Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Quan niệm > Quyền lực > Những vị vua Việt Nam không được thừa nhận

Những vị vua Việt Nam không được thừa nhận

Thứ Sáu 11, Tháng Sáu 2010, bởi CTV

Lịch sử Việt Nam trải hàng ngàn năm phát triển có thăng trầm biến động qua nhiều triều đại với hơn 100 đời vua nối nhau trị vì. Chính vào những thời điểm bất ổn đã có một số người được tôn lên làm vua hoặc tự xưng đế, xưng vương, trong đó dù có người tuy mang dòng máu hoàng tộc nhưng vẫn không được chính sử thừa nhận.

1. Ngô Xương Xí (?-?), ông là con trai của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập và là cháu của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn. Năm Giáp Dần (954) vua cha mất, đến năm Ất Sửu (965) vua chú là Ngô Xương Văn tử trận khi đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình; Ngô Xương Xí lên ngôi kế vị nhưng nhân tâm không phục, thế lực ngày càng yếu. Các tướng Kiều Trí Hựu, Dương Huy, Đỗ Cảnh Thạc, Lữ Xử Bình tranh nhau làm vua, triều đình trung ương tan rã, Ngô Xương Xí đành phải lui về lập căn cứ ở đất Bình Kiều (này thuộc huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá), “tự nhún mình làm một sứ quân”. Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp “loạn 12 sứ quân”, Ngô Xương Xí đã quy hàng, nhưng không rõ số phận sau này của ông như thế nào.

2. Lý Thầm (1202-?) là con vua Lý Cao Tông, trở thành “vua” ở một hoàn cảnh đầy biến động trong cung đình nhà Lý. Triều chính thời Lý Cao Tông ngày càng đổ nát, các phe phái trong triều đánh lẫn nhau, tướng Quách Bốc làm loạn vua Lý Cao Tông phải chạy lên Quy Hóa Giang (nay thuộc Yên Bái). Quách Bốc vào cung tôn hoàng tử Thầm lên ngôi tháng 7 năm Kỷ Tị (1209). Sau đó dựa vào lực lượng họ Trần, Lý Cao Tông trở về Thăng Long, không thấy sử sách chép về số phận của Lý Thầm ra sao.

3. Trần Húc (?-?) là con vua Trần Minh Tông, được phong tước Ngự Câu Vương. Năm Đinh Tị (1377) đi theo anh là Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành nhưng trong trận chiến này quân Trần thua to, Trần Húc bị bắt nhưng lại được người Chiêm gả con gái cho để mua chuộc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Tháng 5 năm Mậu Ngọ (1378) người Chiêm Thành dẫn hàng vương Ngự Câu Húc đến cướp Nghệ An, tiếm xưng tôn hiệu để chiêu dụ nhân dân”. Khi bị đánh bại, quân Chiêm đem Trần Húc chạy về, không rõ số phận ông sau này ra sao.

4. Lê Tòng (?-?) là hoàng thất nhà Lê có tước phong là Hoa Khê Vương, ông được tôn làm vua trong lúc rối loạn tại triều đình nhà Lê. Cuối tháng 4 năm Canh Ngọ (1510) hoạn quan làm loạn, vua Lê Tương Dực chạy ra bên ngoài, quân nổi dậy đi đón Lê Tòng đưa lên làm vua, chưa đầy một ngày thì Lê Tương Dực kéo quân về chiếm lại được Thăng Long. Không rõ số phận Lê Tòng sau đó ra sao.

5. Lê Quang Trị (1509-1516) là người trong hoàng tộc nhà Lê; lúc bấy giờ trong triều đình rối loạn, các phe phái mâu thuẫn đánh lẫn nhau. Ngày 7 tháng 4 năm Bính Tý (1516) Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực rồi tôn Lê Quang Trị mới 8 tuổi lên ngôi. Làm vua mới được 8 ngày, chưa kịp đặt niên hiệu thì quân các nơi kéo về đánh Trịnh Duy Sản, vua Lê Quang Trị được hộ tống chạy về Tây Đô (Thanh Hóa). Đến cuối tháng 4 năm Bính Tý (1516) Tây Đô thất thủ vua Lê Quang Trị cùng anh em Trịnh Duy Sản bị giết.

