Trang nhà > Quan niệm > Phật giáo > Đọc Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu, nghĩ về đạo Phật ở ta
3421
Đọc Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu, nghĩ về đạo Phật ở ta
Chủ Nhật 28, Tháng Ba 2010, bởi
Trong ngót 20 năm qua bác sĩ-cư sĩ Trịnh Đình Hỷ [1] dưới bút danh Trịnh Nguyên Phước đã đăng trên các báo in và báo mạng nhiều bài viết về một số vấn đề Phật học hiện đại đang được giới lý luận tôn giáo trên thế giới quan tâm bàn thảo.
Mới đây một số tiểu luận ấy được tập họp in thành sách trong cuốn Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu (Nxb Văn Nghệ, 12/2009, 326 trang). Thiết nghĩ những ai quan tâm tới Phật học nên tìm đọc sách này, nhất là khi đạo Phật ở ta đang được khuyến khích phát triển tới mức trở thành một hiện tượng xã hội đáng quan tâm (xem: http://www.tuanvietnam.net/2010-03-18-phat-xa-loi-va-nhung-chiec-xe-doi-moi-dat-tien).
Nội dung sách gồm 4 chương: - Vài câu chuyện Thiền; - Tản mạn về một vài vấn đề; - Tương quan giữa đạo Phật và khoa học; - Giáo lý căn bản của đạo Phật.
Vài câu chuyện Thiền ở chương I (Đối thoại trong im lặng; Tắt đèn; Những tiếng meo; Người cha già) đều có nội dung sâu sắc, ý vị, nhắc ta chớ để đầu óc mình bị ám ảnh với những cái gọi là vọng tưởng (vọng: viển vông, xằng bậy). Nhiều hủ tục trong xã hội đều xuất phát từ các vọng tưởng. Con người hay tạo dựng trong tâm thức của mình những cái không có thực rồi cứ yên trí đó là sự thực và vì thế bị chúng ám ảnh, che giấu mất thực tại; đạo Phật khuyên ta gạt bỏ các vọng tưởng, trở về sống với thực tại. Thiền chính là cách giúp ta đạt được như vậy.
Chương II gồm 4 vấn đề. Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu là một mẩu chuyện trong tiểu thuyết Alexis Zorba của nhà văn Hy Lạp Nikos Kazantzakis (1885-1959, sách xuất bản 1946) mà bác sĩ Hỷ nói là có ảnh hưởng sâu đậm đến quan điểm sống của ông. Qua mẩu chuyện này, tác giả muốn chúng ta bác bỏ quan niệm sai lầm “đạo Phật là khổ hạnh”; “Có lý nào đạo Phật chủ trương diệt khổ lại đi tìm cái khổ thân xác?” – ông viết, con người cần hiểu được mình phải tự chịu trách nhiệm về mình; hạnh phúc hay khổ đau chính là tự cái tâm của mình mà thôi; khi đã luyện tập được tới mức làm chủ cái tâm của mình rồi thì sống ở đâu cũng là hạnh phúc. Đây là một quan niệm mới mẻ, chủ yếu của Phật Giáo phương Tây, từng được tác giả trình bày trong một bài viết rất nên đọc Sự truyền bá đạo Phật tại Tây phương: một cuộc Chuyển Pháp luân mới?
Mục Phiếm luận về thời gian bàn về quan niệm thời gian của khoa học và của Phật Giáo: - Khái niệm thời gian chỉ xuất hiện khi có sự hiện hữu của con người; do đó con người chính là thời gian và thời gian chính là con người (Hegel). - Thời gian là dấu hiệu sự bất lực của con người (Lagneau). - Con người không có sự cảm nhận về thời gian (Alain). - Thời gian tuỳ thuộc vào hệ quy chiếu của kẻ quan sát, không tuyệt đối (Einstein).
Các phái trong Phật Giáo có những quan niệm khác nhau về thời gian. Phái Hữu bộ nói cả ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai đều có mặt; tất cả các pháp đều tự nó có mặt, chúng vô thủy, vô chung và chỉ chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác; ví như một phụ nữ vừa là bà mẹ vừa là bé gái. Phái Kinh Lượng bộ cho rằng chỉ hiện tại mới thực sự có mặt và thời gian chỉ là một ảo tưởng. Phái Trung quán nói thời gian chỉ là Không, nhưng không phải là hư vô, không có gì; do đó thời gian không phải là vấn đề, mà chỉ có trên hiện tượng. Phái Duy Thức quan niệm thời gian chỉ là sản phẩm của ý thức, do thức mà có. Từ các quan niệm đó dẫn tới vũ trụ quan của Phật Giáo: nói chung đạo Phật cho rằng vũ trụ không có giới hạn trong không gian cũng như thời gian, vô thuỷ vô chung, không có điểm khởi đầu và điểm kết thúc – điều này không trái với vật lý hiện đại.
