Nhà Tùy xuống miền Nam

Xem mục lục ở sau Lời mở đầu Việt Nam khai quốc

Tượng phụ nữ gốm trắng (đời nhà Tùy 581-618)

Quan hệ của Lý Phật Tử với triều Trần Trung Quốc bên ngoài có vẻ hữu nghị nhưng chẳng bao giờ chặt chẽ vì thế lực bấp bênh của nhà Trần. Do đó quan hệ giữa đôi bên phần chính là chỉ qua việc giao thương. Theo sử liệu thì những năm đầu thập niên 570, Thái Ngung, một quan chức nhà Trần bị trục xuất và phải lưu vong chính trị ở Giao Châu. Đồng thời, một người khác tên là Đại Hoàng lại có tên trong danh sách làm Thứ Sử Minh Châu. Hai chuyện này có thể liên quan đến cuộc viễn chinh của Nguyễn Trác năm 570, nhưng thông tin lại quá mập mờ nên không thể kết luận gì thêm. Đến những năm 580 lại có một sử liệu khác nhắc đến hai đô đốc ở Giao Châu là Dương Tấn và Dương Hữu Phổ. Có thể là có quan hệ chính thức giữa hai đô đốc này với Lý Phật Tử, nhưng lại một lần nữa vì tin tức không đủ nên không thể kết luận một cách chắc chắn được. Quá khứ cho thấy cách hành xử của Trung Quốc là luôn phong các chức tước danh dự cho những người mà không bao giờ có mặt ở miền Nam, vì thế chúng ta có cơ sở để tin rằng vì Triều Trần đang gặp khó khăn nên đã phong các hư chức này nhằm mua chuộc sự trung thành của những người này mà thôi.

Các cuộc tranh giành quyền lực ở bắc triều đã nhanh chóng đến hồi kết thúc vào năm 581 khi Dương Khiêm lập nên nhà Tùy ở Bắc Trung Quốc nhưng mãi đến năm 589 thì nhà Trần mới chịu hoàn toàn quy thuận. Thế là lần đầu tiên sau hai thế kỷ rưỡi loạn lạc và tranh chấp nội bộ, Trung Quốc lại được thống nhất. Trước khi hoàn toàn thống nhất, quân nhà Tùy đã từng tiến hành các phiêu lưu quân sự khi tìm cách vượt qua được các dãy đèo cao để vào miền Nam nhưng bị các lực lượng tàn dư của nhà Trần chặn đánh. Chỉ sau khi vua Trần bị bắt và tuyên bố quy thuận hoàn toàn thì quân Tùy mới chiếm được châu Quảng.

Sau khi một đô đốc ở miền Nam thất bại trong việc tập hợp quân đội để ủng hộ một vị hoàng thân của nhà Trần thì nhà Tùy mới củng cố được địa vị ở châu Quảng và lần hồi được các châu lân cận quy hàng, đặc biệt là sau khi sự kháng cự của Thứ Sử Định Châu ở vùng bây giờ là Quảng Tây bị hoàn toàn đè bẹp. Nhưng chẳng yên được bao thì miền Nam lại vùng lên chống cự vì vào năm 590, theo sử liệu Trung Quốc: “Biên giới cũ (miền Nam) của nhà Trần bùng lên một cuộc kháng cự lớn lao với nhiều nhóm nổi dậy cấu kết với nhau, lớn thì có quân đội hàng chục ngàn người, nhỏ cũng vài ngàn. Họ bắt cóc các quan huyện; có người bị mổ, moi ruột gan, có người bị chặt ra từng khúc và ăn thịt”. Trong số các người cầm đầu cuộc nổi dậy có ba người tự xưng là “thiên tử” và thiết lập triều đình riêng; bảy người khác, tự phong là Đại Đô Đốc và cai trị các nơi. Trong số đó sử Trung Quốc có nhắc đến Lý Xuân ở Giao Châu, và chắc chắn đó là Lý Phật Tử.

