Trang nhà > Cuộc sống > Thể thao > Giữ gìn truyền thống qua diều sáo Việt Nam
Giữ gìn truyền thống qua diều sáo Việt Nam
Thứ Tư 12, Tháng Năm 2010
Ít ai biết rằng, ông Quan Hằng Cao - một chuyên gia cao cấp của Motorola lại là một nghệ nhân về diều sáo Việt Nam. Ông đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mời làm cố vấn cho hai kỳ festival diều quốc tế rất thành công. Trong đêm thả diều lung linh huyền ảo tại Vũng Tàu mới đây, nghệ nhân Hằng Cao đã có cuộc trò chuyện rất cởi mở với chúng tôi.
- Bộ sáo diều
Xin nghệ nhân cho biết một vài đánh giá về quy mô và đặc điểm của hai festival diều quốc tế được tổ chức tại VN vừa qua?
Từ năm 2009, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương cuối tháng 3 hằng năm sẽ tổ chức liên hoan diều quốc tế. Tôi được giao làm cố vấn, phụ trách mời các đoàn nước ngoài, tập hợp các đoàn trong nước, xây dựng kịch bản cho chương trình.
Festival 1 (năm 2009) có 20 đoàn của 17 quốc gia tham dự, với chủ đề “Sắc màu không gian” có kịch bản 7 chương, biểu diễn diều theo âm nhạc và ánh sáng, đó là đặc điểm mới lạ mà chưa festival diều quốc tế nào thực hiện. Lần đầu tiên, diều sáo VN ra mắt thế giới. Festival 2 (năm 2010) có 32 đoàn của 24 quốc gia tham dự, có chủ đề “Huyền thoại - ngàn năm”. Chúng ta khẳng định có thể tổ chức thả diều đêm thành công, với nỗ lực của các nghệ nhân diều hàng đầu thế giới.
Là người rất tâm huyết với diều VN, xin nghệ nhân cho biết đôi nét về diều và diều sáo VN?
Tham dự liên hoan là các đoàn diều trong toàn quốc. Vùng Đồng bằng Bắc Bộ có diều sáo. Miền Trung, đại diện là Huế - có diều cung đình, long - ly - quy - phụng. Miền Nam, đại diện là Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.Hồ Chí Minh trình diễn các loại diều đương đại.
Diều sáo là nét đặc trưng của nền văn minh lúa nước, mang tâm hồn thanh cao từ ngàn đời nay của người Việt. Diều sáo có cái nôi là vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Tạm chia làm 3 vùng, vùng Hà Nội và Hà Tây cũ có diều sáo làm theo hình cánh lá muỗm hay lá chanh. Vùng Hải Dương thì diều có thêm đuôi làm đối trọng. Riêng vùng Thái Bình thì phần đối trọng của diều khác của Hải Dương. Cách khoét sáo mỗi vùng khác nhau, theo phương pháp thủ công, đơn chiếc và không theo quy chuẩn nào.
Nghệ nhân có những kiến nghị gì để bảo tồn và phát triển loại hình văn hoá này?
Tiếng sáo diều của từng vùng mang một truyền thuyết riêng. Có tiếng sáo như là lời mời gọi tiên nữ trên thượng giới xuống hạ thế hưởng thú trần gian, mà có nàng đã quên đường về. Có truyền thuyết chép rằng, ông cha ta đã biết dùng tiếng sáo diều trầm hùng để thu quân trong kháng chiến chống ngoại xâm...
Để cho thú chơi thuần Việt này được phục hồi theo lối xưa và mãi bay cao trong các buổi chiều quê, các hội làng, các dịp lễ, chúng tôi xin đề xuất cùng các cơ quan quản lý văn hoá nhanh chóng giúp đỡ để phục hồi các hội chơi diều của các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Vì hiện ở các tỉnh này, người chơi diều chỉ đếm trên đầu ngón tay, mang tính gia đình là chính, lúc nông nhàn mang diều ra đê thả cho vui, âu cũng là một hình thức giải trí lành mạnh, mà ít ai hiểu rằng mình đang góp phần bảo tồn một loại hình nghệ thuật quốc hồn quốc tuý.
Qua festival vừa rồi, chúng tôi thấy còn nhiều người mê diều sáo mà chưa có dịp được chơi. Vậy thì, ngoài việc thành lập các câu lạc bộ theo địa phương, cần tổ chức các cuộc giao lưu, học hỏi; cấp kinh phí để người dân làm các con diều cổ (khung bằng tre, phết bằng quả cật trên những tấm giấy bản); dây diều bằng tre và đặc biệt là những cây sáo được khoét từ các loại gỗ và tre truyền thống. Các con diều này khi đem thả sẽ làm thức dậy trong các bạn trẻ thú đam mê của cha ông.
Vậy theo nghệ nhân, để diều sáo VN vươn ra ngang tầm thế giới, chúng ta cần làm gì?
Theo Hiệp hội Diều thế giới nhận định, nét tiêu biểu cho diều VN chỉ có thể là diều sáo. Vậy, trước hết, chúng ta cần đưa “công nghệ” mới vào làm diều sáo, để làm sao cánh diều phải được trau chuốt, mỹ thuật, mang hình tượng dân gian đặc trưng của VN. Sáo của diều phải được hoàn chỉnh từ khâu thiết kế, sản xuất; tiến tới chuẩn hoá âm thanh để mỗi vùng có tiếng sáo bản sắc riêng.
Toàn bộ con diều phải được thiết kế gọn nhẹ để có thể mang đi xa dễ dàng. Thế giới có Hiệp hội Diều, ta cũng nên có Hội Nghệ nhân diều. Tại sao các khu du lịch biển không thường xuyên tổ chức thi thả diều, biểu diễn diều nghệ thuật, bán diều làm quà lưu niệm cho du khách? Bạn cứ thử tưởng tượng, trong đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới, khi âm nhạc được tắt, trên bầu trời Hà Nội, bản đại hợp xướng của hàng ngàn cây diều sáo được đồng thanh vút lên, chắc chắn chỉ đất nước ngàn năm văn hiến mới có được nét độc đáo này.
Quang Nhân (LĐ) thực hiện
Xem online : Diều sáo – nét văn hoá dân gian đặc sắc