Trang nhà > Gia đình > Lưu ý > Những thức ăn nguy hiểm nhất thế giới
Những thức ăn nguy hiểm nhất thế giới
Thứ Hai 31, Tháng Năm 2010
Mới đây, Hiệp hội Nhi khoa Mỹ đã cho đăng tải một thông cáo báo chí về danh sách những thức ăn khá độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn và trẻ em trong gia đình bạn. Xin giới thiệu bài viết dưới đây để bạn đọc tham khảo.
Cá nóc
Trong thịt cá nóc có chứa một chất độc có thể gây tử vong, do đó nếu chế biến cá nóc không đúng phương pháp thì cá nóc trở thành một thức ăn sát thương. Trong cá nóc có chứa chất độc tetrodotoxin tại các cơ quan nội tạng của nó, đặc biệt là tại gan và buồng trứng và thậm chí là cả da. Khi ăn phải chất độc này, các cơ bắp sẽ rơi vào trạng thái bị tê liệt trong khi nạn nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo, nhưng có thể nạn nhân sẽ bị tử vong vì ngạt thở.
Vào năm 2008, dựa theo những kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã triển khai cho nông dân nuôi loại cá nóc phi nọc độc. Usuki, một địa phương thuộc quận Ôita (Nhật Bản) đã trở thành nơi chuyên bán cá nóc phi nọc độc nổi tiếng ở Nhật Bản.
Điều cần biết là ruột, buồng trứng và gan của cá nóc có chứa chất độc tetrodotoxin có hàm lượng mạnh gấp 1.200 lần so với chất độc xyanua. Chỉ cần một con cá nóc mang nọc độc thôi cũng đủ khả năng tiêu diệt 30 người cùng lúc. Do bởi quá nguy hiểm, mà các đầu bếp ở Nhật Bản bắt buộc phải theo một khoá học kéo dài ba năm và phải có giấy chứng nhận chế biến cá nóc đạt yêu cầu mới được hành nghề, một đĩa cá nóc thành phẩm có giá không dưới 200 USD.
Dù nguy hiểm, nhưng dân Nhật Bản vẫn là “điếc không sợ súng”, khoảng 40 loại cá nóc được đánh bắt ở Nhật Bản và trung bình mỗi năm, dân Nhật Bản tiêu thụ sơ sơ… 10.000 tấn cá nóc.
Quả bồ hòn
Quả bồ hòn là một thành viên nhóm Sapindaceae (họ Bồ hòn), cây có nguồn gốc nhiệt đới Tây Phi. Kể từ đó, thứ quả này là một trong những nguyên liệu chính trong nền văn hoá ẩm thực của vùng vịnh Caribê, và nó cũng được trồng trọt tại các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới khắp thế giới.
Nhưng nếu ăn không đúng cách, quả bồ hòn là nguyên nhân gây ra chứng bệnh nôn mửa Jamaica, dẫn đến hôn mê hoặc tử vong. Thứ quả bồ hòn khi còn xanh có chứa một chất độc gọi là hypoglycin, vì lẽ đó nếu muốn ăn thứ quả này thì phải đợi cho vỏ quả chuyển sang màu đỏ và tự bung vỏ tự nhiên.
Một khi vỏ quả bồ hòn bung ra, thì chỉ ăn phần áo hạt màu vàng của quả mà thôi, vì phần hạt bồ hòn cũng có chứa chất độc. Thịt áo hạt của quả bồ hòn được đem chế biến với cá tuyết trở thành món ăn quốc gia của Jamaica.
Lạc
Lạc thuộc họ đậu (Fabaceae). Lạc đã được trồng lần đầu tiên tại các thung lũng ở Paraguay và hai bên dòng sông Parana thuộc vùng Chaco của Paraguay và Bolivia.
Các nhà khảo cổ học cho hay rằng lạc đã xuất hiện ở Peru cách đây khoảng 7.600 năm. Theo Hiệp hội Dị ứng, Hen và Miễn dịch học Mỹ thì lạc là nguyên nhân chính gây ra các trường hợp tử vong đối với bệnh nhân dị ứng lạc.
Các loại rau ăn lá
Theo Trung tâm Khoa học về Quan tâm Cộng đồng Mỹ thì nhóm nghiên cứu này đã xác định được khoảng 363 trường hợp bộc phát từ việc tiêu thụ các loại rau ăn lá trong năm 2009, 240 vụ liên quan đến việc chế biến rau ăn lá tại các nhà hàng.
