Trang nhà > Công nghệ > An ninh > 7 quy tắc đánh giá nguồn thông tin
7 quy tắc đánh giá nguồn thông tin
Thứ Hai 31, Tháng Năm 2010
Với sự ra đời của mạng Internet, thông tin đã trở nên sẵn có và dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết. Việc này tất nhiên là có lợi cho sự phát triển của xã hội, nhưng không có nghĩa là nó không đi kèm với cái hại: Với lượng thông tin trên mạng tăng gấp đôi mỗi 18 tháng, người đọc sẽ dễ dàng bị ngộp và “chết chìm” trong biển thông tin đó. Nếu không tỉnh táo và có óc phân tích tốt, người tiếp nhận thông tin sẽ dễ dàng tin vào những thông tin sai lệch (vô tình hay hữu ý) vốn đầy rẫy trên mạng ảo, dẫn đến cái nhìn về một số vấn đề có thể trở nên lệch lạc và sai sự thật.
Còn nhớ, ngày xưa Socrates có quy tắc “3 cái rây” để sàng lọc những thông tin mà ông ta tiếp nhận. Với lượng thông tin phong phú và đa dạng như ngày hôm nay, rõ ràng 3 cái rây của Socrates là không đủ. Tôi xin được phép liệt kê ra bảy quy tắc vàng để đánh giá và sàng lọc các nguồn thông tin mà các bạn tiếp cận, bao gồm cả Internet.
1. Thông tin có thể kiểm chứng ngay lập tức được hay không?
Thông tin có thể đến từ rất nhiều nguồn, mà một trong những nguồn rất phổ biến là “bằng chứng giai thoại” (anecdotal evidence). Những nguồn này nghe có thể rất thuyết phục, vì nó liên quan đến “người thật việc thật”, như là “ông hàng xóm hồi ở quê” hay là “ông chú họ xa”, và thường câu chuyện rất chi tiết và rất sống động. Tuy nhiên, những “giai thoại” như thế này không được xem là bằng chứng hợp lệ, bởi nó: (1) không thể nào kiểm chứng được (mặc dù người kể có thể nói: “không tin thì có thể đi hỏi ổng!”, nhưng chắc chắn là ngay tại lúc đó thì không cách nào hỏi được); (2) đến từ duy nhất một người, do đó mang tính chủ quan rất lớn, tùy vào nhận thức (ảo giác) của người trong cuộc; (3) có thể được thêu dệt và bịa đặt thêm qua nhiều lần truyền miệng. Nên tránh những kiểu thông tin như thế bằng mọi giá.
2. Thông tin có được xác nhận qua nhiều nguồn khác nhau, với nhiều quan điểm trái ngược nhau hay không?
Một thông tin nào đó, nếu được càng nhiều cá nhân/ tổ chức khác nhau, có quan điểm trái ngược nhau xác nhận, thì có khả năng chính xác càng cao. Nếu chỉ có duy nhất một nguồn xác nhận thông tin này, và các nguồn còn lại đều dẫn lấy thông tin từ nguồn gốc đó, độ tin cậy của thông tin sẽ bị giảm đi. Ngược lại, nếu nhiều tổ chức/ cá nhân độc lập với nhau cùng xác nhận lấy một thông tin, cho dù họ có thể diễn đạt theo ngôn từ có lợi cho họ, thì thông tin đó càng đáng tin cậy hơn. Việc này có thể xác nhận dễ dàng thông qua các bộ máy tìm kiếm trên mạng Internet.
3. Thông tin này có từ bao giờ?
Thông tin cũng có “tuổi thọ” của nó. Có nhiều lĩnh vực, thông tin có thể cập nhật hàng năm, hàng tháng, thậm chí là hàng ngày. Ví dụ như các thống kê về xã hội chẳng hạn, mỗi năm xã hội lại thay đổi, biến chuyển khác đi, do đó tỉ lệ tội phạm 20 năm trước không thể nào thay thế cho tỉ lệ tội phạm trong năm nay được. Ngược lại, có những thông tin đã được biết đến từ lâu, và đã được kiểm chứng đi lại rất nhiều lần, ví dụ như việc trái đất hình cầu chẳng hạn, thông tin như thế thì không thể nào sai đối với nhận thức hiện tại của con người, và có lẽ sẽ không thay đổi trong một thời gian rất dài tới. Nên xem xét kĩ mặt này, vì đôi khi những thông tin quá hạn có thể sẽ bị mang ra để đánh lừa người đọc.
