Thuyết Big Bang
Năm 1925, nhà vật lý Bỉ Georges Lemaître (1894-1966) đã phát hiện ra rằng thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein dẫn đến hệ quả: Vũ trụ không phải là tĩnh, mà đang giãn nở, hoặc nói cho đúng, đang nằm trong quá trình giãn nở một cách không đổi. Chính Einstein cũng thấy được sự giãn nở đó qua các phương trình, và điều đó lúc đầu cũng làm ông ngạc nhiên. Nhà thiên văn Edwin Hubble (ngày nay tên ông được đặt cho kính viễn vọng lớn nhất thế giới) đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu hiện tượng này.
Năm 1929, ông công bố định luật mô tả sự biến mất của những thiên hà mà ông quan sát qua kính viễn vọng. Định luật Hubble là định luật đầu tiên khẳng định trực tiếp sự giãn nở của vũ trụ mà Lemaitre đã nói từ trước. Nhưng không phải tất cả mọi người đều đồng tình với nhận xét đó.
Vũ trụ có lẽ được tạo ra từ rất lâu, từ một vụ nổ của một nguyên tử tiên khởi rất cô đặc. Nhà vật lý Fred Hoyle, một người nổi tiếng là hay nghi ngờ, đã sáng tác ra thuật ngữ big-bang để giễu cợt ý tưởng về “vụ nổ tiên khởi”. Nửa thế kỷ sau, tuy Hoyle cũng chưa đồng tình lắm về ý tưởng đó, nhưng thuật ngữ “big bang” do ông đề xuất đã phổ biến.
Vào cuối những năm 40, Georges Gamow hiểu rằng chính trong quả cầu lửa tiên khởi mà những nguyên tố hóa học đầu tiên được tạo ra: deuterium, helium và lithium… Nhưng ông cũng nói trước: từ sức nóng tiên khởi đặc biệt đó, phải xuất hiện một cái gì khác nữa! Tình cờ năm 1964, với những ăngten bắt sóng những buổi phát của Telstar, vệ tinh đầu tiên của viễn thông, hai nhà khoa học của phòng thí nghiệm Bell phát hiện một âm nhiễu nguồn gốc không rõ từ đâu. Arn Penzias và Robert Wilson trong năm 1965 đã công bố những kết quả kỳ lạ, và người ta hiểu ngay rằng đó là bức xạ gốc mà Garmow đã nói từ trước. Lemaitre gọi bức xạ gốc đó là “tia sáng đã mất từ nguồn gốc của thế giới”.
Sự phát hiện ra bức xạ đó là một lợi thế rõ ràng của thuyết Einstein. Về sau, năm 1990, vệ tinh của Mỹ COBE đánh giá nhiệt độ của bức xạ đó khuếch tán ở nhiệt độ không đổi là 2,7 độ K trong khắp bầu trời. Nhiệt độ của bức xạ chênh nhau với một sự dao động rất nhỏ (trong khoảng 30 phần nghìn độ). Những sự dao động đó cho biết tính không đồng nhất của tỷ trọng, và đó là nguồn gốc của những cấu trúc lớn của vũ trụ, như là những quần thể thiên hà. Những nhận xét đó phù hợp với tiên đoán của lý thuyết với độ chính xác tuyệt vời.
"Nếu không có thuyết Big-Bang thì sự tồn tại của bức xạ gốc và sự tổng hợp những nguyên tố hóa học nhẹ là những bí ẩn không thể giải thích nổi”, James Peebles đã nói như vậy. Hơn nữa, vẻ sáng màu đỏ của những thiên hà là kết quả tự nhiên của sự giãn nở vũ trụ. “Có một số sự kiện được xác nhận một cách chắc chắn, không có một chút nghi ngờ. Các ý tưởng mới, ít hay nhiều xa lạ, được thu hút xung quanh các ý tưởng đó. Một số ý tưởng nào đó được chấp nhận một cách tình cờ, vì chúng giải đáp được một hay nhiều bài toán hiện hữu của thuyết Big-Bang”, James Peeble lý giải như vậy về ý tưởng “big-bang”.
Ngày nay thuật ngữ Big-Bang được dùng để chỉ những hiện tượng thiên nhiên cũng như xã hội bùng lên bất ngờ, dữ dội, đánh dấu sự bắt đầu một quá trình chuyển động của thực thể vật chất hay tinh thần.
(theo Science Québec)