Tác giả kết luận: thời gian rất đa dạng và đầy nghịch lý; ta chưa thể trả lời một cách đơn giản thời gian là gì, có ý nghĩa gì. Điều quan trọng là hiểu được phải làm gì với thời gian, tận dụng thời gian, không lãng phí nó. Trong xã hội hiện đại, thời gian vô cùng quý báu; vì thế stress đã thành căn bệnh thời đại. Nếu chạy đua với thời gian thì con người chỉ có thua. Càng nắm chặt thời gian thì càng bị nó vuột mất. Vì vậy, con người cần phải làm chủ thời gian và áp dụng những giây phút chánh niệm để tìm được sự an lạc cho chính mình.
Tác giả đặt ra vấn đề Siêu việt thiện-ác là do trong xã hội hiện đại đôi khi rất khó phân biệt thiện, ác; thí dụ ngừa thai, phá thai ... Ki Tô Giáo tới nay vẫn cho rằng ngừa thai, phá thai là việc trái đạo đức; song những người có tinh thần khoa học và thực tiễn thì tán thành làm việc đó (trong điều kiện an toàn nhất cho người mẹ), vì có vậy mới thực hiện được kế hoạch hoá sinh đẻ, nhằm nâng cao chất lượng sống của con người. Như vậy đạo đức không còn bất biến nữa mà phải phát triển theo thực tế xã hội. Khi làm những y thuật như phá thai hoặc trợ tử (euthanasia, giúp người bệnh tự tử theo ý muốn trong trường hợp mắc bệnh chắc chắn chết và vô cùng đau đớn), người thầy thuốc cần phải sáng suốt siêu việt (vượt lên khỏi) thiện ác, không còn bị bận tâm về chuyện đó nữa.
Vấn đề Tâm là gì? cũng rất thú vị. Ta thường nói Phật tại tâm, rồi thiện tâm, lương tâm... Vậy thì tâm ở đâu? Ở trái tim hay bụng dạ? Tác giả cho rằng tâm và não là một, và đưa ra những chứng cớ cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của não trong việc hình thành cái tâm của con người. Thiền là cách tập luyện cho cân bằng giữa hai não trái và phải. Đạo Phật chính là một trong các phương pháp tu luyện tâm não hữu hiệu nhất nhằm giải thoát con người.
Chương III Tương quan giữa đạo Phật và khoa học cho thấy đạo Phật phù hợp với khoa học, có chung một nền tảng là trí tuệ, không cần tới đức tin, đều khẳng định không có thần linh nào cả mà con người tự quyết định cuộc sống của mình, hoặc mê muội ngu si hoặc giác ngộ giải thoát, qua tu học mà đạt tới trí tuệ. Đạo Phật cho rằng không có định mệnh, chỉ có luật nhân quả. Tất nhiên, đạo Phật ra đời trước khoa học hơn 2000 năm, cho nên có khác nhau. Khoa học dựa vào lý trí còn đạo Phật dựa trực giác, vượt khỏi lý trí. Tác giả kết luận: các kinh nghiệm của đạo Phật không chống đối khoa học mà còn giúp nó phát triển, đặc biệt về khoa học tâm linh; các khám phá khoa học không phủ nhận những nguyên lý căn bản của đạo Phật mà còn rọi ánh sáng vào đó. Do khoa học phát triển, con người đã làm chủ thiên nhiên trên hầu hết lĩnh vực, xã hội tiến sang thời kỳ hưởng thụ tiện nghi vật chất, đồng thời xuất hiện khoảng trống lớn về cái tâm, gây ra nỗi lo lắng, stress, khổ sở và hoang mang. Cuộc khủng hoảng văn minh này có thể giải quyết bằng cách kết hợp khoa học với đạo Phật để tìm ra một giá trị tinh thần mới, một con đường hướng dẫn tâm linh.
