Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > NGUYỄN VĂN LÝ - NGƯỜI CON CỦA KINH THÀNH THĂNG LONG
Tảo Trang Vũ Tuân Sán
NGUYỄN VĂN LÝ - NGƯỜI CON CỦA KINH THÀNH THĂNG LONG
Thứ Hai 27, Tháng Mười Hai 2010, bởi
Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tại Văn miếu - Quốc tử giám đã tổ chức cuộc triển lãm Văn học Thủ đô Hà Nội, cuộc triển lãm văn học đầu tiên của Thủ đô sau chiến thắng đế quốc Pháp giành lại quyền độc lập và cũng là cuộc triển lãm Văn học đầu tiên của đất nước ngàn năm văn hiến.
Mở đầu triển lãm là bản danh sách Danh nhân văn học, gồm các vị nguyên quán hay sinh quán ở Hà Nội và mở đầu là hai nhà văn hào lừng danh toàn quốc, không phải gốc Hà Nội mà chỉ sinh ra ở nơi này. Đó là Nguyễn Trãi quê ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ, sinh tại dinh cơ ông ngoại là Trần Nguyên Đán giữ chức Tư đồ, cấp bậc quan hàng ngũ cao nhất trong triều, và Nguyễn Du sinh tại dinh thự của cha là Tể tướng Nguyễn Nghiễm, đặt tại phường Bích Câu.
Bản danh sách được thiết lập vào thời kỳ khởi đầu chế độ mới, vừa giành lại chính quyền và vẫn vướng chiến tranh chống đế quốc, mọi sưu tầm tư liệu còn nhiều thiếu sót. Vì thế nên cần được bổ sung, ghi thêm một vị nguyên quán chính ở Kinh thành Thăng Long, đó là Nguyễn Trù đỗ Hoàng giáp năm 1697 niên hiệu Chính Hòa (Lê Hy Tông). Ông đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử văn học với một công trình biên soạn: “Sách học đề cương chú” nói về văn sách, một thể loại sáng tác văn học được coi là một môn chủ yếu kiểm chứng tài học trong thi cử. Ngoài ra ông hiệu đính, bổ sung, chú giải và cho in lại bộ “Quần hiền phú tập” của Hoàng Sằn Phu có từ thế kỷ XV.
Về các thế hệ sau, bản danh sách còn cần được bổ sung với tên người cháu bốn đời vị danh nhân văn học trên, tức Nguyễn Văn Lý, một trong nhóm trí thức tiêu biểu của đất Kinh thành văn vật thời đầu thế kỷ XIX, như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Vũ Tông Phan.
Riêng về Nguyễn Văn Lý có thể nhận hiểu cá tính đặc biệt của ông qua tên tự và tên hiệu là những tên người trí thức thời trước tự đặt, phản ánh tâm tư nguyện vọng của chính mình, ngoài tên chính thức do cha mẹ đặt cho. Ngay từ dòng đầu của Tự truyện, Nguyễn Văn Lý đã tự giới thiệu: “Tên Văn Lý, tự Tuần Phủ, hiệu Chí Đình, biệt hiệu Đông Khê”.
Về tên tự Tuần Phủ, “Phủ” là tên gọi trân trọng người thuộc nam giới. “Tuần” có nghĩa “noi theo, thuận theo”. Tên tự theo nghĩa từng chữ là “tên chữ”, tên được đặt theo “chữ” (tức chữ Hán) của tên theo nghĩa chữ Hán và thường dựa trên sự trích dẫn từ những sách cổ. Tên tự “Tuần Phủ” có nhiều khả năng đã dựa vào câu trong sách Tuân Tử (thiên Nghị binh): “Nghĩa giả tuần lý, cố ố nhân chi loạn chi dã” (Người chính nghĩa noi theo đạo lý, nên ghét người làm rối loạn nếp sống ấy (theo Hán ngữ đại từ điển, Thượng Hải, 2000).
Còn về tên hiệu cũng là loại tên do mình tự đặt như tên tự, nhưng nhằm ghi lại chí hướng hay quê hương của mình. Trong Tự truyện, Nguyễn Văn Lý viết tên hiệu là Chí Đình, biệt hiệu là Đông Khê. Đông Khê nhằm ghi nhớ một cảnh vật của quê hương Đông Tác - con ngòi nhỏ từ làng chảy ra hồ Bảy Mẫu, được ghi làm danh hiệu tập thơ Đông Khê thi tập. Ngoài tên hiệu Chí Đình ghi ở Tự truyện, ông còn có tên hiệu Chí Hiên, Chí Am ghi trên hai tập thơ Chí Hiên thi thảo, Chí Am Đông Khê thi tập, viết Tự truyện có tên đầy đủ là Chí Am tự truyện. Ba tên hiệu đều dùng chữ “chí” (ý hướng bền bỉ của cuộc sống) cho thấy sự kiên định của ông thực hiện việc tuân thủ đạo nghĩa trong tên tự. Có tác phẩm Nguyễn Văn Lý dùng cả hai tên hiệu chỉ quê hương và chí hướng như: Thọ Xương Đông Khê Chí Đình phệ thuyết (Đông Khê Chí Đình người huyện Thọ Xương nói về bói toán).
Qua tên tự và tên hiệu, Nguyễn Văn Lý đã xác định cho mình hướng sống theo đạo nghĩa và quyết tâm thực hiện. Cuộc đời ông được thể hiện qua tác phẩm Tự truyện và qua thơ văn đã minh họa cho lý tưởng này, trong cách xử sự ở mọi cương vị và hoàn cảnh. Ông là dân phường Đông Tác, luôn luôn nhớ tới quê hương, từng gửi về 10 lạng vàng để làm vốn, sinh lợi tức, nhằm góp phần giảm bớt khó khăn, thêm niềm vui cho cuộc sống. Ông còn đưa thêm 10 quan tiền vào việc đèn hương thờ thần Thành hoàng làng. Là con cháu dòng họ Nguyễn Đông Tác, từ cụ thủy tổ gốc ở Thanh Hóa chuyển ra đến ông đã 11 đời, ông để tâm viết gia phả, câu đối, thảo văn tế về toàn dòng họ cũng như về riêng ngành mình. Ông là người con chí hiếu, 23 tuổi phải nghỉ học, cùng em đêm đêm đặt giường nằm bên cạnh để chăm sóc mẹ bị ốm nặng cho đến khi mẹ mất vào tháng 2 năm sau.