6. Lê Bảng (?-?) là người hoàng tộc họ Lê; vào năm Mậu Dần (1518) vua Lê Chiêu Tông giết tướng Trần Chân, bộ hạ của ông ta nổi loạn khắp nơi, sau đó kéo về chiếm giữ Sơn Tây. Họ tôn Lê Bảng lên làm vua, đặt niên hiệu là Đại Đức nhưng Lê Bảng làm vua được nửa năm thì bị phế truất. Sau không rõ số phận thế nào.

7. Lê Do (?-?) cũng là người thuộc hoàng tộc nhà Lê, sau khi phế truất Lê Bảng, quân nổi loạn đã lập ông làm vua, đổi niên hiệu là Thiên Hiến, sau đó lập triều đình ở xã Do Nha, huyện Từ Liêm (nay thuộc Hà Nội). Đến tháng 1 năm Kỷ Mão (1519) quân triều đình tiến đánh, Lê Do chạy lên chiếm vùng Yên Lãng, Yên Lạc (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ). Tháng 7 cùng năm, quân triều đình bắt được Lê Do và 1 số thuộc hạ ở Ninh Sơn (nay thuộc Quốc Oai, Hà Nội) rồi dẫn giải về kinh. Không thấy sử sách chép triều đình xử lý Lê Do thế nào.

8. Mạc Chính Trung (?-?) là tôn thất nhà Mạc có tước phong là Hoằng Vương. Năm Đinh Mùi (1547) một viên quan là Phạm Tử Nghi có mưu đồ lập ông lên làm vua nhưng bị nhiều triều thần phản đối bèn dẫn quân nổi loạn ở kinh đô sau đó đưa Mạc Chính Trung chạy về xã Hoa Dương, huyện Ngự Thiên (nay thuộc tỉnh Thái Bình) lập triều đình riêng ở đây. Nhà Mạc sau đó cho quân đến đánh, Phạm Tử Nghi chống không nổi bèn đưa Mạc Chính Trung và triều đình nhỏ kia chạy ra chiếm xứ Yên Quảng (nay là Quảng Ninh). Đến năm Tân Hợi (1551) quân Mạc tấn công Yên Quảng, bắt được Phạm Tử Nghi đem giết, còn Mạc Chính Trung chạy sang nước Minh, sau chết ở đó nhưng không rõ vào năm nào.

9. Mạc Kính Dụng (?- 1598) là con cháu họ Mạc tụ tập bè đảng ở huyện An Bác (nay thuộc Lạng Sơn), tự xưng là Uy Vương vào tháng 8 năm Mậu Tuất (1598). Do lực lượng yếu, lại thiếu lương ăn nên Mạc Kính Dụng âm mưu giết viên thổ quan vùng đó để cướp đất, cướp dân nhưng không thành bèn đem quân đến bức bách. Viên thổ quan lập mưu lừa Mạc Kính Dụng vào núi rồi cho người mật báo về triều xin cứu viện. Trịnh Tùng liền sai quân đi, bắt được Mạc Kính Dụng đem về kinh giết chết ở chợ Cửa Đông.

Ngoài ra còn một số nhân vật tự nhận là con cháu hoàng tộc để xưng vương nhưng sử sách đã xác nhận đó là “mạo danh” hoặc không biết rõ họ có thực sự là người hoàng tộc hay không, như Trần Nguyệt Hồ được tôn lên làm vua ở Bình Than (nay thuộc Hải Dương) năm Đinh Hợi (1407); Trần Cảo được nghĩa quân Lam Sơn lập làm vua năm Bính Ngọ (1426), Trần Cao, tự xưng vương năm Bính Tý (1516), Trần Cung là con của Trần Cao nối chí cha tự lên ngôi năm Đinh Sửu (1517)…

Lê Thái Dũng (BEE)