Tác giả dành hơn 60 trang sách để trình bày hai vấn đề sinh đạo đức (bioethics) và trợ tử, là những vấn đề mới mẻ của y học hiện còn tranh cãi. Sau mấy chục năm hành nghề thầy thuốc ở Pháp, bác sĩ Hỷ có đủ tư cách để nói về lĩnh vực này. Sinh học và y học thế giới trong 50 năm qua phát triển nhanh hơn trong 50 thế kỷ trước, vì thế nó làm nảy sinh những vấn đề đạo đức mới gọi chung là sinh đạo đức. Thí dụ vấn đề trợ tử, ghép nội tạng, ngừa thai, phá thai, thụ thai nhân tạo ... đều nhằm làm cho đời sống con người tốt hơn, bớt khổ hơn; nhưng lại mâu thuẫn với luân lý đạo đức của một số tôn giáo thần khải, vì thế họ (thí dụ Ki Tô Giáo) phản đối các tiến bộ khoa học nói trên. Các tôn giáo này lấy Thượng Đế làm trung tâm, coi con người là hình ảnh của Thượng Đế; lại có những giáo điều xơ cứng, vì thế khó thay đổi để thích hợp với tiến bộ của xã hội. Phật Giáo lấy con người làm trung tâm, không có các giáo điều xơ cứng tuyệt đối; mục đích duy nhất của đạo Phật là diệt khổ, cứu khổ, vì thế tác giả cho rằng các tiến bộ khoa học đó hợp với tinh thần của đạo Phật. Dĩ nhiên vấn đề này còn cần thảo luận nhiều.
Giáo lý căn bản của đạo Phật (chương IV) luôn là vấn đề đáng quan tâm nhất tuy đã được bàn nhiều nhưng không dễ nhất trí. Ai từng đọc Lược sử Phật Giáo của Edward Conze (Nxb Tổng hợp TPHCM) sẽ thấy phương Tây rất chú trọng phần triết lý của đạo Phật, coi đức Phật như một nhà tư tưởng nhiều hơn là lãnh tụ tôn giáo. Họ cho rằng Phật Giáo sẽ dần dần thoát khỏi hình thức tôn giáo, tín ngưỡng, và sẽ tồn tại lâu dài dưới hình thức một con đường tâm linh thế tục và thích hợp cho nhiều nền văn hóa khác nhau.
Với kinh nghiệm 40 năm nghiên cứu Phật học, tác giả khẳng định Phật tại Tâm là chìa khoá mở vào cửa Phật. Ai muốn theo đạo Phật thì hãy ghi nhớ câu cửa miệng của mọi Phật tử chân chính: Phật tại tâm. Vì thế mà ca dao Việt có câu “Thứ nhất là tu tại gia ...” Chẳng cần ở chùa, bạn vẫn có thể tu tập trở thành người có đạo đức như Phật dạy. Tu tại gia hoặc tu tại chùa, đều là tu sửa cái tâm của mình, cố giữ cho tâm trong sạch và an định, tĩnh lặng. Đức Phật nói ai cũng có Phật tính, “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Nghĩa là Phật ở trong mỗi người, những ai đi tìm Phật ở ngoài mình đều uổng công vô ích. Phật tử chân chính luôn phải về với thực tại cái tâm của mình, tự hỏi mình đã làm được lời Phật dạy chưa.
Nhưng ít người đủ can đảm làm như vậy, họ phải dựa vào các sức mạnh bên ngoài, như tìm đến chùa học hỏi tăng sĩ, hoặc đọc kinh sách Phật. Nhiều người kém hiểu biết còn dựa vào các sức mạnh huyền bí, thí dụ làm các nghi lễ cúng vái, cầu xin các vị Phật, Bồ Tát. Tác giả viết: người hiểu đúng đắn đạo Phật sẽ không bao giờ làm như vậy, bởi lẽ theo luật nhân quả, chỉ có mình mới cứu vớt, giải thoát được mình. Phật tại tâm, tức Phật ở trong lòng ta chứ không ở trong tượng Phật, ở những viên xá lợi.
Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa là bài bác các nghi lễ tôn giáo; nghi lễ rất cần để tăng tính tôn nghiêm, tính linh thiêng của tôn giáo; thiếu nghi lễ thì tôn giáo không tồn tại với tính chất là một lực lượng xã hội. Nhưng mỗi khi lễ lạy, tụng niệm, các Phật tử cần hiểu rằng đó là lúc họ hướng về những sức mạnh tâm linh bên trong mình chứ không phải là sức mạnh huyền bí xa xôi. Người ta thường cho là đạo Phật rất cao siêu khó hiểu, nghi lễ phức tạp. Riêng kinh Phật đã có hàng trăm nghìn cuốn, hầu hết là kinh chữ Hán, rất ít người hiểu. Vả lại “ba phần tư kinh điển Phật Giáo quả là vô ích” – lời của một nhà Phật học từng dành cả đời nghiên cứu kinh Phật. Nhưng nếu đem soi sáng bởi câu Phật tại tâm thì mọi việc sẽ trở nên dễ hiểu.
