12 điều ít ai biết về bia Văn Miếu
Vừa được công nhận là di sản tư liệu thế giới, một pho sử khổng lồ trong lịch sử khoa cử Việt Nam, Văn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) còn ẩn chứa những câu chuyện ít ai biết.
Ảnh cổ: bia Văn Miếu, giếng Thiên Quang và gác Khuê Văn
1. Thư pháp gia Tô Ngại là người đầu tiên viết trán bia kiểu chữ triện trên 7 tấm bia đầu tiên trong lịch sử dựng bia tiến sĩ ở Việt Nam. Vào ngày 15 tháng Tám năm 1484, niên hiệu Hồng Đức thứ 15, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng 7 tấm bia đề danh tiến sỹ tại Văn Miếu. Đây là đợt dựng bia tiến sỹ đầu tiên. Các tấm bia ghi rõ các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1481. Việc này đã tạo tiền lệ, và việc dựng bia tiến sỹ kéo dài cho đến triều Nguyễn.
Việc soạn văn cho những tấm bia được thực hiện bởi các từ thần trong Viện Hàn lâm trong khoảng niên hiệu Hồng Đức, việc viết chữ cũng do các Trung thư giám chính. Nhưng trong đợt dựng bia đầu tiên này, tất cả các trán bia đều do “Kim quang môn đãi chiếu Tô Ngại vâng sắc chỉ viết chữ triện”. Trong các tấm bia còn ghi thêm hàm tản quan Mậu lâm lang cho Tô Ngại.
2. Câu văn nổi tiếng nhất được khắc trên văn bia văn miếu là “Hiền tài quốc gia chi nguyên khí” của Thân Nhân Trung viết trên bia của khoa thi 1442, dựng năm 1484. Đây là bia của khoa thi đầu tiên của triều Lê niên hiệu Bảo Đại thứ 3.
Hiện tại, chiếc bia này nằm ở chính giữa khu bia phía Đông Văn Miếu. Nguyên văn toàn bộ đoạn văn bia này dịch ra tiếng Việt là “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước xuống thấp. Bởi vậy, các bậc thánh đế minh vương không ai là không lấy việc sử dụng và tuyển chọn nhân tài là việc đầu tiên”.
Câu này được khắc lặp đi lặp lại trong các khoa thi tiếp theo. Trong khoa thi đầu tiên được khắc bia (1442) cũng lấy đỗ tiến sỹ Ngô Sỹ Liên, sử gia nổi tiếng Việt Nam.
3. Chữ Thọ lớn nhất được khắc trên văn bia Văn Miếu được viết theo kiểu chữ Thảo Phong – Cách viết của Hy Di Trần Đoàn, người sáng lập ra môn Tử Vi học và cũng là một thư pháp gia nổi tiếng thời Tống.
Bia này được khắc năm 1731, trong số thi đỗ có Nguyễn Nghiễm (1708-1775) là quan nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân, là thân phụ của Nguyễn Du, tự Hy Tư, tôn huý Thiều, hiệu Nghi Hiên, bút hiệu Hồng Ngư cư sĩ. Nguyễn Nghiễm cũng từng là tư nghiệp của Quốc Tử Giám.
4. Từ trước đến nay, người ta vẫn quan niệm rằng rùa chính là linh vật đội những tấm bia thể hiện cho sự trường tồn. Cũng tương tự như vậy, rùa đội những tấm bia tiến sỹ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, có một giả định cho rằng, con vật đội bia Văn Miếu có hình dáng của rùa mang tên là Bị Hý (hay còn gọi là Bá Hạ). Xuất phát điểm của giả thiết này là truyền thuyết “Long sinh cửu tử” .
Theo truyền thuyết này thì rồng sinh ra 9 con nhưng đều không mang hình dáng của mẹ. Trong số đó có 1 con vật tên là Bị Hý, trông như con rùa, tính ưa chở nặng và sống trường thọ.
