Trang nhà > Lịch sử > Di sản > Văn miếu Mao Điền (Hải Dương)
Văn miếu Mao Điền (Hải Dương)
Chủ Nhật 16, Tháng Năm 2010, bởi
Văn miếu Mao Điền có từ thế kỷ XVI. Thờ: các tiên hiền Nho sĩ. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2017). Vị trí: thôn Mậu Tài, W5PP+3FX, QL5, Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 46km (hướng 3h)
Lược sử
Văn miếu trấn Hải Dương được khởi dựng vào thời Lê Sơ (thế kỷ XV) tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, nay là xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Cùng thời với Văn miếu là Trường thi Hương được xây dựng tại xã Mao Điền, tổng Mao Điền nay thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đến thời Tây Sơn (1788-1802), Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về Mao Điền, nên gọi là Văn miếu Mao Điền hiện nay toạ lạc tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, đứng thứ hai chỉ sau Văn miếu Hà Nội và là một trong số ít văn miếu còn tồn tại ở Việt Nam.
- Cổng Văn miếu Mao Điền
Trong thời nhà Mạc (họ Mạc gốc gác người Hải Dương), nhất là từ sau năm 1533, Thăng Long không được yên ổn vì quân nhà Lê-Trịnh luôn uy hiếp, cho nên Mao Điền trở thành trường thi quốc gia. Đã 4 kỳ thi Hội được tổ chức tại đây; trong đó khoa thi năm 1535 đời vua Mạc Đăng Doanh có Nguyễn Bỉnh Khiêm thi đỗ trạng nguyên. Bảng nhãn Lê Quý Đôn cũng từng về làm giám thị tại trường thi Mao Điền. Mao Điền có nghĩa là ruộng cỏ lông.
Kiến trúc
Theo văn bia còn lại tại khu di tích thì "đây là một khu đất bằng phẳng và rộng rãi, quả là một vùng đất văn minh của miền Hải Dương". Tuy nhiên trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp di tích đã bị phá sạch. Kiến trúc hiện tại sau lần trùng tu, tôn tạo vào đầu thập niên 2000 đã không phá vỡ kết cấu truyền thống. Khu chính gồm hai toà nhà lớn 7 gian, mái đao cong, bên trong có những mảng chạm trổ hình rồng, phượng... tinh xảo. Gian giữa toà bái đường là ban thờ cộng đồng. Hai bên có treo bảng danh sách gồm 637 ông nghè có quê hương ở trấn Hải Dương. Bên ngoài có biểu tượng Tháp Bút, Đài Nghiên cao 5m với con rồng quấn quanh được đắp bằng mảnh sứ.
- Cầu vào Văn miếu Mao Điền. Ảnh NCCong ©2020
Toà nhà hậu đường thờ Khổng Tử - ông tổ của Nho học cùng các vị tiên hiền Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Thị Duệ. Phía trước gác trống và lầu chuông hai tầng tám mái chủ yếu làm bằng gỗ lim có hai hồ nước nhỏ in bóng cây gạo già hơn hai trăm năm tuổi, được trồng trong đợt trùng tu năm 1801 dưới đời Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn. Phía sau là khu vườn trồng các loại cây cảnh, cây ăn quả bao phủ màu xanh lên các mái ngói nâu của khu di tích Văn Miếu.
Di sản
Hai di vật cổ nhất của Văn miếu Mao Điền được đặt ở dãy nhà ngoài là chiếc lư hương bằng đá trên bàn thờ công đồng và khánh đá từ thời Tây Sơn với một bên tai đã vỡ.
- Trong Văn miếu Mao Điền. Ảnh NCCong ©2020
Hằng năm, cứ đến hai kỳ lễ hội 18/2 và lễ dâng hương 20/8 âm lịch tại khu di tích Văn Miếu Mao Điền lại quy tụ nhiều tầng lớp nhân dân từ khắp nơi đúng hẹn về đây dự lễ hội và dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước. Năm 1992, Văn miếu Mao Điền được Bộ ăn hóa - thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Đến tháng 12-2017, lại được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Di tích lân cận
Đông Tỉnh NCCong