Đạo Phật nổi bật ở chỗ đề cao trí tuệ. Từ Phật (Buddha) xuất phát từ chữ Bud nghĩa là hiểu biết, giác ngộ. Đức Phật yêu cầu chúng sinh phải tự tu tập đạt tới giác ngộ, dùng trí tuệ của mình để tự thoát khỏi cảnh khổ. Người ta khổ là do vô minh; trí tuệ là phương tiện duy nhất phá vô minh. Kinh Bát Nhã coi trí tuệ là chiếc thuyền chở con người từ bờ vô minh phiền não vượt sông sang tới bờ giác ngộ giải thoát. Để phát triển trí tuệ, cần coi trọng thiền định. Sau 49 ngày thiền định dưới gốc cây Bồ đề, đức Thích Ca đã ngộ ra chân lý giải thoát nhân loại. Ở đây thiền là cố nhìn vào cái tâm của mình, phát hiện cái tính Phật trong lòng mình. Trí tuệ gắn liền với từ bi, từ nguồn trí tuệ mà suối từ bi tuôn chảy và nhờ suối từ bi nên cây trí tuệ tươi tốt trổ hoa – tác giả viết.
Trong phần Đức tin trong đạo Phật, tác giả cho rằng đạo Phật vốn là một triết lý nhưng trong sự phát triển đã nhuốm màu sắc tôn giáo, và do đó hầu hết Phật tử coi là tôn giáo. Thực ra Đức Thích Ca là một con người bằng xương bằng thịt, một thái tử có vợ con nhưng bỏ tất cả để đi tìm con đường giải thoát nhân loại ra khỏi biển khổ. Ngài không phải thần linh, giáo chủ mà chỉ là một bậc thầy dẫn đường. Sau khi ngài tịch diệt, quần chúng mới tôn thờ sùng tín ngài. Toàn bộ kinh Phật đều do các Phật tử viết sau khi ngài mất rất lâu, thậm chí hàng trăm năm. Có thể nói trong đạo Phật có mà cũng không có đức tin, tuỳ theo quan điểm của các tông phái.
Sống, hành động theo lời Phật dạy, chứ không phải thờ tượng Phật, mới là thờ kính Phật. Để thuyết minh ý này, tác giả kể chuyện hai thầy trò một thiền sư nọ chui vào hang tránh bão tuyết đã bổ pho tượng Phật ra làm củi sưởi. Nếu đã hiểu Phật tại tâm thì niềm tin ở Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) cũng chính là tin vào mình. Vô minh là nguồn gốc của mê tín, cuồng tín; đạo Phật phá bỏ vô minh, vì thế mê tín và cuồng tín cũng như chiến tranh tôn giáo không có chỗ trong đạo Phật.
Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu khái quát một số quan điểm Phật học tân tiến, từ đó chứng minh đạo Phật có thể thích nghi với thời đại toàn cầu hoá, hiện đại hoá, có thể trở thành con đường tu dưỡng tâm linh nhằm giúp con người trở nên ngày một từ bi, trí tuệ hơn và có cuộc sống tâm linh tốt lành hơn; tác giả nhấn mạnh cần gạt bỏ dần phần tôn giáo và phát triển dần phần triết lý cao cả của Phật Giáo, khuyến khích Phật Giáo nhập thế và phát triển Cư sĩ Phật Giáo.