Tướng quân nhà Tùy lúc đó là Dương Tố đem một đạo quân tiến xuống miền Nam. Ông đánh “hơn 700 trận, từ miền núi xuống đến bờ biển; tấn công và phá hủy biết bao nhiêu chiến lũy, nhưng cũng có nhiều công sự ông không vượt qua nổi”. Triều đình phải gọi ông về vì sợ ông quá mệt mỏi; nhưng ông xin ở lại, viện lẽ nếu chưa dẹp yên các loạn quân thì sẽ còn loạn lớn hơn nữa nếu ông bỏ về. Sau một loạt các trận đánh mới nữa do ông chỉ huy, tình hình được tạm yên. Nhưng rồi loạn lại tái phát khi một “nhà vua man di” bao vây quân Tùy ở Quảng Châu. Một đạo quân cứu viện được gửi xuống và đám loạn quân này cuối cùng cũng bị “dẹp yên”.

Không có dấu hiệu nào cho ta thấy Dương Tố tiến đến Giao Châu bao giờ vì liên tiếp trong nhiều năm nhà Tùy hoàn toàn bận rộn tái lập an ninh ở những vùng đất mà bây giờ là Quảng Đông và Quảng Tây. Trong thời gian nhà Tùy đang dần dần củng cố quyền lực ở Quảng Châu thì Lý Phật Tử, bên trong thì tiếp tục củng cố thế lực ở Giao Châu, nhưng ngoài mặt vẫn phải chính thức công nhận quyền đô hộ của nhà Tùy.

Năm 595, mặc dù thế lực nhà Tùy vẫn còn bấp bênh nhưng ảnh hưởng của họ ở vùng biên giới đã mạnh lên nhiều nên sứ giả Lâm Ấp phải lên tận triều đình nhà Tùy để bái kiến. Sau khi dẹp xong được lớp quan chức trung thành với nhà Trần cũ, nhà Tùy bắt đầu tính đến chuyện đương đầu với các lãnh tụ bản xứ “man di” phi Trung Quốc, mà họ gọi là “Li”, trong đó có Lý Phật Tử. Có nhiều lãnh tụ bản xứ phi Trung Quốc như thế được nhà Tùy tạm thời nhân nhượng vì chính sách của nhà Tùy vào thời điểm đó là dần dần tìm cách thu hút các lãnh tụ địa phương này vào vòng quỹ đạo ảnh hưởng của họ.

Năm 597, Lý Quang Sĩ, lãnh tụ người Li ở Quế Châu thuộc Quảng Tây ngày nay, lại dấy binh nổi loạn. Nhà Tùy sai một đạo quân từ Bắc xuống để hỗ trợ cho đạo quân đã được tuyển mộ ở địa phương và dẹp yên được Lý Quang Sĩ. Nhưng cuộc nổi loạn thứ nhì lại bộc phát ở Quế Châu trong cùng năm ấy. Để giải quyết tình hình nhiễu nhương này tận gốc rễ, nhà Tùy đã có một kế sách mới là cử một quan chức tên Lịnh Hồ Hi với trách nhiệm dẹp yên cuộc nổi loạn ở Quế Châu cũng như quyền tổng chỉ huy quân sự bao trùm cả miền Nam, kể cả Giao Châu nơi Lý Phật Tử đang cai trị.

Hồ Hi được giao quyền “tiền trảm hậu tấu” và mau chóng tìm cách thu phục nhân tâm dân chúng địa phương bằng cách chứng tỏ ông ta là một người khoan dung, độ lượng, và thành thật. Sử Trung Quốc chép rằng các lãnh tụ địa phương họp nhau bàn bạc rằng: “Trước kia, tất cả các quan chức [bắc triều] đều đem quân lính ra khủng bố, áp bức chúng ta. Còn ông này lại kêu gọi chúng ta thi hành lẽ phải và ra bố cáo”. Vì hành động khôn khéo như thế, nên Hồ Hi được dân chúng địa phương tín nhiệm và hợp tác. Ông cũng tập hợp những người có học trong vùng và phái họ đi thiết lập đô thị, xây dựng trường học và “giáo hoá dân chúng”. Chính sách mới này của Hồ Hi có sức lôi cuốn mạnh mẽ đến nỗi nhiều lãnh tụ địa phương, trước vẫn nghiêng về phe nổi loạn, nay cũng tự kiềm chế và tôn trọng ông. Một thủ lãnh người Li là Ninh Mãnh Lực được nhiều người biết tiếng vì lòng trung thành với Hồ Hi. Triều đình nhà Tùy phải khen ngợi Hồ Hi về việc ông thu phục được lòng trung thành của cả người man di.

