Tin tức về vụ tàu Cheonan

Tổng thống Lee Myung-bak thăm hỏi gia đình người thợ lặn hy sinh khi cứu nạn tàu Cheonan

Việc trục vớt tàu Cheonan có tiến triển tốt

Ngày 5/4, ông Lee Ki-sik Trưởng ban Tình báo tác chiến Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc cho biết: đến ngày 9/4 sẽ hoàn tất giai đoạn 1 trong số 5 giai đoạn trục vớt tàu Cheonan.

Ảnh chụp ngày 5/4: cần trục 2200T (bên trái) cùng chiếc xà lan sẽ chở phần đuôi tàu Cheonan; thợ lặn trên các xuồng cao su đang làm nhiệm vụ thăm dò trạng thái dưới đáy biển.

Hiện nay cần trục loại 2200T làm nhiệm vụ vớt phần đuôi thân tàu đã thả xong 4 chiếc neo cố định, các thợ lặn đang liên tục xuống nước xác nhận trạng thái đuôi tàu và trạng thái đáy biển. Ngày 8/4, cần trục Daewoo 3600 (loại 3600 tấn) sẽ đến hiện trường làm công việc trục vớt phần đầu thân tàu Cheonan.

Tiếp sau sẽ làm các công việc: nối cần trục với thân tàu; trục vớt thân tàu; xả hết nước trong thân tàu; tìm kiếm người mất tích; kéo thân tàu về căn cứ.

Ông Lee cho biết đã có kết quả bước đầu trong việc tìm kiếm các mảnh vụn (của ngư lôi hoặc thuỷ lôi) dưới đáy biển. Đây là bước rất quan trọng để xác định nguyên nhân đắm tàu. Ông nói: “4 tàu dò mìn đã phát hiện hơn 10 địa điểm có mảnh vụn tại gần nơi tàu chìm và đã đánh dấu các địa điểm đó. Dự định Đội Cứu nạn hải quân SSU và Đội phá nổ dưới nước UDT sẽ xác nhận các mảnh vụn này.”

Ngày 5/4, tướng Walter Sharp Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc nói với ông Lee Sang-eui Chủ tịch Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc là cuối tuần sau, một nhóm chuyên viên giỏi nhất về tai nạn biển của Mỹ sẽ đến Hàn Quốc làm việc. Washington đã đồng ý với đề nghị cho phép gửi nhóm chuyên viên này sang Seoul. Họ sẽ cùng phía Hàn Quốc làm thí nghiệm mô phỏng vụ nổ gây chìm tàu Cheonan và điều tra phân tích các mảnh vụn tìm thấy có phải là mảnh vụn của ngư lôi hoặc thuỷ lôi Bắc Triều Tiên hay không.

Ngoài ra một nhân viên chính phủ Hàn Quốc nói nếu cần Hàn Quốc sẽ đề nghị Anh và Pháp tham gia việc điều tra này.

Hàn Quốc huỷ bỏ việc cứu binh sĩ mất tích trên tàu Cheonan

Bản tin tiếng Anh lúc 20h28 giờ GMT ngày 3/4 của BBC:

Theo tin của Hãng Thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), người phát ngôn Hải quân Hàn Quốc nói:

“Chúng tôi huỷ bỏ hoạt động cứu nạn (tàu Cheonan)... vào 23 h tối (tức 14h00 GMT thứ Bảy 3 /4), thể theo yêu cầu của các thân nhân người mất tích” ... “Từ Chủ nhật chúng tôi sẽ tập trung trục vớt thân tàu.”

Thân nhân các binh sĩ hải quân tàu Cheonan mất tích đề nghị quân đội ngừng tác nghiệp cứu nạn do lo ngại có thêm thương vong trong quá trình cứu nạn.

