Trang nhà > Bạn đọc > Nhà báo > “Lá cải sạch” và "lá cải bẩn”
“Lá cải sạch” và "lá cải bẩn”
Thứ Ba 27, Tháng Tư 2010
Báo lá cải là gì? Tại sao lại là “lá cải” chứ không phải là “lá tre”, “lá ổi”...? Do khổ tờ báo to bằng lá cải? Do báo sau khi đọc xong chả có giá trị gì ngoài việc gói rau và một ngày sau nội dung bốc mùi rau cải?
Cãi nhau về định nghĩa “lá cải”
Có một cách giải thích này nghe có vẻ xuôi tai: phần lớn báo chí Sài Gòn trước giải phóng có các bài viết do ký giả tự săn tin và viết thì ít mà do ban biên tập “sưu tầm” từ những nguồn “đáng tin cậy” để dán vào tờ báo, giống như chọn từ mỗi chiếc bắp cải một lá cải đẹp bỏ vào nồi nấu, cho thêm gia vị, rồi bê tô cải “đậm đà hương vị” ra cho thực khách.
“Báo lá cải” đối với người Việt Nam là một danh từ chỉ những tờ báo có nội dung nhảm nhí, giật gân, phóng đại mọi chuyện, ngồi lê đôi mách, khai thác chuyện đời tư và scandal của các nhân vật nổi tiếng nhằm mục đích câu khách.
Nhiều người nghĩ rằng ở phương Tây người ta gọi “báo lá cải” là “tabloid”. Thực ra không hoàn toàn đúng như vậy. “Tabloid” là từ để chỉ các tờ báo ngày khổ nhỏ, báo tuần, tạp chí, (A3 trở xuống) dùng để phân biệt với những tờ báo khổ lớn (A2) “broadsheet”. Thường thì “tabloid” có nội dung bình dân hơn, đăng những chuyện nhạy cảm hơn trong khi “broadsheet” có nội dung mang tính chính luận, hướng đến các độc giả có tri thức hơn.
Thực ra, giờ đây chỉ có những tờ báo chính luận rất bảo thủ ở phương Tây mới giữ khổ báo A2, còn thì chuyển qua in khổ “tabloid” A3 hết, để cầm đỡ mỏi tay, để đỡ choán chỗ ở tàu điện ngầm, xe bus hay bàn ăn sáng. Và hầu hết các tờ chính luận đều tăng số lượng phát hành nhờ việc chuyển từ khổ A2 sang khổ A3. Ta có thể gọi các tờ báo chính luận ở nước Anh như The Times, The Guardian hay The Independent là “tabloid” nhưng ta không thể gọi những tờ báo đó là “lá cải” được.
“Cải sạch” và “cải bẩn”
Còn những “báo lá cải” thật sự? Có thể kể đến tên các tờ báo rất nổi như The Sun, Daily Star, Daily Mirror, Daily Sport, Daily Mail, Daily Express, News of the World ở Anh hay Bild ở Đức, Kronen Zeitung ở Áo. Ngay trong hàng ngũ “lá cải” cũng có phân loại “cải sạch” và “cải bẩn”.
Ví dụ Daily Mail và Daily Express cũng giật gân, câu khách nhưng bài viết có độ tin cậy lớn hơn thì được xếp là “cải sạch”, những tờ kiểu này có nền đen ở manchette. Những tờ tự xếp mình vào hạng “cải bẩn” cùng chung một dấu hiệu: có nền đỏ ở manchette, như The Sun, Daily Star, Daily Mirror... Nhiều người gọi các tờ “cải bẩn” này bằng từ rất miệt thị: “gutter press”, có nghĩa là “báo cặn bã”.
Tất nhiên là những tờ báo này chẳng phiền muộn vì bị gọi như vậy. Càng “lá cải” họ càng ăn nên làm ra vì đối tượng của họ là tầng lớp bình dân luôn chiếm số đông trong xã hội và những chuyện ngồi lê đôi mách, giật gân, những tấm hình nóng bỏng, những cách nhìn nhận hiện tượng xã hội trên các quan điểm khác lạ luôn thu hút tầng lớp này.
Chẳng thế mà Bild hằng ngày bán được hơn 4 triệu bản, The Sun bán được trung bình mỗi ngày 3 triệu bản, Daily Mail là 2 triệu bản trong khi các báo chính thống The Daily Telegraph, The Times, The Guardian chỉ có số lượng phát hành lần lượt là 680 ngàn, 500 ngàn và 350 ngàn bản/ngày. Tại Áo, tờ Kronen Zeitung khổ A4 bán mỗi ngày được 2 triệu bản trong khi đất nước Trung Âu này chỉ có 8 triệu dân.