Quan hệ giữa Lý Phật Tử và Lịnh Hồ Hi bề ngoài thì có vẻ mực thước nhưng thật ra chỉ là qua loa chiếu lệ. Hồ Hi, tuổi đã cao nên rất muốn được về hưu trí. Hơn nữa vì đã tiêu hao bao nhiêu tâm lực vào những hành động cấp thời nên ông không còn ý muốn, hoặc tìm cách để dẫm chân lên những đặc quyền của một người đã tạo được một thế lực vững chắc ở vùng biên giới xa xôi hẻo lánh như Lý Phật Tử.

Tuy nhiên, Hồ Hi vẫn quan tâm đến việc hành chánh như việc chấn chỉnh tên gọi các châu. Nhận thấy nhiều châu, huyện ở địa phương có tên trùng nhau, Hồ Hi đã tìm cách thống nhất các tên châu huyện thuộc thẩm quyền cai quản của ông. Khi Trần Bá Tiên ở miền Nam, ông đã nâng quận Tân Xương lên cấp châu và đặt tên là châu Hưng. Năm 598, Hồ Hi đổi tên châu Hưng thành châu Phong. Cũng năm ấy, ông đổi tên châu Hoàng, được thành lập năm 535 ở bờ biển phía Bắc Giao Châu, thành châu Lục và tên của châu Đức cũng được đổi thành châu Hoan. Những tên châu mới như châu Phong, châu Lục, và châu Hoan còn tồn tại mãi cho đến khi chế độ cai trị “châu” của Trung Quốc tại miền Nam chấm dứt. Thật ra việc đổi tên các châu như thế của Hồ Hi chỉ có tính cách văn học và không ảnh hưởng gì đến việc kiểm soát thực sự những nơi đó cả. Tên của nhiều huyện cũng được thay đổi nhưng sự thay đổi có ý nghĩa nhất đối với Việt Nam sau này là việc bãi bỏ quận Vũ Bình và đặt những huyện của quận Vũ Bình dưới quyền kiếm soát của Giao Châu.

Năm 600, Hồ Hi 61 tuổi nên viết thư gửi triều đình xin về hưu. Trong thư xin về nghỉ hưu ông viết: “Sức khoẻ của hạ thần nay chỉ cho phép làm được những việc nhẹ nên rất lấy làm áy náy. Thần thường tâm nguyện cần phải chấm dứt sự cố gắng thái quá của mình… Thần là một bầy tôi đã nhiều tuổi và tự nhận mình không còn dùng được nữa…” Ông cũng viết về sự khó khăn khi phải tìm cách thay đổi những phong tục man di của dân chúng địa phương khiến ông đau ốm, mệt mỏi, mong muốn được trở về Bắc. Triều đình bác bỏ lời tâu xin của ông và lại gửi xuống cho ông thuốc men để chữa trị và tiếp tục công việc. Chính vào thời gian này, sự đụng chạm quyền lực không thể tránh khỏi giữa Lý Phật Tử và bắc triều bắt đầu hé lộ.

