Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Văn chương > Truyện ngắn > Một mình Toni Takitani (1)

Murakami

Một mình Toni Takitani (1)

Thứ Năm 25, Tháng Ba 2010, bởi Cong_Chi_Nguyen

Truyện ngắn Toni Takitani xuất bản tháng 6.1990, năm 2004 được đạo diễn Ichikawa Jun dựng thành phim, với tài tử Ogata Issey và Miyazawa Rie. Bộ phim đoạt ba giải thưởng ở Liên hoan Phim Quốc tế Locarno lần thứ 57, tháng 8.2004.

Đạo diễn Ichikawa Jun nói: “Cùng thế hệ với Haruki Murakami, tôi đã đọc tiểu thuyết của anh từ lúc anh khởi đầu nghiệp văn. Tôi đồng cảm với niềm cô độc và nỗi mất mát gợi nên từ văn chương của anh, đề tài đặc trưng của thế hệ anh và tôi, vốn đã trải qua nhiệt tình hưng phấn của thời đại cuối những năm 1960 và kết cuộc không thể tránh được của thời đại ấy. Tình cảnh trơ trọi cô lập ấy được lồng vào giọng văn có vẻ như kể chuyện ngụ ngôn của Murakami trong tác phẩm Toni Takitani. Trong truyện này, nỗi niềm cô độc mất mát còn có phần di truyền, kế thừa qua các thế hệ, và con người không thể tự mình chữa khỏi được”.

Một mình Toni Takitani

Tên thật của Toni Takitani quả đúng là Toni Takitani [1].

Tên trong sổ hộ tịch, tất nhiên ghi là Takitani Toni, cùng với khuôn mặt có những nét khắc thật sâu và mớ tóc cuộn ngắn, đã làm cho anh, thời con nít thường bị lầm là con lai. Nhằm vào thời kỳ Thế chiến chấm dứt không bao lâu, thế gian này không thiếu những đứa trẻ mang nửa dòng máu lính Mỹ. Nhưng thực ra, cả bố lẫn mẹ anh đều là người thuần Nhật. Bố anh có tên là Takitani Shozaburo, từ trước Thế chiến đã là một tay thổi kèn trombone nhạc Jazz khá nổi tiếng. Khoảng bốn năm trước khi xảy ra chiến tranh Thái Bình Dương, ông ta đã gây ra náo động vì gái đến phải bỏ Tokyo mà đi; lại nghĩ đã đi thì đi thật xa, do đấy mới sang tận Trung Quốc. Thời bấy giờ, từ Nagasaki đi tàu một ngày là đến Thượng Hải. Ở Tokyo hay ở Nhật chẳng có gì mất đi thì làm ông khốn khổ cả, nên chẳng có gì để ông phải nuối tiếc. Vả lại, đô thị Thượng Hải thời bấy giờ có nét quyến rũ kỹ xảo có phần thích hợp với cá tính của ông hơn. Từ lúc đứng trên boong tàu ngược dòng sông Dương Tử, nhìn thấy những phố phường Thượng Hải tráng lệ dưới ánh nắng ban mai, lòng Takitani Shozaburo đã bị đô thị này thu hút mất rồi. Ông thấy trong quang cảnh ấy có thứ hứa hẹn gì đấy huy hoàng vô cùng. Lúc ấy, ông ta mới hăm mốt tuổi.

Và thế là, trong khoảng thời gian từ chiến tranh Trung - Nhật cho đến cuộc tấn công Trân Châu Cảng, rồi thả bom nguyên tử, suốt thời đại đầy biến động loạn ly vì chiến tranh ấy, ông đã nhàn nhã sống ở Thượng Hải bằng nghề thổi kèn trombone trong các hộp đêm. Chiến tranh chỉ diễn ra ở những nơi nào đấy chẳng dính dáng gì đến ông. Takitani Shozaburo vốn là người hầu như hoàn toàn không quan tâm gì đến lịch sử. Ông không kỳ vọng gì hơn mỗi ngày được ba bữa ăn tàm tạm và quanh mình có được vài ba cô gái.