Theo đó, trong các loại rau ăn lá có chứa một mầm bệnh gọi là Nirovirus, vốn bắt nguồn từ việc vệ sinh qua loa các nguyên liệu trước khi chế biến. Thêm nữa trong các loại rau ăn lá cũng có chứa thành phần vi khuẩn E. coli và vi khuẩn Salmonella, vốn tồn đọng trên các loại phân bón có nguồn gốc động vật mà người ăn không tẩy rửa rau thật kỹ.
Nếu không được rửa sạch, rau lá vẫn còn các loại vi khuẩn gây bệnh.
Rau đại hoàng
Đại hoàng là một nhóm các loài cây thực vật thuộc giống Rheum, họ Polygonaceae. Chúng có phần thân gốc khá dày. Đại hoàng có những chiếc lá lớn có hình tam giác với cuống lá dài. Chúng có hoa nhỏ mọc theo cụm.
Lá đại hoàng rất độc nhưng người ta lại sử dụng cây đại hoàng làm thuốc, phần thân cây được nấu làm thức ăn. Lá đại hoàng có chứa các chất độc như axít oxalic, nephrotoxic và axít corrosive. Nấu lá đại hoàng với nước xô-đa có nguy cơ làm gia tăng sự độc hại bằng cách sản sinh ra chất oxalat hoà tan.
Cá ngừ
Cá ngừ thuộc họ cá thu Nhật Bản. Trong thịt cá ngừ có chứa thủy ngân với hàm lượng khác nhau, đó là một trong những lý do khuyên rằng phụ nữ đang mang thai nên hạn chế ăn cá ngừ…
Nhưng việc tiêu thụ thịt cá ngừ nhiều mỡ có khả năng làm giảm thiểu hàm lượng thuỷ ngân trong cơ thể người hơn là ăn thịt cá ngừ ít mỡ. Loài cá ngừ vây xanh lại chứa hàm lượng thủy ngân cao trong thịt của chúng.
Khoai mì (sắn)
Khoai mì là một loài cây thân bụi thuộc họ cây đại kích (Euphorbiaceae), cây có nguồn gốc ở Nam Mỹ và Tây Phi trong đó quốc gia Nigeria được xem là nhà sản xuất khoai mì lớn nhất thế giới. Khoai mì là nguồn cung cấp thành phần Carbohydrates đứng thứ ba trong nhu cầu thực phẩm nhân loại trên thế giới.
Khoai mì có hai loại đó là khoai mì ngọt hay khoai mì đắng, phụ thuộc vào hàm lượng cyanogenic glucosides trong thịt, việc ăn khoai mì đắng có thể gây ra một chứng bệnh gọi là Konzo. Tuyệt đối không nên ăn sống lá và củ khoai mì bởi vì chúng tồn tại các chất độc như cyanogenic glucosides, linamarin và lotaustralin.
Khoai mì ngọt thì có ít hơn 20 mm gam chất độc xyanua (CN)/ kg thịt của khoai mì; trong khi đó khoai mì đắng sản xuất hơn 50 lần xyanua (1 g/kg). Khoai mì trồng vào mùa khô hạn thường củ chứa rất nhiều chất độc. Một liều khoảng 40mg chất độc cyanogenic glucosides cũng đủ khả năng giết chết một con bò, nó cũng tạo nên chứng vôi hoá tụy ở người, dẫn đến chứng bệnh kinh niên về tụy.
Nấm
Trong hàng ngàn năm qua, con người đã sử dụng nấm nhằm điều chế ra các bài thuốc chữa bệnh dân gian. Liệu pháp chữa bệnh bằng nấm thuốc xuất hiện rất sớm ở phương Đông. Một số loại nấm có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của các khối u và giúp cân bằng hệ miễn dịch… là đề tài đang được nghiên cứu trong vòng 50 năm qua.
Gần đây, các cuộc nghiên cứu còn chỉ ra rằng nấm sò tồn tại nhiều vitamin D có khả năng chống tia cực tím. Mặc dù vậy cũng có một lượng nhỏ nấm rất độc, gây nên cảm giác rất khó chịu. Nếu ăn nhầm nấm độc có thể dẫn đến triệu chứng buồn nôn, tức ngực và có thể tử vong, vì lẽ đó không nên ăn những loại nấm lạ.
Theo SKĐS