Trong khi sức khoẻ Hồ Hi ngày càng đi xuống thì Lý Phật Tử ngày càng tỏ thái độ độc lập bất chấp quyền uy của bắc triều hơn. Là một lãnh tụ “Li” có thế lực và bền vững nhất ở biên giới nên Lý Phật Tử lại càng bị triều đình chú ý. Năm 601, Hồ Hi chuyển một chiếu chỉ của bắc triều cho đòi Lý Phật Tử về triều trình diện. Hiểu rằng đã đến hồi quyết liệt, Lý Phật Tử đã tìm kế hoãn binh bằng cách xin để đến sang năm, sau Tết. Hồ Hi đã tự chế và chuẩn y việc Lý Phật Tử xin trì hoãn ngày về triều diện kiến vì tin rằng ông vẫn giữ được lòng trung thành của Lý Phật Tử. Chính vì việc này nên có người vu cáo về bắc triều rằng ông đã nhận hối lộ của Lý Phật Tử nên triều đình nghi ngờ ông và Lý Phật Tử đã thông đồng với nhau. Khi Lý Phật Tử công khai nổi loạn vào đầu năm 602 thì Hồ Hi bị bắt và giải về Bắc nhưng vì tuổi già sức yếu ông mất ở dọc đường.

Sau khi công khai chống lại nhà Tùy, Lý Phật Tử đã chứng tỏ sự độc lập của Giao Châu bằng cách cho dời đô về thành Cổ Loa. Kinh đô cũ ở Chu Diên thì ông giao cho tướng Lý Phổ Định trông coi, và một mặt ông sai Lý Đại Quyền, cháu ông, về giữ thành Long Biên. Vì hai thành này đều nằm ở trung tâm Giao Châu, nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của Trung Quốc nên quyết định dời về Cổ Loa và Long Biên của Lý Phật Tử có lẽ là một quyết định sáng suốt và có ý nghĩa. Theo sử liệu của Việt Nam thì vùng này xưa là đất Cổ Loa và Vũ Ninh là địa điểm nằm ở phần Đông Bắc đồng bằng sông Hồng. Sử liệu Việt Nam cũng nói rằng trước kia Triệu Quang Phục đã từng cai trị từ “hai nơi” đó, tức Cổ Loa và Vũ Ninh.
Giờ đến Lý Phật Tử, ông cũng muốn chứng tỏ như thế bằng cách dời đô về “hai nơi” đó: Cổ Loa và Vũ Ninh. Xét về mặt địa hình nắm được Cổ Loa và Vũ Ninh là kiểm soát được toàn bộ khu vực ăn thông với nhau về cả địa lý và văn hoá. Cả hai thành Luy Lâu và Long Biên cùng nằm trong khu vực này, kể cả những chùa chiền có liên hệ đến sư tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi và đồ đệ thân tín nhất của ông là Pháp Hiển Thượng Sĩ.

Suốt 30 năm dài kể từ lúc Triệu Quang Phục bị đánh đổ cho đến lúc Lý Phật Tử đứng lên tiếp nối chống lại nhà Tùy, vùng này, tức là trung tâm xưa nay vẫn chịu ảnh hưởng của bắc triều và được hưởng một quy chế đặc biệt khi Lý Phật Tử còn ở Ô Diên, Tây Nam sông Hồng. Cuộc viễn chinh của Nguyễn Trác năm 570 có thể đã để lại một số những thương nhân và những kẻ phiêu lưu mạo hiểm đến từ miền Bắc Trung Quốc. Những người này, và một số ít nhân dân còn trung thành với Triệu Quang Phục có thể đã không muốn Lý Phật Tử dời đô về Cổ Loa. Đồng thời, cộng đồng Phật Giáo cũng đang phát triển và có thể có người ra làm việc với chính quyền địa phương ở đó. Chưa kể đến những người của nhà Trần, rồi của nhà Tùy, có thể vẫn còn lưu trú ở đây với tư cách đại diện thương mại hay quan sát viên chính trị. Thành ra khu vực này trở thành một vùng trái độn chính trị và văn hoá mà ở đó, cộng đồng Phật Giáo phát triển mạnh dưới sự canh chừng của những lãnh tụ Việt Nam cũng như của các quan chức bắc triều. Bằng cách công khai nắm quyền kiểm soát vùng ấy, Lý Phật Tử đã chứng tỏ một cách rõ ràng ý chí độc lập tự chủ của ông.

