Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Gia đình > Bệnh và thuốc > Bóng đá và testosterone - hocmon sinh dục nam

Bóng đá và testosterone - hocmon sinh dục nam

Thứ Ba 15, Tháng Sáu 2010

Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ vừa chứng minh rằng các fan bị tác động mạnh bởi sự được/thua của đội bóng họ ưa thích. Điều đó không chỉ diễn ra trong đầu mà trong cả cơ chế sinh lý của họ.

Bóng đá là môn thể thao đầy nam tính, cuốn hút gần hết phái mày râu. Và từ lâu các nhà khoa học đã biết từ thời là chiếc phôi bé tí tẹo vừa hình thành trong bụng mẹ đến khi trở thành người đàn ông trưởng thành và tiếp tục làm nên nam tính, chỉ huy các hành vi của anh ta là một hocmon nam, có tên gọi testosteron, do tinh hoàn và tuyến thượng thận tiết ra.

Vậy bóng đá có liên quan gì tới testosteron không?

Bác sĩ Paul Bernhard, Trường ĐH Utah (Hoa Kỳ) đã tiến hành phân tích hàm lượng hocmon này trong máu của các cổ động viên bóng đá, nhằm kiểm tra lại một giả thuyết rất lý thú do giáo sư Theodore Kemper tại ĐH St-John, New York đề ra.

Các nghiên cứu này chứng minh rằng các vận động viên đều có sự tăng vọt testosteron khi họ nghĩ đến cuộc thi đấu họ sẽ tham dự, nhất là khi lại đầy tin tưởng rằng bản thân mình (hoặc đội của mình) sẽ thắng chứ chưa cần phải ra sân thi đấu.

Hiện tượng đó có xảy ra ở các khán giả nam khi xem bóng đá không? Bác sĩ Paul Bernhardt và đồng nghiệp đã xác định hàm lượng testosteron trong hai nhóm khán giả. Nhóm đầu gồm các fan tham dự trận đấu bóng rổ giữa CĐ Georgia Tech và ĐH quốc gia Georgia. Nhóm thứ hai là các cổ động viên xem trận đấu giữa hai đội tuyển trong World Cup 2006. Các cổ động viên hai đội đối kháng đều tình nguyện cho bác sĩ lấy máu mình xét nghiệm hàm lượng testosteron.

Kết quả cho thấy: trận đấu càng diễn ra sôi nổi, hàm lượng testosteron ở các cổ động viên càng tăng. Và điều thú vị là diễn biến của trận đấu làm thay đổi hàm lượng hocmon này ở họ. Hàm lượng testosteron ở các fan của đội thắng tăng 20%, và cũng giảm sút bấy nhiêu ở fan của đội thua trận.

Từ đó, bác sĩ Barnhardt kết luận: “Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các fan bị tác động bởi sự được/thua cả đội bóng họ ưa thích. Điều đó không chỉ diễn ra trong đầu mà trong cả cơ chế sinh lý của họ”.

Bảo Châu (Theo Courrier International)