Trang nhà > Gia đình > Lưu ý > 22 loại hoa, cây cảnh có độc tố (2)
22 loại hoa, cây cảnh có độc tố (2)
Thứ Bảy 22, Tháng Năm 2010
- 12. Môn lá lớn: Tên khoa học là Colocasia spp Tất cả các bộ phận trên cây đều chứa chất Calcium oxalate Asparagine gây ngứa và bỏng rát cổ họng, tiêu chảy nếu ăn phải.
- 13. Hồng môn (môn lá đỏ) Tên khoa học là Anthurium spp. Tất cả các bộ phận của cây đều có độc tố Calcium oxalate và Asparagine Việc ăn phải loại thực vật này có thể gây bỏng rát vùng họng, dạ dày và ruột.
- 14. Dạ lan (tên khoa học là Hyacinth orientalis). Củ dạ lan có độc tố Alkaloid gây vọp bẻ, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy nếu ăn phải.
- 15. Cẩm tú cầu: Tên khoa học là Hydrangea macrophylla. Lá và củ cây có chất Hydragin-cyanogenic glycoside gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp.
- 16. Xương rồng kiểng: Tên khoa học là Euphorbia trigona. Nhựa cây Có thể gây bỏng da và mắt nếu tiếp xúc, gây tê cứng lưỡi và miệng, nôn mửa nếu ăn phải.
- 17. Thủy tiên: Tên khoa học là Narcissus spp. Củ của cây có chất Alkaloids gây chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, run rẩy toàn thân, hôn mê, có thể dẫn đến tử vong khi ăn phải.
- 18. Một số loại trầu (Trầu bà, Trầu ông,...): Có tên khoa học là Philodendron spp. Lá và thân cây có chất độc Calcium oxalate gây tiêu chảy, buồn nôn, bỏng rát niêm mạc miệng khi ăn phải.
- 19. Tulip: Tên khoa học là Tulipa spp. Củ cây có chất Tulipene, ăn phải sẽ gây chóng mặt, buồn nôn.
- 20. Lục bình (bèo tây): Tên khoa học là Eichhornia crassipes. Tất cả các bộ phận của cây đều có độc gây chứng ăn không tiêu, ói mửa trên chó, mèo và một số vật nuôi khác khi ăn phải.
- 21. Huệ Lili: Tên khoa học là Hippeastrum puniceum. Củ cây có chất độc Lycorine gây tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa khi ăn phải. Nhựa cây có thể gây nôn mửa nếu ăn phải. Tránh tiếp xúc trực tiếp với da vì có thể gây bỏng rát, ngứa...
- 22. Ngô đồng: Tên khoa học là Jatropha podagrica. Toàn thân cây, đặc biệt là củ và hạt có chứa chất độc Curcin gây chóng mặt và buồn nôn nếu ăn phải.
Những ngày gần đây thông tin về một số loài hoa, cây cảnh trồng trong nhà chứa chất độc chết người đã khiến nhiều người lo lắng. SGTT có trao đổi với Dược sĩ Phan Đức Bình, phó tổng biên tập tạp chí Thuốc & Sức khoẻ, để làm rõ vấn đề này.
- Thưa dược sĩ, hiện nay đang rộ lên thông tin về nhiều loài hoa, cây cảnh trong nhà có độc tố gây chết người. Ông có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Sự thật là có trẻ em bị nhiễm độc do ngậm lá cây vạn niên thanh trong miệng nhiều giờ liền. Tuy nhiên việc xuất hiện những tin đồn thổi về cây trong nhà có độc chết người là không đúng. Việc những cây cảnh có độc tố thì từ trước tới nay đã nhiều tài liệu công bố: ví dụ như cây anh đào, cây xương rồng, cây sứ trắng…
Hầu như các cây hoa đẹp hiện nay đều chứa độc tố, nhưng độc tố của các loại cây này không đáng lo ngại. Chỉ khi nào tiếp xúc với nhiều nhựa của cây với liều lượng lớn, nuốt lá hay thân một số loại cây thì mới gây ra ngộ độc. Còn bình thường những loại cây cảnh đó rất tốt trong vấn đề làm sạch môi trường sống của con người.
- Vậy những loại hoa, cây kiểng ấy độc đến đâu?
Hiện nay có rất nhiều loại cây cảnh trồng trong nhà là những vị thuốc quý dùng để chữa bệnh: cây nha đam, hoa cúc, cây thuỷ tiên, cây xương rồng... Tuy nhiên, phải dùng đúng cách và đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn thì mới có tác dụng. Còn nếu không sẽ gây ra tác dụng ngược lại dẫn tác dụng xấu cho sức khoẻ con người thậm chí còn gây tử vong.
Ví dụ cây lô hội hay còn gọi là cây nha đam (tên khoa học là Aloe barbadensis mill), lá màu xanh, hình răng cưa như lưỡi hổ; hoa có chùm dài, kết thành cụm và có quả. Cây lô hội có tác dụng kích thích tiêu hoá, thông mật, nhuận tràng, chữa bỏng các vết thương ngoài da, rụng tóc, viêm quanh răng, viêm đại tràng, nâng cao miễn dịch cơ thể, làm trắng da. Nếu dùng với liều 0,1 – 0,5g nhựa lô hội có tác dụng kích thích tiêu hoá, nhưng với liều 8g sẽ gây ngộ độc, làm sung huyết niêm mạc ruột và thận. Triệu chứng ngộ độc là đau bụng dữ dội, nôn mửa liên tục, đi ngoài lỏng, xuất huyết đường tiêu hoá. Nặng có thể vô niệu, đưa đến tử vong. Phụ nữ có thai bị ngộ độc sẽ bị sảy thai.
- Vậy theo ông khi trồng các loại cây cảnh này trong nhà cần lưu ý vấn đề gì?
Khi trồng cây cảnh trong nhà ta phải hiểu được đặc tính từng cây để có cách trồng và bố trí thích hợp cũng như là phòng tránh độc do cây đem lại. Riêng tin đồn cây vạn niên thanh có độc tố mạnh gây chết người là không đúng. Cây vạn niên thanh tên khoa học là Dieffenbachia cultivar, còn được gọi là cây trường sinh. Cây thuộc họ ráy, là cây của vùng nhiệt đới.
Có nhiều chủng loại lai tạo có hình dáng lá rất đẹp nên được trồng làm cảnh nội thất khắp nơi trên thế giới. Vạn niên thanh là cây chịu rợp, mọc tốt ngoài vườn dưới bóng râm hoặc trong phòng, trong nhà, ngoài hiên mát… Chúng cần rất ít nước, ít phân bón và ít ánh sáng nên có thể sống lâu trong điều kiện khắc nghiệt, kể cả trong bình bông. Cũng như các loại cây ráy khác, tất cả các bộ phận của cây đều có độc . Nhựa mủ của lá và thân cây gây ngứa nếu tiếp xúc với lượng nhiều. Nhưng nó không đến nỗi chết người như tin đồn, ngoại trừ người nào dị ứng với cây ấy. Tôi nghĩ, với các loại cây đó chỉ cần lưu ý khi trồng như nên trồng vào chậu cao, tránh xa tầm với của trẻ em và khi tiếp xúc, tránh bị mủ cây dính vào da thì không sao cả.
Xem online : 22 loại hoa, cây cảnh có độc tố (1)