Hành động đầu tiên của nhà Tùy là hỏi ý kiến của Dương Tố, người nổi tiếng là một chuyên gia quân sự cao cấp có nhiều hiểu biết về vùng biên giới phía Nam do cuộc chinh phạt của ông năm 590. Dương Tố tiến cử Lưu Phương và giúp lập kế hoạch viễn chinh mà trong đó ý kiến của Lưu Phương tiến xuống Giao Châu qua ngả Vân Nam dường như có ý kiến của Dương Tố. Quyết định tiến quân qua ngả Vân Nam là để tăng cường yếu tố bất ngờ vì nếu cứ đi theo con đường cổ truyền qua Quảng Tây và Quảng Đông vào Giao Châu thì mỗi bước đi đều bị Lý Phât Tử theo dõi. Lưu Phương lên đường từ Tràng An ở Bắc Trung Quốc với một đạo quân 27 tiểu đoàn. Mặc dầu là một tướng rất kỷ luật và nghiêm khắc, Lưu Phương lại được tiếng là rất bình dân với tướng sĩ của mình vì ông rất quan tâm đến những người đau ốm hay bị thương tích. Sau khi đi qua Tứ Xuyên, Lưu Phương đưa quân lên vùng cao của Vân Nam. Đến đây, viên chức coi việc dân sự ở trung tâm bị ốm nặng nên không đi được nữa. Vì muốn đến Giao Châu trước khi Lý Phật Tử biết được tin tức di chuyển của ông, nên Lưu Phương để một số quân sĩ ở lại với viên chức bị đau ấy và tiếp tục lên đường với những quân tinh nhuệ nhất. Tới đèo Đỗ Long, một vùng ẩm ướt đầm lầy, giữa vùng sông Tích và sông Chảy nơi có đặt trạm tiền phương của khoảng 2.000 quân của Lý Phật Tử, Lưu Phương vội cho quân đi đường khác để tránh, và xuôi dòng sông Chảy mà tiến một cách bất ngờ vào tận trung tâm sát nơi Lý Phật Tử đóng đô. Vì không chuẩn bị để có thể chống lại một cuộc tấn công bất ngờ như thế, Lý Phật Tử đành nghe theo lời kêu gọi đầu hàng của Lưu Phương. Lý Phật Tử bị bắt giải về kinh đô nhà Tùy và chết già ở đó. Các cố vấn và bộ hạ của ông, “những người tàn bạo và gian dối xảo quyệt” theo lời người [Trung Quốc] viết hồi ký cho Lưu Phương, đều bị đem chém để ngăn ngừa hậu hoạn.

VIỄN ẢNH THẾ KỶ VI

Trong những chương đầu, chúng ta đã theo dõi sự vươn lên của các gia đình địa phương có thế lực ở Giao Châu. Đến đầu thế kỷ 6, những gia đình có thế lực ở địa phương này hầu như đã đạt được tự chủ hoàn toàn đối với triều đình Trung Quốc. Sau đó, khi Trung Quốc có ổn định chính trị trong thời gian trị vì lâu dài của Lương Vũ Đế, thì bắc triều lại tìm cách can thiệp vào các công việc của địa phương Giao Châu và hậu quả là việc nổi dậy đòi độc lập tự chủ của Lý Bí.

Lý Bí tiêu biểu cho sự phát triển tất nhiên và hợp lý của lớp cầm quyền địa phương thời kỳ đó. Lớp cầm quyền như vậy không thể làm gì hơn được là ganh đua với chính giai cấp thống trị ở Trung Quốc. Lý Bí cũng biết xưng đế, cũng lập một niên hiệu và tổ chức một triều đình theo kiểu Trung Quốc. Mặc dù cuộc trải nghiệm này chỉ kéo dài được có vài năm, nhưng nó đã khai mở nguồn cảm hứng và khát vọng về độc lập tự chủ cho những người Việt Nam nhiều thế kỷ sau đó.