Ông được mọi người yêu mến. Trẻ, ra dáng đàn ông, lại thêm tài năng âm nhạc, ông đến đâu cũng nổi bật lên như cánh quạ trong ngày tuyết phủ. Ông đã ngủ với không biết bao nhiêu phụ nữ. Từ người Nhật đến người Trung Quốc, người Nga trắng, gái giang hồ hay vợ người, cả người xinh đẹp lẫn người không xinh đẹp gì mấy, ông ta hầu như bạ ai cũng làm tình được cả. Với tiếng kèn trombone muôn thuở ngọt ngào, với dương vật to và năng động, Takitani Shozaburo đã đạt đến mức được xem là danh vật của Thượng Hải thời bấy giờ.

Nhờ đó, tuy tự mình không ý thức đến, ông có thêm được tài năng kết giao với những người bạn “hữu ích”. Ông kết bạn thân tình với những sĩ quan lục quân cao cấp, với bọn nhà giàu Trung Quốc, cả với đám người sang trọng nhờ đục hút những nguồn lợi kếch sù từ chiến tranh bằng những thủ đoạn mờ ám. Phần đông bọn này thường giấu súng lục dưới áo ngoài, khi nào ra đường là trước nhất phải đảo mắt nhìn lên nhìn xuống kiểm lại kỹ càng. Vậy mà lạ thay, Takitani Shozaburo lại chơi rất hợp với bọn họ. Đối lại, bọn họ cũng đặc biệt quý mến ông. Có chuyện gì xảy ra là họ kiếm đủ cách bao che giúp đỡ ông. Thời ấy, đời sống thật là dễ dàng đối với Takitani Shozaburo.

Thế nhưng, tài năng ngon lành ấy có lúc lại sinh chuyện lôi thôi. Khi chiến tranh chấm dứt, chuyện ông giao du với đủ thứ người khả nghi ấy đã bị quân đội Trung Quốc để ý, làm ông bị tống vào tù một thời gian dài. Phần đông bọn tù như ông, đã chẳng được xét xử gì ra hồn, cứ thế bị xử tử, người này tiếp theo người khác. Một hôm nào đó, chẳng có dấu hiệu gì báo trước, tù bị lôi ra sân giữa trại giam, lãnh vài phát súng tự động vào đầu. Lần xử hình nào cũng vào khoảng hai giờ trưa. “Đùng”. Tiếng súng tự động uất ức như bị nén chặt ấy vang vọng suốt khoảng sân giữa trại giam.

Đó là nguy cơ trọng đại nhất trong đời Takitani Shozaburo. Giữa cái chết và sự sống quả thật chỉ cách nhau khoảng một sợi tóc. Thật ra, cái chết tự nó không đáng sợ bao nhiêu. Một viên đạn xuyên qua đầu, thế là xong. Đau đớn chỉ trong một thoáng là hết. Ta đã sống một đời muốn gì làm nấy, đã ngủ với bao nhiêu là đàn bà rồi. Thức nào ngon thì cũng đã ăn rồi. Đã có lắm lần sung sướng. Đời ta chẳng còn gì đặc biệt phải nuối tiếc. Giờ đây, có bị giết thình lình cũng chẳng có lý do gì để than trách. Cuộc chiến này đã giết đi cả vài triệu người Nhật Bản rồi. Vô số người đã phải chết những cách tàn nhẫn hơn nữa kia. Đã chấp nhận số phận như thế nên trong phòng giam riêng, ông nhàn tản huýt sáo miệng cho qua thì giờ. Ngày này qua ngày khác, ông ngắm mây trôi bên ngoài khung cửa sổ nhỏ song sắt, và tưởng tượng lại từng dáng thân thể, từng nét mặt của những người đàn bà đã giao tình với ông. Thế nhưng kết cuộc, Takitani Shozaburo đã rời được trại giam ấy, và là một trong chỉ hai người Nhật sống sót được từ nơi ấy mà trở về nước.

