Lễ xin trùm ở đền Cao (Hải Dương)

Danh thắng đền Cao thuộc địa phận xã An Lạc, Chí Linh. Kiến trúc độc đáo, thắng cảnh này còn lưu giữ một lễ hội độc nhất vô nhị mà không phải ai cũng có may mắn chứng kiến: lễ xin trùm.

Lễ xin trùm là một nghi lễ linh thiêng, sinh hoạt văn hóa đậm chất tâm linh đã tồn tại ở chốn này trên một nghìn năm và chỉ tiến hành vào ngày 15 tháng 3 hoặc 15 tháng 10 âm lịch. Ngày đại lễ, từ năm giờ sáng, bài vị, kiệu, lọng của năm vị thánh, đền Cao, đền Cả (nơi đây thờ hai vị), đền Bến Tràng, đền Bến Cả cùng cỗ chay: cơm trắng, hoa quả, bánh kẹo, bánh dày, chè đông (hai món không thể thiếu được trong lễ hội đền Cao) đã được các quan đám cùng dân làng rước về nơi hành lễ trong tiếng chiêng trống vang lừng. Cả năm đoàn rước từ năm hướng cùng một lúc tụ về nơi hành lễ.

Lệ xin trùm ở đền Cao ra đời từ khi lập đền, được thực hiện khắt khe. Để đứng ra lo việc đền hàng tháng, hàng năm sẽ có một cụ trùm và năm vị quan đám đại diện cho bốn ngôi đền và một ngôi đình tại đất Lạc Đạo, xã An Lạc: quan Đông, quan Đoài, quan Nam, quan Bắc và quan Trung. Những người này là bậc cao niên trong làng, sống đức độ, con cháu hiếu thảo thuận hòa và đặc biệt gia đình không có tang trở. Mỗi tháng sáu vị phải trai giới ăn chay ngày 13 đến ngày 15 và ngày 29 đến ngày mùng 1 âm lịch, khi tiến hành làm lễ. Các quan đám chỉ được nhận mũ áo và đảm nhiệm việc làng trong một năm, từ mùng 2 tết này cho đến mùng 2 tết sau. Sau nhiệm kỳ, họ sẽ được làng phong Lềnh và rất được trọng vọng. Riêng ông trùm là người lãnh đạo các quan đám sẽ đảm nhiệm vai trò của mình đến lúc gia đình có việc tang trở hoặc qua đời. Khi đó lễ xin trùm mới lại được tổ chức.

Người được phong trùm sẽ được chọn trong số các Lềnh. Trước hết, năm quan đám sẽ dâng trầu nước, dâng cỗ lễ chay, thắp hương đen lên các ban. Trên bục hành lễ, quan đám đứng trước sẽ đọc tên khấn xin phép cho vị đứng sau mình được làm trùm rồi quỳ xuống đội chiếc mâm đồng, trên có hai đồng tiền trinh để trên một thoi vàng phủ vải điều, làm lễ khất keo. Khi vị quan đám hơi cúi đầu để gieo lễ thì hai vị quan đám khác khiêng chiếc mâm đồng để phía trước đón hai đồng tiền rơi xuống. Lễ khất keo này chỉ được phép thực hiện duy nhất một lần. Nếu hai đồng tiền một sấp một ngửa thì lễ xin trùm đã được chấp thuận. Trường hợp ngược lại thì việc xin trùm phải gác lại cho đến dịp sau và các quan đám sẽ tạm thời đảm trách các công việc của trùm.

Theo quan niệm năm nào làm lễ xin trùm thành công thì năm đó và những năm tiếp theo trong vùng sẽ được no đủ.

Đền Cao thờ Thiên Bồng Đại Tướng Quân Vương Đức Minh, là một di tích lịch sử có từ lâu đời tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng, giữa rừng lim già cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Ngôi đền cùng với đền Cả, đền Bến Tràng, đền Bến Cả tạo nên một cụm di tích danh thắng gắn liền với cuộc đời của năm vị tướng là năm anh em ruột họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh quân xâm lược Tống (năm 981): Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu.

Ngôi đền có kiến trúc kiểu chữ đinh, được xây dựng rất sớm, từ thời tiền Lê, sau khi năm vị tướng qua đời. Vào thời Nguyễn, ngôi đền được trùng tu lại với kiến trúc kiểu chữ tam và giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay. Hệ thống cổ vật, đồ thờ tự có giá trị như bia, long đao, bát bửu, ngai còn giữ được nguyên vẹn, tiêu biểu là các bức đại tự, câu đối. Trong hậu cung đền hiện còn lưu giữ được nguyên vẹn 12 đạo sắc phong qua các triều vua.

Ngoài ra nơi đây còn là chốn linh thiêng gắn với sự ra đời của mười hai dòng họ Giao Chỉ thời Bắc thuộc và địa danh cổ - nơi vua Lê Đại Hành đóng đại bản doanh trong cuộc kháng chiến chống Tống. Lễ hội đền Cao được mở từ ngày 21 đến 25 tháng giêng âm lịch hàng năm. Trong ngày hội có nhiều hoạt động để người dân tham dự và sinh hoạt như lễ dâng hương (chỉ được đốt hương đen), đọc chúc văn, tế lễ, rước bộ, đu tiên, vật, kéo co, cướp cờ, cờ người, thi bánh dày, chè đông...

BHD