Cuộc viễn chinh của Trần Bá Tiên đã đẩy các lãnh tụ nổi dậy địa phương vào hai phía: một bên là rừng núi với người Lao và một bên là vào vùng đầm lầy. Họ Lý chạy vào rừng núi và làm cho mọi người biết đến mình vì ông đã tự xưng làm vua và lãnh đạo cuộc chiến chống Trần Bá Tiên. Họ Triệu thì không được các sử gia Trung Quốc nhắc đến mặc dù ông đã được xã hội đông dân cư ở đồng bằng che đậy trong lối đánh du kích điển hình. Triệu Quang Phục gây dựng những quan niệm về vương quyền mang bản sắc địa phương trong khi Lý Bí thì cũng xưng vương nhưng theo những lý tưởng chính trị của bắc triều.

Thời kỳ này các lãnh đạo địa phương chỉ cần bắt chước một chút các hình thức Trung Quốc cũng gây phản cảm nơi dân Việt bản xứ vì họ đã quá chán ngán cái ách thống trị của bắc triều qua bao nhiêu thế kỷ. Do đó chất xúc tác duy nhất để có thể giúp người Việt ngồi lại với nhau chính là Phật Giáo, tôn giáo đã có vị thế vững chắc ở cả Trung Quốc và Việt Nam.

Phật Giáo Việt Nam đã trải qua ba thế kỷ phát triển với những nét đặc thù của người bản xứ. Mặt khác, Phật Giáo Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều khi tiếp xúc với Phật Giáo ở nhiều nơi, đặc biệt là với Phật Giáo Trung Quốc. Triều đại Lý Phật Tử và việc sáng lập giáo phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đến vào lúc kết thúc một thế kỷ đặc biệt sáng tạo trong lịch sử Việt Nam như một viên gạch lót đường cho việc tiến dần tới độc lập tự chủ trong thế kỷ 10 và 11.

Thế kỷ 6 là một bài toán hóc búa cho các sử gia vì vừa phải đánh giá các nguồn sử liệu, vừa phải tìm cách giải thích những sự kiện nhiều khi quá mông lung như thế. Sự thiếu vắng những tài liệu về phía Trung Quốc buộc chúng ta phải xem xét những nguồn sử liệu Việt Nam, nhưng điều rõ rệt là sử liệu Việt Nam lại cung cấp những nguồn tin khác hẳn với nguồn sử liệu Trung Quốc. Thay vì bác bỏ các sử liệu Việt Nam vì không thể phối kiểm hoặc đối chiếu với sử liệu của Trung Quốc, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu xem những tài liệu ấy nói gì, vì rõ ràng các sử gia Trung Quốc không biết được những gì đã diễn ra sau đó tại Việt Nam trong suốt thời gian từ lúc Trần Bá Tiên trở về Bắc vào năm 548 cho đến khi Lưu Phương đem quân tiến xuống miền Nam và đánh bại Lý Phật Tử vào năm 602.

Những thông tin được nói đến trong sử liệu Việt Nam đã được truyền lại đời này đến đời kia thêm ba thế kỷ nữa dưới ách thống trị của Trung Quốc trước khi họ được ghi lại một cách chính thức khi họ giành được độc lập thực sự vào thế kỷ thứ 10. Các sử liệu này được lưu trữ trong đền thờ các danh nhân như đền thờ Lý Phật Tử, đền thờ Triệu Quang Phục, hay những người khác có công với đất nước ở cấp thấp hơn. Những người ấy là những anh hùng liệt nữ mà tiểu sử của họ đã sống vượt thời gian và được kể lại tỉ mỉ từ qua nhiều thế hệ. Những anh hùng liệt nữ này tiêu biểu cho một tư duy bản xứ về quyền lực trong văn hoá Việt Nam.

Khi đi tìm ý nghĩa của thế kỷ 6 đối với lịch sử Việt Nam chúng ta cần phải nhìn vào cả quá khứ lẫn tương lai. Những biến cố xảy ra trong khoảng thời gian này được coi như một cánh cửa mà người Việt Nam, từ cái thời phải chịu ách thống trị của Trung Quốc, băng qua bao nhiêu thế kỷ để tiến tới thời kỳ độc lập. Lý thuyết về quyền lợi chính trị được cho là của Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử thật ra đã có từ thời văn hoá Lạc trong tiền sử. Lạc Long Quân trở về từ biển, trao cho con dân một cái móng, tượng trưng cho quyền lực của mình, hầu bảo vệ đất nước. Việc sở hữu một cái móng rồng sau đó càng làm rõ nét hơn sự nổi dậy kế tiếp của Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử. Việc chuyển cái móng từ người này qua người khác là theo một khuôn mẫu huyền tích sẵn có về hôn nhân và phản bội.

