Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > TIẾN SĨ VŨ TÔNG PHAN VÀ ĐỀN NGỌC SƠN
TIẾN SĨ VŨ TÔNG PHAN VÀ ĐỀN NGỌC SƠN
Tảo Trang Vũ Tuân Sán
Chủ Nhật 15, Tháng Tám 2010, bởi
Tham luận đọc tại Hội thảo tại Văn Miếu Hà Nội ngày 15-8-2001 nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày mất của TS Vũ Tông Phan và 160 năm thành lập đền Ngọc Sơn
Có thể nói, hiếm thấy một nơi nào trên đất nước ta lại có được một khu danh thắng di tích mang nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử như hồ Gươm với đến Ngọc Sơn, Hà Nội. Hồ Gươm mà có người gọi là hòn ngọc đất kinh kì nằm ở trung tâm kinh thành Thăng Long xưa, giáp với khu vực phố phường tấp nập ở phía bắc, nhưng cũng là nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu như tháp Báo Thiên đời Lý, phủ Chúa Trịnh, miếu Dương Võ đời Lê, chùa Báo Ân đời Nguyễn.
Bản thân hồ Gươm đã là một danh thắng và cũng là một thắng tích mang nhiều ý nghĩa, nhưng giá trị của nó càng tăng thêm gấp bội khi vào khoảng giữa thế kỉ XIX đã xuất hiện trên hòn đảo nhỏ phía bắc hồ một ngôi đền: đền Ngọc Sơn. Bài văn trên tấm bia cổ nhất còn giữ lại đền, bia dựng năm 1843, cho biết đền được thành lập do hội Hướng Thiện và tác giả văn bia cũng là nhân vật chủ trong ban sáng lập đền, là Tiến sĩ Vũ Tông Phan.
Trên lịch sử văn hóa đất Thăng Long – Hà Nội, có thể thấy nơi đây là hiện tượng kì thú, một mối “duyên” theo chữ nhà Phật, mối liên hệ giữa một bên là Tiến sĩ Vũ Tông Phan, thường được gọi là ông Nghè Tự Tháp, một nhân sĩ trí thức tiêu biểu của đất kinh kì vào nửa đầu thế kỉ XIX, một bên là hồ Gươm và đền Ngọc Sơn sắp được xây dựng, một thắng tích cũng tiêu biểu của kinh thành.
Đầu tiên về mặt địa lí, có thể nói ông Nghè Tự Tháp là người của hồ Gươm. Gia đình ông trước đó ba đời đã rời quê hương là làng Hoa Đường, nổi tiếng văn học thuộc huyện Đường An đất Hải Đông, tới định cư tại phường Báo Thiên mà tên gọi cho thấy vị trí nằm trong khu di chỉ tháp Báo Thiên xưa. Nhà ông ở liền sát hồ Gươm.
Về mặt lịch sử không kể đến các thế hệ về trước, riêng tổ phụ và thân phụ ông đều chuyên nghề dạy học. Và ông trước khi thành danh cũng qua nghề này như số đông các nho sĩ. Sau khi thi đỗ, trừ bảy năm làm quan trong triều ngoài quận, cả cuộc đời còn lại ông dành cho sự nghiệp sư phạm. Riêng về trường Tự Tháp, cũng có tên là trường Hồ Đình được lập sau khi ông chính thức về hưu năm 1838, suốt hơn 10 năm đào tạo được nhiều nhân tài như Nguyễn Tư Giản, Lê Đình Diên, Vũ Đức Quang, Nguyễn Huy Đức, Ngô Văn Dạng. Trừ Nguyễn Tư Giản không dạy học, họ đều là những tôn sư đáng kính một thời với những trường vang dậy tiếng tăm đất Hà Thành. Ông thật xứng đáng với bốn chữ “Đào thục hậu tiến” (rèn luyện thành thục lớp người sau tiến bộ) do vua Tự Đức ban tặng.
Ngoài việc giảng dạy và soạn sách, ông còn chú ý đến hoạt động xã hội. Cùng với một số nhà khoa bảng, ông đã thành lập hội Hướng Thiện, như tên gọi có chủ đích “hướng về điều lành”, chú trọng việc tu dưỡng bản thân, đồng thời giúp lẫn nhau giữa những người trong và ngoài hội, góp phần chấn hưng phong hóa cộng đồng. Hội thờ thần Văn Xương, tên một chòm sao nhỏ trong chòm sao Bắc Đẩu, coi như chủ về văn học. Với uy tín lớn lao của ông Nghè Tự Tháp, hội đã tập hợp được đông đảo các sĩ phu và quần chúng tham gia.