4. Người cung cấp thông tin có tin cậy được hay không?
Hãy nhớ rằng, chúng ta không bao giờ tin lấy tin để lời khuyên “nên hút thuốc lá” của một nhà bác học vật lí nguyên tử cả, dù cho nhà bác học đó có giỏi đến đâu đi chăng nữa. Cũng tương tự như vậy, chúng ta không nên quá tin những lời nói của những vị giáo sư, tiến sĩ nhưng bàn về những việc ngoài chuyên môn của mình. Lưu ý rằng, nói như vậy không có nghĩa là lời của những người không có chuyên môn lập tức bị bác bỏ: nếu họ không có chuyên môn trong lĩnh vực đó, thì những gì họ nói ra cần phải dựa trên “ý nghĩa thông thường” (common sense), và có lập luận lô-gic hẳn hoi. Ngược lại, lời của những người trong chuyên môn cũng không có nghĩa là ngay lập tức là chân lí: phải xem xét xem lời nói của họ có được ủng hộ rộng rãi bởi đồng nghiệp của họ hay không, và họ có uy tín đến mức nào với những người trong ngành?
5. Động cơ của người cung cấp thông tin là gì?
Đôi khi (hay là thường xuyên), người ta không chỉ cung cấp thông tin mà thôi, mà kèm vào đó là dụng ý của người cung cấp thông tin. Nhất là trên các diễn đàn, báo chí, các phương tiện truyền thông thì thông tin gần như luôn luôn đi kèm với một dụng ý nhất định, khiến người đọc/ tiếp nhận thông tin suy nghĩ theo một hướng nhất định. Do điều này không thể tránh khỏi, và không thể bác bỏ tất cả những thông tin như thế này, người tiếp nhận thông tin phải luôn ý thức được điều này và tránh sa vào cái bẫy của người cung cấp thông tin. Một trong những cách hiệu quả để thực hiện điều này là lược bỏ những bình luận mang cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của tác giả, những từ ngữ chẳng hạn như: “tàn bạo”, “dã man”, “bất công”.
6. Tôi có thành kiến gì đối với thông tin này hay không?
Thường xuyên hơn là không, người đọc sẽ luôn luôn có một thành kiến nhất định đối với sự vật/ sự kiện được nhắc đến trong mẩu thông tin. Những thành kiến này sẽ khiến cho người đọc phủ nhận/ tiếp nhận ngay lập tức mẩu thông tin đó mà không thông qua đánh giá sơ bộ, nếu như thông tin đó không xác nhận/ xác nhận quan điểm có từ trước của người đọc. Đây là “confirmation bias”, và là một trong những sức ì lớn trong cách hoạt động của não bộ con người. Tránh việc này đến mức tối đa: dù cho nó có trái ngược với quan điểm của bạn, hãy kiên nhẫn đọc và hiểu hết lí luận đằng sau nó. Nếu như nó có lí thì hãy chấp nhận nó, nếu nó ngụy biện thì hãy bác bỏ nó vẫn chưa muộn.
7. Tôi được lợi gì, tiếp thu được gì từ thông tin này?
Thế giới hiện nay có thể được mô tả như là trong thời kì “bùng nổ thông tin”, tất tần tật mọi thứ trên đời đều có thể tìm thông tin về nó, từ những thông tin về văn hóa, giáo dục, chính trị, đến những thứ vặt vãnh tầm phào như chuyện tình của các sao, chuyện trộm chó đánh mèo, đến thậm chí những thứ nguy hại, vô đạo đức và vi phạm luật pháp như cách chế bom tự tạo, cách… lóc thịt người, cách ăn trộm đồ đạc v.v.. Do đó, người tiếp nhận thông tin phải luôn luôn tỉnh táo và xác định: những thông tin nào có liên quan trực tiếp và có lợi cho mình? Những thông tin nào sẽ khiến cuộc sống mình trở nên dễ chịu hơn, tốt đẹp hơn? Đừng sa đà vào những thông tin tiêu cực để rồi trở nên bi quan, chán nản, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Xem online : Tham khảo