Nhìn từ một khía cạnh khác, sự tiến hoá chính trị theo 3 giai đoạn của Việt Nam trong thế kỷ 6 là một điềm báo trước cái gì nhất định sẽ phải đến vào thế kỷ 10 và 11, khi nền độc lập được thành tựu và củng cố. Giai đoạn một, các đại gia đình lớp thượng lưu mà phần lớn di cư từ miền Bắc đã nổi dậy giành độc lập, cắt đứt giây ràng buộc với bắc triều mặc dầu vẫn duy trì những nét văn hoá và chính trị theo kiểu Trung Quốc. Giai đoạn 2, lớp thượng lưu bị thách thức bởi sự xuất hiện của các lực lượng bản xứ; những lực lượng này ủng hộ những truyền thống mang nét đặc thù Việt Nam về quyền hành. Giai đoạn ba, cộng đồng Phật Giáo nổi lên như một trung gian giữa hai quan điểm ấy. Ba giai đoạn này theo thứ tự lần lượt được lập lại trong thời kỳ bắt đầu nền độc lập và tượng trưng một tiến trình thích hợp mà nhiên hậu là gạt bỏ quyền lực Trung Quốc.

Chính vì thiếu các thông tin chắc chắn về thế kỷ 6 khiến chúng ta đề cao khả năng phân tích và tổng hợp của các sử gia nhằm phản ánh được cả quá khứ lẫn tương lai và đồng thời để có thể trình tự hoá được những biến cố. Nhưng chúng ta cũng phải khẳng định rằng đã có một dạng sử theo kiểu lưu truyền trong trí óc của tập thể Việt Nam thời đó. Chúng ta cũng không thể cho rằng trong hơn một nửa thế kỷ được tự do, thoát khỏi bàn tay thống trị của Trung Quốc mà Việt Nam lại không có gì đáng ghi nhớ xảy ra. Những nguồn sử liệu Việt Nam nhất định phải phản ánh những biến cố thực sự một cách chi tiết hay ít nhất cũng phải qua những nét đại cương.

Đoạn văn được trích dưới đây để kết thúc thời kỳ mà Việt Nam đang tìm cách thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc, sau này đã làm hài lòng không ít những nhà đạo đức trong bao nhiêu thế kỷ. Dương Tấn, người sáng lập nhà Tùy, thường nghe kể lại số của cải khổng lồ mà Trung Quốc đã tước đoạt của nước Lâm Ấp vào năm 446, nên rất muốn một ngày nào đó được trang hoàng vương triều của ông bằng những kho tàng châu báu lấy được của vương quốc miền
Nam xa lạ ấy. Sau khi Lưu Phương lấy được Giao Châu, Dương Tấn ra lệnh cho ông tiến xuống chinh phục Lâm Ấp lần nữa. Nhưng vị vua này đã không sống lâu đủ để có thể nếm thành quả của cuộc chinh phục ấy vì ông mất vào năm 604, trước khi cuộc viễn chinh bắt đầu.

Tuy nhiên đến năm 605, Lưu Phương tiến quân xuống Nam và sau trận chiến thường lệ bằng voi, đã chiếm được kinh đô Lâm Ấp ở vùng Trà Kiệu, gần Đà Nẵng ngày nay. Đúng như Trung Quốc mong đợi, chiến lợi phẩm mà họ cướp được hằng hà sa số gồm có 18 tấm bia bằng vàng để thờ làm bài vị 18 vị vua tiền nhiệm của người Lâm Ấp, một thư viện Phật Giáo gồm 1350 bộ kinh viết bằng chữ địa phương và một dàn nhạc của một vương quốc ở lưu vực sông Cửu Long.