Đọc cuốn sách nói trên ta không khỏi liên hệ tới tình hình Phật Giáo nước nhà hiện nay: nhìn bên ngoài có vẻ đang thịnh, song thực ra có lẽ ngược lại. Phần tinh hoa của đạo Phật bị lấn át bởi sự phô trương hình thức (một bệnh phổ biến của cả xã hội ta hiện nay). Tính chất tôn nghiêm, thiêng liêng vốn có của tôn giáo và hình ảnh thanh cao đáng kính của tăng sĩ nhạt nhoà dần. Có người hãnh diện với việc xây chùa to, dựng tượng lớn kiểu Trung Quốc, tách khỏi truyền thống kiến trúc nhỏ mà đẹp của tổ tiên ta. Lễ hội linh đình, hoành tráng, màu sắc loè loẹt, thu hút nhiều nghìn người tham gia, tốn kém tiền của và thời gian của dân [3]. Giá như các hoạt động ấy nhằm hoằng dương triết lý từ bi hỷ xả của đạo Phật, thúc đẩy mọi người sống theo lời Phật dạy thì hay biết bao. Nhà chùa lẽ ra nên là nơi quần chúng đến nghe tăng sĩ giảng dạy giáo lý đạo Phật và làm các nghi lễ trang nghiêm, nhưng một số nơi lại làm cả các nghi thức có tính thương mại. Nhiều người đến đền chùa chỉ để cầu phúc xin lộc, “giải hạn” (và phải chi tiền) chứ không phải để tu học hoặc để tìm sự tĩnh lặng. Xu hướng thị trường hoá, thương mại hoá hoạt động tôn giáo len lỏi vào đền chùa; một số người lợi dụng tín ngưỡng để kiếm tiền, thậm chí tái hiện hủ tục mang tính mê tín dị đoan có từ thế kỷ trước [4]. Xuất hiện cảnh hàng ngàn dân xúm quanh chùa trong các dịp lễ tết gây trở ngại giao thông. Những cảnh tụ tập như vậy có nên không?[5].
Thực ra, với giáo lý cao cả của mình đạo Phật có thể giúp xã hội thêm ổn định, trật tự. Điều này thấy rất rõ ngay tại nước bạn Lào, nơi hầu hết dân tin Phật Giáo. Ai đến đây đều thấy ngay người dân hiền lành, thân thiện, chân thật, thể hiện rõ Phật tính trong tâm; xã hội yên bình, trật tự, không có tệ nạn, dù đời sống còn thấp hơn Việt Nam. Đền chùa thật sự là nơi tôn nghiêm, thiêng liêng, tĩnh lặng, không có tệ thu tiền để làm các nghi lễ. Tăng sĩ sống giản dị, được mọi người kính trọng.
Phật Giáo Việt Nam sau thời kỳ chấn hưng hồi thập niên 30 thế kỷ trước, không lẽ nay lại làm một cuộc chấn hưng nữa? Thiển nghĩ hơn bao giờ hết chúng ta cần đề cao giáo lý Phật tại tâm, kêu gọi mọi người tự giác sống theo lời Phật dạy, từ bi hỷ xả, chống tham sân si. Chỉ có phát huy được phần tinh tuý ấy thì đạo Phật mới tồn tại lâu dài, trở thành một triết lý sống góp phần tô đẹp bộ mặt tinh thần của xã hội và do đó trở thành một nét đặc sắc trong văn hoá truyền thống Việt.■
Nguyễn Hải Hoành
[1] Sinh 1946, tốt nghiệp ĐH Y khoa Cochin Port-Royal (Pháp), giảng viên ĐH Saint-Antoine, Phó Chủ nhiệm Khoa Tiêu hoá Bệnh viện khu vực Orlean, đã nghỉ hưu, hiện ở Paris.
[2] http://cusi.free.fr/pgtd/chp0077.htm
[3] Đại sứ Nhật Mitsuo Sakaba nhận xét: Chùa ở Việt Nam nhiều màu sắc, tượng Phật cũng sáng lấp lánh đầy màu sắc thần thánh. Ở Nhật, chùa chiền phải là nơi thanh tịnh, tượng Phật chỉ nên có hai màu đen trắng. (3046)
[4] Cách đây 80 năm cư sĩ Thiều Chửu từng nhận xét: sự tổ chức ở nhà chùa không đúng chút nào với lời Phật dạy; bỏ mất hẳn cái tinh thần trọng lao động, không theo quy chế "một ngày không làm một ngày nhịn ăn” của Tổ Bách Trượng. Lại còn vẽ ra đàn tràng cúng bái, đục khoét nhân dân để sống một đời nhàn rỗi.
[5] Ở Trung Quốc từng có một số hiện tượng tụ tập tương tự, được giải thích là do dân chúng mất niềm tin sau khi chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Liên Xô, cần tìm một niềm tin tôn giáo để thay thế. Hiện nay Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển Phật Giáo Cư sĩ, xây dựng nhiều “Làng Cư sĩ (Cư sĩ lâm)”, một kiểu ký túc xá dành cho các cư sĩ và gia đình họ. Website Cư sĩ lâm là trang mạng Phật Giáo lớn nhất nước này. Tại Malaysia có tổ chức họp Diễn đàn Phật Giáo Cư sĩ thế giới lần thứ ba (18-21/12/2009); Việt Nam có cử phái đoàn tham dự.
Xem online : ĐỨC TIN TRONG ĐẠO PHẬT