Tấm bia “Ngọc Sơn Đế quân từ kí” hiện đặt tại đền Ngọc Sơn, bài văn do Tiến sĩ Vũ Tông Phan viết năm 1843 cho thấy sự kiện ông Nghè Tự Tháp thông qua hội Hướng Thiện để sáng lập đền Ngọc Sơn nhằm thờ thần Văn Xương của hội. Văn bia cho biết: Nguyên ở hồ Gươm có một gò đất nổi, tương truyền là nơi câu cá thời cuối Lê. Một người làng Nhị Khê là Tín Trai đã nhân trên đó có miếu Quan Đế, cho mở rộng thành một ngôi chùa đặt tên là chùa Ngọc Sơn, phía trước dựng một gác chuông. Lâu năm chùa bị đổ nát, con ông Tín Trai vốn thường đi lại giao hảo với hội, khi được biết hội đang tìm chỗ dựng đền thờ vị thần của mình, đã vui lòng nhượng lại cơ ngơi cho hội. Sau đó hội đã tu bổ đền Quan Đế, dỡ bỏ gác chuông, dựng đền thờ Văn Xương, tức đền Ngọc Sơn ngày nay. Việc tạo dựng bắt đầu từ năm 1841, năm sau hoàn thành.
Như vậy năm nay kỉ niệm 150 năm ngày mất của Tiến sĩ Vũ Tông Phan cũng là kỉ niệm 160 năm thành lập đền Ngọc Sơn. Trước đây khi nói về đền Ngọc Sơn, nhiều nhà nghiên cứu chỉ nhắc tới công của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu. Sách “Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội” của Doãn Kế Thiện (Nxb. Văn hóa 1938), sách “Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” của tập thể tác giả Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Nxb. Khoa học Xã hội, 1991) đều không nói tới ông Nghè Tự Tháp. Đó là một thiếu sót đáng tiếc.
Hội Hướng Thiện và ông Nghè Tự Tháp không những đã sáng lập ra đền Ngọc Sơn mà còn có công lớn trong việc định hướng cho hoạt động của thắng tích này. Việc thờ phụng ở đền Ngọc Sơn có tính cách độc đáo, không đậm nét tôn giáo như tại các đền miếu khác. Đền thờ thần Văn Xương, chủ về văn học, nhưng theo “văn dĩ tải đạo”, văn cốt chuyển tải được đạo đức, nên chủ yếu khuyến khích làm điều thiện, theo đúng chủ đích của hội Hướng Thiện được ghi trong văn bia 1843. Văn bia nhắc nhở các sĩ phu khi tới đền sẽ “tương dữ chu toàn” (cùng nhau chu toàn). “Chu toàn” là chữ trong Kinh Lễ (thiên Nội tắc), cả bốn chữ có nghĩa “trọng thị, kính cẩn trong cách đối xử lẫn nhau”. Văn bia còn nói thêm sĩ phu phải coi đền như một nơi để “tàng, tu, du, tức” – cùng dùng chữ trong Kinh Lễ (thiên Học kí) có nghĩa “giữ vững chí hướng, tu dưỡng học tập, vui chơi, nghỉ ngơi” nhằm thực hiện một nếp sống quy củ, biết sắp xếp hợp lí việc làm xen kẽ giải trí, và lúc nào cũng giữ vững chí hướng, tu chí học hành. Tính cách thờ phụng ở đền Ngọc Sơn của hội Hướng Thiện một lần nữa được nói rõ hơn trong bài văn bia trùng tu đền do án sát Lương Hiên Đặng Huy Tá viết năm 1865: “Miếu thờ Văn Xương là để dạy mọi người làm việc thiện. Làm điều thiện không gì bằng ngăn lòng dục của người mà bảo tồn lẽ phải của trời, không cầu phúc mà tự nhiên được phúc”. Như vậy đến đền Ngọc Sơn không phải là để cầu thần ban ơn, mà cốt nhằm tự nhắc mình và nhắc nhở nhau làm điều tốt lành; có được phúc là hoàn toàn do chính mình, không phải do sự ban phát của thần linh.
Đi theo hướng đó, hội Hướng Thiện, sau là phả Ngọc Sơn đã có những hoạt động đáng chú ý về mặt văn hóa, như lập đàn giảng kinh khuyến thiện, in những trang sách về đạo lí, bảo quản lưu trữ các ván khắc nhiều sách có giá trị như “Tang thương ngẫu lục” của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ, “Phương Đình văn loại” và “Phương Đình tùy bút lục” của Nguyễn Văn Siêu. Đền Ngọc Sơn tập trung nhiều câu đối phần lớn có giá trị văn học và có tính cách khuyến thiện, không có câu ca ngợi sự linh thiêng như thường thấy ở các đền miếu. Có thể kể một câu đối điển hình ở ngay hai cột trụ phía ngoài, hai vế đối đầu tiên đón khách tham quan:
Lâm thủy đăng sơn, nhất lộ tiệm nhập giai cảnh;
Tầm nguyên phỏng cổ, thử trung vô hạn phong quang.