Ông có bà tổ cô Thụy Nhũ, trên ông ba đời, con Đại vương Hy Quang, vốn là cung tần, sau bỏ đi tu ở chùa Nhạn Tháp (cũng gọi Bút Tháp), khi mất được dân dựng tượng thờ, xây tháp đặt mộ. Về bà, ông có hai bài thơ, một bài nhân đến thăm chùa Nhạn Tháp “tìm dấu cũ” nhớ thần khí “anh linh”. Bài thứ hai “Lại đến chùa Nhạn Tháp yết tượng tổ cô, cảm xúc thành thơ”, ông đã ví bà tổ cô bỏ cảnh cung tần để đi tu như Cát Hồng đời Tấn từ bỏ quan tước cao sang để tới Câu Lậu (đất Giao Chỉ) tìm đan sa về luyện thuốc. Bài thứ ba Hoài tổ cô cung tần xuất đầu thiền viện (Nhớ tổ cô dời bỏ đời cung tần đi tu) ở phần cuối tập, chắc được làm khi ở Phú Yên (hay ở Bình Định sau vụ án), có bài dẫn nhắc lại hai cuộc thăm viếng chùa Nhạn Tháp năm xưa và bài thơ tưởng niệm cảnh chùa và tháp, cũng ca ngợi thiền hạnh bậc tổ cô.
Với tinh thần tôn sư trọng đạo, ông ghi trong Tự truyện danh hiệu và lược sử năm thày dạy. Sau khi đỗ Tiến sĩ, trên đường vinh quy từ Huế về, ông đã ghé thăm tạ ơn thày cũ là Tiến sĩ Bạch Trai Lê Hoàng Đạo. Khi thày Chỉ Trai Bùi Huy Linh (quê Thịnh Liệt) mất, ông có thơ viếng. Ông cũng có thơ viếng thày Lập Trai Phạm Quý Thích từng là Đốc học Hà Nội, vị thạc nho quy tụ đông đảo học trò nổi tiếng. Ông viết trong Tự truyện: “Chỉ có Lập Trai tiên sinh là tri kỷ”. Từ “tri kỷ” hàm ý thày đã hiểu rõ khả năng, kiến thức và tinh thần của học trò. Ông cũng ghi lời thày khen “làm văn có tài, ngày càng thuần thục tiến bộ! Nhiều triển vọng thành đạt trong khoa cử”.
Trong số các thày dạy, ông có thơ kính viếng hai thày, chắc do tang lễ được tổ chức kề cận. Thày Bùi Chỉ Trai ở xã Thịnh Liệt, phía bắc huyện Thanh Trì, và thày Phạm Quý Thích ở ngay trong nội thành. Bài kính viếng thày Phạm Quý Thích có câu kết:
Thiên tải kỷ nhân năng tiễn lý,
Lập Trai di biển đạo thường tôn.
(Ngàn năm sau, mấy người có khả năng noi theo,
Biển Lập Trai còn để lại, đạo lý mãi được tôn trọng).
Câu thơ nói lên sự tin tưởng cùng uy tín rộng lớn của thày dạy, và cả về tính cách vĩnh hằng của đạo lý trong đời sống xã hội. Lập Trai là tên hiệu của Phạm Quý Thích. Vũ Tông Phan trong bài thơ “Thăm giảng đàn cũ của thày Lập Trai” có câu nhắc tới tấm biển:
Qua đường kỷ độ quan di biển,
Mỗi quý trung tài tự lập nan.
(Qua giảng đường mấy lần, ngắm biển đề còn lại,
Mỗi lần lại thẹn mình tài tầm thường khó tự lập thân).
Vốn sẵn tâm hồn thuần hậu và có dịp tiếp xúc với nhiều hạng người, Nguyễn Văn Lý rất đông bè bạn. Bạn học thời thanh thiếu niên, bạn cùng đi thi, cùng đỗ ở hai kỳ thi Hương và ba kỳ thi Hội, bạn đồng liêu ở miền Bắc, miền Trung và tới cả Gia Định miền Nam. Thân mật nhất là nhóm đồng học tại giảng đường Phạm Quý Thích khi vị thạc nho này mở trường dạy học bên Hồ Gươm và có thời gian làm Đốc học Thăng Long (đã đổi chữ viết Long là rồng thành Long là thịnh vượng). Nhóm đã tập hợp các danh sĩ đương thời đất Hà Thành và miền lân cận như Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Lê Duy Trung, Phạm Sĩ Ái. Đặc biệt, ông đã cùng mấy vị quê hương Hà Nội hay những người có đời sống gắn chặt với nơi này phối hợp hoạt động nhằm góp phần chấn hưng văn hóa Thăng Long. Thời kỳ đó đã ra đời Hội Hướng thiện, đã xuất hiện Đài Nghiên, Tháp Bút ở khu đền Ngọc Sơn, xây dựng Văn chỉ Tiên hiền huyện Thọ Xương (công trình cuối cùng này là sự hợp tác giữa Vũ Tông Phan và Nguyễn Văn Lý).
Trong nhóm các bạn thân còn có Cao Bá Quát, sinh năm 1808, kém Nguyễn Văn Lý tới 13 tuổi, có lẽ vì thế mà không được ở trong nhóm đồng môn theo học Phạm Lập Trai. Nhưng không do chênh lệch tuổi tác mà mối liên hệ giữa hai người kém phần thân thiết. Qua hai tập thơ Đông Khê và Chí Hiên, cuộc giao lưu bằng thi ca giữa Nguyễn Văn Lý và Phương Đình Nguyễn Văn Siêu nhiều hơn giữa ông với Chu Thần Cao Bá Quát. Nhưng dù chỉ có ba bài lại có giá trị đặc biệt, liên quan đến những quãng đời tiêu biểu của nhà thơ họ Cao.
“Chí Hiên thi thảo” có bài “Duyệt Cao Chu Thần thi tập nhân ký”, dịch là “Đọc tập thơ Cao Chu Thần nhân đó gửi” viết vào thời kỳ ông làm việc ở triều đình Huế, khi Cao Bá Quát dời đến chỗ ở mới bên Hồ Tây. Đông Khê thi tập ghi lại hai bài thơ của Cao Bá Quát gửi cho Nguyễn Văn Lý. Cả hai đều ở trong hoàn cảnh đặc biệt, một bài làm khi bị giam cầm vì can tội ngầm sửa chữa bài thi khi làm sơ khảo trường Thừa Thiên năm 1841. Một bài “Trà Giang dạ bạc” làm sau khi đi hiệu lực cùng phái đoàn Đào Trí Phú ở Tân Gia Ba về. Cả hai bài không thấy trong Tuyển tập thơ chữ Hán của Cao Bá Quát (Nxb. Văn học, 1970) và đều được Nguyễn Văn Lý có bài họa. Tình bằng hữu liên kết bằng văn chương còn được thể hiện ở cuộc đồng du xướng họa tại Ngũ Hành sơn. Đấy là một thắng tích đất Quảng Nam (nay thuộc Thành phố Đà Nẵng), có thể nói là độc nhất vô nhị của đất nước, tập hợp được vẻ đẹp của cả núi, sông và biển. Núi có nhiều hang động bên cạnh chùa chiền và công trình xây dựng như đài ngắm sông, đài ngắm biển (Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài), với những tên gợi cảm, nhiều ý nghĩa bằng chữ Hán khắc tại chỗ. Hai nhà thơ thân thiết đã cùng một bạn thơ là Minh Trọng (chưa rõ lý lịch) đồng du. Cuộc xướng họa đã được ghi lại trong “Du Ngũ Hành sơn xướng họa tập”. Thơ hay, được viết theo lối chữ thảo, đạt tiêu chuẩn cao về mặt thư pháp.