5. Những tấm bia tiến sỹ lớn nhất tại Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi về các khoa thi cuối thế kỷ 18, dưới thời Lê–Trịnh. Trong đó, có hơn 10 bia thuộc dạng này. Việc lớn nhỏ của các bia trong những niên đại khác nhau do nhiều yếu tố quyết định, mà một trong số các yếu tố này là quan niệm thẩm mỹ của từng niên đại khác nhau.
6. Toàn bộ những dòng mỹ hiệu, mỹ tự viết về chúa Trịnh trên các bia Tiến sỹ trong Văn Miếu đều bị đục, xoá chữ. Theo GS Đỗ Văn Ninh, đó là việc làm từ thời nhà Nguyễn: năm 1840 vua Minh Mạng yêu cầu đục bỏ những đoạn ca ngợi công đức họ Trịnh trên một số bia tiến sĩ thời Lê Trung Hưng tại Quốc Tử Giám. Một số khác thì cho rằng, các triều này sau này không muốn chúa Trịnh đứng ngang với các vua Lê nên đã ra lệnh xoá chữ đi.
Ảnh cổ: ông đồ xem bia Văn Miếu
7. Ngô Thì Nhậm và Lê Quý Đôn cũng là hai nhân vật lịch sử bị xoá tên trên bia. Lý do hai vị này bị đục tên còn đang tiếp tục được nghiên cứu.
8. Trong khi các tấm bia đều được trang trí hoa cúc, long, ly, qui, phượng, thì riêng tấm văn bia năm 1643 lại độc đáo với hình những người nông dân bên chú trâu đồng. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng: Đây là điều rất quý, khi trên tấm bia tiến sĩ lại có hình ảnh nông dân, thể hiện tư tưởng khuyến nông, trọng sĩ của thời ấy.
9. Dựa vào bài sớ của người dân trại Văn Chương, người ta nói rằng quân Quang Trung tiến ra Bắc Thành đại phá quân Thanh thấy bia ở Văn Miếu ngổn ngang nên trại Văn Chương dâng sớ lên vua Quang Trung sắp xếp lại những chiếc bia này cho nghiêm chỉnh.
Tuy nhiên, việc có hay không sắp xếp lại những tấm bia này như bài sớ vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Bài sớ này không tìm được nguyên bản chữ Hán, chỉ có trong một số tài liệu tiếng Việt.
10. Chính khách sờ đầu rùa văn bia Văn Miếu nổi tiếng nhất là cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Bill Clinton rất trân trọng giá trị văn hoá cũng như tri thức Việt. Tuy nhiên, cho đến nay cũng khó có thể biết được chính khách nào đầu tiên sờ đầu rùa. Chuyến thăm trong tháng 11/2000 của Bill Clinton là lần đầu tiên các chính khách Mỹ thăm Việt Nam sau năm 1975.
11. Cuốn sách dày nhất về văn bia Văn Miếu là cuốn Văn bia đề danh tiến sỹ Việt Nam dầy 1000 trang của PGS Trịnh Khắc Mạnh do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2006. Khổ cuốn sách là 16 cm x 24 cm, trọng lượng 2kg, thuộc loại sách tham khảo đặc biệt.
Đây được đánh giá là “bộ sách tham khảo lớn, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, mang ý nghĩa chính trị, văn hoá, giáo dục sâu sắc, được trình bày in ấn đẹp”. Cuốn sách này đã được Giải Đồng Sách hay của ngành xuất bản năm 2007.
12. Luận án tiến sỹ đầu tiên nghiên cứu tổng thể về văn bia mang tên là Văn bia khuyến học trong đó nghiên cứu về các bia tiến sỹ tại Văn Miếu Hà Nội là phần quan trọng nhất. Luận án này do Nghiên cứu sinh Nguyễn Hữu Mùi thực hiện vào năm 2006.
Theo Gia Vũ (VTCNews)