Trước đó, lực lượng cứu nạn hy vọng sẽ tìm thấy những người mất tích bị mắc kẹt trong khoang tàu không thấm nước trên tàu. Theo hãng Thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ngày 3/4, thợ lặn đã tìm được thi thể một binh sĩ mất tích. Đó là sĩ quan Nam Ki-Hoon. Đây là binh sĩ mất tích duy nhất đã tìm thấy kể từ hôm tàu đắm (21h30 tối 26/3). Sau khi biết tin Nam Ki-Hoon đã chết, các thân nhân người mất tích đã yêu cầu ngừng việc cứu người trên tàu Cheonan

Rõ ràng, việc cứu tính mạng 46 binh sĩ mất tích trên tàu chiến Cheonan chắc chắn là vô ích. Họ không thể còn sống tới lúc này, vì khoang tàu họ có mặt lúc tàu đắm dù được bọc kín nước biển không lọt vào được, nhưng chỉ đủ ô-xy cho họ thở hít trong chưa đầy 3 ngày; mà tàu đắm đã 1 tuần. Trên thực tế ngoài 1 thợ lặn hải quân chết vì áp lực nước khi xuống nước sâu để cứu người mắc kẹt trong tàu chìm, tối ngày 3/4 còn vớt được xác 1 người; qua xác nhận, đây là thuỷ thủ của tàu cá tham gia hoạt động cứu hộ. Đó là tàu 98GeumYang loại 100 T, trên tàu có 9 người, gồm 7 người Hàn Quốc (kể cả thuyền trưởng) và 2 người Indonesia.

Báo chí Hàn Quốc kêu gọi dân bình tĩnh trước vụ tàu Cheonan

Nhật báo Đông Á (Dong-a ilbo, của Hàn Quốc) ngày 30/3 và 1/4 liên tục đăng xã luận kêu gọi người dân Hàn Quốc, giới truyền thông và các chính đảng, đoàn thể nước này bình tĩnh xem xét tình hình và phát ngôn thận trọng để không gây khó khăn cho công tác cứu nạn tàu Cheonan và việc xác định phương án giải quyết vụ này.

Xã luận ngày 1/4 viết: Tàu Cheonan bị đắm đã 5 ngày nhưng vẫn chưa tìm thấy 46 thuỷ thủ mất tích. Vì hiện nay chưa chứng minh được nguyên nhân tai nạn nên dân chúng Hàn Quốc vô cùng tức giận. Nhiều người lên án quân đội không có biện pháp giải quyết hữu hiệu ngay từ đầu. Trong dư luận liên tục xuất hiện những suy đoán chủ quan. Hiện có nhiều quan điểm về nguyên nhân tai nạn. Trong giới chính trị đã hình thành sự đối lập giữa đảng cầm quyền với các đảng đối lập về thành phần Uỷ ban đặc biệt điều tra sự thật (vụ tàu Cheonan).

Tuy thời gian đầu chưa làm tốt công việc ứng phó nhưng hiện nay quân đội đang gắng hết sức cứu người mất tích. Thậm chí trong tình hình không có thiết bị lặn mà các thợ lặn quân đội vẫn liều mình lặn xuống cứu nạn, nếu không có tinh thần xả thân vì nước thì không ai làm như vậy (1 chuẩn uý thợ lặn đã hy sinh do không chịu được áp lực nước khi lặn). Tổng thống Lee Myung-bak đã 4 lần họp các quan chức cấp cao liên quan và đích thân ông đến tận nơi tàu đắm và lên đảo Baeknyeong thị sát tình hình cứu nạn.

Hiện nay phương án giải quyết tốt nhất là tiến hành điều tra chính xác. Không thể chấp nhận cách hành động dựa vào suy đoán để ấn định phương án giải quyết. Nếu đúng là do Bắc Triều Tiên gây ra thì tới lúc đó sẽ bàn phương án trừng phạt. Nếu họ xâm nhập lãnh hải Hàn Quốc và phá hoại tàu của ta, làm chết binh sĩ ta thì Hàn Quốc quyết không dễ dàng bỏ qua. Chính phủ nên xét tất cả mọi khả năng, chuẩn bị phương án đối phó khả thi.

Nhưng chứng minh nguyên nhân tai nạn là việc không dễ, trục vớt tàu và tiến hành điều tra cần 1 đến 2 tháng. Nếu theo kết quả điều tra, cứ cho rằng tàu Cheonan chìm là do ngư lôi hoặc thuỷ lôi đi nữa, cũng rất khó chứng minh vụ này có liên quan tới Bắc Triều Tiên. Sở dĩ chính phủ không nhắm mắt làm bừa, chính là do nguyên nhân ấy.

Trong tình hình đó, phương án tốt nhất là ra sức cứu người mất tích, chờ chính phủ và quân đội sớm tìm ra nguyên nhân. Thái độ suy luận chủ quan và hung hăng gây sức ép (của một số người, giới truyền thông và đoàn thể, chính đảng) đều không có lợi cho việc giải quyết vụ này.