Takitani Shozaburo gầy còm như que củi, vác xác trần trở về Nhật vào mùa xuân năm Chiêu Hoả thứ 21, 1946. Về đến Tokyo mới biết nhà cũ đã cháy rụi, cha mẹ chết trong trận dội bom Tokyo khủng khiếp tháng ba năm trước. Người anh duy nhất vẫn còn mất tích trên mặt trận Miến Điện. Takitani Shozaburo trở thành người mồ côi hoàn toàn. Tuy nhiên, ông không mấy buồn rầu, nuối tiếc, mà cũng không bị sốc. Cũng không thấy hụt hẫng gì. Thế nào đi nữa, người ta đến lúc nào đấy cũng phải trơ trọi một mình. Lúc bấy giờ ông đã băm hai tuổi rồi. Cái tuổi cho dù có trơ trọi một mình cũng không thể than thở với ai. Ông cảm thấy đã già đi vài tuổi cùng một lúc. Nhưng cũng chỉ cảm thấy thế thôi, không có cảm nhận gì khác hơn.

Dù gì đi nữa, cũng đã sống sót được rồi, mà đã sống sót được một lần thì hãy tận dụng tâm trí vào việc tiếp tục sống sót từ đây về sau.

Không có nghề gì khác nên ông tìm những người quen biết cũ, kết thành một ban nhạc Jazz nhỏ đi lưu diễn quanh các căn cứ quân đội Mỹ. Và phát huy tài năng ứng xử khéo léo, ông kết bạn gần như thâm giao với một thiếu tá Mỹ thích nhạc Jazz. Thiếu tá này là người Mỹ gốc Ý quê ở tiểu bang New Jersey, cũng là một tay thổi hắc tiêu lão luyện. Lại làm trong ban quân nhu, nên cần đĩa nhạc nào là có thể gọi gửi sang ngay, bao nhiêu đĩa cũng có. Hễ có giờ rảnh là hai người hoả tấu với nhau. Ông thường đến chơi nơi đồn trú của thiếu tá này, cùng uống bia, nghe đĩa loại Jazz vui nhộn của Bobby Hackett, Jack Teagarden hay Benny Goodman, và cần mẫn luyện tập các lối chơi nhạc của họ. Thiếu tá Mỹ ấy còn giúp ông số lượng lớn thực phẩm, sữa rượu lúc bấy giờ rất khó kiếm. Takitani Shozaburo nghĩ thời đại này cũng ngon lành quá.

Ông kết hôn năm Chiêu Hoả thứ 22, 1947. Với con gái của một người họ hàng xa phía bên mẹ. Tình cờ gặp nhau giữa đường, rủ đi uống trà để hỏi thăm tin tức họ hàng, và hàn huyên chuyện xưa. Thế rồi qua lại với nhau, cuối cùng đã sống chung với nhau lúc nào không hay, có thể vì cô ấy mang thai, như người ta đồn.

Ít nhất thì chuyện như thế Toni Takitani đã nghe chính miệng bố mình kể lại. Anh không biết bố anh yêu vợ đến mức nào. Bố cho biết rằng mẹ anh đẹp và hiền dịu, nhưng trong người không được khoẻ mạnh.

Kết hôn được một năm thì sinh con trai. Sinh xong, ba ngày sau, người mẹ mất. Đột ngột mất đi, rồi thiêu xác ngay. Cách chết thật tĩnh lặng. Không hờn oán gì ai, chẳng đau đớn gì mấy, tắt phụp một cái mà chết. Như có ai vòng ra sau lưng, bấm nút tắt đi vậy.

Trước cái chết như thế của vợ mình, Takitani Shozaburo không biết phải cảm nhận như thế nào cho phải. Tình cảnh như thế thì ông chưa gặp bao giờ. Ông cảm thấy có thứ gì như là một cái đĩa tròn dẹt đã lọt thỏm vào giữa lồng ngực mình. Nhưng hoàn toàn chẳng hiểu là vật gì, và tại sao lại lọt vào đấy. Chỉ biết là vật ấy đã lọt vào đấy từ lúc nào rồi và ngăn không cho ông suy nghĩ gì sâu xa hơn. Vì thế, suốt một tuần sau đó, Takitani Shozaburo hầu như chẳng suy nghĩ gì ráo. Đến nỗi ngay cả đứa con mới sinh còn gửi miết trong bệnh viện ấy, ông cũng không nhớ đến nữa.