Về mặt sáng tác văn học, bên cạnh thơ, Nguyễn Văn Lý còn có văn tập hợp trong Đông Khê văn tập và thấy rải rác trong Hoàng triều văn tuyển, Danh nhân thi tập, v.v… Mảng này gồm nhiều thể loại, với những đề tựa sách như “Đề Lý Lân Chi Việt hành tục thảo”, “Bắc thành chí lược tự”. Bên cạnh đó là một loạt văn tế đọc khi thờ phụng, tỏ lòng tôn kính tri ân đối với liệt tổ (Văn tế Cao tổ và Tằng tổ, Văn tế phụ thân). Văn tế đọc trong lễ tang, tỏ niềm thương đau, luyến tiếc, mến phục đạo đức người đã khuất (Văn tế Đốc học Lỗ Am Vũ Tông Phan). Ông cũng viết nhiều bài ký, như trên bia “Văn chỉ Tiên hiền huyện Thọ Xương,” bài ký về truyện Bà Viên (“Tiên cô phủ tần sự lục”: Truyện bà Tổ Cô từng là cung tần trong phủ Chúa), bài ký khắc trên chuông chùa Non Tiên ở quê hương ông.
Về mảng văn xuôi, có lẽ cũng nên cho vào loại này một số bài “dẫn” hay “Tự” (tựa), nhưng được viết khá dài, có thể coi như một bài văn đặt trước thơ. Như trường hợp bài thơ có đầu đề khá dài “Giai đồng niên nghị trí Tiến sĩ Trung Lập Phạm Nghĩa Khê, Tiên Điền Nguyễn Tụ Phủ tế điền cảm thành” (Cảm xúc sau khi hoàn thành việc đặt tế điền cúng giỗ Tiến sĩ Phạm Nghĩa Khê quê Trung Lập, Nguyễn Tụ Phủ quê Tiên Điền, đều là bạn đồng khoa). Lời dẫn cho biết: Nghĩa Khê là Phạm Sĩ Ái, Tụ Phủ là Nguyễn Toản. Cả hai đều cùng đỗ đại khoa với tác giả, đều mất sớm, mới hơn 30 tuổi, chỉ sinh nữ, không có con trai. Năm 1842 tác giả đã gặp Phan Hiển Phủ (tức Phan Trứ, đỗ cùng khoa 1832). Hai người cùng nhau tới gặp một số bạn cũ, cùng thương cảm về hoàn cảnh hai bạn đã khuất bóng, bàn bạc quyết định mua đất làm tế điền tại quê hương mỗi người để bảo đảm việc cúng giỗ. Công việc đó tiến hành ở hai nơi thuộc Hải Dương và Hà Tĩnh và được thực hiện chu đáo. Lời dẫn dài 14 dòng, mỗi dòng trên dưới 30 chữ, là một tư liệu súc tích về nội dung bài thơ.
Cũng như trường hợp trên, bài “Hoài tổ cô cung tần xuất đầu thiền sự” (Nhớ việc bà tổ cô đã rời bỏ cảnh cung tần gia nhập cửa thiền), nói về bà tổ cô 3 đời đã nói ở trên, con gái cụ tổ 4 đời Đại Vương, từng làm cung tần trong phủ Trịnh Tấn Quang Vương, quyết tâm lìa khỏi cung điện đi tu. Bài “dẫn” kể lại tiểu sử nhân vật này cùng nơi tu hành là chùa Nhạn Tháp nổi tiếng ở Kinh Bắc. Cũng kể lại việc nhà thơ đã ba lần đến thăm chùa, coi như bái yết bà tổ cô đáng kính. Bài dẫn dài 16 dòng cùng một khổ chữ nhỏ như loại dẫn nói trên.
Một thí dụ nữa là bài “Trấn Biên Doanh Phạm Đốc Phủ Quận công” (Trấn Biên Doanh là tên cổ của tỉnh Phú Yên). Bài thơ này cũng có lời dẫn, dài 13 dòng, chữ viết cũng khổ nhỏ như ở hai bài trên. Lời dẫn cho hay, nhân vật tên họ là Lương Văn Chính, từ thời Quang Hưng (1578-1599) triều Lê Thế Tông, đã có thành tích dẹp loạn, được Trịnh Tùng phong “Phụ Quốc Thượng Tướng quân Tham đốc”, sau được trao quyền quản trị huyện Tuy Viễn, trấn An Biên. Ông đã tổ chức thành công việc khai hoang trồng trọt, sau khi mất, được dân thờ phụng. Năm Chính Hòa thứ 10 (1689) có sắc phong “Bảo Quốc chi thần”. Tác giả trong thời gian làm Án sát Phú Yên đã giúp địa phương nhận thức rõ về nhân vật này.
Ba bài dẫn có thể coi như ba áng văn xuôi nói về tình bằng hữu thắm thiết, tình thân gia tộc với sự kính trọng biết ơn tiên tổ, với sự tôn vinh những người có công với đất nước. Những bài dẫn trên không thể thiếu đối với người đọc, cho phép nhận thức đầy đủ về nội dung và giá trị của tác phẩm kèm theo.
Về văn, còn có bản Chí Am tự truyện (Tự truyện), trong đó nhà thơ tự viết về cuộc sống của mình, từ nhỏ cho đến khi về hưu. Tác phẩm kể lại những giai đoạn chính đã trải qua, những việc làm thời đó, cách ứng xử những lúc khó khăn trong đời sống. Điều quý giá là Tự truyện cung cấp nhiều tài liệu cho việc nghiên cứu, tìm hiểu tác phẩm của nhà thơ. Và cũng cho thấy nét đẹp của cuộc sống của ông gắn bó với quê hương, dòng họ, với chức vụ, với đất nước và nhân dân, với cả thái độ bình tĩnh, vững vàng khi gặp tai họa, từng được ông gọi là “vận hạn”. Tự truyện chỉ ghi lại ít dòng về vụ án trong đó ông bị liên can, đang khi làm Án sát ở Phú Yên. Do việc thẩm định thiếu sót, ông bị kết án. Bản thân mình cầm cân pháp luật, lại bị xử ở ngay nơi thuộc thẩm quyền của mình, Tự truyện chỉ ghi “thật đáng buồn!”. Và ngay sau đó, ông đã lao vào các công việc khác được ghi lại trong vài trang sau, mặc dầu trong thi tập có những bài thơ mà bạn bè và các học trò tỏ sự luyến tiếc và mến mộ. Và trong bài tựa Đông Khê thi tập, bạn đồng khoa Hoàng giáp Phan Trứ không ngớt lời khen ngợi: “… được lệnh bãi quan, vẫn bình thản coi như chuyện thoáng qua…, trong cảnh khốn cùng thảm sầu, vẫn ung dung thư thái”.