Ở Mỹ, đình đám nhất trong làng cải là tờ báo tuần The National Enquirer. Hầu hết các nhân vật nổi tiếng trên thế giới đều đã từng xuất hiện trên tờ báo này với bộ mặt tiêu cực. Có người còn nói vui rằng nếu bạn chưa xuất hiện trên tờ này thì bạn chưa phải là người nổi tiếng. Đây là tờ đầu tiên khui ra nghi án ngôi sao bóng bầu dục O.J Simpson giết vợ và người tình của vợ, rồi scandal tình ái giữa cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và cô thư ký tập sự Monica Lewinsky...
Tháng 1.2009, The National Enquirer đưa ra câu chuyện sức khoẻ của vua nhạc pop Michael Jackson rất kém và ông chỉ sống được 6 tháng nữa, đó là một dự đoán trúng phóc. Gần đây nhất, tờ báo tuần này thắng lớn khi là tờ đầu tiên khui ra scandal tình ái của tay golf số 1 thế giới Tiger Wood với cô gái bán bar Rachel Uchitel, rồi sau đó hàng chục cô gái khác lũ lượt kéo đến tờ báo để kể về mối quan hệ của họ với tay golf này...
Minh Phong (TNTT>)
Lá cải: không tha bất cứ ai!
Mục tiêu hàng đầu của các tờ báo lá cải là lợi nhuận. Họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để có nguồn tin và những bức ảnh độc. Nhờ họ mà nghề săn ảnh paparazzi rất phát triển. Một tay paparazzi chỉ cần săn được một bức hình ngực trần của một người nổi tiếng trên bãi biển hay cảnh chơi bời trác táng của một cầu thủ bóng đá trong hộp đêm là có thể sống ung dung cả tháng.
Các báo lá cải và các tay săn hình không tha đối tượng nào. Chính các tay săn ảnh đã gián tiếp gây nên cái chết của công nương nước Anh Diana cách đây 13 năm. Đến cả nữ thủ tướng Đức Angela Merkel họ cũng không bỏ sót khi công bố bức ảnh bà thay đồ bơi trong một kỳ nghỉ mát cách đây 4 năm.
Ngày trước, việc săn hình đám cưới của các ngôi sao là hợp pháp nhưng sau này, luật pháp không cho phép các báo lá cải làm việc đó nữa nên họ phải chuyển qua mua bản quyền đăng hình của các ngôi sao. Chính vì cuộc chạy đua để có những tấm hình độc giữa các tờ báo mà giá cả bị đẩy lên chóng mặt. Ví dụ, năm 2006, để có tấm hình của Shiloh Nouvel Jolie-Pitt, con gái ruột đầu lòng mới sinh của cặp diễn viên nổi tiếng Brad Pitt và Angelina Jolie, tạp chí People (Mỹ) đã phải trả cho cặp diễn viên này 4,1 triệu USD. Năm 2005, tạp chí OK! đã trả 3 triệu USD để có sê-ri hình cưới của “đôi đũa lệch” ở Hollywood, Demi Moore và Ashton Kutcher.
Hoài Thu
Vua đầu bếp, tinh chế ngôn ngữ
Báo lá cải là "vua đầu bếp" trong cách xài thông tin. Họ biết khả năng xào nấu của mình. Không phải có bao nhiêu tin là họ quăng lên mặt báo. Họ biết tiết kiệm nguồn tin, đẩy lên “ăn” từ từ. Tờ News of the World có sẵn trong tay tư liệu về scandal tình ái của cầu thủ Ashley Cole từ lâu nhưng họ chỉ đẩy lên mặt báo sau khi độc giả bắt đầu bội thực với những tin tức, hình ảnh trong vụ thủ quân John Terry của đội bóng Chelsea ngoại tình với cô bạn gái cũ Vanessa Perroncel của Wayne Bridge, một người bạn thân và là đồng đội Terry ở Chelsea.
Tập đoàn báo chí American Media với các tạp chí lá cải như National Enquirer, Star, Globe... hằng năm chi hơn 30 triệu USD để nuôi đội ngũ luật sư của họ và trả tiền bồi thường. Những người nổi tiếng có uy quyền thật đấy nhưng một khi bị các báo lá cải đưa ra làm mồi thì cũng phải cân nhắc có nên khởi kiện hay không bởi bộ luật về chống phỉ báng, bôi nhọ ở phương Tây rất phức tạp, phải thuê luật sư thật giỏi mới thắng được kiện, mà các luật sư giỏi nhất trong lĩnh vực này đều đầu quân cho các tập đoàn báo lá cải rồi. Ngoài ra, án phí không phải là nhỏ trong khi tốn rất nhiều thời gian và tâm trí để theo đuổi vụ kiện. Vì vậy tốt nhất là khi bị làm mồi cho báo lá cải thì cứ bịt tai, bịt mắt, coi như không nghe thấy gì cho xong...
Phong Cao
The independent: Báo lá cải phân bổ tài nguyên hợp lý. Họ tiết kiệm nguồn tin, “ăn” từ từ... -