Thiếu tá Mỹ đã an ủi vỗ về ông như ruột thịt của mình. Gần như mỗi ngày, hai người đến uống rượu ở quán bar trong căn cứ. Thiếu tá động viên ông: “Nghe đây. Cậu phải cố mà vững lên mới được. Dù thế nào đi nữa, cũng phải nuôi nấng con mình đàng hoàng”. Tuy chẳng hiểu được thiếu tá nói gì, ông vẫn im lặng gật đầu. Dù gì thì ông cũng ý thức được thiện ý của bạn mình. Rồi thiếu tá như chợt nhớ ra, bảo ông rằng nếu được thì muốn làm bố đỡ đầu cho đứa bé. Takitani Shozaburo sực nhớ là ngay cả tên con mình, ông cũng chưa nghĩ đến.

Thiếu tá bảo lấy tên Tony của ông mà đặt cho đứa bé. Nghĩ sao đi nữa, cái tên Tony cũng không thích hợp cho một đứa trẻ Nhật Bản, nhưng lúc ấy, nghi vấn rằng tên mình liệu có thích hợp hay không, hoàn toàn chẳng làm bận trí viên thiếu tá. Takitani Shozaburo trở về nhà lấy giấy viết tên Takitani Toni dán lên tường, ngắm nghía nó trong vài ngày. Nghĩ thầm “Takitani Toni” nghe cũng được đấy chứ. Từ đây về sau chắc cũng khá lâu sẽ tiếp tục là thời đại của Mỹ. Đặt sẵn cho con trai mình một cái tên Mỹ có khi lại tiện lợi cho nó không chừng.
Báo hại thằng con bị đặt tên ấy, đến trường đã bị trêu chọc
là đồ con lai, đến đâu mà xưng tên ra là người ta lại lộ vẻ ngạc nhiên không tin, hoặc nhăn mặt khó chịu. Nhiều người cho đó là trò đùa tai quái, trong số đó, có người còn nổi giận lên nữa.

Đấy cũng là một lý do làm cho Toni Takitani biến thành một thiếu niên thu mình chặt trong vỏ. Không có bạn bè đúng nghĩa, nhưng anh cũng không vì thế mà cảm thấy đau khổ. Trơ trọi một mình là điều hoàn toàn tự nhiên đối với anh, hoặc có thể nói là một thứ định mệnh của đời anh. Từ tuổi anh bắt đầu biết để ý, bố anh đã thường dẫn ban nhạc đi lưu diễn các nơi xa. Lúc bé thì có bà giúp việc nhà lui tới chăm nom cho, nhưng từ các lớp lớn ở tiểu học, anh đã phải tự mình lo liệu mọi việc cho mình. Một mình nấu ăn, một mình đóng cửa cài then, một mình trải chăn ngủ. Anh chẳng thấy buồn gì chuyện ấy. Thay vì nhờ người khác làm hộ chuyện này chuyện kia, tự mình xoay xở vẫn khoẻ hơn nhiều. Bố anh, Takitani Shozaburo thì sau khi vợ chết, chẳng hiểu sao không kết hôn lần nào nữa. Tất nhiên, không khác gì trước, ông vẫn tiếp tục cặp với rất nhiều bạn gái, nhưng chẳng có ai trong đám ấy được ông đem về nhà lần nào cả. Có vẻ ông cũng giống cậu con trai, đã quen xoay xở một mình. Quan hệ bố con không đến nỗi xa cách đến mức như người ta tưởng tượng ra từ lối sống cô quạnh như thế. Nhưng cả hai bố con đều đã quá quen với lối sống đơn độc như một tập quán, nên chẳng ai tự nguyện cởi mở lòng mình. Bởi chẳng cảm thấy cần thiết phải làm như thế. Takitani Shozaburo không thích hợp với vai trò người cha, mà Toni Takitani cũng không thích hợp với vai trò đứa con.