Về địa hạt văn trong toàn bộ di sản văn học của Nguyễn Văn Lý xin xem thêm phần cuối bài “Mạch văn dòng Nguyễn Đông Tác nhìn khái quát từ cội nguồn tới Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý” của Đinh Công Vỹ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, in trong sách Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý và dòng họ Nguyễn Đông Tác (Nxb. Văn hóa dân tộc, 2000).
Địa hạt về thơ, so với văn, phong phú đa dạng hơn nhiều. Trong Tự truyện, Nguyễn Văn Lý ghi: “Trước tác của ta có hai tập: Đông Khê thi tiền hậu tập và Đông Khê văn tập. Sách Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993 (viết tắt: Thư mục Hán Nôm) ghi ông còn là tác giả của Chí Hiên thi thảo và Chí Am Đông Khê thi tập.
Ngoài ra Thư mục Hán Nôm có ghi sách “Chư gia thi văn tuyển” có trích thơ từ Chí Đình thi tập.
Trong Lệ ngôn của học trò ông, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp, được ông sau khi về hưu, trao cho việc biên tập thơ ông thì việc này đã hoàn thành, tập hợp được 433 bài.
Bản Đông Khê thi tập sao chụp của gia đình gồm 226 trang, ghi được 345 tên bài, không phải do Nguyễn Trọng Hợp biên tập, mà đã được chép lại và bổ sung dựa vào Chí Hiên thi thảo và Chí Am Đông Khê thi tập, là tên những tập thơ trước được Nguyễn Trọng Hợp lấy đưa vào Đông Khê thi tiền hậu tập ghi trong Tự truyện.
Thơ Nguyễn Văn Lý hiện được lưu lại dưới nhiều tên ghi ở đầu sách: Đông Khê thi tập, Chí Hiên thi thảo, Chí Am Đông Khê thi tập và cả Chí Đình thi tập, có thơ trích trong Chư gia thi văn tuyển (Thư mục Hán Nôm tập 1, trang 312).
Nguyễn Văn Lý qua các tập thơ có nhiều tên hiệu, nhưng có thể chọn một tên trong những tên ghi ở những tập thơ nói trên gọi là nhà thơ Chí Đình, là tên hiệu duy nhất được ông ghi trong Tự truyện và cũng là tên chính ông đã ký sau những bài thơ trong Ngũ Hành sơn xướng họa tập, bên cạnh Cao Bá Quát (ký tên là Chu Thần) và Minh Trọng.
Xét về thời điểm xuất hiện, các bài thơ trong từng tập thường được sắp xếp theo thời gian trước sau, tuy có nhiều trường hợp không bảo đảm được trình tự hợp lý như Nguyễn Trọng Hợp từng ghi trong Lệ ngôn. Nói chung, Đông Khê thi tập do chính nhà thơ Chí Đình chỉ định học trò (mà trưởng tràng có vai trò quan trọng) biên tập gồm tiền hậu tập, hay tập 1 tập 2, bao quát toàn bộ cuộc đời. Tiền tập (hay tập 1) gồm những bài làm trước khi rời phủ Thuận An vào kinh nhận chức Viên ngoại lang Bộ Lại (1834). Tập hạ (hay tập 2) gồm những bài sau đó, thời kỳ ở Huế, tại Bộ Lại và Bộ Hình (1836-1840) và thời kỳ được bổ làm Án sát Phú Yên (1841) bị can trong vụ án hối lộ và thời gian sau đó. Chí Hiên thi thảo gồm những bài trùng hợp với Đông Khê (tập 2), chắc trước đây là một tập độc lập đã được đưa vào trong Đông Khê thi tập nên tiên sinh không nhắc tới trong Tự truyện.
Một tập thơ khác cũng không được ghi trong “Tự truyện” là “Chí Am Đông Khê thi tập”. Tập này gồm những bài thơ sáng tác khi theo một Sứ bộ sang Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng không phải là của nhà thơ Chí Đình, vì “Tự truyện” không thấy nói tới việc đi thăm nước ngoài và nhất là bài thơ đầu tiên đã ghi năm sáng tác, Tân Sửu (1841), là năm nhà thơ được bổ làm Án sát Phú Yên và giữ chức vụ này cho đến năm 1844, bị can vào một vụ án hối lộ. Tuy nhiên, ta thấy có 8 bài đầu của Chí Am được đưa vào phần đầu của Đông Khê thi tập (tập 2), trong đó có 2 bài khẳng định việc theo một sứ bộ sang Trung Quốc. Đó là bài “Xuất sứ Phú Yên thừa nông dịch thứ ngẫu thành” dịch là “Ra đi cùng sứ bộ từ Phú Yên theo vào quán trọ phục vụ canh nông ngẫu nhiên thành thơ”. Ba chữ cuối “ngẫu nhiên thành” cũng có thể hiểu là “ngẫu nhiên thành việc ra đi cùng sứ bộ” (xuất sứ). Bài thơ có hai câu về hai quẻ trong Kinh Dịch: quẻ Càn “Càn tượng phi long kiến đại nhân” (Tượng quẻ Càn: rồng bay trên trời, được lợi gặp người cao quý), tương ứng với việc nhà thơ gặp người có địa vị giúp cho việc “bay nhảy” ra nước ngoài. Câu sau có mấy chữ “Tấn hầu tích mã” (bậc Hầu trong quẻ Tấn được ban thưởng ngựa) cũng lấy ở câu trong Kinh Dịch (quẻ Tấn). “Khang hầu dụng tích mã phồn thứ” (Bậc hầu có tài trị nước được yêu dùng và ban thưởng nhiều ngựa”. Qua câu thơ, tác giả tự cho mình được tham gia đoàn đi sứ như một món quà tặng thưởng và đánh dấu một bước tiến của đời sống, sau việc bị xử “cách lưu” trong vụ án ở Phú Yên.
Một bài khác, bài thứ 7 trong số 8 bài trùng lặp ở hai tập Đông Khê và Chí Am có đầu đề Đồ trung ngẫu đắc dịch nghĩa “Dọc đường tình cờ được (bài thơ sáng tác)” có câu nói về công việc ở sứ đoàn: Nam lai tinh tiết nhất quan chi, sở hành bưu phó đương đồng bộc nghĩa câu trên là: “Sứ đoàn từ phương Nam lại, một viên quan đi cùng (Chí Am: “nhất quan tùy” (một viên quan theo), đã sửa một chữ để giảm bớt sự phụ thuộc). Nghĩa câu sau: “mấy lần phụ việc chuyển giao văn thư, làm nhiệm vụ kẻ tôi đòi” . Những bài thơ sau nói về việc xướng họa cùng với chánh phó sứ đoàn và có lần đã được sứ đoàn nhờ làm thơ chúc thọ vua nhà Thanh.