Xã luận Nhật báo Triều Tiên (Chosun ilbo, Hàn Quốc) ngày 2 /4 viết: trong tình hình nước sôi lửa bỏng như đang ở thời chiến hiện nay, một số dân mạng Hàn Quốc nặc danh tung lên mạng những lời lẽ đầy ác ý công kích chính phủ và quân đội Hàn Quốc. Một số báo đài tung tin sai sự thật gây hoang mang dư luận. Thậm chí đảng đối lập còn đòi thay lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Hải quân. Bài báo kêu gọi mọi người kiềm chế tình cảm, bình tâm xem xét tình hình, chứng tỏ phẩm chất người dân Hàn Quốc lúc đất nước gặp nguy biến.

Nhật báo Đông Á ngày 30/3 đăng bài Dù khẳng định thuỷ lôi là nguyên nhân tai nạn, cũng rất khó chứng minh là do Bắc Triều Tiên gây ra. Bài báo viết: Do chưa tìm ra nguyên nhân đắm tàu Cheonan nên vụ tai nạn này có thể mãi mãi là một bí ẩn. Muốn biết thuỷ lôi do ai bố trí thì phải tìm được mảnh thuỷ lôi, nhưng tìm mảnh vụn dưới lớp bùn đáy biển là việc vô cùng khó. Chỉ dựa vào nhân chứng thì không thể tìm ra hung thủ mà phải có vật chứng chính xác. Vụ tai nạn tàu Cheonan khiến dư luận liên tưởng đến vụ chiếc máy bay Boeing 707 chuyến bay KAL858 của Hàn Quốc chở 115 người phát nổ rơi ngày 29/11/1987 trên bầu trời Myanma, nếu không bắt ngay được hung thủ thì nguyên nhân vụ máy bay rơi này sẽ mãi mãi là một bí ẩn [1].

Các báo Hàn Quốc đưa tin: vì tàu Cheonan chìm xuống vùng bùn lầy, nước đục ngầu nên tầm nhìn (của thợ lặn) chỉ có 30 cm. Cửa vào thân tàu bị biến dạng hẹp lại, người không chui vào được. Ngoài ra tàu nằm nghiêng 90 độ, lối đi trên tàu chìm trong bùn nên (thợ lặn nếu có vào đến nơi) cũng không thể đi được. Cách duy nhất để vào trong tàu là khoan lỗ. Nhưng thân tàu này có 100 khoang độc lập ngăn nước, nếu khoan lỗ từng khoang thì rất lâu. Lúc tàu phát nổ có 21 thuỷ thủ đang ở trong phòng ngủ, là một khoang bọc kín, nước không vào được. Không khí trong khoang này có 17% ô-xy, chỉ đủ cho 21 người này thở trong 69 giờ đồng hồ (chưa đến 3 ngày). Thời hạn này đã hết. Người thân của các binh sĩ mất tích vô cùng đau thương trước việc cứu nạn chưa có kết quả gì. Hàn Quốc đã tập trung 18 tàu (có 3 tàu cảnh giới) và 154 thợ lặn đến cứu nạn tàu Cheonan. Quân đội Mỹ cũng cử 4 tàu và 15 thợ lặn tới tham gia cứu. Nhưng vì sóng to, nước lạnh, không đạt tiêu chuẩn lặn nên thợ lặn Mỹ cho đến ngày 31 chưa ai xuống nước, tuy thợ lặn Hàn Quốc vẫn dũng cảm xuống.

Nguyễn Hải Hoành tổng hợp

Nguồn:

- http://china.donga.com/
- http://english.donga.com/
- http://chn.chosun.com/
- http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/8602302.stm (bản tin lúc 20h28 GMT 3 /4)
- http://www.france24.com/en/20100403-south-korea-warship-sunk-body-recovered-rescue-north-korea

[1Hung thủ chính là một nữ điệp viên Bắc Triều Tiên đặt mìn hẹn 9 giờ sau sẽ nổ vào túi hành lý gửi kèm máy bay, khi máy bay đỗ giữa đường để tiếp dầu, hung thủ xuống sân bay không trở lại. Vụ này nhằm phá Thế vận Olympic Seoul 1988 (khai mạc 17/9/1988).