Toni Takitani thích vẽ, ngày nào cũng ru rú trong phòng riêng mà vẽ một mình, hình này sang hình khác. Thích nhất là hình máy móc. Với những chiếc bút chì vót nhọn như mũi đinh, sở trường của anh là vẽ hình xe hơi, máy nghe đài, các loại động cơ; vẽ rõ ràng tỉ mỉ những bộ phận như thế. Ngay cả những hình hoa lá, anh cũng vẽ tỉ mỉ từng gân lá, nhụy hoa. Ai nói gì mặc kệ, anh chỉ biết cách vẽ tỉ mỉ như thế thôi. Các môn học khác thì không giỏi gì mấy, nhưng môn vẽ / mỹ thuật thì thành tích của anh luôn vượt xa cả lớp. Kỳ thi vẽ nào, anh cũng đoạt giải ưu tú nhất.

Vì thế, sau khi xong trung học, anh vào đại học mỹ thuật (từ năm anh vào đại học, hai bố con chẳng ai bảo ai, đã nghiễm nhiên bắt đầu sinh hoạt hoàn toàn biệt lập với nhau) rồi trở thành người vẽ tranh minh hoạ, là điều tự nhiên thôi. Mà thực thế, anh đã chẳng cần phải suy tính một khả năng tính nào khác. Trong lúc lứa thanh niên cùng thời đang khổ sở moi óc tìm kiếm hướng đi, anh chẳng phải suy tư gì, chỉ âm thầm tiếp tục vẽ những hình máy móc tinh tế. Nhằm vào thời đại lớp thanh niên học sinh nhiệt liệt phản kháng quyền lực và thể chế đến mức bạo động, chung quanh anh hầu như chẳng có ai tán thưởng những bức vẽ cực kỳ thực tế của anh. Các giáo sư đại học mỹ thuật nhìn thấy tác phẩm của anh, cũng cười gượng khổ sở. Bạn cùng lớp thì phê phán tính vô tư tưởng của những bức vẽ ấy. Thế nhưng Toni Takitani hoàn toàn chẳng lý giải được những bức vẽ “có tính tư tưởng” của các bạn cùng lớp thật sự có giá trị ở điểm nào. Trong mắt anh, những bức vẽ ấy chỉ có vẻ ấu trĩ, xấu xí và không chính xác.

Nhưng đến khi anh tốt nghiệp, sự tình lại thay đổi hoàn toàn. Nhờ ở tính thực dụng và kỹ thuật thực tiễn, Toni Takitani ngay từ đầu đã không thiếu gì chỗ làm tốt. Bởi những máy móc tinh xảo, những kiến trúc phức tạp thì ngoài anh ra chẳng còn ai có thể vẽ được rõ ràng chính xác đến thế. Mọi người đều tán đồng rằng “trông còn thật hơn cả vật thực nữa”. Những bức vẽ của anh quả thật trông còn chính xác hơn ảnh chụp, và dễ hiểu hơn bất cứ lời lẽ tận lực giải thích nào. Anh tức khắc trở thành nhà minh hoạ được mọi người tranh giành. Từ hình bìa tạp chí xe hơi, đến các hình vẽ quảng cáo, bất cứ công việc nào dính dáng đến máy móc đều được anh nhận làm. Anh thích thú làm việc và thu nhập cũng cao.

Trong lúc ấy, bố anh, Takitani Shozaburo bình thản tiếp tục thổi trombone mà sống. Thời đại có tuần tự thay đổi từ Modern Jazz qua Free Jazz đến Electric Jazz, Takitani Shozaburo vẫn không thay đổi, ông tiếp tục diễn tấu với phong cách Jazz cố hữu từ ngày trước. Tuy không hẳn là nhạc sĩ diễn tấu hạng nhất trong nước, nhưng tiếng tăm ông cũng được biết đến rộng rãi, và luôn luôn có việc làm tốt cho ông. Cao lương mỹ vị cũng nếm được, mà đàn bà cũng không thiếu. Từ quan điểm có hài lòng với cuộc sống hay không, thì ông sống đời như thế quả là thượng hạng rồi.

Murakami


Xem online : Kỳ sau


Phạm Vũ Thịnh dịch


[1Tên Tony của Mỹ được ký âm thành Toni trên sổ bộ Nhật Bản, là một cái tên lạ, lai căng mà người Nhật không quen dùng cho trẻ con.