Trong “Tự truyện” nhà thơ Chí Đình ghi “Tác phẩm có Đông Khê thi tiền hậu tập”, tức là gồm hai tập. Nhưng ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm có bộ Đông Khê thi tập ký hiệu A.2439. Gồm ba quyển: quyển nhất 64 trang kép, quyển nhị 72 trang kép, quyển tam 64 trang kép. Đây là một bản sao chép theo lối chữ thảo, chắc là một bản tư gia, không phải là bản sao chép của các thư viện hay các cơ quan nghiên cứu, thường chỉ dùng lối chữ chân phương thông dụng cho đa số người đọc. Đầu sách có hai bài tựa của Lê Đôn Phủ (Lê Văn Đức) và Phan Hiển Phủ (Phan Trứ) và một bài bạt của Phan Tử Cử. Sách ghi thêm nhiều bài thơ không có trong Đông Khê thi tập và Chí Hiên thi thảo, điều đó cho thấy di sản thi ca của nhà thơ Chí Đình rất phong phú.
Với một tâm hồn nhạy cảm đối với cái đẹp của thiên nhiên cũng như của đạo người, ông đã ghi lại bằng thơ những xúc động tâm tư trong cuộc sống thường ngày. Phong phú và đa dạng vượt xa các bạn trí thức cùng thời về mặt địa bàn sinh hoạt cũng như về môi trường hoạt động. Thi ca đã ghi lại dấu chân ông ở miền Bắc, trên đất quê hương Đông Tác thuộc phường Phương Liên tại trung tâm Thăng Long Hà Nội, trải qua Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam Định, từ đó đi vào miền Trung ở kinh thành Huế, sau tiến thêm xuống phương Nam, đến Phú Yên và đến cả Gia Định miền cực Nam của Tổ quốc. Và không chỉ thế, ông còn có dịp theo một sứ đoàn sang đất Trung Hoa.
Địa bàn rộng lớn, hoạt động hành nghề cũng đa dạng hơn các bạn trí thức đương thời. Ông từng ở ngành hành chính, làm Tri phủ Phủ Thuận An, chức Lang trung tại Bộ Lại và Bộ Hình (1834-1840), rồi chuyển sang ngành tư pháp, làm Án sát Phú Yên. Sau bị mất chức vì liên can tới một vụ án nội dung chưa biết rõ tường tận. Bị xử “cách lưu” tức bị cách chức Án sát nhưng coi như vẫn ở trong quan chế. Ông còn làm giám khảo tại các kỳ thi trong thời gian đang làm Án sát Phú Yên, được đặc cử làm chủ khảo trường thi Gia Định. Thời kỳ mất chức do vụ án Phú Yên, ông vẫn được chỉ định làm sơ khảo trường thi Nam Định (1848) và 10 năm sau (1858) làm phúc khảo cũng ở trường thi này.
Cũng ở giai đoạn miễn nhiệm cuối đời này, nhà thơ chuyển sang ngành giáo dục, tiếp nối một thời kỳ ngắn dạy trẻ làm kế sinh nhai nơi ông đang học để đi thi. Năm 1856 ông lên Sơn Tây, tới một làng thuộc huyện Lập Thạch mở quán dạy học, rất đông người đến thụ giáo. Nhưng chỉ được tám chín tháng, lại có lệnh trên cử ông làm Giáo thụ phủ Thường Tín và hai năm sau thăng Đốc học Hưng Yên. Cho đến năm 1865 ông xin nghỉ hưu, có sắc chuẩn y, tặng hàm Hàn lâm viện trước tác (Chánh lục phẩm). Như vậy, ông chỉ được sửa bản án miễn nhiệm, vì nếu hủy bỏ thì phải được phục hồi hàm tước cũ khi làm Lang trung Bộ Hình (trước khi được bổ làm Án sát Phú Yên, ông đã hưởng hàm Chánh tứ phẩm.
Thơ Chí Đình hết sức phong phú, ghi lại những cuộc viếng thăm của ông tới nhiều thắng tích trên đất nước. Ở miền Bắc ông đã đến thăm chùa Nhạn Tháp, một danh thắng và là nơi còn giữ dấu tích bà Tổ cô kính quý của ông.
Ở Huế từ 1834 đến 1841, trừ hai năm nghỉ về quê chữa bệnh còn sáu năm ở Huế đảm nhiệm công việc văn thư, soạn thảo các văn khế của triều đình. Công việc suôn sẻ từ chức Viên ngoại lang (Chánh ngũ phẩm) thăng Lang trung (Chánh tứ phẩm), sáng tác văn học phần lớn xóa bỏ tính cách thù ứng, đón mừng, tiễn biệt hoặc giải trí với những đề tài cổ điển như “Xuân hứng thập vịnh”, “Thu hứng thập vịnh”, “Đông hàn tứ vịnh”. Có thơ về chùa Thiên Mụ và hai bài về gia đình: “Được tin nhà bị cháy, mọi thứ đều bị thiêu hủy, trừ cờ biển được tặng khi vinh quy” và bài an ủi vợ (Ủy gia nội), tưởng nhớ mến phục bạn đời mười lăm năm qua, hưởng quá ít thời gian đoàn tụ.
Thời gian ông làm Án sát Phú Yên, ông đã có những sáng tác đáng kể, khác loại ngâm vịnh như hồi còn ở trên đất sông Hương núi Ngự. Ông đã viết Phú Yên phong thổ ca cho thấy những nét đặc sắc về sử địa của một miền được coi là phong phú với các sản vật như ngà voi, sừng tê giác và những thứ tiến vua như am la (xoài). Ông hòa mình vào cuộc sống của dân chúng, viết một bài về những người cao tuổi của địa phương. Qua thơ với lời dẫn chi tiết ta thấy ông đã giúp dân hiểu rõ công tích vị Thành hoàng Phan Đức Phủ, Quận công Lương Văn Chính được Trịnh Tùng phong Phụ quốc Thượng tướng quân. Một bài thơ khác kèm lời dẫn kể về việc ông cùng người bạn muốn xác minh truyền thuyết vua Lê Thánh Tông đã từng tới nơi này và đã dựng bia ghi niên hiệu Hồng Đức.
Như trên đã nói, mặc dù vẫn còn phải xác minh thêm, vẫn có cơ sở thừa nhận Đông Khê Chí Am thi tập là của nhà thơ Chí Đình và thơ ông đã có mặt trên đất phương Bắc với những bài thơ vịnh đền thờ Mã Viện, Nhạc Phi… Ông đã ghi nỗi nhớ quê nhà qua bài “Đêm nghe khúc hát lý ở quán bên cạnh” (Dạ văn lân quán lý khúc): Thu phong bất giải nam âm dị, Ngộ tống man ca đáo khách biên (Gió thu không hiểu biết âm điệu lạ phương Nam, Lầm đưa giọng hát dân dã đến bên khách). Và trong bài Việt Đông hoài cổ có hai câu:
Quái để thập phân thiên tải hậu,
Y hi phong nhưỡng tự Giao châu.
(Quái lạ thay đã nghìn năm sau cuộc gộp lại và phân chia
Vẫn y nguyên phong tục đất đai như thời Giao châu).