Sau khi dựng tấm bia kỷ niệm chiến thắng của mình, Lưu Phương kéo quân về, mang theo toàn bộ chiến lợi phẩm lấy được. Nhưng dọc đường, bệnh dịch hoành hành đã tàn sát hết đạo quân Tùy và thần Chết cũng không tha cả Lưu Phương. Định mệnh dường như đã trừng phạt đích đáng một cuộc chinh phạt vô cớ mà động lực chính chỉ là lòng tham vô đáy.

Lời phê bình có lẽ sâu sắc và thấm thía nhất về chuyện động binh vì tham lam này là của vị vua nho học uyên bác nhưng không có thực quyền của Việt Nam là Tự Đức (1847-1883) vì lúc đó giang sơn đất nước ông đang bị người Pháp chiếm, vua Tự Đức viết:

“Quân đội là một dụng cụ tàn ác mà, cực chẳng đã, người khôn buộc phải dùng đến để chống lại bạo ngược hay để bảo đảm cho dân chúng được sống trong cảnh thái bình. Cứ xét như thế thì làm sao người ta có thể cho phép mình chạy theo những ham muốn dơ bẩn về của cải, làm sao có thể cho phép mình một sự thoải mái mà gây ra cảnh thương tâm đau khổ cho người khác phải chịu, và tàn phá sức mạnh của cả một quốc gia? Cổ nhân đã nói: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Tưởng không cần phải giải thích thêm về câu này, bằng chứng hùng hồn là việc tướng quân nhà Tùy [người đem quân đi cướp bóc Lâm Ấp] đã không tránh khỏi cái chết và cả triều đại nhà Tùy rồi cũng sụp đổ sau đấy không bao lâu. Đây là một bài học có giá trị cho các sĩ tử suy ngẫm về cách sử dụng quân đội sao cho đích đáng”.

Phản ứng của vua Tự Đức hết sức rõ ràng và nghiêm khắc. Có lẽ ông đã hiểu rất rõ rằng chính vì lòng tham lam của Trung Quốc cũng như của Pháp đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Lời lên án uyên thâm của vua Tự Đức đã trở thành “kinh nhật tụng” cho giới sĩ phu Việt Nam khi họ lui về ở ẩn đọc sách [thay vì nổi dậy] trong thế kỷ 19 trước ách xâm lược của thực dân Pháp. Lời lên án này không phải không có căn cứ nếu chúng ta nhìn lại lịch sử Việt Nam. Điều mà vua Tự Đức phê phán về cuộc chinh phục Lâm Ấp của nhà Tùy cũng được phô bày rõ ràng trong chính sách đô hộ của các triều đại Trung Quốc trước đó đối với Việt Nam, và cho cả chính sách thuộc địa của nước Pháp vào chính thời ông đang sống.

Mặc dù hứa hẹn về một nền độc lập của Việt Nam thế kỷ 6 đã bị mai một bởi việc hồi sinh của quyền lực Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, đây là việc làm sống lại nền văn hoá Đại Hán bằng việc đi khai hoá các dân “man di mọi rợ” ở phương Nam. Đối với Việt Nam thì đó lại là thời kỳ mà sự thèm khát ngàn đời của Trung Quốc đối với phương Nam lại vừa sống dậy. Về lâu dài các thử thách trong việc mưu tìm độc lập tự chủ của người Việt, mặc dù bất thành, trong thế kỷ 6 vẫn được bảo tồn và tiếp nối. Tuy nhiên các truyền thống tốt đẹp này thường không được kế thừa bởi các tầng lớp thượng lưu và giới sĩ phu vì, như vua Tự Đức, họ thích nghiền ngẫm kho sách [lý thuyết] hơn là quân đội [các giá trị thực tiễn] mà họ đã được thừa hưởng từ những cuộc đấu tranh giành độc lập của các anh hùng liệt nữ vậy.

Tác giả: Keith Weller Taylor
Chuyển ngữ: Lê Hồng Chương
Source: Damau.org