(Đến bến nước, bước lên non, một đường dần dần vào cảnh đẹp,
Tìm cội nguồn hỏi chuyện cũ, trong chốn này vô hạn cảnh vui tươi).
Câu đối khắc ghi cô đọng hai mặt ưu tú của đền: một nơi có nhiều cảnh trí mĩ lệ, và cũng là một nơi cung cấp, gợi mở nhiều ý tưởng cao đẹp cho khách tham quan. Về thời điểm xuất hiện câu đối, tôi đồng ý với Vũ Thế Khôi cho rằng đây là một trong những câu đối của đền có trước đợt tôn tạo đền do Phương Đình Nguyễn Văn Siêu chủ trì và với sự tham gia của Lương Hiên Đặng Huy Tá: "Lâm thủy đăng sơn" - đến bến nước, bước lên non, phải chăng chứng tỏ hồi này chưa có cầu Thê Húc?
Văn bia 1843 còn ghi việc hội Hướng Thiện trước khi chấp nhận việc giao nhượng của các con ông Tín Trai, đã đến xin quẻ thần Văn Xương và đã được thần ban cho bài thơ. Bài thơ khẳng định sự đồng ý của thần, nên có thể coi đã có tác dụng đến việc thành lập đền Ngọc Sơn, thể hiện mối liên hệ giữa ông Nghè Tự Tháp với ngôi đền "Núi Ngọc".
Bài thơ như sau:
Bảo kiếm tân ma bạch hiên quang
Tứ phương chiếu diện nhậm hành tàng
Tòng tiên tự hữu căn cơ tại
Nhuận sắc tăng huy thanh bá dương
Dịch nghĩa:
Kiếm báu mới mài, xuất hiện ánh sáng trắng lòa
Bốn phương chiếu chói lọi, dù gươm đang được dùng hay đã cất giấu
Từ trước đã có cơ ngơi còn nguyên đó
Sửa sang thêm sáng đẹp, khiến tiếng tăm vang lừng.
Bài thơ có nội dung súc tích, dùng hình ảnh thích đáng để giải đáp điều thỉnh cầu.
Mặt khác, bài thơ được cho hội Hướng Thiện gồm số đông nho sĩ nên đã dùng cặp từ "hành - tàng" thường có nghĩa chỉ hai hoàn cảnh trái ngược nhau: khi tài năng được sử dụng sẽ thi thố hành động hết mình, trái lại nếu cảnh ngộ không cho phép sẽ nuôi dưỡng tiềm năng sức lực chờ đến thời cơ thuận lợi.
Đây là bài thơ giáng bút và theo phép "phù kê", cũng gọi là "phụ tiên" việc xuất hiện bài thơ không thể không qua trung gian người "ngồi đồng", trực tiếp nhận và thể hiện qua nét bút tre viết trên mâm cát hay mâm gạo. Vì thế gọi là thơ do thần ban, thường vẫn có tác động của người thỉnh cầu, dù chỉ là trong phạm vi vô thức.
Như vậy có thể coi bài thơ này thể hiện đúng tâm nguyện của hội Hướng Thiện thông qua vị hội trưởng là Tiến sĩ Vũ Tông Phan. Và dấu ấn của ông Nghè Tự Tháp vẫn sâu sắc trong quy trình hoạt động của đền Ngọc Sơn do ông sáng lập (cùng với hội) mặc dầu có lúc lên lúc xuống, lúc "hành" lúc "tàng", nhưng luôn luôn thực hành việc khuyến thiện. Đó là việc ngăn chặn những làn sóng độc hại phá hoại văn hóa, được nhắc nhở bằng biểu tượng "đình Trấn Ba" - đình chắn sóng. Đó là việc khuyến khích mọi người tu dưỡng làm điều thiện nhất là "việc thiện lớn nhất là yêu nước" như lời Hồ Chủ tịch căn dặn các vị trong hội Hướng Thiện - Phả Thiện Ngọc Sơn khi Người đến thăm đền ngày giáp Tết Bính Tuất, năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, mở đầu một thời kì mới trong lịch sử huy hoàng của dân tộc.
Tảo Trang VŨ TUÂN SÁN