Trong thơ Chí Đình, có nhiều bài cho thấy ông rất coi trọng mối liên hệ trao đổi ý tình với những người quen thân nhiều hay ít. Đặc biệt đối với bạn bè, đã từng nói ở trên về mối tình thân thiết với Cao Bá Quát, thi tập còn cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa ông và Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, Nghĩa Khê Phạm Sĩ Ái, Phù Xuyên Phan Trứ. Ngoài mấy bạn chí thiết, còn nhiều người quen thân khác được ghi lại trong những bài mừng thi đỗ, tiễn nhau, mừng thọ, v.v... Có cả bài tặng các học trò và tặng thân hào nơi phủ cũ mình trị nhậm, hay việc rời phủ cũ để nhận nhiệm vụ mới. Tình cảm thân thiết của nhà thơ cũng được đền đáp trong nhiều bài thơ của bạn bè, của học trò bày tỏ tấm lòng kính nể, luyến tiếc khi ông dời Phú Yên tới Bình Định đối tụng về việc bị liên can tới vụ án đã khiến ông mất chức. Một chùm thơ khác, đáng kể về số lượng, thuộc đề tài khác là thơ vịnh thắng địa, thắng tích. Có thể nói trong giới trí thức đương thời, hiếm ai được như ông có tới sáu lần hành trình từ quê ngoài Bắc vào kinh đô Huế, có lần tới Phú Yên và xa hơn tới Gia Định.
Ông có mấy bài thơ về mấy tỉnh miền Nam: Khánh Hòa, Bình Thuận, Biên Hòa và Gia Định. Có thơ vịnh núi Dục Thúy ở Ninh Bình, đền Bố Vệ ở Thanh Hóa, núi Mộ Dạ ở Nghệ An, rồi Hải Vân Quan, Cổ thành Quy Nhơn và cuối đất miền Trung là Thạch Bi Sơn ở Phú Yên, tương truyền có tấm bia ghi dấu tích của Hồng Đức đã tới thị sát miền cực Nam của đất nước. Thơ thắng địa, di tích, cũng như các thơ loại khác đều thường có những lời dẫn hay tự ở đầu như phần trên bài này đã nói, coi như những áng văn xuôi góp phần quan trọng vào việc hiểu biết, thưởng thức bài thơ. Ngoài ra, câu thơ trong bài thường có chú thích cần thiết về ý nghĩa, đặc biệt ghi chú những câu văn thơ - nhiều nhất là thơ đã gợi hứng cho tác giả viết nên câu thơ trong bài, người đọc thích thú được hiểu biết thấu đáo câu thơ có ghi chú, thêm cả thú thưởng thức câu thơ được trích dẫn, thường là những câu rất hay nên đã được lưu lại trong trí nhớ nhà thơ.
Một đặc điểm của thơ Chí Đình là hiện được lưu trong nhiều bản thi tập khác nhau, nên cùng một bài thơ lại được ghi với những câu, những chữ khác biệt, do sự sao chép thiếu sót và rất có thể do cả nhà thơ sửa chữa, khi hướng dẫn học trò là Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp tập hợp tác phẩm của mình thành Đông Khê thi tập. Có thể dẫn hai thí dụ tạm coi là điển hình không thuộc đề tài di tích danh thắng mà liên can đến tâm tư nhà thơ. Thứ nhất là bài “Ủy gia nội”, mà nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh cho là “một trong những bài hay nhất”, nếu xếp vào những bài thơ thuộc chủ đề “nội tướng của các văn nhân thời trung đại”. Câu thứ nhất trong bài thơ “Thập ngũ niên lai lão tuế hoa” (Tới nay mười lăm năm, đã già đi tuổi trẻ). Nhà thơ lập gia đình năm 1822, vậy bài thơ được làm vào năm 1837, hồi đương ở Huế, giữ chức Lang trung Bộ Lại. Cả hai thi tập Đông Khê và Chí Hiên đều có bài này. Tập Chí Hiên có trước tập Đông Khê, sau này đã được tập hợp cùng nhiều bài ở các tập khác thành Đông Khê thi tập, nên không được ghi tên trong Tự truyện. Thơ 8 câu, ở cả hai bản, 6 câu đầu như nhau, nói về cảnh vợ chồng lâu năm cách biệt, vợ gian khổ một mình nuôi con, chồng xa nhà lương ít không chút giúp đỡ. Chỉ có hai câu kết là khác nhau.
Ở tập Chí Hiên:
Khách cửu dĩ phao gia thất niệm,
Tối liêu sầu xứ thị xuân hoa.
(Lâu năm trên đất khách không còn nghĩ đến gia đình,
Ở nơi chốn đau buồn, bị trêu chọc thậm tệ, chính do hoa xuân).
Ở tập Đông Khê là hai câu kết khác:
Tảo vãn đắc vi quy khứ hảo,
Kết lư duy thị hướng yên ba.
(Sớm muộn được yên vui quay về,
Dựng ngôi nhà tranh chỉ hướng vào nơi khói sóng).
“Khói sóng” (yên ba) có nghĩa: sương mù trên mặt nước sông ngòi, chắc nói về một cảnh thực, con ngòi ở phía đông đất Đông Tác quê hương nhà thơ (cũng có thể hiểu là “con ngòi của đất Đông Tác”), địa danh này đã được nhà thơ lấy làm tên hiệu.
So sánh hai câu kết trên ta thấy câu trong tập Chí Hiên nói về nỗi đau thương của người chồng ở xa vợ trong mùa xuân, không thật hợp với đầu đề “An ủi vợ”. Không những không an ủi mà còn có thể có tác dụng trái lại. Được chồng cho biết nỗi đau buồn xa nhà nơi đất khách, người vợ vốn thương yêu chồng rất có thể sẽ đau buồn theo. Câu kết trong tập Đông Khê rất có khả năng là câu đã được sửa chữa và có giá trị hơn hẳn vì sát đầu đề, đem lại niềm an ủi cho người vợ, với viễn cảnh sống bên chồng giữa cảnh đẹp quê hương. Thực tế, sau khi nhà thơ về hưu năm 1865, hai ông bà được hưởng cảnh đoàn tụ cho đến ngày ông mất, năm 1868.
Bài thứ hai có sự điều chỉnh đáng chú ý được xếp trong tập Đông Khê ngay trước bài trên có đầu đề khá dài với mấy chữ như: “Đắc gia thư cố cư thất hỏa…” (nghĩa là: Được thư nhà, nhà cũ bị cháy…), câu 5,6:
Trì ngư khước thị đồng du hoạn,
Đường yến thùy vi tác phú tài.
(Cá dưới ao vốn cùng cảnh ngộ với người làm quan xa nhà,
Ai đã làm ra câu chim yến trên nhà cao).
