Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Cao Bá Quát (1809-1854)

Thi sĩ

Cao Bá Quát (1809-1854)

Thứ Ba 16, Tháng Giêng 2007

Nhà thơ có tư tưởng tự do bác ái và phong cách phóng túng hơn đời, tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên, quê gốc ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh cũ (nay thuộc xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội).

TIỂU SỬ

Cao Bá Quát là con của Cao Hữu Chiếu, một ông đồ rất hay chữ, dòng dõi khoa bảng xuất thân, lừng danh nhất là Cao Bá Hiền làm đến Binh bộ Thượng thư triều Lê, kiêm chức Tham tụng phủ Chúa Trịnh.

Cao Bá Quát từng trú quán ở thôn Đình Ngang, ngay Cửa Nam Hà thành, một thời gian gia đình lại dời đến gần chùa Linh Sơn bên cạnh hồ Trúc Bạch. Năm 1831 (Minh Mạng thứ 12), ông đỗ Á nguyên trường thi Hà Nội khi mới 22 tuổi. Nhưng thi Hội hai phen đều bị đánh hỏng, ông không thi nữa mà ngao du non nước.

Năm 1841 (Thiệu Trị nguyên niên), do quan đầu tỉnh Bắc Ninh đề cử với triều đình, Cao Bá Quát được triệu vào kinh sung chức Hành tẩu bộ Lễ, sau thăng chức Lang trung. Cuối năm 1841, ông được cử đi làm sơ khảo ở Trường thi Hương Thừa Thiên cùng với Tiến sĩ Phan Nhạ. Phát hiện thấy một số quyển thi hay nhưng phạm húy, mến tài thương người, ông đã tìm cách giúp đỡ, song việc bại lộ, cả hai đều bị bắt giam, kết vào tội chết, nhưng vua Thiệu Trị giảm tội cho ông, chỉ cách chức và phát phối vào Ðà Nẵng. Gặp khi có sứ bộ Ðào Trí Phú sang Indonesia công cán, ông được tha cho đi theo lập công chuộc tội, gọi là đi “dương trình hiệu lực” (1843). Xong việc bị thải hồi về quê mấy năm, sau được vua Tự Đức phục chức cũ, bổ vào Viện Hàn lâm một thời gian ngắn (1847), thăng làm chủ sự để sưu tầm và xếp đặt văn thư.

Mặc dù làm việc ở Kinh nhưng do tính tình cương trực Cao Bá Quát không được lòng quan trên. Năm 1850, ông bị đổi ra làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây, năm sau ông xin từ chức với cớ mẹ già.

Năm 1854, ông làm quân sư cho Lê Duy Cự nổi dậy chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa "châu chấu" ở Mỹ Lương thất bại, ông bị bắt rồi cùng với 2 con trai bị hành quyết năm 45 tuổi.

TÁC PHẨM

Tên tuổi của Cao Bá Quát lẫy lừng trong văn học nước nhà từ rất sớm, đương thời đã được gọi là "Thánh Quát". Ông kết bạn và giao du với những danh sĩ Hà Nội và Huế như Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hàm Ninh, Miên Trinh, Miên Thẩm...

Ông để lại nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có bộ sách Cao Chu Thần thi tập, Cao Chu Thần di cảo, Mẫn Hiên thi tập và những bài ca trù xuất sắc, nổi bật là Tài Tử Đa Cùng Phú.

Sau đây xin dẫn một bài thơ chữ Hán đầy chí khí thanh cao, tự ví mình như "Huyền hạc" và ví bạn như "Hồng hộc", bên cạnh "lũ hoàng điểu" kiếm ăn tầm thường:

Đông Tác Tuần Phủ tịch thượng ẩm

Cố nhân hữu tửu mạc trù tướng,
Chước chước nguyện quân ẩm vô lượng.
Quân bất kiến
hồng hộc cao phi thanh vân thượng,
Huyền hạc độc túc thanh sơn bạng.
Hoàng điểu hoàng điểu qui thực trường,
Do lai bất cảm lưỡng tương kháng.
Cố nhân nỗ lực sự công danh,
Tản nhân qui khứ ngọa giang thành.
Tương khan bôi tửu tối phân minh.

Dịch Thơ:

Trên chiếu rượu ở nhà ông Tuần Phủ Đông Tác [1]

Chủ sẵn rượu xin đừng ngần ngại!
Hãy rót đi, rót mãi, uống đi anh!
Chẳng thấy ru?
Hồng hộc bay cao tít tận mây xanh,
Hạc đen ngủ một mình trên đỉnh núi.
Lũ hoàng điểu kiếm ăn sớm tối,
Từ xưa nay ai chống đối chi ai?
Cố nhân mải miết việc đời,
Nhàn nhân về khểnh ở nơi giang thành.
Chén khuyên tình đã tỏ tình.

(Bản dịch của Nguyễn Quý Liêm)

Và một bài cảm hoài "cố quốc" Bắc Hà:

Đăng Long Thành lãm thắng hữu cảm

Đệ nhất phồn hoa thử cựu kinh,
Nùng sơn, Nhị thủy tối cao danh.
Thiên niên thành quách không kim cổ,
Thập lý nhai phường lão tử sinh.
Hàn thực hầu gia yên sắc đạm,
Hương phong tửu điếm liễu hoa minh.
Bất kham phiếm đĩnh Tây hồ nguyệt,
Cố quốc tà dương địch sổ thanh.

Dịch thơ:

Cảm xúc khi lên thành Thăng Long ngắm cảnh

Bậc nhất phồn hoa phải cựu kinh,
Núi Nùng, sông Nhị tối cao danh.
Nghìn năm thành quách trơ kim cổ,
Mười dặm phố phường trải tử sinh.
Tết lạnh cửa hầu tia khói nhạt,
Gió thơm quán rượu liễu hoa xanh.
Hồ Tây, khôn thả thuyền trăng dạo,
Nước cũ, chiều buông tiếng sáo thanh.

(Bản dịch của Đông Tỉnh)

Xem thêm: Những phát hiện về đền Ngọc Sơn

Hùng tráng, hào sảng - thơ Cao Bá Quát


Xem online : HAI CHỦ ĐỀ ĐỘC ĐÁO TRONG THƠ CAO BÁ QUÁT


[1bạn vong niên là tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, tự Tuần Phủ, quê làng Đông Tác, Hà thành