hiện. Không sao thấy được bất kỳ cạnh sắc hay bề mặt mượt mà, mọi thứ đều xập xệ vì bàn tay con người, ô nhiễm, mưa, nóng bức và nước ngập.
Hà Nội, “thành phố sông nước vây quanh”, nằm trên đồng bằng sông Hồng. Nhiều thế kỷ sông ngòi bị lấp đi nhưng nhiều ao hồ vẫn còn đó. Giống như các thành phố sông nước khác, Venice hay New Orleans, Hà Nội lãng mạn và long lở, tuy vậy nó cũng không kém phần lộng lẫy. Những tấm bạt sặc sỡ mọc lên khắp nơi, biển quảng cáo tràn lan trên các tòa nhà. Xây dựng và sửa chữa ngổn ngang.
Chợ Hàng Bè (Hang Be Market)
Không nơi đâu xập xệ và kinh doanh tập trung nhiều hơn ở khu phố cổ Hà Nội, nơi các ngõ nhỏ xoắn xuýt như mê cung. Những thứ phải hoàn thành trong một ngày đều được thực hiện trên đường: tắm trẻ sơ sinh cạnh nơi sửa xe máy; rửa, bày bán, chế biến và tiêu thụ rau quả, hàn ống nước. Vô vàn ghế nhựa màu xanh cao tầm đứa trẻ chập chững bày ra khắp vỉa hè, dấu hiệu của những hàng quán bán bia địa phương và phở, món xúp dân tộc. Khắp nơi, ai cũng buôn bán: ống tre, DVD, tranh sơn dầu Barack Obama, nhạc cụ, vải, và mặt nạ.
Về phía Tây Bắc, thành phố trở nên dễ thở hơn khi những con đường rối rắm tõe ra thành những đại lộ thẳng tắp cây xanh. Đại lộ Hùng Vương phác họa một hình ảnh kiến trúc của lịch sử Việt Nam. Chùa Một Cột, ở phía Tây của đại lộ, được xây dựng năm 1049 (dựng lại sau khi bị người Pháp phá hủy lúc rút khỏi Hà Nội năm 1954). Mái ngói xòe biểu hiện sự ảnh hưởng không thể nhầm lẫn từ Trung Quốc, đất nước đã thống trị Việt Nam hơn một thiên niên kỷ. Quan hệ với Trung Quốc rèn giũa nên cá tính con người Việt Nam, cụ thể là sự khắc kỷ và dũng cảm đã khiến họ đánh bại Pháp Mỹ.
Bảo tàng Quân sự (Viet Nam Military Museum)
Bên kia đường là dấu tích của Pháp: các công trình tân cổ điển đồ sộ là trụ sở các bộ ngành trong chính phủ, bao gồm một lâu đài xây cho vị toàn quyền Pháp năm 1900. Hồ Chí Minh, người cha già khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhường biệt thự này trước hết cho công chức của mình, ông sống ở đó đến năm 1968, khi một căn nhà sàn đơn sơ kiểu quê hương được dựng riêng cho chính ông. Thảm rơm, gỗ bóng và không gian mở, căn nhà ba gian nép mình trong khuôn viên biệt thự là một sự khác lạ tân thời mang phong cách Á châu trang nhã, thanh đạm.
Cửa Đoan Môn (A Portal of Hanoi Citadel)
Ngay cạnh biểu tượng công bằng xã hội của Việt Nam là một công trình bệ vệ, nhắc đến mối liên hệ của Việt Nam và truyền thống cộng sản quốc tế: lăng Hồ Chí Minh, dựa theo mô hình lăng Lênin ở Quảng trường Đỏ. Thật tiếc là tôi không được trông thấy thi hài Hồ Chí Minh, vì hàng năm người ta lại chuyển sang Moscow để bảo quản, mỗi lần tròn ba tháng.
Bảo tàng Hồ Chí Minh, một kiến trúc kiểu Xô Viết khác, hướng về phía khách tham quan như chiếc mũi tàu. Sảnh triển lãm hình bông sen ở tầng hai chứa đầy kỷ vật của lịch sử chủ nghĩa xã hội, tư tưởng và ảnh hưởng của nó. Bộ trưng bày yêu thích của tôi kể về sự phong phú của quá khứ và tương lai. Các bức điêu khắc trái cây to lớn sáng choang nằm phía trước một tấm ảnh đen trắng về một vụ nổ; một cánh cửa mở cuối bức tường hé lộ những bức tranh rừng cây xanh lá sum suê. Tôi phân vân hình ảnh một chiếc ô tô vọt qua bức tường bên cạnh những tấm ảnh về một lính Mỹ trong chiến trận và một cái nữa của bảo tàng Guggenheim ở New York. Cái lý khi mô phỏng một trích đoạn từ bức tranh Guernica của Picasso thì hiển nhiên, trong khi mô phỏng tranh Salvador Dali và Max Ernst lại phức tạp hơn nhiều. Toàn bộ triển lãm có thể tuyệt nhiên được miêu tả như một mảng của nghệ thuật sắp đặt siêu thực.
Một triển lãm ảnh giản dị ở tầng một cho thấy nhiều hơn về sự nhìn nhận của Việt Nam về chính mình và sự khát khao hòa nhập với cộng đồng quốc tế, hơn là sự huyên náo về ý niệm ở trên. Có các bức ảnh về nhà thể thao Việt Nam đầu tiên nhận huy chương bạc Olympic năm 2000; ca ghép gan đầu tiên ở Việt Nam năm 2005; các quan chức cười tươi khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006.
Nhà hát Lớn (Ha Noi Opera)
Nhà hát Hà Nội, nơi tôi xem chương trình Ca khúc Việt Nam, được người Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX, dựa theo mẫu nhà hát Garnier ở Paris. Khán giả phần lớn là các gia đình nhiều thế hệ, rộn ràng chờ đợi biểu diễn, khiến tôi cảm giác đang dự một buổi kịch ở trường cấp ba trong khán phòng học đường lớn nhất thế giới. Buổi diễn không khởi đầu với nhạc dạo cuốn hút, cũng không phải tấm màn nhung đỏ lộ ra một sân khấu trang trí cẩn thận. Thay vào đó, sân khấu thật trống trải trừ một màn hình với hình ảnh một thác nước.
Một nhân viên kỹ thuật lề mề với chiếc mircophone; tiếp đó, một quý ông đã có tuổi nói đều đều trong một thời gian rất dài. Nữ với áo dài truyền thống và nam trong trang phục bóng bẩy hát những bài ca yêu nước, những người khác hầu như múa tập thể. Ca sỹ hát vào micro, nhạc đệm đã được thu âm sẵn, còn âm thanh thì thật chói tai. Trẻ con nhấp nhổm trên ghế, người già gà gật. Người Việt Nam đã biến sản phẩm kiến trúc Pháp này thành của riêng, một không gian không phải cho nghệ thuật cao sang mà dành cho một kiểu lễ hội cây nhà lá vườn mang tính cộng đồng.
Hà Nội ngày nay là một thành phố hơn sáu triệu dân, nhưng nó vẫn còn nét hấp dẫn của một ngôi làng náo nhiệt.
Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch bài của
Catherine Steindler (Financial Times), 8.1.2010 (ĐBND)