“Cá dưới ao” (trì ngư) lấy nghĩa trong câu “thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư” (Từ nguyên): Cửa thành bị cháy, tai họa lan tới cá dưới ao, vì ao bị múc hết nước để chữa cháy, ao cạn nên cá bị chết. Nhà thơ cho rằng nạn cháy nhà đối với mình cũng như nạn cháy thành đối với cá dưới ao, đều không do nạn nhân gây nên, và xảy ra bất ngờ. Nhưng có điều bất hợp lý. Khi dùng chữ "trì ngư": Lửa cháy thành đã là nguyên nhân làm chết cá dưới ao (ao bị cạn do bị múc hết nước chữa cháy), còn lửa cháy nhà không dẫn đến hậu quả tai hại như thế đối với "người làm quan xa nhà".
Có lẽ vì vậy mà ở bài thơ trong tập Đông Khê, hai câu trên đã bị đổi là:
Tiêu liêu chung thị thâm lâm ổn,
Yến tước thùy lân thử nhật hồi.
(Chim tiêu liêu cuối cùng vẫn sống ổn nơi rừng sâu,
Chim én, chim sẻ được ai thương khi ngày ấy lại bay về).
Tiêu liêu thuộc loại chim nhỏ bé (Thiều Chửu dịch là "chim ri") được ghi ở bài Tiêu dao du trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử: "Tiêu liêu sào ư thâm lâm, bất quá nhất chi" (Chim tiêu liêu làm tổ ở rừng sâu, không quá một cành).
Hai câu được sửa lại ý nói nhà bị cháy như tổ chim tiêu liêu, bình dị quy mô nhỏ, dễ làm lại, không nên quá luyến tiếc bởi có ai đó thương chim khi bay về thấy tổ cũ không còn.
Việc sửa chữa ở hai bài thơ trên chứng tỏ nhà thơ rất thận trọng trong sáng tác và luôn luôn hướng tới sự hoàn thiện. Một mảng thơ ca khác là mối giao lưu trong xã hội, với bạn bè hay những người ít nhiều quen thân qua các cuộc tiếp xúc trong cộng đồng. Như trên đã nói, về bạn hữu, Chí Đình có một địa hạt giao tiếp rộng lớn, từ Bắc vào Trung và cả Nam, cả các bạn trong nhóm đồng môn trường Lập Trai. Thuộc đề tài này có thể kể đến bài thơ viết tặng Nguyễn Công Trứ khi nhà thơ này đang giữ chức Phủ Doãn kinh thành Huế về hưu năm 1848.
Cao Bá Quát cũng có làm thơ tiễn (họa bài thơ lưu giản) (Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, Nxb. Văn học, 1970). Bài thơ của Chí Đình có những chi tiết cụ thể về đời sống của Nguyễn Công Trứ hơn là bài thơ của họ Cao.
Cũng có thể kể tới cuộc liên ngâm (làm thơ tiếp liền nhau) trong một đêm sau ngày Đông chí tại Huế giữa ba bạn thân thiết: Hà Phương Trạch (Hà Tông Quyền), Phạm Đôn Nhân (Phạm Sĩ Ái) và Nguyễn Tuần Phủ (Nguyễn Văn Lý), hình thành một bài thơ Đường luật 60 câu theo vần "dương". Người mở đầu đọc câu thơ bảy chữ có vần “dương", người thứ hai đọc hai câu tiếp câu trên theo vần "dương", câu dưới có vần trắc, người thứ ba làm hai câu tiếp theo câu trên vần dương và nối với câu cuối của người thứ hai, câu dưới vần trắc để được đối ở câu đầu của người tiếp theo. Như vậy theo đúng luật Đường thi, thất ngôn bát cú, chỉ có hai câu đầu, hai câu cuối là không đối, nhưng không phải là bài 8 câu mà là bài 60 câu, trừ 2 câu kép ở đầu và ở cuối bài, còn 28 câu kép ở giữa đều là câu đối.
Cũng nên nói tới một mảng thi ca khá quan trọng về ý nghĩa nội dung cũng như chất lượng, những bài về dòng họ, thể hiện tinh thần gia tộc sâu nặng.
Đó là những bài thơ mừng thọ những bậc cao niên trong họ, vừa tỏ tình thân, đôi khi còn nhắc nhở và khuyến khích phấn đấu đuổi kịp các cụ tổ từng đạt mức tuổi đáng quý như cụ Chân Bồi (đời 7) 89 tuổi. Thời đó, những nhà thành đạt thường kết thân với nhau, gả con cái cho nhau để giữ mối liên hệ lâu bền. Do mối gắn bó đó mà trong Đông Khê có nhiều bài về Linh Đường (có họ Hoàng), với Kim Lũ (có họ Nguyễn) đều ở mạn bắc huyện Thanh Trì, sát gần quê Đông Tác. Có cả bài thơ về cuộc hành trình xa hơn, tới làng Phúc Khê, huyện Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình), quê Hội nguyên Hoàng giáp Nguyễn Tông Quai, tác giả tập thơ Sứ Hoa tùng vịnh nổi tiếng. Ngoài ra có cả những bài thơ tưởng nhớ, ca ngợi nếp sống và công đức của các bậc tiên tổ đáng kính, Cao tổ Hy Quang Đại Vương, Hoàng giáp Nguyễn Trù, Thượng tướng Đôn Phác Tào Quận Công và cả của thân phụ Thị Độc.
Một số bài về đề tài khác cũng rất đáng chú ý; liên can đến việc giảng dạy. Nhà thơ Chí Đình hồi mới trên 20 tuổi, sau khi mất cả cụ bà lẫn cụ ông cùng một năm, đã phải theo nghề dạy trẻ. Sau biến cố vụ án bị mất chức Án sát Phú Yên (1844), ông có một thời gian lên huyện Lập Thạch, Sơn Tây mở lớp dạy học, và sau đó được triều đình bổ chức Giáo thụ phủ Thường Tín, sau thăng Đốc học Hưng Yên.
Tuy thời gian này vẫn coi như chịu hình phạt "cách lưu", nhưng ông vẫn sáng tác đều, giọng thơ sảng khoái, bỏ xa thời kỳ làm văn thư ở triều đình Huế thường là những sáng tác xã giao thù tặng, những đề tài khuôn sáo vịnh xuân, vịnh thu, vịnh đông.
Trong “Đông Tác Nguyễn thị gia huấn”, ở từ đường Thị giảng Đại vương có câu đối đáng chú ý do một vị Bố chính Tuyên Quang cung tiến:
Nùng Sơn sơ lạc chung vương tá,
Khang thủy trường minh dẫn thế văn.
(Núi Nùng nơi mới định cư, hun đúc nhân tài giúp vua chúa,
Hồ Khang nước mãi sáng đem lại vẻ đẹp cho đời).
"Giúp vua chúa", nguyên văn "vương tá" có thể hiểu và dịch theo nghĩa rộng hơn "giúp việc trị nước". Hồ Khang (Khang hồ) tên cổ hồ Bảy mẫu xưa gồm cả hồ Ba Mẫu mới được tách ra sau này. Khang hồ được coi như của phường Đông Tác. Khang hồ từng là đầu đề một bài thơ trong Đông Khê thi tập và từng được nhắc tới với tên Âm Khang hồ trong lời Bạt của tập thơ này do Đốc học Bình Định Hi Hiến Phan Tử Cử viết.
Câu đối được ghi sau câu đối của Nguyễn Văn Lý, chắc nhằm ngợi ca cả dòng họ tiếp nhận khí thiêng non nước của quê hương.
Ngay từ thủa ban đầu, cụ thủy tổ từ Gia Miêu ngoại trang, Thanh Hóa, ra định cư ở phường Đông Tác, chốn kinh thành có núi Nùng, sông Nhị; đời thứ hai đã có Hiển tổ là Phụ quốc Thượng tướng quân, các đời sau đều có chức tước. Đến đời thứ 7 có tổ Hy Quang là Thị giảng Phúc thần Đại vương, được vời vào giảng dạy trong phủ chúa. Đời thứ 8 có tổ Loại Am Nguyễn Trù đỗ Hoàng giáp (đã nói ở phần đầu bài).
Còn về những nét sáng đẹp trong cuộc sống coi như xuất phát từ Khang hồ trên đất quê hương của nhà thơ Chí Đình, tác giả câu đối chắc đã dụng ý biểu dương tác động của khung cảnh thiên nhiên đối với hoạt động của con người, nhất là với niềm tin về cái được gọi là khí thiêng sông núi. Dù sao họ Nguyễn Đông Tác cũng có thể tự hào là một dòng họ khan hiếm nếu không phải là duy nhất còn có chứng tích đã trải qua nhiều thế hệ và lâu đời bậc nhất ở trung tâm "Hà Nội 36 phố phường".
Qua những bài thơ tưởng nhớ các tiên tổ, nhà thơ biểu lộ lòng kính trọng biết ơn, nhưng cũng có ý tự nhắc nhở mình và con cháu phải thường xuyên cố gắng giữ vững đạo nghĩa. Ông giỏi môn địa lý tìm những nơi đất tốt đặt mộ, sau khi bị cách chức, vẫn được vua Tự Đức vời vào kinh đi tìm đất đặt lăng cho vua Thiệu Trị. Trong bài thơ thăm mộ tổ Tào Quận công, ông viết:
Tổng chi sở táng hoặc thiên nhân,
Bất ngoại đức tu chi sở chí.
(Tóm lại thiên táng [1] hay nhân táng,
Không ngoài kết quả việc tu dưỡng đạo đức).
Trong Chí Am tự truyện viết về đời mình có mấy câu kết thúc:
"Thường suy ngẫm câu nói của Chu Phu Tử [2]: "Người ta đến tuổi 40, việc trước mắt còn nhiều, đâu rỗi rãi nghĩ đến văn thơ, huống ta tuổi đã quá mức xưa nay hiếm (70 tuổi), việc trước mắt càng không dám bỏ qua, tùy sức mình mà xử trí, đó là sự nghiệp, hà tất phải là khanh tướng mới là sự nghiệp sao! Cái mà trời hậu đãi ta, là cái do tự ta mà có".
Câu nói trên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính cần mẫn, dù tuổi cao vẫn phải tùy sức mà hoạt động và đặc biệt là đề cao đức tính khiêm tốn. Sự cố gắng bản thân là điều kiện cốt yếu của sự thành công nhưng sự thành đạt - cái "do tự ta mà có" là do "sự hậu đãi của trời". "Trời" có thể hiểu theo nghĩa thông thường là đấng thần linh tối cao, điều khiển vũ trụ, có quyền tạo phúc, giáng họa cho người. Cũng có thể hiểu "trời" không có nghĩa thần bí, mà là sự hội tụ những yếu tố khách quan cần thiết cho sự thành công, như sự hỗ trợ của gia đình và xã hội, cả sự ưa may ngẫu nhiên, mà ngay cả nghị lực tài trí cá nhân cũng do được tiếp nhận từ khí huyết mẹ cha, từ nền giáo dục gia đình và xã hội, đều là những "hậu đãi" mà con người chân chính phải nhận thức và báo đền. Hiểu được như thế là sống theo đạo lý, thành công không tự mãn, thất bại không tuyệt vọng, theo đúng nghĩa tên tự "Tuần Phủ" của nhà thơ.
Đặc biệt có thể nói, tâm tư và nếp sống của ông theo truyền thống của dòng họ trong ngành sư phạm đã được tiếp nối xứng đáng sau này. Hậu duệ của nhà thơ Chí Đình đã có những vị nổi tiếng trong địa hạt giáo dục như: cháu nội ông là Cử nhân Giản Thạch Nguyễn Hữu Cầu (1879-1946), trong nhóm sáng lập Đông Kinh nghĩa thục, một chí sĩ yêu nước từng bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo; chắt nội ông là Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo (1900-1966), là thày dạy cố Tổng bí thư Trường Chinh và Nguyễn Văn Linh, được tôn vinh như "một người thày mẫu mực, một nhà giáo dục tài năng..., một trong những người sáng lập ra nền giáo dục học mới ở Việt Nam" (lời Giáo sư Tiến sĩ Phạm Minh Hạc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục); Cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954) có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo miền Bắc, soạn cuốn Hán Việt từ điển nổi tiếng và mở lớp học năm 1943 ở làng Mọc (nay thuộc quận Đống Đa) tiếp nhận 300 con em nhà nghèo đến học. Trong kháng chiến chống Pháp, cư sĩ đã đưa một lớp 10 tăng ni và 20 em nhỏ đi tản cư, qua chặng đường dài gian khổ. Các cháu nội như Tú tài Nguyễn Văn Đản (1876-1918) và nhà giáo Nguyễn Văn Cẩm (1905-1956) mở trường Đông Hưng học hiệu, Hà Văn học hiệu - "rập khuôn Đông Kinh nghĩa thục”; Tú kép Nguyễn Duy Hy (1884-1914), một thành viên của Đông Kinh Nghĩa Thục; chắt trưởng Nguyễn Bá Doãn (1899-1982), một nhà giáo đã góp phần đào tạo một số chiến sĩ cách mạng tham gia giành chính quyền trong khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 ở Cao Bằng, Bắc Ninh; chắt nội là công trình sư Nguyễn Văn Bé (1912-2007) - người thày của các kỹ sư thủy điện Việt Nam.
Thế hệ hiện nay là cháu chắt năm, sáu đời của ông vẫn nhắc nhở nhau truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Đông Tác. Nhiều người là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, các nhà khoa học có uy tín trong quan hệ với nhiều nước phát triển trên thế giới.
Họ Nguyễn Đông Tác của nhà thơ Chí Đình đã bền bỉ giữ được truyền thống "dịch thế thi thư" đã nhiều đời, một điểm sáng đẹp của mảnh đất văn vật ngàn năm.
Ngày 21 tháng 12 năm 2010
Tảo Trang Vũ Tuân Sán
[1] Thiên táng: Trời chôn, chỉ là cơ may mà được huyệt tốt, phát phúc cho con cháu. Tục truyền là huyệt được mối đùn lấp thành mộ.
[2] "Thầy Chu" tức Chu Hy, một danh nho đời Tống.